Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Hướng dẫn bài vật lý trị liệu cho người gãy chân

Ngày 08/12/2023
Kích thước chữ

Các bài vật lý trị liệu cho người gãy chân có tác dụng hồi phục chức năng cơ xương, tránh tình trạng cứng khớp hoặc teo cơ. Tuy nhiên, tùy tình trạng của từng bệnh nhân sẽ có bài tập phù hợp tương ứng nên người bệnh cần luyện tập dưới sự hướng dẫn và theo dõi của bác sĩ chuyên môn.

Khi bị gãy chân, người bệnh phải bó bột hay sử dụng các dụng cụ chỉnh hình khiến các khớp xương của phải trải qua một thời gian dài bất động, gây ra các hiện tượng cứng khớp, teo cơ và ảnh hưởng chức năng sinh hoạt. Do đó, việc dùng vật lý trị liệu phục hồi chức năng hỗ trợ điều trị gãy xương giữ vai trò rất quan trọng giúp giảm đau, giãn cơ, tăng tuần hoàn máu, sớm hồi phục chức năng vận động. Hãy tham khảo bài viết sau đây để tìm hiểu về các bài vật lý trị liệu cho người gãy chân.

Thế nào là tình trạng gãy chân? Cách điều trị?

Gãy chân là gì?

Gãy chân xảy ra khi xương chân bị gãy hoặc xuất hiện các vết nứt. Nguyên nhân gây tình trạng gãy chân là do bị té ngã, va chạm, tai nạn do chơi thể thao, vận động quá mức, tai nạn giao thông, bị bạo hành, bệnh xương khớp, di chứng của bệnh tiểu đường,... Bất kể vận động sai cách nào cũng có thể gây tổn thương chân.

Khi xương chân bị gãy sẽ có các triệu chứng cơ bản gồm:

  • Đau nhức dữ dội, khi di chuyển cơn đau càng tăng lên;
  • Chân bị gãy sưng phù;
  • Người bệnh hay sợ bị đụng trúng vào vị trí đau;
  • Chân bị bầm tím, biến dạng;
  • Không thể đi lại được.
Hướng dẫn bài vật lý trị liệu cho người gãy chân 1
Gãy chân xảy ra khi xương chân bị gãy hoặc xuất hiện các vết nứt. 

Cách điều trị

Bác sĩ sẽ đề xuất phương án điều trị phù hợp tùy mức độ gãy chân của bệnh nhân, cụ thể gồm:

  • Sơ cứu: Dùng các thanh nẹp cố định chân gãy, nắn xương.
  • Cố định xương bị gãy: Trong khi chờ xương phục hồi, bệnh nhân phải được bó bột hoặc mang nẹp trong 6 - 8 tuần, trường hợp nặng có thể lâu hơn.
  • Sử dụng thuốc: Để làm giảm tình trạng đau nhức, người bệnh dùng thuốc giảm đau, kháng viêm.
  • Phẫu thuật: Người bệnh gãy chân nghiêm trọng có thể phải phẫu thuật. Bác sĩ dùng thiết bị hỗ trợ đưa vào khu vực gãy xương, cố định xương và duy trì vị trí xương trong suốt thời gian điều trị.

Cách phục hồi chức năng sau gãy chân

Dùng nhiệt: Tác dụng của phương pháp này là giảm đau, bớt khó chịu. Dùng túi nước nóng chườm lên chỗ đau để luyện tập. Không được dùng nhiệt sóng ngắn cho toàn chân có đinh, nẹp, vít, vòng bằng kim loại vì khi nóng lên có thể làm hỏng tổ chức, dễ gây viêm rò.

Biện pháp xoa nắn: Nên thường xuyên xoa nắn nhẹ nhàng ổ gãy xương liền khớp. Không được dùng các loại cồn, dầu cao, thuốc xoa bóp nào để xoa vào các khớp vì có thể làm xơ cứng khớp, vôi hóa cạnh khớp.

Vật lý trị liệu: Để phục hồi chức năng và giảm cứng cơ chân, bệnh nhân tập luyện những động tác vật lý trị liệu cơ bản để chân có thể đi lại bình thường sau một thời gian dài bó bột hoặc mang nẹp.

Hướng dẫn bài vật lý trị liệu cho người gãy chân 2
Vật lý trị liệu giúp phục hồi chức năng và giảm cứng cơ chân

Vật lý trị liệu có tác dụng gì cho người gãy chân?

Nếu tuân thủ đúng chỉ định của bác sĩ trong quá trình điều trị và tập vật lý trị liệu, người bị gãy chân hoàn toàn có thể phục hồi như bình thường.

Sau khi bó bột chân, việc tập các bài vật lý trị liệu cho người gãy chân có tác dụng cải thiện sức mạnh và độ bền thể chất của bệnh nhân, điều chỉnh tư thế và cải thiện khả năng vận động của bệnh nhân.

Lợi ích cụ thể của bài vật lý trị liệu gồm:

Trường hợp thay khớp háng nhân tạo: Luyện tập làm giảm tình trạng cứng khớp, rút gân tứ đầu đùi, hỗ trợ máu lưu thông nuôi dưỡng ổ khớp nhân tạo để thích ứng tốt với ổ chảo khung chậu. Tránh trường hợp dễ bị teo cơ khi để lâu, khớp háng xoay ngoài gây dị tật.

Trường hợp gãy thân xương đùi: Sau phẫu thuật gãy xương đùi, người bệnh cần tập vật lý trị liệu sớm để tránh tình trạng dính cơ rút gân, máu không lưu thông được, lâu liền xương.

Trường hợp tổn thương khớp gối (đứt dây chằng hoặc gãy xương): Tập vật lý trị liệu có tác dụng phục hồi chức năng vận động của khớp.

Trường hợp gãy xương cẳng chân: Vật lý trị liệu giúp vết thương mau lành, không để lại di chứng.

Trường hợp bị tổn thương bàn chân: Vật lý trị liệu giúp mau lành vết thương, máu lưu thông tốt, phục hồi khả năng vận động của bàn chân, ngăn ngừa tình trạng dính khớp rút gân, teo cơ bàn chân, cứng khớp.

Các bài vật lý trị liệu cho người gãy chân dễ thực hiện

Tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe và mức độ tổn thương của từng bệnh nhân mà bác sĩ trị liệu sẽ hướng dẫn tập phục hồi chức năng sau gãy chân phù hợp nhất. Bạn có thể tự thực hiện tại nhà các bài vật lý trị liệu cho người gãy chân sau đây:

Vận động khớp

Khớp bị bất động quá lâu khiến các cơ co ngắn lại gây cứng khớp, co rút bao khớp, bao hoạt dịch tăng sản mỡ, làm mỏng sụn. Do đó, tập cử động khớp để giúp dịch khớp ra vào nuôi dưỡng khớp dễ dàng, hỗ trợ phục hồi chức năng sau gãy xương.

Người bệnh tập vận động khớp sau bó bột hoặc từ ngày thứ 3 sau phẫu thuật. Cần luyện bài tập co duỗi khớp trong 10 - 15 phút/lần, ngày 4 - 6 lần với tốc độ 45 giây/lần co duỗi.

Hướng dẫn bài vật lý trị liệu cho người gãy chân 3
Vận động khớp là bài vật lý trị liệu cho người gãy chân hiệu quả

Gập và giữ cơ hông

Bài tập này rất tốt cho những bệnh nhân không thể vận động do gãy chân vì lực cánh tay có thể hỗ trợ cho chân. Cách thực hiện như sau: Dùng tay nắm chân bị chấn thương nâng lên ngực, giữ nguyên 1 giây trước khi từ từ thả chân xuống.

Khi tập, cố gắng giữ thẳng lưng và căng cơ. Khi đã hồi phục đáng kể, bạn có thể tập luyện mà không cần sự hỗ trợ của tay.

Bài tập nhảy cóc

Cách thực hiện như sau: Ngồi lên ghế, nâng nhẹ chân bị chấn thương lên khỏi mặt đất. Giữ đầu gối ở góc 90 độ, di chuyển bàn chân trên sàn. Đá chân ra ngoài tương tự như đang đá một trái banh sang một bên. Sau đó đá chân vào bên trong hướng giữa 2 chân. Lặp lại liên tục động tác này.

Xoay hông trong - ngoài

Cách thực hiện như sau: Đặt một chiếc khăn dưới bàn chân bị thương, dùng tay đỡ chân bị chấn thương để trượt chân về phía trước. Nghiêng hai chân sang một bên rồi đổi sang bên còn lại, có thể dùng tay hỗ trợ.

Căng cơ chân

Bó bột lâu ngày khiến co cứng cơ, gây nhiều khó khăn, đau đớn khi kéo căng cơ chân. Bài tập kéo giãn cơ giúp phục hồi vận động nhanh chóng.

Cách duỗi gân khoeo: Ngồi thẳng, duỗi chân ra phía trước, nắm vào các ngón chân. Khi tập, bạn đang uốn cong hông chứ không hạ thấp lưng. Cố gắng giữ tư thế trong 20 giây nếu không đau rồi từ từ trở lại tư thế ban đầu.

Hướng dẫn bài vật lý trị liệu cho người gãy chân 4
Bài tập kéo giãn cơ giúp phục hồi vận động nhanh chóng

Bài tập bóp trong đùi

Để tăng cường sức mạnh cho chân và các cơ đùi trong, bạn bắt đầu bằng cách nắm hai tay lại thành nắm đấm, đặt tay sát cạnh nhau ở giữa hai đầu gối, ép đầu gối và tay nắm lại với nhau, giữ tư thế ép chân này trong 8 giây hoặc lâu nhất có thể.

Tóm lại, sau điều trị gãy chân, bạn nên tập bài vật lý trị liệu cho người gãy chân để thúc đẩy nhanh khả năng phục hồi, tránh để lại dị tật suốt đời. Do đó, người bị gãy xương chân nên đi thăm khám và tập vật lý trị liệu sớm. Ngoài ra, để đạt kết quả cao trong quá trình trị liệu, người bệnh cũng cần kiên trì tập luyện đều đặn, chú ý tới chế độ dinh dưỡng và hạn chế sử dụng rượu, bia, thuốc lá,...

Xem thêm: Hướng dẫn các bài tập vật lý trị liệu cho khớp gối

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Mỹ Huyền

Đã kiểm duyệt nội dung

Dược sĩ Đại học có nhiều năm kinh nghiệm trong việc tư vấn Dược phẩm và hỗ trợ giải đáp thắc mắc về Bệnh học. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin