Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ/
  4. Tâm lý - Tâm thần

Hội chứng tuổi dậy thì: Nguyên nhân, biểu hiện và biện pháp phòng ngừa

Ngày 02/07/2024
Kích thước chữ

Tuổi dậy thì, giai đoạn chuyển tiếp đầy biến động từ trẻ em sang người trưởng thành, đánh dấu những thay đổi mạnh mẽ về cả thể chất lẫn tâm sinh lý ở các em. Tuy nhiên, bên cạnh những "dấu mốc" phát triển tích cực, nhiều trẻ lại phải đối mặt với những rối loạn cảm xúc, thường được gọi là "hội chứng tuổi dậy thì". Nếu không được quan tâm và hỗ trợ kịp thời, những rối loạn này có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển toàn diện của trẻ.

Hội chứng tuổi dậy thì là một vấn đề quan trọng và đáng lo ngại mà nhiều gia đình đang phải đối mặt. Trong bài viết này, chúng ta sẽ tìm hiểu về biểu hiện, nguyên nhân và một số biện pháp phòng ngừa cũng như cải thiện hội chứng tuổi dậy thì. Mời bạn đọc theo dõi!

Nguyên nhân gây hội chứng tuổi dậy thì

Tuổi thơ vốn dĩ là khoảng thời gian hồn nhiên, vui vẻ và đầy ắp tiếng cười. Tuy nhiên, không ít trẻ em lại phải đối mặt với những "bóng tối" trong tâm hồn do hội chứng tâm lý, để lại những vết thương lòng khó phai mờ.

Nhiều nguyên nhân dẫn đến hội chứng tâm lý ở trẻ, trong đó:

  • Sang chấn tâm lý: Trẻ bị bạo lực học đường, bị tấn công hay lạm dụng tình dục, hoặc trải qua những biến cố đau lòng như tai nạn, thiên tai, mất mát người thân,... đều có thể dẫn đến sang chấn tâm lý, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe tinh thần của trẻ.
  • Áp lực tâm lý: Áp lực học tập, thi cử, sự kỳ vọng quá cao từ gia đình, nhà trường hay những khó khăn trong cuộc sống có thể khiến trẻ cảm thấy căng thẳng, stress, dẫn đến các rối loạn tâm lý.
  • Môi trường sống không tốt: Gia đình không hạnh phúc, thường xuyên xảy ra mâu thuẫn, bạo lực, hoặc trẻ không được quan tâm, chia sẻ từ người thân cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến hội chứng tâm lý ở trẻ.
  • Yếu tố di truyền: Nếu trong gia đình có tiền sử mắc các bệnh lý về tâm thần, trẻ có nguy cơ cao mắc hội chứng tâm lý hơn so với những trẻ khác.
Tìm hiểu hội chứng tuổi dậy thì 1
Áp lực tâm lý có thể là nguyên nhân gây ra hội chứng tuổi dậy thì ở trẻ

Biểu hiện của hội chứng tuổi dậy thì

Trẻ thường tự cô lập chính mình trong không gian riêng, thường không quan tâm đến mọi người xung quanh. Tính tình thường hay thay đổi nhanh chóng nếu gặp phải một đả kích nào đó. Trẻ thường không làm chủ được cảm xúc chính mình, vui buồn thất thường, dễ nổi nóng, cáu gắt, đôi khi là chửi bậy hoặc quát tháo,... Một số trẻ thì việc học tập và tiếp thu thông tin trở nên khó khăn do sự xao nhãng bởi những suy nghĩ, cảm xúc hỗn độn bên trong. Trẻ gặp khó khăn trong việc ghi nhớ bài học, làm bài tập và tập trung trong lớp học.

Tuy nhiên cũng có một số trường hợp trẻ lại tự xây dựng và chuyên tâm thực hiện để hoàn thành một kế hoạch hoặc một mục đích cụ thể nào đó được định sẵn từ trước để thỏa mãn bản thân. Kèm theo có thể có một số rối loạn khác về giấc ngủ, ăn uống hoặc thậm chí là tự tử hay những ý tưởng kỳ lạ. Những biểu hiện về hội chứng tuổi dậy thì thể hiện cụ thể hơn qua những rối loạn sau:

Trầm cảm

Cảm xúc buồn bã kéo dài, cảm giác sợ hãi, lo lắng tội lỗi thái quá, dễ cáu gắt, thay đổi giờ giấc sinh hoạt, mất tập trung học tập.

Hậu quả của trầm cảm là gây ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe tinh thần, học tập và các mối quan hệ của trẻ.

Tìm hiểu hội chứng tuổi dậy thì 2
Trầm cảm ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe tinh thần của trẻ

Rối loạn lo âu

Biểu hiện của rối loạn lo âu thường là xuất hiện từ các hình ảnh lặp đi lặp lại, tác động mạnh mẽ trước hoặc trong giai đoạn dậy thì, hoặc do căng thẳng quá mức từ học tập, sinh hoạt, đặc biệt là áp lực thi cử.

Hậu quả: Gây ra các triệu chứng như tim đập nhanh, khó thở, run rẩy, đổ mồ hôi, mất ngủ, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của trẻ.

Rối loạn ăn uống

Biểu hiện: Hình thành ở trẻ có áp lực về ngoại hình do lời nhận xét từ người khác hoặc tham gia hoạt động đòi hỏi vóc dáng cân đối. Trẻ thường sợ tăng cân, không duy trì trọng lượng ở mức bình thường, lo lắng về cơ thể biến dạng, dẫn đến các hành vi như ăn kiêng quá mức, tập luyện thể thao cường độ cao, lạm dụng thuốc giảm cân,...

Hậu quả: Gây ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất và tinh thần, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng nếu không được điều trị kịp thời.

Rối loạn lưỡng cực

Biểu hiện của rối loạn lưỡng cực: Buồn bã, chán nản xen kẽ với giai đoạn vui vẻ, tăng hoạt động (đi lại, nói nhiều, ca hát, múa,...), hoang tưởng cao độ, dễ bị kích động, có hành vi bốc đồng như hỗn láo, đánh đập người thân.

Hậu quả: Gây rối loạn cảm xúc, suy nghĩ và hành vi, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe tinh thần và các mối quan hệ của trẻ.

Tìm hiểu hội chứng tuổi dậy thì 3
Rối loạn lưỡng cực khiến cảm xúc của trẻ dễ bị thay đổi

Biện pháp phòng ngừa và khắc phục những rối loạn tâm lý ở trẻ tuổi dậy thì

Tuổi mới lớn, giai đoạn "dậy thì" đầy biến động, không chỉ đánh dấu những thay đổi mạnh mẽ về thể chất mà còn ẩn chứa những bí ẩn về tâm sinh lý ở các em. Nhận thức được những khó khăn mà các em phải đối mặt, cha mẹ, nhà trường và xã hội cần chung tay góp sức để phòng ngừa và khắc phục những rối loạn tâm lý, mang đến cho các em một tuổi thơ hồn nhiên và rạng rỡ.

  • Xoa dịu những tổn thương, thấu hiểu, đồng cảm và chia sẻ với những khó khăn, tâm tư của trẻ. Tạo môi trường an toàn, tin tưởng để trẻ có thể thoải mái bộc lộ cảm xúc và suy nghĩ.
  • Giúp trẻ nhận ra điểm mạnh của bản thân, hướng đến những điều tốt đẹp trong cuộc sống. Tránh so sánh trẻ với người khác, tạo áp lực hay kỳ vọng quá cao.
  • Lắng nghe và thấu hiểu. Hãy dành thời gian trò chuyện, tâm sự với trẻ, để trẻ cảm nhận được sự quan tâm và yêu thương từ gia đình. Tôn trọng quyền tự do cá nhân của trẻ, khuyến khích trẻ bày tỏ quan điểm và chia sẻ suy nghĩ.
  • Thiết lập thói quen hợp lý: Hỗ trợ trẻ xây dựng kế hoạch học tập, làm việc và giải trí khoa học. Giới hạn thời gian trẻ tiếp xúc với các thiết bị điện tử, trò chơi điện tử và internet.
  • Dinh dưỡng và sức khỏe: Đảm bảo chế độ dinh dưỡng đầy đủ dưỡng chất thiết yếu cho sự phát triển của trẻ. Khuyến khích trẻ tham gia các hoạt động thể dục thể thao, rèn luyện sức khỏe và tinh thần.
  • Giáo dục giới tính toàn diện: Cung cấp cho trẻ kiến thức về sức khỏe sinh sản và giới tính một cách phù hợp với lứa tuổi. Giúp trẻ hiểu rõ về bản thân, cơ thể và những thay đổi trong giai đoạn dậy thì.
  • Nhận biết dấu hiệu cảnh báo: Quan sát những thay đổi về hành vi, cảm xúc của trẻ. Nếu nhận thấy những dấu hiệu bất thường như buồn bã kéo dài, lo lắng, cáu gắt, thay đổi giờ giấc sinh hoạt,... cần đưa trẻ đến gặp chuyên gia tâm lý để được tư vấn và hỗ trợ kịp thời.
  • Can thiệp sớm: Không ngần ngại đưa trẻ đến gặp bác sĩ tâm lý khi cần thiết. Việc điều trị sớm và đúng cách sẽ giúp trẻ vượt qua những rối loạn tâm lý, phát triển toàn diện và hòa nhập tốt với cộng đồng.
Tìm hiểu hội chứng tuổi dậy thì 4
Chia sẻ với trẻ để giúp trẻ vượt qua những khó khăn ở tuổi dậy thì

Hãy chung tay góp sức để mang đến cho các em tuổi mới lớn một hành trình trưởng thành nhẹ nhàng, an toàn và tràn đầy niềm vui. Bằng sự thấu hiểu, yêu thương và hỗ trợ, chúng ta có thể giúp các em vượt qua những khó khăn, bứt phá tiềm năng và tự tin bước vào tương lai rạng rỡ.

Hy vọng qua bài viết trên bạn đọc đã hiểu hơn về hội chứng tuổi dậy thì. Đừng ngần ngại mà hãy đưa trẻ đến gặp bác sĩ tâm lý khi nhận thấy những dấu hiệu rối loạn tâm lý ở trẻ. Chúc bạn và gia đình sức khỏe, hẹn gặp lại bạn ở những bài viết khác của Nhà thuốc Long Châu.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại học Nguyễn Tuấn Trịnh

Đã kiểm duyệt nội dung

Từng làm ở Viện ISDS, nhiều năm cộng tác với CDC Thái Nguyên triển khai dự án phòng chống HIV/AIDS, 2 năm cộng tác với WHO.

Xem thêm thông tin