Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Bệnh sán thần kinh trung ương và những điều có thể bạn chưa biết

Ngày 05/03/2024
Kích thước chữ

Nhiều người đã nghe đến bệnh giun sán ở đường tiêu hóa nhưng ít người biết đến bệnh sán thần kinh trung ương, đây là căn bệnh nguy hiểm. Hãy cùng tìm hiểu ở bài viết này của Nhà thuốc Long Châu nhé!

Bệnh sán thần kinh trung ương ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe và đời sống của người bệnh, tuy nhiên chưa nhiều người biết đến căn bệnh này. Cùng Nhà Thuốc Long Châu tìm hiểu đặc điểm, nguyên nhân, cách điều trị và phòng bệnh hiệu quả nha!

Đặc điểm sán thần kinh trung ương

Giun sán là một trong những sinh vật đa bào, sống tự do trong môi trường kỵ khí hoặc ký sinh trong cơ thể con người và động vật. Giun sán gây ảnh hưởng nghiêm trọng đối với sức khỏe con người khi chúng ký sinh trong cơ thể. 

Khí hậu nước ta là nhiệt đới ẩm gió mùa, đây là điều kiện thuận lợi cho giun sán phát triển đặc biệt trong môi trường như đất, bùn, rác thải... Khi động vật ăn, uống phải những thức ăn có chứa sinh vật đa bào chúng sẽ dễ trở thành vật chủ ký sinh.

Giun sán có rất nhiều loại, mỗi loại có những đặc điểm khác nhau và ngay cả vị trí ký sinh cũng khác nhau. Nguyên nhân thường gặp nhất của bệnh sán thần kinh trung ương là do cơ thể nhiễm phải ấu trùng sán dải heo.

Ấu trùng sán dải heo tồn tại trong thịt heo (thịt lợn), bệnh nhân nhiễm sán do ăn phải thịt có chứa ấu trùng mà chưa được làm sạch. Ngoài ra ấu trùng sán còn lây từ người sang người thông qua đường tiếp xúc phân/miệng. Loại giun sán này là một trong các nguyên nhân hàng đầu gây động kinh, đặc biệt gặp tại những nước đang phát triển khi điều kiện vệ sinh còn kém. Đối tượng bị bệnh không phân biệt giới tính và độ tuổi.

Bệnh sán thần kinh trung ương và những điều có thể bạn chưa biết
Ấu trùng sán dải heo là nguyên nhân chủ yếu gây bệnh sán thần kinh trung ương

Triệu chứng bệnh sán thần kinh trung ương

Sán dải heo có chu kỳ sinh học 2 vật chủ, con người là vật chủ chính và heo là vật chủ trung gian.

Khi con người ăn thịt heo chưa chín có nhiễm sán. Sán theo đường tiêu hóa đi vào trong ruột non, bám vào thành ruột và phát triển. Ấu trùng nở ra vượt qua thành ruột đi vào máu và đi đến hầu hết các mô tạo thành các nang sán. Ấu trùng được tìm thấy phổ biến nhất trong hệ thống thần kinh trung ương, nhưng cũng có thể thấy ở vị trí khác như hốc mắt, cơ, dưới da hoặc các mô khác.

Triệu chứng thường gặp của bệnh sán thần kinh trung ương là:

  • Động kinh là triệu chứng phổ biến nhất, 70% số người bệnh có triệu chứng này.
  • Đau đầu, đau đầu dữ dội đôi khi kèm chóng mặt.
  • Có thể có tình trạng rối loạn tâm thần, đột quỵ,...
  • Có thể tùy vị trí mà người bệnh có những triệu chứng khác như liệt nửa người, liệt vận nhãn, rối loạn vận động, rối loạn phản xạ...

Tình trạng nhiễm giun sán nói chung hầu hết đến từ chế độ ăn uống thiếu lành mạnh, thường xuyên sử dụng những thực phẩm sống như tiết canh, gỏi, rau sống...

Điều trị và phòng bệnh sán thần kinh trung ương như thế nào?

Điều trị bệnh sán thần kinh trung ương

Trước khi điều trị, người bệnh sẽ được chỉ định làm một số cận lâm sàng để được chẩn đoán bệnh chính xác. Một số bệnh nhân được chỉnh định sinh thiết các nang sán dưới da để tìm ấu trùng sán dải heo hoặc ELISA dịch não tủy để tìm kháng thể và kháng nguyên ấu trùng sán. Phương pháp này tìm được chính xác được nguyên nhân và có độ nhạy, độ đặc hiệu cao từ đấy giúp chẩn đoán xác định bệnh.

Chụp cắt lớp vi tính và cộng hưởng từ (MRI) giúp phát hiện vị trí tổn thương, đặc điểm tổn thương và các nang sán trên cơ thể. Phương pháp này giúp đánh giá được tình trạng tiến triển bệnh trước và sau điều trị.

Ngoài ra, bác sĩ có thể chỉ định làm xét nghiệm dịch não tủy đối với những bệnh nhân có dấu hiệu co giật; Soi đáy mắt tìm nang sán với những người bệnh có dấu hiệu tăng nhãn áp, giảm thị lực,... 

Bệnh sán thần kinh trung ương và những điều có thể bạn chưa biết
Chẩn đoán bệnh chính xác giúp bệnh nhân điều trị hiệu quả và tránh được biến chứng nguy hiểm

Bệnh sán thần kinh trung ương khi được phát hiện, điều trị kịp thời sẽ giúp bệnh nhân tránh khỏi những biến chứng nguy hiểm, ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe và cuộc sống hàng ngày.

Tùy theo từng trường hợp mà có phương pháp điều trị hiệu quả, cụ thể như sau:

  • Khi ký sinh trùng đã chết: Bệnh nhân sẽ được điều trị triệu chứng, bên cạnh đó sẽ kết hợp sử dụng thuốc chống co giật và hạn chế tình trạng động kinh.
  • Khi ký sinh trùng còn sống: Điều trị bằng cách sử dụng các thuốc như albendazole, praziquantel và niclosamide để tiêu diệt ấu trùng sán. 
  • Trường hợp não úng thủy: Bệnh nhân bị viêm màng não, bể não có nhiều nang sán, trong trường hợp này người bệnh có thể được chỉ định làm phẫu thuật.
Bệnh sán thần kinh trung ương và những điều có thể bạn chưa biết
Tùy từng bệnh nhân mà bác sĩ sẽ có phương pháp điều trị sao cho phù hợp

Với người bệnh khi bị nhiễm sán thần kinh trung ương, tiên lượng điều trị khá tốt. Các triệu chứng như co giật, động kinh có thể được kiểm soát khi bệnh được phát hiện sớm và có những phương pháp điều trị kịp thời. Việc điều trị sẽ trở nên khó khăn khi tình trạng diễn biến nặng, nhất là với những bệnh nhân phát hiện muộn và có biến chứng. Thời gian điều trị bệnh sẽ lâu hơn, gây nhiều tốn kém, chán nản cho cả bệnh nhân và gia đình.

Bệnh có thể chữa tuy nhiên có thể để lại di chứng cho cơ thể. Các nang sán để lại tổn thương ở hệ thần kinh chính là nguyên nhân dẫn đến những biến chứng sau điều trị. Nhiều trường hợp có thể kiểm soát được tình trạng động kinh nhưng triệu chứng này trở thành mạn tính. 

Các bệnh nhân khi ở thể nặng, nang sán lớn, nhiễm trùng nghiêm trọng gây tình trạng não úng thủy, khó đáp ứng điều trị. Theo thống kê thì tỷ lệ tử vong của bệnh nhân nhiễm sán thần kinh trung ương là khoảng 20%. 

Phương pháp phòng bệnh sán thần kinh trung ương

Nguyên nhân mà người bệnh mắc bệnh sán thần kinh trung ương chủ yếu là do thói quen ăn uống, vệ sinh không đảm bảo. Bệnh này là căn bệnh nguy hiểm tới sức khỏe, chính vì thế việc phòng bệnh rất quan trọng và cần thiết. Một số phương pháp phòng bệnh hiệu quả có thể kể đến đó là:

  • Tuyệt đối không ăn các món ăn chưa chín như tái, tiết canh,...;
  • Không uống nước lã chưa đun sôi, không ăn rau sống;
  • Giữ vệ sinh nhà cửa sạch sẽ, khô ráo, thoáng mát, sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh;
  • Rửa tay sau khi đi vệ sinh và trước khi ăn, bỏ thói quen trong cuộc sống hằng ngày như cắn móng tay, thường xuyên đưa tay vào trong miệng...;
  • Với những gia đình chăn nuôi heo, không thả rông heo để tránh heo ăn phải đồ ăn linh tinh nguy cơ nhiễm sán, từ đó lây bệnh sang người;
  • Xử lý tốt phân vật nuôi trong nhà như chó, mèo,... bởi đây cũng là trung gian truyền bệnh.
Bệnh sán thần kinh trung ương và những điều có thể bạn chưa biết
Không ăn đồ ăn chưa được nấu chín sẽ giúp bạn phòng tránh được tình trạng nhiễm giun sán 

Nhà thuốc Long Châu hy vọng bài viết này sẽ giải đáp được những thắc mắc về căn bệnh nhiễm sán thần kinh trung ương và những phương pháp điều trị, phòng bệnh hiệu quả. Bệnh sán thần kinh trung ương dễ gây biến chứng nếu không phát hiện. Khi có những triệu chứng trên hãy đến bệnh viện, cơ sở y tế gần nhất để được bác sĩ thăm khám và điều trị kịp thời nhé.

Xem thêm:

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Thanh Hải

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Đại học Dược Hà Nội, với hơn 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện là giảng viên giảng dạy các môn Dược lý, Dược lâm sàng,...

Xem thêm thông tin