Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Hội chứng phóng thích Cytokine sau liệu pháp miễn dịch

Ngày 24/05/2022
Kích thước chữ

Hội chứng phóng thích Cytokine xảy ra khi các tế bào miễn dịch được kích hoạt và giải phóng một lượng lớn cytokine vào cơ thể.

Cytokine là những protein nhỏ, giúp cho các tế bào của cơ thể có sự tương tác với nhau. Khi hệ thống miễn dịch phát hiện có các mối đe dọa thì những tế bào sẽ giải phóng các cytokine để phối hợp phản ứng cơ thể.

Hội chứng phóng thích Cytokine sau liệu pháp miễn dịch1 Cytokine là những protein nhỏ, giúp cho các tế bào của cơ thể có sự tương tác với nhau

Hội chứng phóng thích Cytokine là gì?

Hội chứng phóng thích Cytokine (CRS) là một tập hợp các triệu chứng là tác dụng phụ của một số loại liệu pháp miễn dịch, đặc biệt là những trường hợp liên quan đến tế bào T. Hội chứng xảy ra khi các tế bào miễn dịch được kích hoạt và giải phóng một lượng lớn cytokine vào cơ thể. Cytokine là các protein nhỏ đóng vai trò là sứ giả của tế bào để giúp định hướng phản ứng miễn dịch của cơ thể. Tuy nhiên, nồng độ cytokine cao có thể gây tăng hoạt động viêm toàn cơ thể. Điều này có thể gây hại và can thiệp vào một số chức năng cơ thể. Trong trường hợp nghiêm trọng, CRS có thể gây suy tạng và thậm chí tử vong.

CRS thường phát sinh trong vòng 3-14 ngày sau điều trị bằng liệu pháp miễn dịch dựa trên tế bào T. Nó thường bắt đầu với triệu chứng sốt và các triệu chứng giống cúm nhưng có thể xấu đi nhanh chóng và gây ra bệnh nghiêm trọng.

Điều trị CRS bao gồm theo dõi và chăm sóc hỗ trợ để kiểm soát các triệu chứng. Một số bệnh nhân có thể cần chăm sóc đặc biệt và thuốc để giảm đáp ứng miễn dịch (thuốc ức chế miễn dịch).

Bệnh nhân có nguy cơ sẽ được theo dõi trong khoảng một tháng sau khi được điều trị liệu pháp miễn dịch. Các triệu chứng thường cải thiện trong vòng 1-2 tuần. Hầu hết bệnh nhân không có vấn đề lâu dài từ hội chứng giải phóng cytokine.

Hội chứng phóng thích Cytokine sau liệu pháp miễn dịch2 Một tập hợp các tác dụng phụ của một số loại liệu pháp miễn dịch

Triệu chứng của hội chứng phóng thích Cytokine

Các triệu chứng của CRS được gây ra bởi phản ứng miễn dịch quá mức trong cơ thể. Có thể ảnh hưởng lên nhiều cơ quan. Trong một số trường hợp, CRS có thể gây ra những biến đổi đe dọa tính mạng lên chức năng tim, phổi, thận, gan và não.

Nhiều triệu chứng CRS có thể có nguyên nhân khác. Nhiễm độc thần kinh và các tác dụng phụ khác của liệu pháp miễn dịch có thể xảy ra khi có hoặc không có triệu chứng CRS. Đội ngũ chăm sóc sẽ thực hiện các xét nghiệm và theo dõi các triệu chứng để lên kế hoạch điều trị tốt nhất.

Cơ quan bị ảnh hưởng Triệu chứng
Tổng trạng Sốt, ớn lạnh, mệt mỏi, yếu, chán ăn, buồn nôn, nôn, tiêu chảy, nhức đầu, đau khớp hoặc cơ, phát ban da
Tim và mạch máu Hạ huyết áp, nhịp tim tăng, nhịp tim không đều, giảm chức năng tim, phù
Não và hệ thần kinh Nhức đầu, lú lẫn, chóng mặt, co giật, ảo giác, giảm khả năng phối hợp, vấn đề về ngôn ngữ hoặc nuốt, run, vấn đề kiểm soát cử động
Phổi Ho, khó thở, giảm chức năng phổi, giảm nồng độ oxy
Thay đổi các marker Giảm chức năng thận hoặc gan, tăng nồng độ cytokine trong máu, rối loạn điện giải, rối loạn đông cầm máu

Nguyên nhân của Hội chứng phóng thích Cytokine

Hội chứng giải phóng Cytokine xảy ra sau khi điều trị bằng liệu pháp miễn dịch kích hoạt các tế bào T để chống ung thư. Những liệu pháp này kích hoạt một phản ứng viêm miễn dịch quá mức do sự giải phóng các cytokine.

Trong ung thư ở trẻ em, liệu pháp miễn dịch thường liên quan đến CRS bao gồm blinatumomab và tisagnlecleucel.

Blinatumomab (Blincyto®) là một kháng thể đơn dòng kích thích tế bào T nhị hiệu (bispecific T-cell engager BiTE). Thuốc này hoạt động bằng cách làm cho các tế bào T nhắm đến một protein có tên CD19 được tìm thấy trên một số loại tế bào ung thư bạch cầu.

Tisagenlecleucel (Kymriah®) là một liệu pháp miễn dịch tế bào T CAR. Nó hoạt động bằng cách dùng kỹ thuật để cho tế bào T có các thụ thể đặc biệt gọi là thụ thể kháng nguyên chimeric (CAR). Những thụ thể này giúp các tế bào T nhận biết và tấn công các tế bào ung thư.

Hiện nay, liệu pháp miễn dịch tế bào CAR trong ung thư nhi thường được sử dụng nhiều nhất ở trẻ em mắc bệnh bạch cầu cấp dòng lympho tái phát hoặc kháng trị (ALL).

Điều trị hội chứng phóng thích Cytokine

Điều trị CRS bao gồm theo dõi và xét nghiệm, điều trị các triệu chứng cụ thể và thuốc để giảm đáp ứng miễn dịch. Đội ngũ chăm sóc sẽ theo dõi các triệu chứng và dấu hiệu suy tạng. Phương pháp điều trị dựa trên mức độ nặng hoặc mức độ của hội chứng giải phóng cytokine. Trẻ em mắc ung thư càng rộng có nguy cơ mắc CRS nặng hơn.

Hội chứng phóng thích Cytokine sau liệu pháp miễn dịch3 Trẻ em mắc ung thư càng rộng có nguy cơ mắc CRS nặng hơn

Theo dõi triệu chứng và xét nghiệm

Bệnh nhân có nguy cơ mắc CRS nên được theo dõi chặt chẽ, đặc biệt là trong những tuần đầu tiên sau khi điều trị miễn dịch.

Theo dõi CRS bao gồm:

  • Thân nhiệt;
  • Nhịp thở;
  • Huyết áp;
  • Nhịp tim;
  • Oxy máu;
  • Khám thần kinh để theo dõi những thay đổi trong chức năng não và hệ thần kinh;
  • Các xét nghiệm như công thức máu, điện giải đồ, các chỉ số về chức năng thận và gan, cytokine và các marker khác của chức năng miễn dịch và nhiễm trùng.

Chăm sóc hỗ trợ và điều trị triệu chứng

Một số bệnh nhân có thể cần được chăm sóc trong môi trường ICU.

Chăm sóc hỗ trợ bao gồm:

  • Truyền dịch nuôi dưỡng;
  • Hỗ trợ oxy hoặc máy thở;
  • Thuốc điều hòa huyết áp;
  • Thuốc hỗ trợ chức năng tim;
  • Truyền máu;
  • Thuốc hoặc lọc máu để hỗ trợ chức năng thận.

Phòng chống co giật

Bệnh nhân có nguy cơ bị ảnh hưởng não và hệ thần kinh có thể được dùng một loại thuốc như levetiracetam (Keppra®) để giúp ngăn ngừa co giật có thể xảy ra với liệu pháp miễn dịch.

Thuốc làm giảm đáp ứng miễn dịch

Bệnh nhân bị CRS nặng được điều trị bằng thuốc chống lại phản ứng miễn dịch. Những loại thuốc này bao gồm các liệu pháp trúng đích để ngăn chặn các cytokine cụ thể, cũng như các thuốc ức chế miễn dịch nói chung.

Một cytokine phổ biến là interleukin-6 (IL-6). Các loại thuốc thường được sử dụng để can thiệp vào IL-6 là tocilizumab và siltuximab.

Corticosteroid như methylprednisolone hoặc dexamethasone cũng có thể được sử dụng để giúp giảm phản ứng viêm và miễn dịch; nó không nhắm đích vào các cytokine cụ thể mà chỉ ức chế miễn dịch nói chung.

Bởi vì thuốc ức chế miễn dịch có khả năng can thiệp vào tác dụng chống ung thư của liệu pháp miễn dịch và cũng có tác dụng phụ khác, nên những loại thuốc này không phải được sử dụng trong mọi trường hợp.

Nhóm chăm sóc sẽ cân nhắc lợi ích và rủi ro tiềm ẩn trong việc quyết định kế hoạch điều trị tốt nhất.

Hội chứng phóng thích Cytokine là một biến chứng nghiêm trọng có thể xảy ra với liệu pháp miễn dịch. Bệnh nhân có nguy cơ được theo dõi chặt chẽ. Phương pháp điều trị tập trung vào việc điều trị triệu chứng và hỗ trợ chức năng cơ quan.

Bác sĩ có thể giúp bạn hiểu hội chứng phóng thích cytokine và biết liệu con bạn có nguy cơ hay không. Luôn luôn nói chuyện với nhóm chăm sóc của bạn về bất kỳ mối quan tâm về sức khỏe nào và báo cáo những thay đổi xảy ra trong hoặc sau khi điều trị.

Thủy Phan

Nguồn Tham Khảo: yhoccongdong

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại học Nguyễn Tuấn Trịnh

Đã kiểm duyệt nội dung

Từng làm ở Viện ISDS, nhiều năm cộng tác với CDC Thái Nguyên triển khai dự án phòng chống HIV/AIDS, 2 năm cộng tác với WHO.

Xem thêm thông tin