Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Hướng dẫn cách trị tức ngực khó thở hiệu quả

Ngày 26/04/2022
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tức ngực khó thở như bị vi khuẩn, virus tấn công, hen suyễn, các bệnh về phổi, tim mạch,... Khó thở tức ngực kéo dài sẽ gây ảnh hưởng đến sinh hoạt hằng ngày và lâu ngày có thể trở thành bệnh mãn tính. Vậy ​cách trị tức ngực khó thở như thế nào? Tham khảo các cách ở bài viết dưới đây nhé.

Tuỳ vào từng người mà khó thở có thể đi kèm tức ngực, ho hoặc các triệu chứng khác nhau vì nguyên nhân gây tức ngực, khó thở  là khác nhau. 

Khó thở tức ngực là như thế nào?

Khó thở là cảm giác khó chịu ở đường thở với nhiều mức độ khác nhau. Nó phát sinh từ các yếu tố như: môi trường, xã hội, tâm lý, sinh lý,... gây ra các phản ứng sinh lý và hành vi thứ phát khiến cơ thể khó khăn trong việc trao đổi oxy. Những người này thường bị rối loạn hô hấp, tức ngực, nặng ngực,... Khó thở, tức ngực có thể xảy ra bất cứ lúc nào trong ngày, đặc biệt là những trường hợp như nằm ngủ, làm việc quá sức, có dị vật mắc trong cổ họng,...

Cách trị tức ngực khó thở tại nhà

Hít thở sâu

Hít thở sâu bằng bụng là một cách để kiểm soát hiệu quả tình trạng khó thở của bạn. Để luyện tập thở bạn thực hiện các bước đơn giản sau: Nằm xuống thả lỏng toàn thân, đặt tay lên bụng. Hít thở sâu bằng mũi cho tràn đầy không khí trong phổi, giữ hơi thở trong 2-3 giây. Sau thở ra từ từ, chậm rãi bằng miệng. Lặp lại các động tác trong khoảng 5-10 phút. Bạn nên thực hành hít thở sâu 2 -3 lần/ngày. 

​Cách trị tức ngực khó thở tại nhà bạn cần biết 1

Bài tập hít thở sâu là cách trị tức ngực khó thở tại nhà rất hiệu quả

Thở mím môi

Đây là một kỹ thuật tương đối đơn giản mà bạn có thể sử dụng để kiểm soát tình trạng khó thở của mình. Thở mím môi giúp bạn mở rộng đường thở khiến việc hít thở dễ dàng hơn. Cách này còn giúp bạn loại bỏ các yếu tố làm tắc nghẽn đường thở. Cách thực hiện như sau: Thư giãn toàn bộ cơ thể, đặc biệt là cơ vai và cổ. Đặt một tay lên bụng của bạn. Hít vào nhẹ nhàng bằng mũi, mím chặt môi cho đến khi bụng phình to và thở ra từ từ ở kẽ môi.

Xông mũi

Xông hơi mũilà cách làm thông mũi giúp hít thở được dễ dàng hơn. Ngoài ra, hơi ấm của hơi nước giúp loãng chất nhầy trong phổi, giúp giảm bớt tình trạng thở gấp và khó thở. Để xông hơi bằng nước nóng tương đối dễ. Bạn chỉ cần đổ nước nóng vào một cái tô hoặc thau (chậu). Nhỏ thêm 1-2 giọt tinh dầu bạc hà hoặc khuynh diệp tùy thích khuếch tán hương thơm và tăng cường tác dụng thông mũi. Bạn cúi mặt về thau nước cách khoảng 5-8 cm, trùm khăn kín đầu để hơi nước tập trung vào mặt, làm sạch mũi. Lưu ý không xông hơi bằng nước nóng mới sôi tránh bị bỏng. Trong khi xông mũi bạn áp dụng thở sâu. Thực hiện cách này 1 lần/ngày bạn sẽ cảm thấy dễ chịu hơn rất nhiều.

Thay đổi tư thế khi nằm hoặc ngồi thoải mái

Khi bị khó thở khi ngủ, người bệnh chỉ cần thay đổi tư thế ngủ sang trạng thái thoải mái nhất, bạn sẽ thở dễ dàng hơn. Để giảm tức ngực, khó thở và cải thiện khả năng thở khi ngủ, hãy làm theo một số gợi ý sau đây: Nằm nghiêng với một chiếc gối kẹp giữa hai chân. Đồng thời, kê cao đầu giữ thẳng lưng, tư thế này giúp ích cho việc thở. Khi nằm nghiêng không hiệu quả bạn có thể chuyển sang tư thế nằm ngửa, kê cao đầu và đặt một chiếc gối nhỏ dưới gáy.

Ngoài việc thay đổi tư thế, bạn cũng nên thực hiện các bài tập thở nhẹ nhàng. Trong lúc này bạn không nên suy nghĩ đến những việc khác mà chỉ tập trung vào hơi thở của mình. Tình trạng khó thở thuyên giảm nhanh chóng và bạn dễ dàng chìm vào giấc ngủ. 

Trong trường hợp ngồi và cảm thấy khó thở, tức ngực thì bạn thả lỏng cơ thể và hơi nghiêng đầu về phía trước. Lúc này, ngồi trên ghế hoặc trên mặt phẳng, phần ngực hướng về phía trước, đặt khuỷu tay lên đầu gối, hai tay chống cằm và bắt đầu hít thở sâu. Hãy nhớ luôn giữ vai và cổ được thả lỏng. Hít thở và giữ tư thế này trong khoảng 5-10 phút, bạn sẽ cảm thấy dễ thở hơn rất nhiều.

​Cách trị tức ngực khó thở tại nhà bạn cần biết 2

Tư thế nằm nghiêng, kê cao đầu giúp thông đường thở, dễ thở hơn

Dùng máy quạt

Tưởng chừng không liên quan nhưng sử dụng quạt máy sẽ dễ thở hơn so với sử dụng điều hòa. Nếu bạn sử dụng điều hòa trong phòng kín thì phải trang bị  máy phun sương tạo độ ẩm cho không khí. Để khi hít thở khiến niêm mạc mũi họng không bị khô gây ho, khó thở.

Uống trà gừng

Một cách dễ dàng khác để giảm đau tức ngực và khó thở là uống trà gừng. Như mọi người đã biết, trà gừng là một cách rất tốt để chữa sổ mũi, đau họng, cảm lạnh hiệu quả. Bạn chỉ cần một vài lát gừng mỏng cho vào cốc nước sôi có pha thêm chút mật ong để dễ uống. Vừa uống trà bạn vừa hít thở hơi ấm của trà giúp thư giãn, dễ chịu hơn. Bên cạnh gừng, bạn có thể sử dụng lá bạc hà, húng quế,… những nguyên liệu tự nhiên này có tác dụng thông mũi hiệu quả mà lại rất lành tính.

Những lưu ý cách chữa tức ngực khó thở tại nhà

  • Trong số các biện pháp kể trên để cải thiện nhịp thở và giảm tức ngực, bài tập thở là quan trọng nhất. Bạn nên tập thở sâu thường xuyên mỗi sáng sau khi thức dậy hoặc buổi tối trước khi đi ngủ. 
  • Các biện pháp cải thiện nhịp thở không thể chữa khỏi các bệnh lý về đường hô hấp hay phổi mà chỉ có tác dụng hỗ trợ điều trị.
  • Bạn cũng có thể sử dụng máy thở tại nhà như thiết bị điều trị bệnh hen suyễn. Luôn giữ không gian sống sạch sẽ, đủ độ ẩm để có thể hô hấp tốt hơn.
  • Nếu khó thở nhẹ, nên tìm ra nguyên nhân là loại bỏ tác nhân đó thì không cần đi khám. Nhưng bất cứ lúc nào việc thở trở nên khó khăn, đau tức ngực dữ dội, thậm chí ngất xỉu, bạn nên đến gặp bác sĩ ngay để được kiểm tra.

​Cách trị tức ngực khó thở tại nhà bạn cần biết 3

Nếu các triệu chứng tức ngực khó thở không thể chữa khỏi tại nhà thì nên đến gặp bác sĩ để tìm ra nguyên nhân chính xác

Hy vọng những thông tin cách trị tức ngực khó thở ở trên sẽ có ích cho các bạn. Khó thở là biểu hiện dễ nhận biết nhất của các bệnh lý về đường hô hấp. Nếu bạn thường xuyên cảm thấy khó thở, nặng ngực, xuất hiện những cơn đau thắt ngực thì bạn nên đi khám ngay để biết chính xác tình trạng sức khỏe của mình và được tư vấn điều trị tốt nhất.

Cao Hiếu

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm