Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Hội chứng cơ cánh tay quay là gì? Dấu hiệu nhận biết và biện pháp điều trị

Ngày 05/04/2024
Kích thước chữ

Cánh tay là một bộ phận quan trọng, góp mặt trong hầu hết các hoạt động hàng ngày. Khi một người mắc phải hội chứng cơ cánh tay quay thì chắc chắn sẽ bị cản trở đáng kể trong sinh hoạt.

Hội chứng cơ cánh tay quay nếu được phát hiện và điều trị sớm sẽ tăng khả năng phục hồi vùng tổn thương bằng các liệu pháp giảm đau, giảm viêm. Tuy nhiên, điều quan trọng là chúng ta chủ động phòng ngừa, vì có rất nhiều hoạt động hàng ngày chúng ta lặp đi lặp lại khiến nguy cơ tổn thương cơ cánh tay quay càng cao mà chúng ta không hề hay biết.

Hội chứng cơ cánh tay quay là gì?

Hội chứng cơ cánh tay quay là tình trạng ảnh hưởng đến cơ cánh tay quay, một bộ phận giữ vai trò rất quan trọng đối với các cử động như gập khuỷu tay và quay sấp cẳng tay. Nằm từ cân cánh tay đến mỏm trâm quay, chức năng của cơ này rất cần thiết cho các hoạt động thể chất hàng ngày của chúng ta. Cơ cánh tay quay được chi phối bởi dây thần kinh quay, khi bị tổn thương có thể phát triển thành hội chứng đau cân cơ.

Hội chứng cơ cánh tay quay là gì? Dấu hiệu nhận biết và biện pháp điều trị 1
Cơ cánh tay quay được nhận biết tổn thương qua điểm đau khởi phát

Cơ cánh tay quay dễ bị tổn thương do đây là bộ phận đảm nhận các chuyển động lặp đi lặp lại phổ biến trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta, chẳng hạn như việc ủi quần áo, sử dụng tuốc nơ vít hoặc tham gia một số hoạt động thể thao nhất định. Ví dụ, việc uốn cong và duỗi khuỷu tay lặp đi lặp lại trong khi tập luyện hoặc chơi thể thao có thể gây ra các triệu chứng đau. Bị tai nạn dẫn đến chấn thương cơ hoặc thực hiện kỹ thuật không đúng trong các môn thể thao như quần vợt cũng làm tăng nguy cơ tổn thương dẫn đến hội chứng cơ cánh tay quay.

Ngoài ra, các yếu tố lối sống cũng góp phần đáng kể vào nguy cơ gây ảnh hưởng đến cơ cánh tay quay. Những người có lối sống ít vận động, đặc biệt là những người ngồi trước màn hình trong thời gian dài mà ít thay đổi tư thế, sẽ dễ bị tổn thương hơn ở bộ phận này.

Các triệu chứng phổ biến thường bao gồm cơn đau lan xuống cẳng tay và có thể đến khuỷu tay vì chúng có mối liên kết với nhau. Tình trạng này có thể tiến triển thành hội chứng đau cơ mãn tính, gây ảnh hưởng đến nhiều bộ phận cơ thể.

Cách nhận biết hội chứng cơ cánh tay quay

Đau nhạy cảm khu trú tại vùng cơ cánh tay quay là điểm đau khởi phát giúp nhận diện được bệnh lý này. Khi đi khám, bác sĩ sẽ yêu cầu bệnh nhân gấp và quay sấp cẳng tay, qua đó có thể phát hiện được điểm đau nhạy cảm nằm ở gờ trên lồi cầu ngoài xương cánh tay.

Tiếp đó, bác sĩ sẽ ấn vào cơ hoặc kéo dãn cơ nhằm kích thích cơ học các điểm đau khởi phát. Điều này làm gia tăng cảm giác đau tại chỗ và đau cả ở những vùng cơ tham chiếu khác.

Bên cạnh các triệu chứng lâm sàng, để điều trị hiệu quả bác sĩ có thể chỉ định bệnh nhân thực hiện những xét nghiệm và chẩn đoán sau đây:

  • Sinh thiết: Khi sinh thiết ở vị trí đau thường không cho thấy bất kỳ bất thường đáng kể nào về mô học, chỉ thỉnh thoảng có dấu hiệu thoái hóa sáp tại vùng cơ nơi điểm đau khởi phát.
  • Xét nghiệm máu: Người bị hội chứng cơ cánh tay quay thông thường sẽ có nồng độ myoglobin trong huyết tương tăng cao. Tuy nhiên, điều này vẫn đang được nghiên cứu và chưa được kiểm chứng rộng rãi.
  • Chẩn đoán điện cơ: Mặc dù sự gia tăng điện thế được ghi nhận ở những bệnh nhân mắc hội chứng cơ cánh tay quay, tuy nhiên tương tự như xét nghiệm máu, phương pháp này cũng cần được nghiên cứu và kiểm chứng thêm.
Hội chứng cơ cánh tay quay là gì? Dấu hiệu nhận biết và biện pháp điều trị 2
Chẩn đoán điện cơ giúp phần nào tìm ra nguyên nhân đau

Biện pháp điều trị hội chứng cơ cánh tay quay

Hội chứng cơ cánh tay quay gây rất nhiều trở ngại đối với người bệnh, làm ảnh hưởng đến các hoạt động hàng ngày cũng như chất lượng cuộc sống nói chung. Thông thường, bệnh ở giai đoạn đầu khởi phát, bệnh nhân chủ yếu được điều trị tập trung vào mục đích giảm đau, giảm viêm. Các tùy chọn bao gồm:

  • Liệu pháp lạnh: Chườm túi lạnh lên vùng bị ảnh hưởng có thể làm giảm sưng và làm tê cơn đau, giúp giảm đau ngay lập tức.
  • Thuốc: Thuốc chống viêm không steroid (NSAID) có thể giúp kiểm soát cơn đau và giảm viêm, giúp các hoạt động hàng ngày trở nên dễ kiểm soát hơn.
  • Phục hồi chức năng để thúc đẩy và tăng cường khả năng vận động.
Hội chứng cơ cánh tay quay là gì? Dấu hiệu nhận biết và biện pháp điều trị 3
Chườm lạnh giúp làm tê cơn đau

Khi các triệu chứng đau cấp tính đã được kiểm soát, bác sĩ sẽ hướng đến giải quyết các yếu tố hình thành nên bệnh lý, kết hợp điều trị phục hồi sức cơ lẫn khả năng vận động. Cụ thể:

  • Vật lý trị liệu: Các bài tập phù hợp được thiết kế để tăng cường cơ cánh tay quay và cải thiện tính linh hoạt. Chuyên gia vật lý trị liệu sẽ hướng dẫn bạn một chế độ tập trung, đảm bảo bạn lấy lại sức mạnh cho cơ mà không gặp nguy cơ tổn thương thêm.
  • Điều chỉnh lối sống: Bệnh nhân được hướng dẫn điều chỉnh các hoạt động hàng ngày để tránh những chuyển động có thể làm trầm trọng thêm tình trạng bệnh, bao gồm những thay đổi về công thái học tại nơi làm việc hoặc thay đổi thói quen tập luyện để bảo vệ vai.
  • Luyện tập tư thế: Tư thế xấu có thể góp phần gây căng cơ cánh tay quay. Bệnh nhân cần kết hợp các bài tập thúc đẩy sự liên kết thích hợp có thể làm giảm áp lực lên vùng bị ảnh hưởng.

Đối với những trường hợp mà việc áp dụng các phương pháp nêu trên không mang lại hiệu quả, bác sĩ sẽ cân nhắc áp dụng các lựa chọn nâng cao hơn, bao gồm:

  • Tiêm steroid: Tiêm Corticosteroid có thể giúp giảm đau và sưng tạm thời, đặc biệt đối với những người không đáp ứng với các phương pháp điều trị khác.
  • Phẫu thuật: Trong những trường hợp nghiêm trọng, có thể cần phải can thiệp bằng phẫu thuật để sửa chữa các vấn đề gặp phải, bao gồm khả năng gân bị rách hoặc loại bỏ các gai xương gây cản trở.
Hội chứng cơ cánh tay quay là gì? Dấu hiệu nhận biết và biện pháp điều trị 4
Tiêm steroid giúp giảm đau tạm thời

Phòng bệnh là trên hết. Mỗi chúng ta đều cần thường xuyên tập các bài tập giúp tăng cường sức mạnh cho vai, duy trì tư thế tốt và chú ý đến các hoạt động hàng ngày có thể làm giảm đáng kể nguy cơ mắc hội chứng cơ cánh tay quay. Điều quan trọng là nhận biết sớm các dấu hiệu tổn thương để đi khám kịp thời, ngăn ngừa bệnh ngày càng tiến triển gây khó cho quá trình điều trị và phục hồi.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Mỹ Huyền

Đã kiểm duyệt nội dung

Dược sĩ Đại học có nhiều năm kinh nghiệm trong việc tư vấn Dược phẩm và hỗ trợ giải đáp thắc mắc về Bệnh học. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin