Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Hẹp môn vị là gì? Nguyên nhân gây bệnh và nguyên tắc phòng ngừa

Ngày 07/04/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Hẹp môn vị là tình trạng thức ăn và dịch dạ dày lưu thông xuống tá tràng gặp khó khăn hoặc bị đình trệ một phần, dẫn đến dạ dày bị giãn to, dịch và thức ăn ứ đọng ở dạ dày. Do đó, bệnh gây ảnh hưởng tới hoạt động hệ tiêu hóa, nguy hiểm hơn có thể gây hoại tử dạ dày dẫn đến phải phẫu thuật cắt bỏ. Vậy, hẹp môn vị là gì và biến chứng bệnh nguy hiểm như thế nào?

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Hẹp môn vị là gì? 

Môn vị là phần nằm cuối dạ dày, nối liền dạ dày với hành tá tràng và được cấu tạo như một van cơ học để giữ thức ăn trong dạ dày. Khi thức ăn được tiêu hóa ở dạ dày, sẵn sàng chuyển xuống ruột non, môn vị sẽ mở ra để thức ăn tiếp tục quá trình tiêu hóa đến các phần khác của hệ tiêu hóa.

Hẹp môn vị là tình trạng kích thước môn vị nhỏ khiến thức ăn và dịch dạ dày khó lưu thông hoặc đình trệ hoàn toàn không thể xuống ruột non. Bệnh lý này khiến thức ăn và dịch dạ dày bị ứ đọng trong dạ dày nhiều giờ, ảnh hưởng tới tiêu hóa và hấp thu thức ăn.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của hẹp môn vị

Triệu chứng của hẹp môn vị rất dễ nhầm lẫn với các rối loạn tiêu hóa khác. Tuy nhiên, triệu chứng bệnh kéo dài và ngày càng nghiêm trọng không thể cải thiện bằng các biện pháp thông thường. Người bệnh nên đi khám sớm tránh biến chứng nguy hiểm.

Giai đoạn đầu:

  • Đau bụng: Tính chất đau không có gì đặc biệt, thường đau sau bữa ăn, đau vùng thượng vị, giảm đau sau khi nôn;

  • Buồn nôn và nôn: Xuất hiện sớm sau khi ăn, đôi khi nôn ra thức ăn của bữa ăn trước cùng dịch dạ dày màu xanh đen;

  • Bệnh nhân có cảm giác đầy bụng, khó tiêu, ậm ạch;

  • Toàn thân chưa biến đổi, chưa có tình trạng mất nước và rối loạn điện giải.

Giai đoạn tiến triển:

  • Đau bụng: Xuất hiện khoảng 2 – 3 giờ sau khi ăn, đau tăng khi ăn vào. Đau từng cơn liên tiếp nhau, mặc dù rất đói nhưng bệnh nhân không dám ăn;

  • Buồn nôn và nôn: Nôn ngày càng nhiều, nôn ra thức ăn của bữa ăn trước cùng dịch dạ dày màu xanh đen. Sau nôn bệnh nhân hết đau, cho nên đôi khi bệnh nhân phải móc họng để nôn;

  • Toàn thân: Người gầy, da khô, mất nước và mệt mỏi. Do nôn nhiều, ăn, uống ít nên thể trạng bệnh nhân gầy sút nhanh, tiểu ít và táo bón.

Giai đoạn cuối:

  • Đầy bụng, trướng bụng, ăn uống khó tiêu, ậm ạch;

  • Đau từng cơn liên tục nhưng nhẹ hơn giai đoạn trước;

  • Nôn ít hơn, nhưng mỗi lần nôn ra rất nhiều dịch ứ đọng và thức ăn bữa trước (có khi từ 2 – 3 ngày trước). Dịch nôn có mùi thối, bệnh nhân thường phải móc họng cho nôn;

  • Toàn thân: Tình trạng suy sụp toàn thân rõ rệt, biểu hiện mất nước: Thể trạng gầy, da khô nhăn nheo, mặt hốc hác, mắt lõm sâu, đôi khi lơ mơ vì ure huyết tăng cao, có trường hợp vì canxi trong máu thấp gây co giật.

Tác động của hẹp môn vị đối với sức khỏe

Mức độ nguy hiểm của hẹp môn vị phụ thuộc vào mức độ hẹp, nếu phát hiện và điều trị kịp thời, người bệnh sẽ không gặp nguy hiểm. Tuy nhiên, bệnh tiến triển nặng, hẹp nghiêm trọng gây ứ đọng phần lớn hoặc hoàn toàn thức ăn cùng dịch vị dạ dày gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe người bệnh. Một số tác động của hẹp môn vị đối với sức khỏe:

  • Nôn kéo dài: Nôn kéo dài gây mất nước, mất cân bằng điện giải, cơ thể mệt mỏi, suy kiệt.

  • Suy nhược cơ thể: Hẹp môn vị khiến cơ thể không hấp thu được nhiều dinh dưỡng từ thức ăn, là nguyên nhân gây sụt cân nhanh, suy nhược cơ thể nghiêm trọng cùng với các triệu chứng khó chịu. Ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần người bệnh.

Biến chứng có thể gặp khi mắc hẹp môn vị

Trong hầu hết các trường hợp, hẹp môn vị càng kéo dài, nguy cơ dẫn đến các biến chứng nguy hiểm càng cao. Bệnh có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm:

  • Sự mất nước, mất cân bằng điện giải khiến cơ thể cơ thể mệt mỏi, suy kiệt;

  • Nôn lặp đi lặp lại gây kích ứng và chảy máu nhẹ ở dạ dày; 

  • Sự tích tụ bilirubin (chất bài tiết của gan) dẫn đến sự thay đổi ở màu da, mắt đổi sang màu vàng; 

  • Ngoài ra, hẹp môn vị còn làm tăng nguy cơ phát triển các bệnh lý người bệnh đang mắc phải: Suy tim,... gây nguy hiểm đến tính mạng bệnh nhân.

  • Hẹp môn vị kéo dài cũng là biến chứng nặng khiến các bệnh: Ung thư đầu tụy, ung thư dạ dày, polyp dạ dày,... trở nên nghiêm trọng hơn.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Nhận thấy sự xuất hiện của bất kỳ dấu hiệu, triệu chứng nào thì tốt nhất nên đến ngay bệnh viện để được thăm khám, xét nghiệm và được các bác sĩ chuyên khoa hướng dẫn điều trị.

Tuyệt đối không được thờ ơ trước các bất thường của cơ thể, vì có thể khiến bệnh tiến triển đến mức trầm trọng, việc chữa trị vô cùng khó khăn và gặp không ít rủi ro, biến chứng.

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến hẹp môn vị

Hẹp môn vị được chia thành các mức độ khác nhau để điều trị và phòng ngừa biến chứng tốt hơn. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này rất đa dạng, đôi khi là sự kết hợp của nhiều nguyên nhân gồm:

  • Loét dạ dày – tá tràng: Nguyên nhân thường gặp nhất gây hẹp môn vị ở người trưởng thành và người cao tuổi, đặc biệt là bệnh nhân viêm loét dạ dày – tá tràng mạn tính không được điều trị tốt. Ổ loét gần môn vị có thể gây hẹp tại chỗ do các cơn co thắt phối hợp làm hẹp hoặc do viêm nhiễm gây phù nề ở môn vị;

  • Di truyền: Có thể gặp ở trẻ em bị hẹp môn vị không liên quan đến bệnh lý dạ dày. Thực tế, những trẻ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn các trẻ khác nếu sinh ra trong gia đình có bố mẹ, ông bà bị hẹp môn vị;

  • Ung thư hang – môn vị dạ dày: Khối u ác tính phát triển cản trở, làm chít hẹp môn vị kèm theo tình trạng viêm nhiễm.

Ngoài các nguyên nhân nguy hiểm và thường gặp trên, một số nguyên nhân hiếm gặp hơn dẫn đến hẹp môn vị, bao gồm:

  • Nguyên nhân trong dạ dày: U môn vị lành tính, sẹo cơ hang vị, sẹo bỏng dạ dày,…

  • Nguyên nhân ngoài dạ dày: U tụy xâm lấn môn vị hoặc tá tràng, tổ chức tụy vòng lạc chỗ vùng môn vị, biến chứng sau phẫu thuật cắt túi mật, viêm dính quanh tá tràng do viêm túi mật,...

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc phải hẹp môn vị

Bệnh có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, giới tính. Bệnh này xảy ra đa phần ở trẻ sơ sinh dưới 6 tháng tuổi, đặc biệt với bé nam.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải hẹp môn vị 

Có rất nhiều yếu tố có thể khiến tăng nguy cơ mắc bệnh này, như:

  • Loét dạ dày – tá tràng, đặc biệt loét ở bờ cong nhỏ gần môn vị;

  • Chứng phì đại môn vị ở người lớn;

  • Bệnh lao, giang mai gây biến chứng loét, hẹp môn vị;

  • Người bị ung thư đầu tụy, u đầu tụy;

  • Trẻ có người thân là bố mẹ, ông bà mắc bệnh hẹp môn vị thì trẻ này sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn các trẻ khác;

  • Trẻ đầu lòng có nguy cơ bị hẹp môn vị cao hơn trẻ sinh sau;

  • Những trẻ có mẹ sử dụng thuốc lá trong thai kỳ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn;

  • Một số trẻ cần dùng thuốc kháng sinh sau khi sinh có thể có nguy cơ mắc bệnh cao hơn. Những trẻ có mẹ dùng một số loại thuốc kháng sinh vào cuối thai kỳ cũng có thể có nguy cơ cao hơn.

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán hẹp môn vị

  • Triệu chứng: Đau bụng vùng thượng vị, nôn ra thức ăn cũ, ậm ạch, đầy bụng khó tiêu, móc họng để nôn, nôn xong dễ chịu;

  • Khám lâm sàng: Kiểm tra ổ bụng có thể cảm nhận được sự mở rộng cơ môn vị; 

  • Xét nghiệm máu: Kết quả xét nghiệm cho thấy việc mất cân bằng điện giải: Natri, magie, canxi,… có thể là dấu hiệu của việc nôn và mất nước. 

  • Siêu âm: Đánh giá tình trạng dạ dày bị ứ dịch hoặc cơ môn vị phồng lên; 

  • X–Quang: Phát hiện bất thường ở dạ dày;

  • Hút dịch vị: Thực hiện vào buổi sáng trước bữa ăn, trong dịch vị có thể lẫn thức ăn bữa trước, dịch vị nhiều cho thấy có hiện tượng ứ đọng. 

Phương pháp điều trị hẹp môn vị

Khi tiến hành điều trị hẹp môn vị, người bệnh cần được chẩn đoán bệnh chính xác. Sau một đợt điều trị người bệnh nên tái khám để biết tình trạng điều trị bệnh. Thăm khám định kỳ giúp tầm soát tình trạng bệnh hoặc nguy cơ tiến triển của bệnh.

Hẹp môn vị thường được điều trị bằng việc phẫu thuật giúp giải quyết tình trạng hẹp, đồng thời chữa triệt căn.

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp hạn chế diễn tiến của hẹp môn vị

  • Ăn uống điều độ không ăn quá no, không bỏ bữa, không để bụng quá đói, nên chia nhỏ bữa ăn, ăn thức ăn mềm, dễ tiêu;

  • Nên nhai kỹ thức ăn trước khi nuốt;

  • Không sử dụng các thức uống có tính chất kích thích dạ dày: Bia, rượu, các thức uống có ga, cà phê,…;

  • Không hút thuốc lá hay sử dụng chất kích thích;

  • Lắng nghe và làm theo mọi hướng dẫn, chỉ định của bác sĩ;

  • Liên hệ ngay với bác sĩ khi có những bất thường xuất hiện trong quá trình điều trị;

  • Thăm khám định kỳ để được theo dõi diễn tiến của bệnh và tình trạng sức khỏe.

Phương pháp phòng ngừa hẹp môn vị

Phòng ngừa bệnh viêm loét dạ dày – tá tràng vì viêm loét dạ dày – tá tràng cũng là nguyên nhân dẫn đến hẹp môn vị. Để phòng ngừa, cần lưu ý một số vấn đề:

  • Chế độ nghỉ ngơi, ăn uống hợp lý, nhai kỹ thức ăn trước khi nuốt;

  • Không nên ăn thức ăn chứa nhiều dầu mỡ (các món chiên, rán, xào,…), đồ chua cay, bia, rượu, cà phê,… Nên uống nhiều nước;

  • Sau khi ăn, nên nghỉ ngơi 30 - 45 phút. Tuyệt đối không được vận động ngay sau khi ăn, không ăn quá no,…

  • Nên dành thời gian tập thể dục hàng ngày để giúp cơ thể tăng sức đề kháng và tinh thần thoải mái hơn;

  • Thăm khám định kỳ giúp tầm soát tình trạng bệnh hoặc nguy cơ tiến triển của bệnh;

  • Nếu có bất kỳ triệu chứng nào, nên thăm khám bác sỹ để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Nguồn tham khảo
  1. https://www.mayoclinic.org/

  2. https://my.clevelandclinic.org/

Các bệnh liên quan

  1. Són phân

  2. Sỏi ống mật chủ

  3. Viêm xơ đường mật

  4. Viêm loét dạ dày

  5. Khe nứt và lỗ rò hậu môn, trực tràng

  6. Gan to

  7. Barrett thực quản

  8. Nôn

  9. Loạn khuẩn đường ruột

  10. Viêm dạ dày ruột