Có nhiều nguyên nhân khác nhau khiến trẻ chậm nói, có thể do cơ quan phát âm có vấn đề hoặc do các bệnh lý, tâm lý, cách giáo dục khiến trẻ bị rối loạn ngôn ngữ. Dù lý do là gì, cần có cách khắc phục sớm vấn đề này. Ba mẹ có thể nhờ đến sự giúp đỡ của các bác sĩ chuyên môn để biết cách điều trị cho trẻ. Hãy tìm hiểu khi nào cần cho trẻ đi khám chậm nói và cách khắc phục như thế nào?
Trẻ chậm nói khiến ba mẹ lo lắng, nhiều ý kiến cho rằng trẻ chậm nói có thể do vấn đề về trí não. Tuy nhiên, chưa có nghiên cứu nào khẳng định trẻ chậm nói kém thông minh. Vậy khi nào cần cho trẻ đi khám chậm nói? Trẻ chậm nói có ảnh hưởng đến trí não không?
Nguyên nhân trẻ chậm nói
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng chậm nói ở trẻ nhưng có thể chia thành 2 nhóm chính là:
Bệnh lý: Khi các cơ quan liên quan đến phát âm như tai, mũi, họng gặp vấn đề hay bộ phận chỉ huy ngôn ngữ gặp vấn đề như dị tật, bại não, di chứng sau xuất huyết não cũng có thể gây ra tình trạng chậm nói ở trẻ.
Tâm lý: Trong cuộc sống bận rộn ngày nay, nhiều bậc phụ huynh không có thời gian quan tâm đến con cái, không nói chuyện, tâm sự với trẻ. Điều này dẫn đến tình trạng trẻ chậm nói hơn bình thường hoặc sự nuông chiều quá mức của là nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Ngoài ra, có thể bé bị ảnh hưởng tâm lý bởi một hoặc nhiều biến cố trong cuộc sống.
Biểu hiện của trẻ chậm nói
So với chuẩn phát triển ngôn ngữ thông thường ở từng giai đoạn và độ tuổi, trẻ chậm nói sẽ phát triển ngôn ngữ chậm hơn. Dưới đây là danh sách các phản ứng đối với tình trạng chậm phát triển ngôn ngữ của trẻ theo độ tuổi:
Từ 2 - 6 tháng tuổi: 2 tháng tuổi, bé vẫn chưa có nhiều phản ứng trước âm thanh xung quanh. Đến 4 - 6 tháng, trẻ vẫn chưa chú ý đến âm thanh hay biết cười.
Từ 8 - 12 tháng tuổi: 8 tháng, bé vẫn chưa thể phát âm những âm đơn giản như “ê”, “a”. Khi có âm thanh, trẻ vẫn không phản ứng.
Từ 12 - 24 tháng: Khoảng tháng thứ 15, bé vẫn chưa nói được những từ đơn giản. Khi trẻ muốn một cái gì đó hoặc cảm thấy không thoải mái cũng không thể truyền đạt điều đó với ba mẹ. 18 tháng, trẻ chưa thể phát âm câu khoảng 6 từ. Từ 19 tháng đến 24 tháng, bé không còn học theo hoặc bắt chước những từ khi nghe ba mẹ nói.
Từ 24 - 25 tháng: Ở giai đoạn này, trẻ vẫn chưa thể làm theo những hướng dẫn đơn giản của ba mẹ. Kỹ năng ghép từ kém. Không thể nói câu dài hơn 4 từ và không thể học từ mới đơn giản.
Trẻ chậm nói có phải gặp vấn đề trí não không?
Theo các chuyên gia, không phải trẻ chậm phát triển ngôn ngữ nào cũng gặp vấn đề về trí tuệ. Vì vậy, có thể nói hầu hết trẻ 2 tuổi chậm nói đều có não bộ bình thường. Việc chậm nói do trẻ chậm phát triển vấn đề trí tuệ là một suy nghĩ sai lầm của nhiều bậc cha mẹ và cần thay đổi nhận thức này đối với trẻ chậm nói.
Chậm nói được chia thành 3 nhóm khác nhau, tuy nhiên chỉ có một nhóm chậm nói ảnh hưởng đến nhận thức đó là chậm nói tự kỷ. Với hai nhóm còn lại, trẻ chỉ bị hạn chế về khả năng ngôn ngữ và nhận thức hoàn toàn bình thường. Thậm chí, có nhóm trẻ chậm phát triển ngôn ngữ nhưng có nhận thức và trí tuệ cao hơn so với lứa tuổi.
Tuy nhiên, ba mẹ không nên chủ quan, nếu trẻ tự kỷ chậm nói đồng nghĩa với việc trẻ sẽ bị hạn chế về khả năng nhận thức và trí tuệ hạn chế hơn so với lứa tuổi. Tuy nhiên, nếu được điều trị sớm thì khả năng hồi phục sẽ nhanh hơn.
Khi nào cần cho trẻ đi khám chậm nói?
Để biết trẻ có chậm nói hay không, khi được 3 - 4 tháng tuổi, ba mẹ nên đưa trẻ đi khám sàng lọc nếu phát hiện những dấu hiệu trên.
Một lưu ý dành cho các bậc cha mẹ có con nhỏ là nếu từ 5 - 12 tháng mà phản ứng của trẻ với âm thanh hoặc giao tiếp với môi trường xung quanh hầu như rất yếu hoặc không có thì cần đưa trẻ đến ngay bệnh viện để được khám và điều trị.
Trong giai đoạn từ 15 - 18 tháng, khi trẻ được gọi nhưng không trả lời hoặc không thể diễn đạt những gì mình muốn và không thể giao tiếp quá 6 từ với ba mẹ thì cũng nên đưa trẻ đi khám.
Từ 2 tuổi nhưng vốn từ của trẻ còn yếu, không nói được quá 15 từ và không tự phát âm được mà bắt chước lời người lớn. Hoặc giai đoạn từ 25 tháng đến 35 tháng, nếu trẻ không nói được nhiều, không gọi tên được những thứ đơn giản như các bộ phận cơ thể, không đặt được những câu hỏi đơn giản thì cũng nên đưa bé đến bệnh viện.
Lớn hơn một chút, khoảng 3 - 4 tuổi, đây là lúc vấn đề chậm nói nếu có sẽ rất dễ nhận thấy. Khi trẻ không thể đặt từ thành câu, không thể nói rõ ràng, không tương tác với trẻ cùng tuổi,... đây đều là những dấu hiệu cho thấy trẻ chậm nói cần được thăm khám.
Thông thường, cứ 5 trẻ thì có 1 trẻ chậm nói. Vì vậy, sau khi quan sát thấy bé xuất hiện những dấu hiệu bất thường trên, ba mẹ cần đưa trẻ đến bệnh viện để kiểm tra.
Trẻ bị chậm nói khắc phục như thế nào?
Ngoài việc làm theo hướng dẫn điều trị của bác sĩ, ba mẹ cũng có thể khắc phục cho con bằng những cách sau:
Nói chuyện với trẻ nhiều hơn, khuyến khích và khen ngợi khi con nói từ mới để kích thích trẻ nói nhiều hơn.
Chơi với bé thường xuyên cũng là cách cải thiện kỹ năng ngôn ngữ cho trẻ. Trước khi trẻ tự nói được thì có thể nghe và hiểu nên việc khuyến khích trẻ nói nhiều sẽ giúp hạn chế tình trạng chậm nói.
Những thói quen như đọc sách, truyện cho trẻ trước khi đi ngủ hoặc một thời gian cụ thể trong ngày cũng là cách hướng sự chú ý, tăng khả năng tập trung và phản ứng của trẻ.
Trẻ em thường bị thu hút bởi những đồ vật mới lạ, hay những đồ vật của người lớn. Vì vậy giao tiếp với trẻ thông qua những đồ vật thông thường cũng là một cách giúp trẻ phát triển ngôn ngữ.
Ép trẻ phải nói sẽ gây tác dụng ngược, vì vậy ba mẹ nên khuyến khích, tạo thói quen dần dần cho con thay vì ép buộc.
Dạy những từ đơn giản cho trẻ, những từ dễ hiểu sẽ in sâu vào não bé hơn là những từ, câu phức tạp.
Cho bé tiếp xúc với các âm thanh khác nhau để bé phát hiện sự khác biệt, tăng khả năng nhận biết âm thanh và phản xạ.
Trên đây là những biểu hiện khi nào cần cho trẻ đi khám chậm nói. Nếu trẻ theo từng giai đoạn có những biểu hiện chậm nói như trên cần đưa trẻ đi khám sớm, nên tìm hiểu trẻ chậm nói khám ở đâu để tìm ra nơi uy tín, tin cậy khắc phục vấn đề của con. Đối với các bậc phụ huynh nên có sự tương tác, trò chuyện với trẻ nhiều hơn để cải thiện khả năng ngôn ngữ của trẻ.
Có thể bạn quan tâm
Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm
Dược sĩ chuyên khoa Dược lý - Dược lâm sàng. Tốt nghiệp 2 trường đại học Mở và Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Có kinh nghiệm nghiên cứu về lĩnh vực sức khỏe, đạt được nhiều giải thưởng khoa học. Hiện là Dược sĩ chuyên môn phụ trách xây dựng nội dung và triển khai dự án đào tạo - Hội đồng chuyên môn tại Nhà thuốc Long Châu.