Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Khám hậu môn trực tràng là khám những gì?

Ngày 07/02/2024
Kích thước chữ

Khám hậu môn trực tràng là cách hiệu quả để phát hiện các vấn đề bất thường hay bệnh lý ở hậu môn, trực tràng. Việc phát hiện sớm giúp hạn chế ảnh hưởng của bệnh lên sức khỏe đồng thời giúp việc điều trị bệnh đơn giản, hiệu quả, ít tốn kém hơn.

Các bệnh lý ở hậu môn, trực tràng thường khó phát hiện, khó quan sát bằng mắt nên thường gây tâm lý hoang mang, lo lắng. Một số người vì ngại quy trình và phương pháp khám hậu môn trực tràng phức tạp nên trì hoãn dẫn đến việc điều trị bệnh chậm trễ. Vậy khám hậu môn và trực tràng là khám những gì? Quy trình ra sao? Khi nào nên đi khám? Những thắc mắc này sẽ được Long Châu giải đáp ngay trong bài viết này bạn nhé!

Khám hậu môn trực tràng gồm những gì?

Các hạng mục và cách thức thăm khám hậu môn, trực tràng phụ thuộc vào từng dấu hiệu bệnh lý, mức độ nặng - nhẹ của các tình trạng mà người bệnh mắc phải. Tuy nhiên, khám hậu môn trực tràng về cơ bản sẽ gồm:

Bác sĩ khai thác thông tin bệnh lý

Đầu tiên, các bác sĩ sẽ hỏi để khai thác nguyên nhân đi khám bệnh, triệu chứng mà người bệnh đang gặp phải. Cùng với đó, bác sĩ sẽ khai thác tiền sử bệnh lý của bản thân người bệnh và những thành viên khác trong gia đình. Đây sẽ là những thông tin quan trọng giúp bác sĩ đưa ra các chỉ định thăm khám phù hợp.

Khám hậu môn trực tràng là khám những gì? Cần lưu ý gì 1
Bác sĩ sẽ khám lâm sàng sau khi khai thác thông tin bệnh lý

Thăm khám lâm sàng hậu môn trực tràng

Khi thăm khám lâm sàng, các bác sĩ sẽ quan sát bằng mắt ở vùng hậu môn đồng thời dùng ngón tay thăm dò hậu môn trực tràng để phát hiện các tổn thương nếu có. Đây là kỹ thuật khám đơn giản, phổ biến và sẽ được áp dụng đầu tiên. Kỹ thuật này có thể khiến một số người bệnh ngại ngùng và có thể gây đau nhẹ.

Khám cận lâm sàng hậu môn trực tràng

Sau khi thăm khám lâm sàng, các bác sĩ sẽ chỉ định bệnh nhân làm thêm các xét nghiệm kiểm tra cận lâm sàng như: Nội soi, siêu âm… để có thêm căn cứ chẩn đoán, đánh giá bệnh một cách chính xác.

  • Trong quá trình khám hậu môn trực tràng, bác sĩ có thể chỉ định siêu âm nếu cần thiết. Siêu âm trực tràng là phương pháp siêu âm bằng đầu dò, là phương pháp chẩn đoán hình ảnh đơn giản nhưng có độ chính xác cao, hạn chế tối đa việc xâm lấn. Bác sĩ sẽ sử dụng một đầu dò chuyên dụng cùng sóng siêu âm đưa qua hậu môn trực tràng để khảo sát. Những hình ảnh bên trong trực tràng mà chúng ta không thể quan sát bằng mắt thường sẽ hiển thị trên màn hình một cách chi tiết và rõ nét.
  • Nội soi trực tràng là kỹ thuật dùng ống nội soi có gắn đèn soi và camera để khảo sát bên trong trực tràng. Hình ảnh camera thu được sẽ hiển thị trên màn hình giúp bác sĩ phát hiện các bất thường, tổn thương hoặc dấu hiệu của viêm loét, polyp hoặc ung thư trực tràng.
  • Ngoài hai kỹ thuật trên, bác sĩ cũng có thể chỉ định chụp X-quang, chụp cộng hưởng từ MRI, chụp cắt lớp vi tính CT… nếu cần thiết.

Các kỹ thuật khám hậu môn trực tràng có thể gây cảm giác hơi khó chịu, đau nhẹ ở bụng dưới và cảm giác muốn đi ngoài. Tuy nhiên, bạn không cần lo lắng vì đầu dò siêu âm hay ống nội soi chri đi vào trực tràng 15 - 20cm nên đều trong giới hạn chịu đựng của hầu hết người bệnh. Thời gian siêu âm hay nội soi chỉ từ 5 - 10 phút.

Khám hậu môn trực tràng là khám những gì? Cần lưu ý gì 2
Tùy tình trạng từng bệnh nhân, bác sĩ sẽ chỉ định các kỹ thuật khám cận lâm sàng phù hợp

Quy trình khám hậu môn trực tràng phổ biến tại bệnh viện

Tại hầu hết các bệnh viện, quy trình khám hậu môn trực tràng về cơ bản đều giống nhau và gồm những bước như sau:

  • Bệnh nhân có thể liên hệ hotline của cơ sở y tế để đặt lịch khám trước hoặc đặt lịch khám bệnh online để khỏi tốn thời gian chờ đợi.
  • Bệnh nhân đến cơ sở y tế, đăng ký khám theo quy định của từng cơ sở.
  • Bệnh nhân sẽ được các nhân viên y tế tiến hành các kiểm tra bên ngoài như cân nặng, chiều cao, huyết áp… trước khi gặp bác sĩ.
  • Bác sĩ sẽ trò chuyện, trấn an để bệnh nhân cởi bỏ rào cản tâm lý và cảm giác ngại ngùng, lo lắng. Điều này sẽ giúp bác sĩ thực hiện các kỹ thuật thăm khám thuận lợi.
  • Bác sĩ khai thác các thông tin về triệu chứng, thói quen ăn uống, sinh hoạt, tiền sử bệnh lý để có những đánh giá tổng quát ban đầu. Trong quá trình này, người bệnh cần cung cấp thông tin một cách chủ động, chân thực, đầy đủ về thói quen ăn uống, thói quen đại tiện, việc sử dụng thuốc, tiền sử gia đình… giúp việc chẩn đoán bệnh của bác sĩ thuận lợi hơn.
  • Bác sĩ tiến hành thăm khám lâm sàng cho người bệnh trước khi chỉ định kỹ thuật thăm khám cận lâm sàng phù hợp.
  • Bác sĩ chỉ định và thực hiện các xét nghiệm cận lâm sàng như xét nghiệm máu, chụp X-quang, nội soi, siêu âm, chụp CT, chụp cộng hưởng từ… tùy từng trường hợp cụ thể.
  • Căn cứ vào các kết quả kiểm tra bên trên, bác sĩ đưa ra chẩn đoán và kết luận bệnh. Căn cứ tình trạng thực tế của từng người bệnh, bác sĩ sẽ đưa ra phương pháp và liệu trình điều trị phù hợp nhất.
Khám hậu môn trực tràng là khám những gì? Cần lưu ý gì 3
Sau khi có đầy đủ kết quả khám hậu môn trực tràng, bác sĩ mới có thể đưa ra kết luận và hướng điều trị

Khi nào nên khám hậu môn trực tràng?

Các bệnh về hậu môn và bệnh về trực tràng thường có thời gian ủ bệnh dài và ít khi xuất hiện triệu chứng khi bệnh mới phát triển. Đến khi bệnh có dấu hiệu khá rõ ràng và bệnh nhân vượt qua được nỗi ngại ngùng để đi khám, phần lớn các trường hợp bệnh đã phát triển đến giai đoạn sau. Khi đó, việc chữa trị sẽ khó khăn hơn, tốn kém hơn, ít hiệu quả hơn và kéo dài hơn. Vì vậy, mỗi chúng ta nên chủ động đi khám hậu môn và trực tràng khi có các biểu hiện như:

Rối loạn tiêu hóa dài ngày

Gặp tình trạng rối loạn tiêu hóa kéo dài, không có dấu hiệu thuyên giảm thậm chí ngày càng nghiêm trọng hơn. Người mắc các bệnh liên quan đến hậu môn trực tràng có thể thường xuyên đau râm ran hoặc đau quặn vùng bụng trước, đau sau khi ăn, ợ hơi, ợ chua nhiều. Nhiều người cũng có thể bị đi ngoài thường xuyên, đi ngoài sau khi ăn đồ lạ, đi ngoài như kiết lỵ.

Đi ngoài lẫn máu và chất nhầy

Đi ngoài phân có lẫn máu và chất nhầy cũng có dấu hiệu cảnh báo bệnh nguy hiểm ở đại tràng, thậm chí là ung thư đại tràng. Trong trường hợp này người bệnh cần đi khám sớm để được chẩn đoán bệnh kịp thời, tăng cơ hội điều trị bệnh.

Thay đổi thói quen đại tiện dài ngày

Đi đại tiện quá nhiều lần trong ngày cũng là một dấu hiệu của bệnh lý liên quan đến hậu môn trực tràng. Các khối u hay ung thư trực tràng cũng có thể tiết dịch, kích thích đường ruột khiến người bệnh đại tiện nhiều lần trong ngày.

Các bệnh về hậu môn, trực tràng cũng có thể làm thay đổi thói quen đại tiện của người bệnh như khi táo bón, lúc tiêu chảy. Nếu tình trạng này tái diễn dài ngày và thường xuyên, bạn cũng nên nghĩ đến chuyện đi khám.

Khám hậu môn trực tràng là khám những gì? Cần lưu ý gì 4
Nên khám hậu môn trực tràng nếu thấy xuất hiện các triệu chứng bất thường

Một số triệu chứng như hậu môn ngứa ngáy, ẩm ướt, khó chịu, có mùi hôi, đau rát… cũng cần được lưu ý. Nếu những triệu chứng này kéo dài, bạn cũng nên đi khám chuyên khoa sớm để tìm ra nguyên nhân chính xác.

Các triệu chứng bệnh hậu môn, trực tràng thường có triệu chứng chậm biểu hiện, không liên tục, khó phát hiện. Hầu hết người bệnh đều mang tâm lý e ngại khi khám hậu môn trực tràng nên thường chỉ đi khám khi những triệu chứng đã kéo dài và khá rõ ràng. Chính điều này khiến bệnh lý được phát hiện muộn dẫn đến những khó khăn trong điều trị. Vì vậy, mỗi chúng ta cần thăm khám khi nhận thấy những biểu hiện bất thường kể trên để chủ động chăm sóc sức khỏe cho chính bản thân mình. 

Xem thêm: Ngứa hậu môn khám ở đâu uy tín và điều trị tốt

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Thị Thảo Nguyên

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Khoa Dược trường Đại học Nam Cần Thơ. Có nhiều năm kinh nghiệm công tác trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện đang giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin