Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Hướng dẫn sơ cứu dị ứng hải sản

Ngày 02/05/2022
Kích thước chữ

Hải sản là một loại thức ăn rất được ưa chuộng, nhưng cũng rất nhiều người bị dị ứng với loại thực phẩm này. Do vậy, nắm được kỹ năng sơ cứu dị ứng hải sản là một điều vô cùng cần thiết.

Dị ứng hải sản là tình trạng khá thường gặp nên dễ dẫn đến tâm lý chủ quan cho mọi người. Tuy nhiên, dị ứng hải sản có thể gây ra nhiều hậu quả vô cùng nghiêm trọng cho người bệnh, thậm chí là sốc phản vệ dẫn đến tử vong nếu như không có phương pháp sơ cứu kịp thời.

Nguyên nhân của tình trạng dị ứng hải sản

Hải sản là loại thức ăn có nhiều protein bổ dưỡng, nhưng song song với đó, đây cũng là đồ ăn có chứa nhiều loại protein lạ đối với cơ thể người. Khi cơ thể tiếp nhận loại protein lạ này, hệ miễn dịch sẽ bị kích thích và sinh ra các phản ứng chống lại tác nhân lạ. Khi đó, các biểu hiện dị ứng sẽ xuất hiện.

Một số loại hải sản thường gây dị ứng có thể kể đến là cua, tôm, ghẹ, sò, mực, ốc, cá ngừ… Đối tượng có khả năng bị dị ứng hải sản rất đa dạng, nhưng tỉ lệ xảy ra dị ứng thường cao hơn ở trẻ em, người cao tuổi, người có tiền sử gia đình bị dị ứng hoặc người có cơ thể nhạy cảm, mắc một trong số các bệnh dị ứng như hen phế quản, viêm da cơ địa, viêm mũi dị ứng, phát ban…

Hướng dẫn sơ cứu dị ứng hải sản 1 Một số loại hải sản thường gây dị ứng

Biểu hiện của dị ứng hải sản

Người bị dị ứng hải sản thường có triệu chứng rất nhanh dù chỉ ăn một lượng nhỏ, chỉ sau khi ăn vài chục phút đến vài giờ.

Trong trường hợp nhẹ, người bị dị ứng có các dấu hiệu như nổi mày đay, nôn nao, ngứa ngáy. Thông thường, những triệu chứng này sẽ giảm dần và biến mất trong thời gian ngắn. Ngoài ra, người bị dị ứng còn có thể cảm thấy một số bất thường về thần kinh như đau đầu, chóng mặt, thậm chí là ngất.

Đối với trường hợp nặng hơn, ngoài phát ban ngứa ngáy, người bị dị ứng còn có biểu hiện phù nề vùng mặt, nôn mửa, đau quặn bụng và có cảm giác nóng rát trong người, đặc biệt là ở vùng thượng vị, tiêu chảy. Có một số triệu chứng liên quan đến đường hô hấp cũng phổ biến khi dị ứng hải sản nặng là: Hắt hơi, chảy nước mũi, hô hấp khó khăn, cảm giác có vật chặn ở cổ họng… 

Đặc biệt, tình trạng nguy hiểm nhất có thể gặp ở dị ứng nói chung và dị ứng hải sản nói riêng là sốc phản vệ. Dấu hiệu của nạn nhân bị sốc phản vệ là da nhợt nhạt, mạch đập nhanh nhưng nhỏ, tụt huyết áp… Trường hợp sốc phản vệ và ngạt thở do đường thở bị phù có thể gây tử vong nếu nạn nhân không kịp thời được cấp cứu.

Cách sơ cứu dị ứng hải sản theo từng mức độ

Khi phát hiện dấu hiệu bị dị ứng hải sản nói riêng hay dị ứng thức ăn nói chung, nên kích thích gây nôn ngay lập tức để đẩy thức ăn dị ứng ra khỏi cơ thể. Có thể gây nôn bằng cách uống hết một cốc nước muối 0,9% hoặc nước lọc, sau đó dùng ngón tay móc họng hoặc đè vào gốc lưỡi để gây nôn.

Sau khi thực hiện động tác gây nôn, tùy vào mức độ dị ứng mà người sơ cứu tiếp tục thực hiện các bước tiếp theo.

Hướng dẫn sơ cứu dị ứng hải sản 2 Móc họng gây nôn để đẩy thức ăn gây dị ứng ra khỏi cơ thể là bước đầu trong sơ cứu dị ứng hải sản

Trường hợp 1: Sơ cứu dị ứng hải sản nhẹ

Đối với một số biểu hiện nhẹ của dị ứng hải sản (như mày đay, mẩn ngứa, chảy nước mũi, hắt hơi…), có thể sử dụng một số loại thuốc kháng histamin như phenergan, cetirizin, clopheniramin, loratadin… để làm giảm nhẹ triệu chứng cho người bệnh. Ngoài ra, có thể dùng một số loại kem bôi ngoài da để làm dịu và chống ngứa mà trong thành phần có chứa methol, phenol, kẽm sulfat. 

Lưu ý, người bị dị ứng không được gãi vì làm vậy có thể khiến mày đay lan rộng. Tránh tắm bằng nước nóng hay sữa tắm dễ gây kích ứng. Thay vào đó, nên sử dụng khăn lạnh để chườm lên vết mày đay để giảm sưng, bớt ngứa, đồng thời làm sạch vùng nổi mẩn sần bằng nước sạch và sữa tắm dịu nhẹ. Nên mặc trang phục có chất liệu thoáng mát, rộng rãi, tạo cảm giác dễ chịu; tránh mặc những trang phục làm từ chất liệu dễ gây kích ứng.

Ngoài ra, có thể uống một số loại nước ấm nóng có khả năng làm giảm tình trạng mẩn ngứa như nước mật ong, nước chanh (trong trường hợp dị ứng với tôm) hay nước gừng.

Trường hợp 2: Dị ứng hải sản nặng

Lúc này, nạn nhân sẽ có những dấu hiệu nguy hiểm hơn như khó thở, tim đập nhanh, huyết áp tụt, da tái lạnh… Đây là những biểu hiện của phù đường thở và sốc phản vệ, có thể đe dọa nghiêm trọng đến tính mạng của nạn nhân và cần được cấp cứu khẩn cấp bởi lực lượng y tế chuyên khoa. Do vậy, khi xuất hiện những triệu chứng nặng, cần nhanh chóng đưa bệnh nhân đến bệnh viện gần nhất để được kịp thời cấp cứu, tránh gây nguy hiểm đến tính mạng.

Trong quá trình chờ xe cấp cứu, có thể thực hiện một số thao tác làm giảm các triệu chứng dị ứng như dùng thuốc kháng histamin, đặt bệnh nhân nằm trong tư thế chân cao hơn đầu, xoa bóp tim ngoài lồng ngực trong trường hợp có dấu hiệu sốc phản vệ. 

Hướng dẫn sơ cứu dị ứng hải sản 4 Sử dụng adrenaline là một phương pháp cấp cứu sốc phản vệ gây ra bởi dị ứng hải sản phổ biến

Ngăn ngừa dị ứng hải sản như thế nào?

Bên cạnh cách sơ cứu dị ứng hải sản, bạn cũng cần lưu ý một số điều khi ăn hải sản để phòng ngừa dị ứng:

  • Phương pháp tốt nhất được khuyến cáo để phòng ngừa tình trạng dị ứng khi ăn hải sản là ăn chín uống sôi. 
  • Không được ăn các loại cá mực hay cá biển chưa được nấu chín, đặc biệt là cá hồi, cá thu, cá mòi… 
  • Không ăn hải sản đã được chế biến từ lâu hoặc hải sản chết.
  • Không ăn kèm hải sản với thực phẩm chứa nhiều vitamin C (như cam, chanh…) và những loại thực phẩm có tính hàn (rau muống, dưa chuột, dưa hấu, đồ uống có gas, nước đá…).
  • Khi ăn món hải sản mới, lạ, cần ăn từng ít một để đảm bảo cơ thể không có phản ứng gì với loại hải sản đó. Riêng đối với trẻ em, tuyệt đối không cho các bé ăn đồ hải sản lạ.
  • Người có cơ địa hoặc tiền sử dị ứng, cần hết sức cẩn trọng khi ăn đồ hải sản.

Bài viết trên đây là những thông tin sơ lược về dị ứng hải sản, phương pháp sơ cứu dị ứng hải sản và cách phòng tránh. Hy vọng những thông tin mà Nhà thuốc Long Châu mang đến cho bạn chính là điều mà bạn đang tìm kiếm và mong rằng quý bạn đọc có thể tiếp tục đồng hành cùng Nhà thuốc trong chặng đường tương lai. Chúc bạn thật nhiều sức khỏe và bình an!

Ánh Vũ

Nguồn tham khảo: Tổng hợp 

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Chí Chương

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Đại Học Dược Hà Nội - chuyên môn Dược lâm sàng. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.