Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Mẹ & bé

Hướng dẫn cách chăm sóc trẻ bị tiêu chảy tại nhà

Ngày 23/07/2023
Kích thước chữ

Hệ tiêu hoá của trẻ nhỏ khá yếu ớt. Do đó, tình trạng trẻ bị tiêu chảy rất thường xuyên xảy ra. Những lúc thế này phụ huynh cần trang bị cho mình những kỹ năng và kiến thức cần thiết để chăm sóc trẻ bị tiêu chảy tại nhà. Mời bạn tìm hiểu phương pháp chăm sóc trẻ bị tiêu chảy qua bài viết dưới đây nhé!

Bệnh tiêu chảy không phải là bệnh nguy hiểm nhưng có khả năng dẫn đến tử vong ở trẻ rất cao. Đặc biệt là đối với trẻ dưới 3 tuổi. Do đó, trang bị kiến thức hữu ích về cách chăm sóc trẻ bị tiêu chảy là cực kì cần thiết cho các bậc phụ huynh đang có con nhỏ.

Xây dựng chế độ dinh dưỡng hợp lý cho bé

Nhiều người cho rằng, giảm khẩu phần ăn của trẻ khi bị tiêu chảy sẽ làm tình trạng bệnh lý trở nên khá hơn. Tuy nhiên, đây là quan điểm sai lầm vì cơ thể trẻ cần được cung cấp đủ dưỡng chất để nâng cao sức đề kháng và hỗ trợ quá trình phục hồi. Nhịn ăn có thể gây suy nhược do thiếu chất dinh dưỡng.

Theo các bác sĩ, trẻ bị tiêu chảy vẫn nên ăn uống đủ và ưu tiên các loại thực phẩm mềm, lỏng như cháo, súp,... Tuy nhiên, bạn nên chia nhỏ khẩu phần ăn thành nhiều bữa trong ngày. 

Đối với trẻ đang được cho bú mẹ, việc tiếp tục cho bé bú mẹ là rất quan trọng. Sữa mẹ không chỉ cung cấp dưỡng chất tốt nhất mà còn giúp cân bằng điện giải và ngăn ngừa tiêu chảy. Đối với trẻ đã ăn dặm, có thể cho bé ăn các loại thực phẩm như gạo, khoai tây, cá, thịt heo, thịt gà và sữa chua. Nên cho trẻ ăn thoải mái, đúng lượng thực phẩm mà bé muốn và cách khoảng 3 - 4 giờ mỗi bữa để giúp quá trình hấp thụ tốt hơn. Đồng thời, cần đảm bảo rằng trẻ uống đủ nước trong suốt ngày và xen kẽ với các bữa ăn.

Hướng dẫn cách chăm sóc trẻ bị tiêu chảy tại nhà đúng cách 1
Nên cho trẻ ăn cháo loãng khi trẻ bị tiêu chảy

Để giảm tình trạng tiêu chảy, cần hạn chế cho trẻ ăn rau sợi thô, hạt ngũ cốc nguyên hạt và thịt có nhiều gân xơ. Ngoài ra, không nên cho trẻ ăn quá nhiều đường vì đường có khả năng làm tình trạng tiêu chảy trở nên tồi tệ hơn.

Sử dụng thuốc tiêu chảy có thể bảo vệ niêm mạc ruột

Niêm mạc ruột đóng vai trò quan trọng trong quá trình hấp thu chất dinh dưỡng, giúp duy trì sức khỏe cho cơ thể. Khi gặp tình trạng tiêu chảy, niêm mạc ruột dễ bị tổn thương hoặc phá hủy. Do đó, việc bảo vệ niêm mạc ruột là rất cần thiết trong quá trình điều trị. 

Theo bác sĩ chuyên khoa, khi bé bị tiêu chảy, việc đầu tiên cần làm là sử dụng Oresol để phục hồi lượng nước và điện giải cho cơ thể bé. Trước khi nghĩ đến việc cho bé uống thuốc ngừng tiêu chảy, bạn nên tập trung vào việc bù nước và điện giải cho bé thông qua Oresol.

Đối với các bé dưới 2 tuổi, bạn nên cho uống từng thìa nhỏ cách nhau khoảng 1 - 2 phút. Còn đối với các bé lớn hơn, bạn có thể cho uống từng ngụm bằng cốc. Nếu bé có biểu hiện nôn mửa, nên cho bé uống từng thìa và chậm hơn. Nếu đã bù đủ lượng oresol theo hướng dẫn nhưng bé vẫn nôn quá nhiều và có dấu hiệu mất nước (như khô môi, khô da, tiểu ít, lả người), thì cần đưa bé đến bệnh viện để được chỉ định bù nước thông qua truyền dịch, nhằm tránh tình trạng nguy hiểm.

huong-dan-cach-cham-soc-tre-bi-tieu-chay-tai-nha-dung-cach-2.jpg
Bạn không nên tự ý sử dụng Oresol cho bé mà nên tham khảo ý kiến bác sĩ

Tuyệt đối không nên tự ý sử dụng các loại thuốc cầm tiêu chảy cho trẻ nhỏ khi chăm sóc trẻ bị tiêu chảy cấp tại nhà. Tiêu chảy thường là do nhiễm trùng đường ruột, và việc có phân lỏng giúp cơ thể loại bỏ vi khuẩn và chất độc. Tuy nhiên, các loại thuốc cầm tiêu chảy hiện tại thường làm giảm hoạt động ruột, gây tắc nghẽn và khiến tình trạng tiêu chảy không được giải quyết. Điều này có thể gây ra những vấn đề như chướng bụng, viêm ruột, hoặc nguy hiểm hơn là tắc ruột, thủng ruột và nguy cơ tử vong. Vì vậy, không sử dụng thuốc cầm tiêu chảy cho trẻ khi mới bị tiêu chảy, đặc biệt là trong trường hợp bệnh do virus Rota.

Bổ sung vi chất cần thiết cho trẻ

Trẻ bị tiêu chảy uống thuốc gì? Việc bổ sung kẽm trong quá trình điều trị tiêu chảy cho trẻ em là rất cần thiết. Việc bổ sung kẽm vào phác đồ điều trị tiêu chảy cùng với sử dụng Oresol có độ thẩm thấp, sẽ mang lại hiệu quả và giúp giảm mức độ nghiêm trọng của tiêu chảy.

Ngoài ra, kẽm còn giúp cải thiện tình trạng dinh dưỡng và hỗ trợ phục hồi sức khỏe cho bé. Kẽm giúp giảm thời gian tiêu chảy, giảm lượng nước trong phân, giảm số lần đi ngoài và giảm mức độ nặng của triệu chứng. Đồng thời, trong quá trình chăm sóc trẻ bị tiêu chảy, việc bổ sung kẽm cũng có tác dụng làm giảm tỷ lệ tiêu chảy tái lại. Do đó, trong quá trình điều trị tiêu chảy cho trẻ em, việc bổ sung kẽm là bắt buộc. Ngoài ra, có thể bổ sung thêm các vitamin nhóm B, vitamin A,... để tăng hiệu quả trong quá trình điều trị tiêu chảy.

Để giảm thời gian và mức độ nặng của tiêu chảy, cũng như hạn chế tái phát trong 2 - 3 tháng sau điều trị, việc sử dụng kẽm cho trẻ ngay khi tiêu chảy mới bắt đầu là rất quan trọng. Kẽm giúp phục hồi niêm mạc ruột, cải thiện khẩu vị cho trẻ. Dưới đây là khuyến cáo về liều lượng kẽm cho trẻ bị tiêu chảy cấp:

  • Trẻ dưới 6 tháng tuổi: 10mg/ngày trong khoảng 10 - 14 ngày.
  • Trẻ từ 6 tháng tuổi trở lên: 20mg/ngày trong khoảng 10 -14 ngày.

Việc sử dụng kẽm theo liều lượng này sẽ giúp tăng cường quá trình phục hồi và giữ gìn sức khỏe ruột của trẻ.

Phòng ngừa bệnh tiêu chảy cho trẻ

Để phòng ngừa bệnh tiêu chảy, việc sử dụng vắc xin để ngăn ngừa tác động của Rotavirus là rất quan trọng. Rotavirus thường là tác nhân gây tiêu chảy cấp nặng phổ biến nhất và là nguyên nhân hàng đầu gây tiêu chảy cấp nhập viện ở trẻ em dưới 5 tuổi trên toàn cầu, bao gồm Việt Nam. Việc tuân thủ lịch chủng ngừa Rotavirus này sẽ giúp bảo vệ trẻ khỏi bị nhiễm virus và phòng ngừa bệnh tiêu chảy cấp.

Hướng dẫn cách chăm sóc trẻ bị tiêu chảy tại nhà đúng cách 3
Tiêm ngừa cũng là một biện pháp ngăn ngừa trẻ bị tiêu chảy

Khi nào cần đưa trẻ bị tiêu chảy đến bệnh viện?

Nếu trẻ bị tiêu chảy dưới 6 tháng tuổi, đồng thời có dấu hiệu mất nước, tiêu chảy cấp thì cần đưa trẻ đến bệnh viện ngay lập tức vì trẻ ở độ tuổi này rất dễ bị mất nước và có thể bị nặng hơn mà người nhà không nhận ra. Đối với trẻ lớn hơn, cần đưa trẻ đến bệnh viện ngay khi xuất hiện các dấu hiệu sau:

  • Trẻ có biểu hiện mất nước, da khô, môi khô và phân có máu.
  • Trẻ nôn ói liên tục và từ chối ăn uống.
  • Tiêu chảy liên tục với lượng nước trong phân rất lớn và không giảm đi.
  • Trẻ kiệt sức, quấy khóc liên tục, tình trạng buồn ngủ kéo dài và khó gọi trẻ tỉnh dậy.
  • Sau 7 ngày nhưng tiêu chảy không giảm.
  • Trẻ co giật hoặc sốt cao.

Tiêu chảy là một trong số các nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ em, đặc biệt là trẻ sơ sinh. Việc chăm sóc trẻ bị tiêu chảy đúng cách là rất quan trọng vì không chỉ giúp tăng tốc độ của quá trình phục hồi mà còn giảm nguy cơ xảy ra biến chứng ở trẻ nhỏ.

Xem thêm:

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Vũ Kiều Ngân

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Có nhiều năm trong lĩnh vực dược phẩm. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin