Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Hướng dẫn chăm sóc vết loét bàn chân tiểu đường đúng cách

Ngày 29/04/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Loét bàn chân là một trong những biến chứng phổ biến ở bệnh nhân tiểu đường. Đặc biệt, tổn thương này khi bị bội nhiễm càng làm tăng nguy cơ cắt cụt chi của người bệnh. Tuy nhiên, hầu hết các tình trạng này có thể phòng ngừa được nếu biết chăm sóc vết loét bàn chân tiểu đường đúng cách.

Theo thống kê của tổ chức Y Tế thế giới (WHO), trung bình cứ 1 phút trôi qua thì lại có thêm 1 bệnh nhân tiểu đường phải cắt cụt chi do biến chứng loét bàn chân. Đa phần trong số này là do không biết chăm sóc vết loét đúng cách.

Nguyên nhân gây chứng loét bàn chân tiểu đường

Loét bàn chân tiểu đường thường xảy ra ở gót chân, ngón chân cái, đầu các xương bàn chân, giữa các ngón chân hay mắt cá chân. Các nguyên nhân bao gồm:

  • Tổn thương mạch máu: Tiểu đường gây ra đường huyết cao, làm cho các mạch máu trên bàn chân bị hẹp hoặc tắc. Từ đó, xuất hiện các vấn đề về tuần hoàn máu làm các vết loét bàn chân tiểu đường lâu lành.
  • Tổn thương thần kinh ngoại biên: Ở người bệnh tiểu đường làm giảm khả năng cảm nhận cảm giác ở bàn chân dễ bị tổn thương.
  • Nhiễm trùng bội nhiễm: Do lượng đường trong máu cao làm vi khuẩn phát triển và do tổn thương vi mạch, thiếu máu mô thường trực nên người bệnh tiểu đường dễ bị nhiễm trùng hơn. Một vết thương nhỏ hay các nhiễm trùng như: Viêm da, nấm da và viêm xương có thể dẫn đến loét bàn chân.
  • Cọ xát: Giày dép không vừa hoặc quá chặt có thể gây cọ xát trên da và tạo tổn thương, vết loét trên chân.
  • Chai chân: Là dấu hiệu đầu tiên dễ dẫn đến viêm loét bàn chân ở bệnh nhân tiểu đường.
Hướng dẫn chăm sóc vết loét bàn chân tiểu đường đúng cách
Loét bàn chân tiểu đường thường xảy ra do nhiễm trùng bội nhiễm

Biến chứng tiểu đường gây loét bàn chân nguy hiểm như thế nào?

Sự tồn tại dai dẳng của một vết loét bàn chân do tiểu đường có thể gây ra những hậu quả nguy hiểm và đe dọa tính mạng. Cụ thể:

Nhiễm trùng

Nếu vết thương không được chăm sóc đúng cách, có thể dẫn đến nhiễm trùng và lan sang các bộ phận khác của cơ thể. Đồng thời, gây ra các vấn đề khác như: Viêm khớp, viêm phổi, viêm cầu thận, nhiễm trùng huyết.

Phục hồi chậm

Loét bàn chân có thể mất nhiều thời gian để chữa lành, đặc biệt là khi đường huyết bệnh nhân không được kiểm soát tốt.

Cắt bỏ các phần của chân

Nếu loét bàn chân phát triển đến mức nghiêm trọng và không thể điều trị được, có thể cần phải cắt bỏ các phần của chân để ngăn ngừa sự lan rộng của nhiễm trùng.

Tăng nguy cơ đột quỵ và bệnh tim

Khi đường huyết không được kiểm soát, tiểu đường và biến chứng loét bàn chân có thể làm tăng nguy cơ đột quỵ và bệnh tim.

Khả năng chạy bộ và hoạt động giảm

Nếu bị loét bàn chân và các vấn đề khác về chân, có thể dẫn đến giảm khả năng chạy bộ và hoạt động, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống và tâm lý của bệnh nhân.

Hướng dẫn chăm sóc vết loét bàn chân tiểu đường đúng cách 1
Nếu vết loét nghiêm trọng có thể tiến hành cắt bỏ các phần của chân

Các bước chăm sóc vết loét bàn chân do tiểu đường đúng cách

Kiểm soát đường huyết

Cách duy nhất để giảm thiểu tình trạng loét bàn chân tiểu đường là kiểm soát và duy trì mức độ ổn định các chỉ số đường huyết. Các biện pháp cụ thể để kiểm soát đường huyết có thể kể đến bao gồm:

  • Dùng thuốc đúng chỉ định của bác sĩ điều trị.
  • Có chế độ ăn uống hợp lý.
  • Loại bỏ các thói quen xấu như: Uống rượu bia, hút thuốc, dùng chất kích thích…
  • Thường xuyên luyện tập thể dục.
  • Tái khám định kỳ, đúng lịch để kiểm tra đường huyết và nhận tư vấn của bác sĩ.

Loại bỏ mô hoại tử, dịch mủ ở vết loét

Ở người bệnh tiểu đường, vết loét bàn chân có thể bao gồm vảy đen, dịch và mủ của tổ chức hoại tử. Tất cả chúng đều là yếu tố hình thành lớp rào chắn ngăn cản tác dụng của những bước chăm sóc kế tiếp nên bạn cần loại bỏ sạch sẽ dịch mủ cũng như các mô hoại tử này.

Hướng dẫn chăm sóc vết loét bàn chân tiểu đường đúng cách 2
Loại bỏ mô hoại tử, dịch mủ ở vết loét bàn chân của người bệnh tiểu đường

Với mủ và dịch thông thường, hằng ngày bạn chỉ cần dùng bông thấm nước muối sinh lý để lau rửa là được. Nếu vi khuẩn hình thành màng biofilm khiến màng mủ trở nên dai và chắc chắn hơn cần dùng dụng cụ y tế để cắt bỏ.

Nếu những vết loét xuất hiện nhiều vảy đen bao phủ thì người bệnh tiểu đường cần đến bệnh viện để được các bác sĩ xử lý, tránh gây đau và làm lan rộng tổn thương.

Vệ sinh vết loét bằng dung dịch chuyên dùng

Đây là bước quan trọng nhất trong quá trình chăm sóc vết loét bàn chân với mục tiêu kháng viêm, chống nhiễm trùng vùng da bị tổn thương. Nhờ đó, giảm sinh dịch mủ, giúp kiểm soát vết loét và khiến chúng dần co lại.

Ở bệnh nhân tiểu đường có quá nhiều điều kiện thuận lợi để vi khuẩn tấn công và xâm nhập. Do đó, các vết loét cần được xử lý, vệ sinh bằng các loại dung dịch kháng khuẩn chuyên dụng hiệu quả mạnh, tiêu diệt được nhiều chủng vi khuẩn. Tuy nhiên, sản phẩm này cũng cần đảm bảo an toàn, không gây kích ứng, không gây ảnh hưởng hay cản trở đến quá trình lành thương tự nhiên.

Một số sản phẩm dung dịch kháng khuẩn cho vết loét bàn chân được tin dùng bạn có thể tham khảo gồm: Dung dịch Dizigone Terrapharm, dung dịch Prontosan Solution Round B.Braun, dung dịch Prontosan Wound Gel Braun… 

Thoa kem hoặc gel hỗ trợ làm lành vết loét

Các sản phẩm thuốc bôi hỗ trợ điều trị vết loét bàn chân do tiểu đường rất có lợi cho quá trình phục hồi tổn thương trên da. Tuy nhiên, người bệnh cần tham vấn chuyên viên y tế trước khi dùng các sản phẩm này.

Hướng dẫn chăm sóc vết loét bàn chân tiểu đường đúng cách 3
Sử dụng Gel Curiosin Gedeon để giúp vết thương loét bàn chân tiểu đường nhanh hồi phục

Trong rất nhiều trường hợp, các bác sĩ sẽ theo dõi và hướng dẫn cách kết hợp Gel Curiosin Gedeon trong phác đồ điều trị phối hợp các vết loét bàn chân do tiểu đường gây ra. Không chỉ cung cấp độ ẩm giúp vết loét không bị co kéo, đóng vảy, sản phẩm này còn hạn chế sự xâm nhập của vi khuẩn từ môi trường bên ngoài, ngăn tác động bất lợi của các gốc tự do vào vết thương. Từ đó giúp đẩy nhanh quá trình hồi phục của vết loét bàn chân.

Băng vết loét

Những vết loét bàn chân do tiểu đường sâu, to và nhiều dịch mủ cần được băng lại tránh vi khuẩn xâm nhập và giúp vết thương cân bằng hơn. Tuy nhiên, chỉ nên băng nhẹ không dính quá chặt để tránh gây đau và đảm bảo đủ máu lưu thông đến chân. Băng gạc cũng cần thay rửa hằng ngày để vệ sinh vết loét.

Trên đây là những thông tin cơ bản cũng như hướng dẫn chăm sóc vết loét bàn chân cho bệnh nhân tiểu đường đúng cách. Người bệnh nên tự biết theo dõi, quản lý chăm sóc chân mình một cách đúng đắn. Đồng thời, cần điều chỉnh chế độ ăn uống, tập luyện khoa học, tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ điều trị, thăm khám, xét nghiệm đường huyết định kỳ để ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm tương tự.

Minh QA

Nguồn tham khảo: alobacsi.com

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm