Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Lách to: Nguyên nhân và cách xử trí

Ngày 14/08/2022
Kích thước chữ

Lách to là sự tăng kích thước bất thường của lách. Lách to thường là biểu hiện thứ phát sau các nguyên nhân khác. Vậy lách phì đại do những nguyên nhân gì? Nên xử trí ra sao khi cường lách? Hãy cùng Nhà thuốc Long Châu tìm hiểu kiến thức cơ bản về tình trạng này trong bài viết nhé!

Lá lách là một cơ quan quan trọng, đảm nhận nhiều vai trò trong cơ thể như đáp ứng miễn dịch, tiêu hủy hồng cầu hỏng và dự trữ máu. Vì vậy, hiện tượng lách to hay còn gọi là cường lách có thể gây ra bởi nhiều nguyên nhân. Đồng thời, lách to giai đoạn đầu thường có biểu hiện nghèo nàn và đi kèm với các triệu chứng của nguyên nhân gốc như sốt do nhiễm khuẩn, da xanh xao và cơ thể mệt mỏi do bệnh tan máu... khiến việc phát hiện và chẩn đoán lách to gặp nhiều khó khăn.

Tổng quan về lách

Lách là một cơ quan màu đỏ đậm, có hình bầu dục hoặc hình bàn tay, lưng cong tựa vào lồng ngực bên trái, mặt kia chụm vào dạ dày, đầu trên của lách chạm vào vòm cơ hoành, đầu dưới chạm vào đại tràng (ruột già). Trọng lượng trung bình của lách từ 120 tới 150gr, chiều dài trước - sau khoảng 11cm. Ở kích thước bình thường, ta không thể sờ thấy lách.

Lách to: Nguyên nhân và cách xử trí 1 Lách nằm ở hạ sườn trái

Trong lá lách, có hai vùng chức năng chính là tủy đỏ và tủy trắng. Tủy đỏ chứa mạch máu, xoang tĩnh mạch và mô liên kết. Tủy đỏ của lá lách có chức năng tiêu hủy hồng cầu già, hồng cầu hỏng đồng thời dự trữ máu.

Tủy trắng của lách có các nang bạch huyết chứa đựng và nuôi dưỡng các tế bào miễn dịch bao gồm tế bào lympho B, lympho T và đại thực bào. Chính vì vậy, tác dụng nổi bất nhất của lách đó là chống nhiễm khuẩn lưu truyền trong máu, mỗi dòng máu đi qua lách đều được lọc qua nang bạch huyết giúp loại bỏ vi sinh vật, mầm bệnh, kháng nguyên lạ có trong máu. Đồng thời, lách còn tham gia tạo các kháng thể miễn dịch như IgG (Immunoglobulin G), một số thành phần properdin có vai trò kích hoạt hệ thống bổ thể.

Nguyên nhân gây lách to

Với các chức năng như trên, có rất nhiều nguyên nhân có thể dẫn tới bất thường về chức năng của lách gây ra lách to hay cường lách, một số nguyên nhân thường gặp có thể kể tới:

Lách to sau khi đáp ứng miễn dịch

Thường gặp ở bệnh nhân mắc phải các bệnh lý nhiễm trùng, khi đó lách tăng kích thước để đáp ứng nhu cầu loại bỏ tác nhân gây bệnh và kháng nguyên ngoại lai nhanh chóng. Trong trường hợp này, lách to do tủy trắng tăng sinh hệ liên võng nội mô, tăng số lượng tế bào miễn dịch và tăng cường tổng hợp kháng thể. Một số trường hợp nhiễm khuẩn thường gặp như:

  • Bệnh lý nhiễm khuẩn do nhiễm thương hàn, kiết lỵ, viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn, giang mai
  • Nhiễm khuẩn bạch cầu đơn nhân do nhiễm virus.
  • Bệnh lý tự miễn hoặc viêm mãn tính như bệnh Lupus ban đỏ hệ thống, hội chứng Felty (biến chứng của bệnh viêm khớp dạng thấp lâu năm)...
  • Bệnh ký sinh trùng như sốt rét, nang sán, bệnh Kala Azar…

Lách phì đại khi tăng phá hủy hồng cầu

Thường gặp ở những bệnh nhân mắc bệnh tan máu. Trong trường hợp này, lách phì đại và tăng kích thước để đáp ứng nhu cầu loại bỏ số lượng lớn hồng cầu bất thường về cấu trúc. Bệnh tan máu thường có hai dạng:

  • Bệnh tan máu bẩm sinh: Beta hoặc Alpha thalassemia, bệnh hồng cầu hình cầu.
  • Bệnh tan máu mắc phải: Bệnh tan máu tự miễn, rối loạn van tim, hội chứng tan máu tăng ure máu…
Lách to: Nguyên nhân và cách xử trí 2 Biến đổi khuôn mặt đặc trưng ở người bệnh mắc tan máu bẩm sinh thalassemia

Lách to do sung huyết

Lách to do sung huyết gặp ở bệnh nhân bị ứ đọng dòng máu chảy về lách, nguyên nhân thường gặp nhất là biến chứng ở bệnh nhân xơ gan, ngoài ra có thể do tắc tĩnh mạch về lách do máu cục hoặc bệnh nhân bị suy tim sung huyết gây tăng áp tĩnh mạch.

Khi bệnh nhân xơ gan lâu ngày, áp lực tĩnh mạch cửa tăng cao gây tăng áp lực tĩnh mạch về lách, gây tăng kích thước của lách. Hơn thế, ở bệnh nhân xơ gan còn gặp tình trạng cường lách. Tình trạng này khiến lách tăng tiêu hủy không chỉ hồng cầu, mà còn cả bạch cầu và tiểu cầu, gây nhiều nguy hiểm cho người bệnh. Kèm theo đó, tình trạng lách to có thể bị che lấp bởi biểu hiện cổ chướng (bụng chướng nước) ở bệnh nhân xơ gan.

Lách to: Nguyên nhân và cách xử trí 3 Lách to có thể bị che lấp bởi tình trạng cổ trướng

Lách to do nguyên nhân khác

Ngoài ra, lách to có thể gây ra bởi nhiều nguyên nhân khác như:

  • Bệnh nhân bị bệnh xơ tủy vô căn gây hiện tượng sinh máu ngoài tủy tại lách.
  • Thâm nhiễm lách trong bệnh máu ác tính như bệnh lơ-xê-mi, bệnh đa hồng cầu tiên phát…
  • Bệnh u ác tính nguyên phát tại lách.
  • Bệnh ung thư khác di căn tới lách.
  • Chấn thương lách gây tụ dịch, vỡ bao lách.
  • U nang lành tính ở lách.
  • Ổ áp xe hình thành ở lách.

Đánh giá mức độ lách to

Lách to thường theo hai chiều: Theo chiều ngang sang bên phải bụng hoặc theo chiều dọc xuống hố chậu trái. Để đánh giá được mức độ lách to, ta đo theo kích thước với bốn phân độ như sau:

  • Lách to độ 1: Lách to dưới bờ sườn 2cm.
  • Lách to độ 2: Lách to dưới bờ sườn 4cm.
  • Lách to độ 3: Lách to ngang rốn.
  • Lách to độ 4: Lách to quá rốn.

Triệu chứng của lách to

Ở giai đoạn đầu, hiện tượng cường lách thường không thể hiện rõ ràng. Đồng thời, người bệnh có thể gặp các triệu chứng đi kèm với tình trạng lách to như:

  • Đau tức vùng hạ sườn phải, có thể sờ thấy khối bất thường.
  • Cảm giác chướng bụng như ăn no do lách tăng kích thước chèn vào dạ dày.
  • Ho nhiều do lách đè lên phổi qua cơ hoành.
  • Biểu hiện của hiện tượng thiếu máu như da vàng hay nhợt nhạt, khó thở do lách to gây tăng hủy hồng cầu.
  • Hiện tượng sốt trong trường hợp nhiễm khuẩn.
  • Mệt mỏi, chán ăn, suy nhược cơ thể.

Ngoài ra, cần chú ý tới tiền sử bệnh như nhiễm virus viêm gan B (gây xơ gan), bệnh lý gan mật, bệnh suy tim hay tiền sử bệnh lý tan máu… Nếu bệnh nhân lách to không được chẩn đoán và điều trị kịp thời có thể xảy ra hiện tượng vỡ lá lách gây đau bụng dữ dội, máu chảy trong ổ bụng đe dọa tính mạng người bệnh.

Lách to: Nguyên nhân và cách xử trí 4 Tình trạng sốt thường đi kèm với lách to

Xét nghiệm và thăm dò chẩn đoán lách to

Khi phát hiện những triệu chứng bất thường, người bệnh cần tới khám bác sĩ để được chẩn đoán và tìm hướng điều trị phù hợp nhất. Đầu tiên, bác sĩ sẽ khai thác các triệu chứng hiện hữu của người bệnh đồng thời khai thác tiền sử mắc bệnh cũng như các loại thuốc mà người bệnh đã và đang sử dụng. Sau đó, bác sĩ sẽ thực hiện thăm khám tỉ mỉ toàn thân, đặc biệt ở vùng hạ sườn trái để đánh giá sơ bộ tình trạng của người bệnh.

Để đưa ra chẩn đoán xác định chắc chắn bệnh, người bệnh sẽ cần làm một số xét nghiệm và phương pháp thăm dò như:

  • Xét nghiệm công thức máu: Giúp đánh giá sự thay đổi số lượng hồng cầu, bạch cầu và tiểu cầu, từ đó định hướng nguyên nhân gây lách to.
  • Xét nghiệm vi sinh, miễn dịch và hóa sinh máu giúp đánh giá tình trạng nhiễm trùng cũng như những bệnh lý tự miễn nếu có.
  • Siêu âm: Đây là một kỹ thuật không xâm lấn có độ tin cậy cao, cho phép chẩn đoán xác định một số nguyên nhân, đồng thời phân biệt một số khối u. Ngoài ra, siêu âm giúp đánh giá chính xác mức độ lách to.
  • Chụp cắt lớp vi tính (CLVT) và chụp cộng hưởng từ (MRI) cho phép đánh giá chính xác không chỉ mức độ lách to mà còn giúp bác sĩ chẩn đoán xác định và chẩn đoán phân biệt hầu hết nguyên nhân gây lách to.

Trên đây là bài viết của nhà thuốc Long Châu về tình trạng lách to. Hy vọng với bài viết, bạn có thể biết được những thông tin cơ bản về chủ đề này. Nguyên nhân gây lách to rất đa dạng, triệu chứng ban đầu cũng rất nghèo nàn và bị che lấp bởi nhiều triệu chứng đi kèm khác như sốt, da xanh xao, mệt mỏi… khiến việc phát hiện và chẩn đoán lách to gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, khi người bệnh gặp những triệu chứng bất thường như đau hạ sườn trái, chướng bụng nhiều, da nhợt nhạt… cần tìm tới bác sĩ để được thăm khám và điều trị.

Ánh Vũ

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm