Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Gãy lồi cầu ngoài xương cánh tay điều trị như thế nào?

Ngày 31/10/2022
Kích thước chữ

Gãy lồi cầu ngoài xương cánh tay là chấn thương rất phổ biến ở trẻ em và cả người lớn. Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng trên là do té ngã, va đập khiến cho phần lồi cầu ngoài xương cánh tay bị tổn thương, gãy, nứt.

Trong số những ca gãy xương ở trẻ em được thống kê, mức độ phổ biến của gãy lồi cầu ngoài xương cánh tay đứng vị trí thứ 10, một thứ hạng cho thấy mức độ phổ biến của chấn thương này. Với tỷ lệ biến chứng vô cùng cao, gãy lồi cầu ngoài xương cánh tay cần được điều trị kết hợp, đem đến hiệu quả tốt nhất. 

Tìm hiểu chung về gãy lồi cầu ngoài xương cánh tay 

Tình trạng gãy lồi cầu ngoài xương cánh tay là khi phần lồi cầu ngoài của cánh tay bị chấn thương do chịu tác dụng lực mạnh một cách đột ngột hoặc do tai nạn, té ngã trong lao động, sinh hoạt hàng ngày. Chấn thương khớp dạng này thường gặp ở trẻ em nhiều hơn ở người lớn, đặc biệt là đối tượng trẻ từ 5 - 12 tuổi. 

Gãy lồi cầu ngoài xương cánh tay điều trị như thế nào 1

Gãy lồi cầu ngoài xương cánh tay có nhiều dạng, phổ biến ở trẻ em

Theo góc độ y học, gãy lồi cầu ngoài xương cánh tay được phân thành 2 loại rõ ràng, gồm có: 

Gãy duỗi: Ở trường hợp này, đầu lồi cầu bị gãy bị lệch ra phía sau của thân xương cánh tay, rất hay gặp ở trẻ em và chiếm đến 60% tình trạng gãy lồi cầu ngoài xương cánh tay ở độ tuổi này. Tình trạng gãy duỗi thường do nguyên nhân gián tiếp gây nên như ngã ở tư thế sấp, dùng tay duỗi thẳng chống đỡ cơ thể gây gãy lồi cầu ngoài xương cánh tay. 

Gãy gấp: Trường hợp này ít gặp hơn so với gãy duỗi, tuy nhiên không loại trừ khả năng xảy ra ở mọi đối tượng, nhất là trẻ em từ 8 - 10 tuổi. Khi đầu lồi cầu dưới bị chấn thương, đi lệch sang phía trước của xương cánh tay dẫn đến tình huống gãy gấp. Khi té ngã, nhất là té ngã với tư thế ngã ngửa và dùng tay chống phía sau dẫn đến gãy gấp lồi cầu ngoài cánh tay. 

Ngoài phân loại gãy lồi cầu ngoài xương cánh tay theo cách này còn có một số cách phân loại khác dựa trên nhiều yếu tố, mời bạn cùng tìm hiểu ngay sau đây nhé. 

Phân loại cách dạng gãy lồi cầu ngoài xương cánh tay 

Có nhiều cách để phân loại gãy lồi cầu ngoài xương cánh tay, tùy theo những nguyên tắc, hệ quy chiếu khác nhau lại có cách phân loại khác nhau, điển hình như: 

Phân loại theo phân độ của Gartland, tình trạng gãy lồi cầu ngoài xương cánh tay, gãy duỗi được chia thành 3 cấp độ riêng biệt là: 

  • Cấp độ I: Là tình trạng gãy lồi cầu ngoài xương cánh tay nhưng không có dấu hiệu bị di lệch khỏi vị trí ban đầu.
  • Cấp độ II: Là cấp độ dùng để chỉ hiện tượng gãy có di lệch nhưng lớp vỏ bên ngoài xương không bị tách rời, còn dính bám với một mức độ nhất định trên xương.
  • Cấp độ III: Dùng để chỉ tình trạng gãy có di lệch một cách hoàn toàn, khiến cho 2 đầu xương lồi cầu bị gãy không còn cài vào nhau nữa, đầu dưới xương bị di lệch ra phía trước hoặc phía sau so với ban đầu. 

Ngoài cách phân loại gãy duỗi, gãy gấp lồi cầu ngoài xương cánh tay cũng được chia làm 3 cấp độ nhất định với những biểu hiện cụ thể như: 

  • Cấp độ I: Tình trạng xương bị gãy không xảy ra di lệch hoặc chỉ di lệch ít, không đáng kể, vùng giữa thân của xương cánh tay và lồi cầu ngoài tạo thành một góc không vượt quá 15 độ được xếp vào cấp độ I.
  • Cấp độ II: Dùng để chỉ tình trạng gãy gấp có di lệch nhưng phần vỏ xương vẫn còn bám dính tốt, chưa có dấu hiệu bị bong ra khỏi xương.
  • Cấp độ III: Cũng giống với phân loại gãy duỗi, gãy gấp cấp độ III cũng để chỉ tình trạng gãy lồi cầu ngoài xương cánh tay bị di lệch hoàn toàn.

Gãy lồi cầu ngoài xương cánh tay điều trị như thế nào 2

Gãy lồi cầu ngoài gây cảm giác đau đớn, khó cử động, bầm tím,...

Bên cạnh 2 cách phân loại trên còn có 1 cách phân loại gãy lồi cầu ngoài xương cánh tay nữa theo quan điểm của Marion và Lagrange với 4 cấp độ, đó là: 

  • Độ I: Lớp vỏ trước của xương cánh tay bị gãy.
  • Độ II: Phần xương cánh tay bị gãy hoàn toàn nhưng cánh tay không có dấu hiệu bị di lệch, di chuyển.
  • Độ III: Gồm có tình trạng gãy hoàn toàn xương cánh tay và có di lệch nhưng hai diện được ghi nhận vẫn còn phần tiếp xúc với nhau, di lệch không nhiều.
  • Độ IV: Khi cánh tay, xương cánh tay, lồi cầu ngoài xương cánh tay gãy hoàn toàn và hai diện di lệch nhiều, không còn tiếp xúc với nhau sẽ được xếp vào độ IV. 

Nói chung, tình trạng gãy lồi cầu ngoài xương cánh tay được phân loại thành nhiều dạng khác nhau và để phân loại được chính xác nhất, cần thực hiện kiểm tra, xét nghiệm và khám lâm sàng, cho kết quả chính xác nhất. 

Khi bị gãy lồi cầu ngoài xương cánh tay, người bệnh có thể nhận diện bằng cách quan sát thấy mặt bên ngoài của phần khuỷu tay có dấu hiệu sưng đau, bầm tím bất thường và khó cử động, di chuyển hơn so với bình thường. Khi này, bạn cần đến bệnh viện sớm để thực hiện các kiểm tra cần thiết sớm nhất, có phác đồ điều trị thích hợp, hạn chế tối đa di chứng lâu dài. 

Điều trị gãy lồi cầu ngoài xương cánh tay như thế nào? 

Một trong những thắc mắc phổ biến nhất của người bệnh khi bị gãy lồi cầu ngoài xương cánh tay là cách điều trị như thế nào, có cần phẫu thuật không, bao lâu thì lành,... 

Việc phân loại có ý nghĩa rất quan trọng trong việc chọn cách điều trị thích hợp cho người bệnh, giúp xương phục hồi nhanh chóng, giảm khả năng để lại di chứng nguy hiểm. 

Đối với tình trạng gãy lồi cầu ngoài xương cánh tay không di lệch hoặc chỉ di lệch ít, cách điều trị được dùng nhiều nhất là bó bột cố định xương, nắn kín, xuyên đinh qua da hoặc mở nắn, xuyên đinh qua xương. Với mỗi cấp độ cụ thể và tình trạng sụn khớp có bị tổn thương hay không, bác sĩ sẽ sử dụng những phương pháp phổ biến nhất trên đây để điều trị gãy lồi cầu ngoài xương cánh tay cho bệnh nhân, kể cả trẻ em hay người lớn. 

Ngoài ra, với trường hợp gãy lồi cầu ngoài xương cánh tay có độ di lệch nặng, cách chữa trị gần như duy nhất là mở nắn, xuyên đinh cánh tay. Bởi khi này, xương đã bị xê dịch một khoảng lớn, nếu chỉ bó bột hoặc nắn kín thông thường sẽ không đạt được hiệu quả tốt nhất. 

Gãy lồi cầu ngoài xương cánh tay điều trị như thế nào 3

Phẫu thuật mở nắn, xuyên đinh điều trị trường hợp di lệch nặng

Tóm lại, khi nhận thấy bản thân hoặc người thân có dấu hiệu bất thường, nghi ngờ bị gãy lồi cầu ngoài xương cánh tay cần đưa đến bệnh viện thăm khám chính xác, điều trị sớm cũng như tham khảo ý kiến từ bác sĩ về chế độ sinh hoạt, ăn uống, phòng tránh các biến chứng, di chứng không mong muốn. 

Xem thêm:

Hướng dẫn sơ cứu gãy xương cánh tay chi tiết

Gãy xương khuỷu tay bao lâu thì lành?

Hồng Nhung

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại học Nguyễn Tuấn Trịnh

Đã kiểm duyệt nội dung

Từng làm ở Viện ISDS, nhiều năm cộng tác với CDC Thái Nguyên triển khai dự án phòng chống HIV/AIDS, 2 năm cộng tác với WHO.

Xem thêm thông tin