Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng & chữa bệnh

Mức độ nguy hiểm và cách phòng ngừa loét bàn chân tiểu đường

Ngày 31/07/2022
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Loét bàn chân tiểu đường là một trong những biến chứng nguy hiểm nhất bởi nguy cơ nhiễm trùng, hoại tử phải cắt cụt chi. Đây cũng là nỗi ám ảnh của người bệnh tiểu đường. Vậy khi gặp biến chứng loét bàn chân tiểu đường, người bệnh cần phải xử trí và phòng ngừa như thế nào?

Theo thống kê, tỷ lệ người bệnh tiểu đường mắc biến chứng ở bàn chân trên thế giới mỗi năm chiếm tới 10%, trong số đó có tới 4% gặp tình trạng viêm loét bàn chân. Đặc biệt, tỷ lệ này cao hơn ở nam giới trên 60 tuổi.

Người bệnh tiểu đường rất dễ mắc các bệnh về chân nguyên nhân do dây thần kinh ở chân bị tổn thương khiến người bệnh mất cảm giác đau và dễ dẫn đến các vấn đề nghiêm trọng.

Loét bàn chân tiểu đường có thể coi là nỗi ám ảnh của nhiều người vì nếu không xử trí đúng cách vết loét sẽ ngày càng ăn sâu vào tận xương, nguy cơ nhiễm trùng, hoại tử phải cắt bỏ chân để điều trị. Biến chứng bàn chân tiểu đường nguy hiểm là thế nhưng người bệnh hoàn toàn có thể ngăn ngừa hậu quả đáng sợ này nếu có đủ kiến thức và tuân thủ điều trị bệnh.

Vì sao tiểu đường gây biến chứng ở bàn chân?

Biến chứng bàn chân do tiểu đường là thuật ngữ dùng để chỉ tổn thương dây thần kinh do bệnh lý tiểu đường gây ra. Loét bàn chân tiểu đường có tính chất đa yếu tố nên hiểu rõ nguyên nhân gây bệnh sẽ giúp ích rất nhiều trong việc phòng ngừa và điều trị. Nguyên nhân chính gây loét bàn chân bao gồm:

  • Rối loạn thần kinh ngoại biên: Đây là tình trạng có thể xảy ra ở bất kỳ người bệnh nào, chiếm tới 60% nguyên nhân gây loét bàn chân tiểu đường. Khi dây thần kinh bị tổn thương do lượng đường máu tăng cao sẽ dẫn đến tê ngoại vi chi dưới, người bệnh khó cảm nhận được cảm giác ở các ngón nên không biết bàn chân mình đang bị thương. Rối loạn cảm giác này làm tăng nguy cơ bị lở loét và phồng rộp.
  • Bệnh mạch máu ngoại vi: Sự xuất hiện của bệnh mạch máu ngoại vi làm thay đổi phản ứng bình thường của cơ thể đối với các vết loét ở bàn chân. Điều này dẫn đến tình trạng loét dai dẳng khó lành khi nhu cầu cung cấp máu tăng lên. Bệnh mạch máu ngoại vi cũng làm tăng nguy cơ nhiễm trùng, thiếu oxy, dinh dưỡng và làm tăng sự phá vỡ mô tạo ra các ổ loét, hoại tử khiến bệnh trở nặng phải cắt cụt chi.

Ngoài 2 yếu tố trên, những người cao tuổi, ít vận động khớp; có dị tật bàn chân; suy giảm thị lực; người có bệnh thận mạn tính; tăng đường huyết không kiểm soát được… cũng là những yếu tố nguy cơ góp phần gây ra biến chứng loét bàn chân tiểu đường.

Mức độ nguy hiểm và cách phòng ngừa loét bàn chân tiểu đường Biến chứng bàn chân do tiểu đường là tình trạng rất phổ biến

Triệu chứng loét bàn chân do tiểu đường

Loét bàn chân tiểu đường có thể được phòng ngừa và điều trị hiệu quả nếu được phát hiện sớm. Dưới đây là một số dấu hiệu giúp phát hiện sớm biến chứng này:

  • Da thay đổi màu sắc.
  • Mất cảm giác ở chân hoặc có cảm giác tê hoặc ngứa ran.
  • Xuất hiện các vết nứt khô, thường ở quanh gót chân.
  • Chân có mùi hôi khó chịu và không hết sau khi rửa.
  • Sưng bàn chân hoặc mắt cá chân.
  • Xuất hiện vết phồng rộp, vết đỏ hoặc vết loét có chảy dịch.

Loét bàn chân tiểu đường nguy hiểm như thế nào?

Loét bàn chân do tiểu đường là tình trạng rất nguy hiểm. Thông thường, ở người khỏe mạnh vết thương phần mềm sẽ lành lại trong khoảng 1 tuần. Tuy nhiên, ở người bệnh tiểu đường vết thương tại bàn chân sẽ chậm lành hơn, và thời gian có thể kéo dài tới vài tháng. Tình trạng này nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời có thể gây ra nhiễm trùng xương, làm thay đổi hình dạng của bàn chân do xương bàn chân và ngón chân bị dịch chuyển hoặc gãy, hoại tử, cắt cụt chân hoặc ngón chân…

Mức độ nguy hiểm và cách phòng ngừa loét bàn chân tiểu đường 2 Cắt cụt chi là nỗi ám ảnh của người bị loét bàn chân tiểu đường

Trong đó, cắt cụt chân là giải pháp điều trị cuối cùng đối với các hoại tử đã lan rộng nhằm ngăn ngừa nhiễm trùng huyết, bảo vệ tính mạng cho người bệnh. Do đó, tùy thuộc vào tình trạng nhiễm trùng và hoại tử vết loét, bác sĩ sẽ đưa ra chỉ định phù hợp.

Các biện pháp phòng ngừa loét bàn chân do bệnh tiểu đường hiệu quả

Người bị tiểu đường nếu được chăm sóc tốt và quản lý bệnh tốt thì có thể ngăn chặn nguy cơ loét bàn chân tiểu đường hiệu quả. Theo lời khuyên của chuyên gia, người bị bệnh tiểu đường nên tuân thủ các biện pháp phòng ngừa sau:

  • Tuân thủ phác đồ điều trị bệnh, sử dụng thuốc đúng giờ, đúng liều lượng và thời gian.
  • Quan tâm đến chế độ dinh dưỡng, ăn uống khoa học và đủ chất.
  • Kiểm soát lượng đường máu ở mức ổn định.
  • Rửa chân, vệ sinh sạch sẽ mỗi ngày bằng nước ấm khoảng 37 độ C, không nên ngâm chân.
  • Sau khi vệ sinh xong cần lau khô chân bằng khăn bông mềm nhẹ nhàng từ gót chân, lòng bàn chân, mu bàn chân và các kẽ chân đảm bảo bàn chân luôn sạch và khô, nhất là vùng kẽ. Lưu ý, không nên chà sát mạnh sẽ làm tổn thương lên da.
  • Thường xuyên kiểm tra bàn chân mỗi ngày để phát hiện sớm các vết mẩn đỏ, mụn nước, vết chai…
  • Nếu da bị khô, nhất là vào mùa đông da thường bị nứt nẻ, người bệnh nên thoa kem dưỡng ẩm làm mềm da. Tuy nhiên, tránh thoa kem ở các kẽ chân vì có thể tăng nguy cơ nhiễm trùng.
  • Móng chân dài, có góc cạnh sắc nhọn dễ gây chảy máu gây ra loét bàn chân tiểu đường hoặc có thể gặp một số chấn thương do móng chân dài gây ra như lật móng bàn chân,… Do đó, người bị tiểu đường nên cắt móng chân đều đặn.
  • Tuyệt đối không đi chân đất ra ngoài để tránh bụi bẩn, giảm nguy cơ tổn thương do va chạm với vật cứng và nhiễm khuẩn.
  • Tăng cường lưu thông máu đến chân bằng cách nâng cao chân khi ngồi bằng ghế và thường xuyên cử động xoay bàn chân.
  • Không ngồi bắt chéo chân trong thời gian dài.
  • Hạn chế rượu bia, thuốc lá.
  • Thường xuyên tái khám kiểm tra tiểu đường định kỳ theo lịch hẹn của bác sĩ.
Mức độ nguy hiểm và cách phòng ngừa loét bàn chân tiểu đường 3 Kiểm soát đường huyết ổn định là cách phòng biến chứng loét bàn chân hiệu quả nhất

Biến chứng loét bàn chân tiểu đường rất đáng sợ nhưng chỉ cần thực hiện theo những cách kể trên, người bệnh có thể giảm nguy cơ phải cắt cụt chi. Ngoài ra, người bệnh cũng cần đi khám sức khỏe định kỳ và theo dõi đường huyết thường xuyên để gia tăng tuổi thọ.

An An

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại học Nguyễn Thị Hồng Nhung

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp đại học Khoa Dược. Có kinh nghiệm hơn 10 năm trong lĩnh vực Dược phẩm, tư vấn thuốc và thực phẩm chức năng. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin