Long Châu

Dị ứng hải sản là gì? Nguyên nhân, cách điều trị và phòng ngừa

Ngày 07/04/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Dị ứng hải sản (đặc biệt là loài có vỏ) là một phản ứng bất thường của hệ thống miễn dịch cơ thể đối với protein trong một số động vật biển. Có khoảng 1% dân số bị dị ứng hải sản. Nhìn chung, các phản ứng dị ứng liên quan tới hải sản thường nhẹ và sẽ hết theo thời gian. Tuy nhiên đôi khi trong một số trường hợp hiếm gặp, dị ứng hải sản có thể dẫn đến sốc phản vệ, một phản ứng dị ứng nguy hiểm biểu hiện bằng sưng phù họng (co thắt đường thở), mạch nhanh, sốc và có thể nguy hiểm đến tính mạng. Vì vậy, những người có nguy cơ bị các phản ứng nghiêm trọng do dị ứng hải sản hoặc có tiền sử sốc phản vệ do dị ứng thức ăn cần đến tham vấn bác sĩ để nhận được những tư vấn chính xác nhất để phòng ngừa và điều trị dị ứng hải sản nói riêng và dị ứng thực phẩm nói chung.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Dị ứng hải sản là gì? 

Dị ứng hải sản (đặc biệt là loài có vỏ) là một phản ứng bất thường của hệ thống miễn dịch cơ thể đối với protein trong một số động vật biển. Động vật biển trong danh mục động vật bao gồm động vật giáp xác và nhuyễn thể, chẳng hạn như tôm, cua, tôm hùm, mực, hàu, sò điệp và những loài khác. Mặc dù các số liệu khác nhau giữa các quốc gia nhưng ước tính có khoảng 1% dân số bị dị ứng hải sản. Nó phổ biến hơn ở tuổi thiếu niên và người lớn so với thời thơ ấu. Khoảng 20% ​​sẽ hết dị ứng theo thời gian.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của dị ứng hải sản

Nhiều phản ứng dị ứng với hải sản thường nhẹ và chỉ gây phát ban (nổi mề đay), ngứa ran ở cổ họng và miệng, sưng tấy (phù mạch) và / hoặc một số phản ứng ở đường tiêu hoá (nôn mửa, tiêu chảy).

Các triệu chứng nguy hiểm nhất là khó thở hoặc truỵ mạch do tụt huyết áp (sốc), có thể đe dọa đến tính mạng. Đây được gọi là tình trạng sốc phản vệ, một phản ứng dị ứng nghiêm trọng.

Đôi khi, tình trạng khó thở có thể xảy ra do hít phải khói khi hải sản đang được nấu chín và khói trong các nhà máy chế biến thủy hải sản. Trẻ em có tiền sử bệnh hen suyễn có thể dễ bị phản ứng dị ứng nghiêm trọng với hải sản.

Biến chứng có thể gặp khi bị dị ứng hải sản

Trong trường hợp nghiêm trọng, dị ứng hải sản có thể dẫn đến sốc phản vệ, một phản ứng dị ứng nguy hiểm biểu hiện bằng sưng phù họng (co thắt đường thở), mạch nhanh, sốc, chóng mặt hoặc choáng váng và có thể nguy hiểm đến tính mạng.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Cần đến cơ sở y tế gần nhất và điều trị khẩn cấp nếu bạn phát triển các dấu hiệu hoặc triệu chứng của tình trạng sốc phản vệ.

Đi khám bác sĩ hoặc chuyên gia dị ứng nếu bạn có các triệu chứng dị ứng thực phẩm ngay sau khi ăn.

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến dị ứng hải sản

Tất cả các trường hợp dị ứng với thức ăn là do hệ thống miễn dịch phản ứng quá mức. Trong dị ứng với hải sản, hệ thống miễn dịch của người đã nhận định nhầm một loại protein nhất định trong động vật là có hại, kích hoạt sản xuất kháng thể đối với protein của động vật (chất gây dị ứng). Lần tiếp theo khi bạn tiếp xúc với chất gây dị ứng, hệ thống miễn dịch của bạn sẽ giải phóng histamin và các hóa chất khác gây ra các triệu chứng dị ứng.

Các nhóm hải sản chính có thể gây ra phản ứng dị ứng là:

  • Động vật có xương sống (cá có xương sống): Các loại cá bao gồm cá hồi, cá tuyết, cá thu, cá mòi, cá trích, cá cơm, cá ngừ, cá chình, cá đuối...

  • Động vật không xương sống gồm động vật có vỏ giáp xác bao gồm tôm/tép, tôm hùm, cua, tôm càng và động vật thân mềm bao gồm hàu, trai, bạch tuộc, mực, bào ngư...

Nguy cơ

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải dị ứng hải sản

Một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc dị ứng hải sản, bao gồm:

  • Bạn có nhiều nguy cơ bị dị ứng hải sản nếu người trong gia đình bạn có bất kỳ tình trạng bệnh lý dị ứng nào.

  • Đối với tình trạng sốc phản vệ - một phản ứng dị ứng nghiêm trọng, nguy cơ này sẽ gia tăng nếu bạn bị hen suyễn hoặc từng có tiền sử sốc phản vệ do thực phẩm.

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp điều trị dị ứng hải sản hiệu quả

Hiện không có cách nào điều trị dị ứng hải sản. Nhiều bác sĩ khuyến cáo những người bị dị ứng hải sản nặng nên mang theo epinephrine tiêm bắp - thuốc điều trị đầu tay cho tình trạng sốc phản vệ. 

Đối với các phản ứng nhẹ như phát ban hoặc ngứa, có thể tham vấn bác sĩ để được sử dụng thuốc kháng histamin.

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của dị ứng hải sản

Nếu bạn bị dị ứng hải sản, cách duy nhất để tránh phản ứng dị ứng là tránh ăn tất cả các loại hải sản và các sản phẩm có chứa hải sản. Ngay cả một lượng nhỏ thực phẩm từ động vật biển cũng có thể gây ra phản ứng nghiêm trọng ở một số người.

Phương pháp phòng ngừa dị ứng hải sản hiệu quả

Để phòng ngừa bệnh hiệu quả, bạn có thể tham khảo một số gợi ý dưới đây:

  • Khi dùng bữa tại các nhà hàng, hãy luôn đảm bảo rằng chảo, dầu hoặc dụng cụ dùng chế biến hải sản cũng không được sử dụng để chế biến các loại thực phẩm khác, tạo ra sự lây nhiễm chéo. Có thể cần phải tránh ăn ở các nhà hàng hải sản, nơi có nhiều nguy cơ lây nhiễm chéo.

  • Đọc kỹ nhãn của các loại thực phẩm, các công ty thường bắt buộc phải dán nhãn cho bất kỳ sản phẩm nào có hải sản (nhóm động vật có vỏ) hoặc các loại thực phẩm khác thường gây ra phản ứng dị ứng nhưng các quy định trên thường không áp dụng cho động vật thân mềm, chẳng hạn như nghêu, sò và sò điệp.

  • Nếu bạn bị dị ứng hải sản, hãy tham vấn với bác sĩ về việc mang theo epinephrine khẩn cấp, đây là thuốc dùng để cứu mạng nếu có tình trạng sốc phản vệ xảy ra.

Nguồn tham khảo

1. https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/shellfish-allergy/symptoms-causes/syc-20377503#:~:text=Shellfish%20allergy%20symptoms%20generally%20develop,other%20parts%20of%20the%20body

2. https://www.allergy.org.au/patients/food-allergy/allergic-and-toxic-reactions-to-seafood

3. https://www.healthline.com/health/allergies/shellfish#prevention

Các bệnh liên quan

  1. Dị ứng thực phẩm

  2. Dị ứng mắt

  3. Nổi mẩn ngứa

  4. Phát ban

  5. Ngứa da

  6. Dị ứng da

  7. Sốc phản vệ

  8. Bệnh dị ứng