Đỗ quyên trong tự nhiên là loại cây sinh sống chủ yếu ở vùng rừng núi phía Bắc nước ta. Nhưng vì loài cây này có hoa đẹp, thích hợp để trồng làm cảnh nên cây hoa đỗ quyên đã được các nhà vườn nhân giống để bán, phục vụ cho thú chơi hoa. Ngoài có hoa đẹp, màu sắc sặc sỡ, loài thực vật này còn có công dụng trị bệnh cực hữu hiệu nữa đấy!
Đặc điểm cây hoa đỗ quyên
Cây hoa đỗ quyên còn được biết đến với những tên gọi khác như: Báo xuân hoa, thanh minh hoa, sơn trà hoa, sơn thạch lựu, ánh sơn hồng,... Ở nước ta, cây phân bố chủ yếu ở các tỉnh miền núi phía Bắc, nơi có thời tiết lạnh kéo dài và sương mù, độ ẩm cao quanh năm.
Có khoảng 15 loài đỗ quyên khác nhau và nhiều loài trong số đó có tác dụng chữa bệnh
Đỗ quyên được xếp vào nhóm cây cảnh quý hiếm. Cây mang những đặc điểm như:
- Cây đỗ quyên có dạng cây bụi nhỏ, cao từ 0,3 – 1,4m, cây phân thành nhiều cành nhánh.
- Thân và cành non của cây có lông mềm.
- Lá đỗ quyên mọc so le, hình mác hoặc bầu dục, mép lá có lông, mặt dưới lông dày đặc hơn.
- Hoa đỗ quyên mọc thành cụm ở ngọn thân và đầu cành, hoa có nhiều màu từ màu tím, đỏ, vàng kim…
- Quả đỗ quyên dạng nang hình tròn, dài khoảng 2,5cm và có lông mềm.
Trong tự nhiên, cây hoa đỗ quyên sinh trưởng chậm, ra hoa nhiều. Mùa hoa thường kéo dài từ tháng 12 năm trước đến tháng 3 năm sau. Loài hoa này có nhiều màu, màu nào cũng sặc sỡ nên thu hút giới chơi hoa.
Công dụng chữa bệnh của cây hoa đỗ quyên
Trong Đông y, các bộ phận của cây đỗ quyên đều có tác dụng dược lý và có thể dùng làm bài thuốc trị bệnh. Hoa và lá đỗ quyên có vị chua ngọt, tính ấm, được các thầy thuốc Đông y nhắc đến với công dụng hoạt huyết, điều kinh, trừ đờm, giảm ho, khử phong thấp, ngứa da, tổn thương phần mềm... Rễ đỗ quyên có vị chua, chát, dù có tính độc nhưng lại có tác dụng hoạt huyết, trừ phong thấp, cầm máu…
Cây đỗ quyên mọc trong tự nhiên
Trong y học hiện đại, các nhà khoa học cũng đã chứng minh được công dụng chữa bệnh của loài thực vật này như:
- Trong hoa và quả đỗ quyên, các nhà khoa học tìm thấy chất andromedotoxin có tác dụng hạ huyết áp và giảm nhịp tim. Tuy nhiên, cẩn cẩn trọng bởi chất này cũng có thể gây ngộ độc. Người bị ngộ độc andromedotoxin sẽ có biểu hiện: Tiết nước bọt, nôn ói, đi đứng khó, hô hấp khó khăn, chân tay tê bại, nhịp tim loạn…
- Cả hoa đỗ quyên và quả của loài thực vật này đều có tác dụng giảm đau. Quả được đánh giá là có hiệu quả giảm đau tốt hơn hoa.
- Hoa của cây đỗ quyên cũng có tác dụng tiêu diệt côn trùng nhờ chất độc tiếp xúc với côn trùng trực tiếp hoặc qua đường tiêu hóa của côn trùng.
- Cây đỗ quyên cũng có tác dụng trong việc chữa trị chứng phong hàn, viêm đau khớp xương, đau dây thần kinh, viêm phế quản mãn tính.
- Dịch chiết từ hoa được dùng để thủy châm, nhĩ châm nhằm gây tê hoặc tăng cường tác dụng gây tê cho các tiểu phẫu (nhất là ở vùng đầu mặt, cổ, ngực, bụng).
- Cây đỗ quyên cũng là bài thuốc dân gian chữa bệnh dị ứng da, ngứa da hiệu quả.
- Loại cây này còn rất đặc hiệu trong việc chữa trị các chấn thương phần mềm trên cơ thể.
Nếu dùng chữa bệnh chỉ nên dùng đỗ quyên đỏ
Bài thuốc chữa bệnh từ cây hoa đỗ quyên
Trong Đông y từ xưa đến nay có nhiều bài thuốc chữa bệnh từ hoa đỗ quyên. Nếu quan tâm đến cách trị bệnh tự nhiên, không dùng thuốc với loài thực vật này, bạn có thể tham khảo những bài thuốc sau:
-
Chữa đau dây thần kinh tọa bằng cách sắc 3g rễ đỗ quyên, 60g thổ ngưu tất, 30g uy linh tiên, 30g rễ lục nguyệt sương uống nhiều ngày. Ngày uống 2 lần trước khi ăn vào bữa chính.
-
Chữa bệnh thấp khớp, đau xương khớp gây khó vận động bằng cách ngâm 12g hoa đỗ quyên tươi với 3g rễ kim anh trong 1 lít rượu trắng 40 độ. Sau 1 tháng dùng uống 10 - 20ml/lần trước khi đi ngủ.
-
Chữa chứng rụng tóc bằng cách ngâm 15g bông đỗ quyên với 15g cốt toái bổ, 30g xuyên hoa tiên, 25g cao lương và 1 lít rượu trắng trong 7 ngày. Trước mỗi lần gội đầu dùng lát gừng tươi chà xát da đầu, sau đó dùng tăm bông tẩm loại rượu trên bôi vào vùng rụng tóc.
-
Chữa viêm phế quản mãn tính bằng cách sắc 30g lá đỗ quyên, 15g lá nhót, 24g rau diếp cá lấy nước uống. Hoặc ngâm 60g bông đỗ quyên với 500ml rượu trắng trong 10 ngày bỏ ra uống mỗi ngày 3 lần, mỗi lần 10ml.
-
Chữa chảy máu cam dùng 30g hoa hoặc lá đỗ quyên tươi sắc nước uống.
-
Chữa mụn nhọt bằng cách giã nát lá đỗ quyên non rồi đắp vào vị trí sưng đau.
Dùng bông đỗ quyên sắc nước uống có thể kết hợp với các thành phần khác
- Chữa dị ứng, mẩn ngứa bằng cách nấu nước lá đỗ quyên tươi tắm hàng ngày.
- Chữa viêm loét dạ dày bằng cách sắc 12g rễ đỗ quyên với 15g cành lá mộc hương, 12g quất bì lấy nước uống.
- Chữa viêm ruột, kiết lỵ bằng cách sắc 10g rễ đỗ quyên với nước uống trong ngày.
- Chữa áp xe vú ở phụ nữ đang cho con bú bằng cách sắc 30g rễ đỗ quyên với nước uống trong ngày.
- Điều hòa kinh nguyệt ở nữ giới bằng cách sắc uống 15g hoa đỗ quyên, 15g rễ đỗ quyên 15g, 15g cây hàm ếch uống đến khi khỏi.
- Phụ nữ sau sinh bị đau bụng hậu sản có thể dùng 30g rễ đỗ quyên tươi uống hàng ngày.
- Người bị bệnh trĩ có thể dùng 60g rễ đỗ quyên tươi sắc cùng 1 đoạn ruột già heo uống trong ngày.
- Có thể dùng bột lá đỗ quyên khô rắc lên vết thương để cầm máu. Người có vết thương bầm tím, sưng tấy trong cơ thể có thể giã nát lá tươi, đắp vào vùng bị tổn thương.
Đỗ quyên hoa vàng là loài có độc không nên sử dụng
Đông y từ xưa đến nay có nhiều bài thuốc chữa bệnh từ các thành phần rễ, thân, lá tươi, lá khô, quả và hoa đỗ quyên. Tuy nhiên, để nó phát huy tác dụng, chúng ta cần đúng liều lượng và tốt nhất nên tham khảo ý kiến của các thầy thuốc Đông y trước khi dùng.
Thanh Hương
Nguồn tham khảo: Vinmec