Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Hội chứng tăng áp lực nội sọ: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

Ngày 20/02/2023
Kích thước chữ

Hội chứng tăng áp lực nội sọ là một trong những hội chứng ở các bệnh của chuyên khoa thần kinh. Đây được đánh giá là hội chứng nguy hiểm và có thể đe dọa tính mạng của người bệnh nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời. Vậy hội chứng tăng áp lực nội sọ là gì? Đâu là nguyên nhân gây ra hội chứng này? Hội chứng này bao gồm các triệu chứng nào và cách điều trị ra sao? Tất cả sẽ có trong bài viết dưới đây.

Hội chứng tăng áp lực nội sọ là gì? Đây đang là chủ đề được rất nhiều người quan tâm. Hiểu được mong muốn đó, trong bài viết sức khỏe hôm nay, Nhà Thuốc Long Châu sẽ chia sẻ đến bạn đọc những thông tin xoay quanh chủ đề này. Vậy nên, đừng bỏ qua bài viết này bạn nhé!

Hội chứng tăng áp lực nội sọ: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị 1 Hội chứng tăng áp lực nội sọ là gì?

Hội chứng tăng áp lực nội sọ là gì?

Hộp sọ là một cấu trúc cứng có thể tích cố định. Trong hộp sọ có tổ chức não, dịch não tủy và máu. Đây là những tổ chức đóng vai trò quan trọng trong việc tạo nên áp lực nội sọ và các bệnh lý gây tăng thể tích các tổ chức này đều gây nên tăng áp lực nội sọ.

Như vậy, tăng áp lực nội sọ là tình trạng gia tăng áp lực trong não. Hội chứng này có thể do lượng dịch xung quanh tổ chức não tăng lên, ví dụ như tăng dịch não tủy, tăng lượng máu trong não do chấn thương hoặc khối u não vỡ. Hội chứng tăng áp lực nội sọ gây ra bởi 3 cơ chế chính bao gồm: Phù não, não úng thủy và ứ trệ tuần hoàn.

Áp lực nội sọ trung bình dao động trong khoảng từ 7 - 15mmHg và giới hạn tối đa có thể lên đến 20 - 25mmHg. Áp lực nội sọ thỉnh thoảng tăng thoáng qua có liên quan đến một số hoạt động sinh lý như hắt hơi, ho, rặn hoặc vận động Valsalva.

Hội chứng tăng áp lực nội sọ là tình trạng rất nguy hiểm có thể gây đe dọa đến tính mạng của người bệnh. Do đó, người bệnh cần được phát hiện và điều trị sớm để tránh gây ra những biến chứng khó lường như lọt trung tâm, thoát vị tiểu não lên trên lều tiểu não, thoát vị hạnh nhân tiểu não, teo gai thị giác, thiếu máu não…

Nguyên nhân dẫn đến tăng áp lực nội sọ

Nguyên nhân dẫn đến tăng áp lực nội sọ bao gồm:

  • Tổn thương lan tỏa trong sọ bao gồm: Khối máu tụ do chấn thương hoặc đột quỵ, khối u, áp xe và phù não do nhiễm trùng, nhiễm ký sinh trùng hoặc nhiễm nấm.
  • Phù não: Trạng thái động kinh hoặc thiếu oxy kéo dài gây phù não, bệnh não do chuyển hóa (bệnh gan, bệnh thận, các bệnh nội tiết), nhiễm khuẩn thần kinh trung ương (viêm màng não, viêm não) có thể gây phù não nặng.
  • Tăng dịch não tủy do tăng sản xuất CSF và khối u đám rối màng mạch.
  • Giảm tái hấp thu dịch não tủy do não úng thủy tắc nghẽn và viêm màng não hoặc u hạt.
  • Tăng lưu lượng máu do chèn ép tĩnh mạch cảnh, huyết khối xoang tĩnh mạch, tăng áp lực tĩnh mạch trung tâm, phẫu thuật vùng cổ… gây tắc nghẽn đường ra của tĩnh mạch.
  • Ngoài ra, hội chứng tăng áp lực nội sọ còn gây ra bởi một số nguyên nhân khác như: Tăng áp lực nội sọ vô căn hoặc lành tính, dị tật hộp sọ, sử dụng tetracyclin quá liều hoặc thừa vitamin A.

Các triệu chứng của hội chứng tăng áp lực nội sọ

Một số triệu chứng thường gặp ở người bệnh mắc hội chứng tăng áp lực nội sọ bao gồm:

  • Đau đầu: Đây là triệu chứng xuất hiện sớm nhất và thường gặp ở hầu hết người bệnh mắc hội chứng này. Ở giai đoạn đầu, triệu chứng này thường xuất hiện vào buổi sáng, đau thời gian ngắn và tự hết. Giai đoạn sau đau đầu tăng lên, đau từng cơn, các cơn đau xuất hiện khi thay đổi tư thế, đau đầu có khi khu trú và khi có teo gai thị sau ứ phù thì hết đau đầu. Một số ít trường hợp người bệnh đau đầu âm ỉ và kéo dài.
  • Buồn nôn, nôn: Đây cũng là một triệu chứng thường gặp ở những người mắc hội chứng tăng áp lực nội sọ. Triệu chứng này thường xảy ra vào buổi sáng kèm đau đầu. Người bệnh thường nôn vọt không liên quan đến bữa ăn. Người bệnh có thể đau đầu dữ dội sau đó nôn. Nôn xong đỡ đau đầu.
  • Rối loạn tinh thần: Suy giảm trì trệ nhẹ (phản ứng đối về ngoại cảnh chậm chạp và kém linh hoạt), áp lực nội sọ tăng (bàng quan, mất khả năng tổng hợp các nhận thức), thậm chí người bệnh có thể rơi vào tình trạng lơ mơ, kích động, hôn mê.
  • Phù gai thị: Với các mức độ từ cương tụ quanh đĩa thị đến teo gai thị. Các mức độ này phụ thuộc vào thời gian và mức tăng áp lực nội sọ.
  • Rối loạn thị giác: Nhìn đôi do liệt dây IV một bên hoặc 2 bên. Triệu chứng này có thể liên quan đến tăng áp lực nội sọ mà không liên quan đến nguyên nhân.
  • Tăng chu vi vòng đầu ở trẻ dưới 5 tuổi do ICP gây giãn khớp sọ.
  • Co giật: Có thể cơn co giật cục bộ hoặc co giật toàn bộ hoặc cục bộ toàn thể hóa thứ phát.
  • Rối loạn tuần hoàn: Tăng tiết mồ hôi, mạch chậm, huyết áp tăng.
  • Rối loạn chức năng hô hấp: Nhịp thở chậm và sâu dần khi bệnh tiến triển nặng.
  • Ngoài ra còn rối loạn một số chức năng khác như: Chóng mặt với dáng đi thất điều, ù tai, cơn động kinh, rối loạn nội tiết.
Hội chứng tăng áp lực nội sọ: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị 2 Đau đầu là triệu chứng điển hình của hội chứng tăng áp lực nội sọ

Các biện pháp chẩn đoán và điều trị tăng áp lực nội sọ

Các biện pháp chẩn đoán tăng áp lực nội sọ

Một số biện pháp giúp bác sĩ chẩn đoán tăng áp lực nội sọ bao gồm:

  • Khai thác các thông tin về tiền sử bệnh bao gồm: Các chấn thương đầu gần đây hoặc bệnh lý nào đó đã được chẩn đoán, kiểm tra giác quan, trạng thái tinh thần…
  • Đánh giá áp lực dịch não tủy bằng phương pháp chọc dò tủy sống.
  • Chụp CT để quan sát và đánh giá tình trạng não.
  • Để chẩn đoán xác định, bác sĩ có thể sẽ chỉ định thực hiện chụp cộng hưởng từ nhằm phát hiện sự thay đổi trong mô nhu não.
Hội chứng tăng áp lực nội sọ: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị 1 Chụp CT não là một trong những phương pháp giúp chẩn đoán tăng áp lực nội sọ

Điều trị tăng áp lực nội sọ

Phương pháp điều trị tăng áp lực nội sọ phụ thuộc vào tốc độ phát triển của áp lực nội sọ. Nguyên tắc mục tiêu điều trị hướng đến bao gồm: Duy trì áp lực tưới máu não, điều trị nguyên nhân gây tăng áp lực nội sọ và giảm áp lực nội sọ. Trong đó, giảm áp lực nội sọ là mục tiêu cấp bách trong điều trị tăng áp lực nội sọ. 

Các phương pháp điều trị tăng áp lực nội sọ bao gồm:

Phương pháp điều trị nội khoa: 

  • Cho người bệnh nằm đầu cao 30 độ, giữ thẳng cổ để tạo điều kiện dẫn lưu tĩnh mạch khỏi đầu.
  • Sử dụng các dung dịch ưu trương như Manitol, Furosemide để giảm phù não.
  • Sử dụng thuốc Steroids như Dexamethasone 4 mg.
  • Tăng thông khí cho người bệnh.
  • Hạ nhiệt độ cơ thể.
  • Gây mê bằng Barbiturat.
  • Sử dụng thuốc an thần, thuốc chống co giật (nếu cần).
  • Kiểm soát huyết áp.

Điều trị nguyên nhân:

  • Phẫu thuật cắt bỏ u, phẫu thuật lấy ổ máu tụ.
  • Tiến hành xạ trị, hóa trị.
  • Đặt dẫn lưu não thất.
Hội chứng tăng áp lực nội sọ: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị 4 Kiểm soát huyết áp để đảm bảo huyết áp luôn ở mức đủ để duy trì CPP > 60 mmHg

Trên đây là toàn bộ thông tin xoay quanh hội chứng tăng áp lực nội sọ mà Nhà Thuốc Long Châu đã tổng hợp để chia sẻ đến bạn đọc. Hy vọng qua bài viết này, bạn đọc có thể hiểu hơn về hội chứng tăng áp lực nội sọ cũng như các phương pháp giúp chẩn đoán và điều trị hội chứng này. Đừng quên tiếp tục theo dõi trang web của Nhà Thuốc để cập nhật những bài viết sức khỏe bổ ích mỗi ngày bạn nhé!

Ánh Vũ

Nguồn tham khảo: Medlatec.vn

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Thị Thảo Nguyên

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Khoa Dược trường Đại học Nam Cần Thơ. Có nhiều năm kinh nghiệm công tác trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện đang giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin