Long Châu

Làm gì khi bị ung thư da? Nguyên nhân ung thư da và cách điều trị

Ngày 12/07/2022
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Ung thư da là loại ung thư phổ biến nhất, thường phát triển ở vùng da thường xuyên tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời. Làm gì khi bị ung thư da cũng như nguyên nhân và cách điều trị của căn bệnh này như thế nào là thắc mắc của rất nhiều người.

Ung thư da - một trong số những loại ung thư thường gặp, là một loại ung thư phát triển trong mô da. Ung thư da dễ chẩn đoán và điều trị nếu như được phát hiện kịp thời, tuy nhiên nhiều người vẫn chưa biết cách đối mặt với căn bệnh này. Vậy thì hãy cùng tìm hiểu về nguyên nhân, cách điều trị ung thư da và đi tìm lời giải đáp cho câu hỏi: “Làm gì khi bị ung thư da” nhé! 

Nguyên nhân nào dẫn đến ung thư da?

Ung thư da thường gặp ở người da trắng, xuất hiện chủ yếu ở người già, nam giới có tỷ lệ mắc bệnh nhiều hơn nữ. Bệnh thường xuất hiện ở vùng da hở với tỷ lệ 90% ở vùng mặt, đầu và cổ.

Ở Việt Nam, tỷ lệ mắc ung thư da là khoảng 2,9 - 4,5/100.000 người. Vậy nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là gì?

Tiếp xúc trực tiếp và thường xuyên với tia phóng xạ

Làm gì khi bị ung thư da? Nguyên nhân ung thư da và cách điều trị 1 Ánh nắng mặt trời là một trong số những nguyên nhân gây ung thư da
  • Bức xạ cực tím: Tia bức xạ cực tím từ ánh nắng mặt trời, các đèn phát tia tử ngoại như đèn hồ quang cacbon, thạch anh lạnh, thủy ngân,... Đây chính là nguyên nhân chính gây nên bệnh ung thư da. 
  • Bức xạ ion hóa: Ung thư da sẽ thường phát triển sau khoảng 14 - 15 năm kể từ khi tiếp xúc với bức xạ ion hóa.

Do các hội chứng di truyền

  • Bệnh xơ da nhiễm sắc: Xuất hiện đột biến lặn các nhiễm sắc thể đặc trưng bởi sự tăng cảm với các tia cực tím. Bệnh gây tổn thương da toàn thân với những biểu hiện như da dày, xơ, nhiều vảy bong. Bệnh nhân xơ da nhiễm sắc có nhiều nguy cơ mắc ung thư da trước 20 tuổi.
  • Hội chứng tế bào đáy dạng nơ-vi: Đặc trưng bởi đột biến trội nhiễm sắc thể, kết hợp với các nang xương hàm hoặc các hốc lõm ở lòng bàn tay, bàn chân. Ung thư da tế bào đáy nhiều ổ kết hợp với xơ da, bất thường ở cột sống và xương sườn.
  • Hội chứng Torres: Di truyền các ung thư biểu mô tuyến bã và ung thư biểu mô tế bào đáy không di căn ở những bệnh nhân có xơ khô da nhiều ổ. Bệnh sẽ thường kèm theo ung thư đại tràng và ung thư bóng Vater.
  • Hội chứng Gardner: Là một hội chứng di truyền trội với các tổn thương ở u nang bì và u nang dưới da.

Do tiếp xúc với các hóa chất có khả năng gây ung thư

Một số loại hóa chất khi tiếp xúc lâu sẽ có thể dẫn đến tình trạng ung thư da như: 

  • Nhựa đường, nhựa than đá.
  • Dầu nhờn.
  • Thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ.
  • Arsen: Được sử dụng nhiều trong công nghiệp, y tế và nồng độ cao trong một số loại nước uống.

Các bệnh lý tiền sử

  • Bệnh dày sừng quang hóa: Bệnh nhân mắc bệnh này có thể bị chuyển đổi thành ung thư da với tỷ lệ 1 - 20%.
  • Bệnh Bowen: Chiếm 3 - 5% tỷ lệ chuyển biến thành ung thư da.
  • Tàn nhang: Người nhiều vết nám sẽ có nguy cơ mắc ung thư da cao hơn.
  • Nhiễm trùng: Nhiễm virus u nhú ở người (HPV) có liên quan trực tiếp đến ung thư da tế bào đáy.
  • Viêm da mạn tính hoặc chấn thương ở da: Tổn thương cũ như da bỏng, lỗ dò khoét, vết xăm da cũng có thể lan rộng và phát triển thành ung thư da.
  • Hệ miễn dịch: Nguy cơ ung thư da ở những người mắc hội chứng suy giảm miễn dịch lớn hơn gấp 16 lần. 

Cần làm gì khi bị ung thư da? 

Mặc dù là bệnh ung thư nguy hiểm nhưng ung thư da có thể được chữa khỏi nếu như được phát hiện và trị bệnh kịp thời. Nếu như bệnh được chữa trị ở giai đoạn sớm, tỷ lệ sống sau 5 năm có thể lên tới 100%. Ở những giai đoạn sau, con số này sẽ còn khoảng 20 - 40%. 

Trước hết, bất cứ khi nào nghi ngờ bản thân mắc bệnh ung thư da, bạn cần đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám và chẩn đoán chính xác nhất.

Làm gì khi bị ung thư da? Nguyên nhân ung thư da và cách điều trị 2 Cần thăm khám ngay khi có những dấu hiệu nghi ngờ ung thư da

Những biện pháp chẩn đoán ung thư da

Chẩn đoán ung thư da sẽ dựa trên triệu chứng lâm sàng và kết quả sinh thiết. Về triệu chứng lâm sàng, có 4 triệu chứng báo hiệu chẩn đoán sớm bệnh ung thư da: 

  • Ổ loét lâu liền hoặc có rớm máu.
  • Ổ dày sừng loét, dễ chảy máu, nổi cục.
  • Ổ loét hoặc u trên nền sẹo đã cũ.
  • Nốt đỏ mạn tính kèm loét, thay đổi kích thước nốt ruồi.

Ngoài ra, khi soi bằng kính lúp thì các mạch máu tân tạo sẽ được quan sát khá rõ. Có thể sinh thiết tổn thương để chẩn đoán mô bệnh học.

Những biện pháp điều trị ung thư da

Làm gì khi bị ung thư da? Nguyên nhân ung thư da và cách điều trị 3 Điều trị ung thư da bằng xạ trị

Nguyên tắc điều trị ung thư da

  • Dựa theo loại mô bệnh học, vị trí u, giai đoạn bệnh và mức độ lan rộng.
  • Điều trị triệt căn ung thư da chủ yếu bằng phương pháp phẫu thuật.
  • Ung thư tuyến phụ thuộc da ít đáp ứng với hóa trị hoặc xạ trị nên vai trò phẫu thuật rất lớn. Cần cắt bỏ rộng u, vét hạch khu vực một cách hệ thống khi đã xuất hiện di căn.
  • Điều trị không triệt căn với ung thư da nhằm chống chảy máu, hạn chế nhiễm khuẩn, chống đau và làm giảm triệu chứng.

Điều trị bằng phẫu thuật

  • Có đến 80% ung thư da được điều trị bằng phẫu thuật. Phương pháp phẫu thuật thường được chỉ định cho ung thư da giai đoạn sớm, hiệu quả điều trị và hồi phục cao.

Điều trị bằng xạ trị

  • Phương pháp thường sử dụng trong những trường hợp ung thư giai đoạn muộn.
  • Hiệu quả xạ trị có thể tương đương với phẫu thuật do ung thư tiểu mô tế bào đáy khá nhạy cảm với tia.
  • Xạ trị có thể được sử dụng trước phẫu thuật nhằm thu nhỏ kích thước khối u, giúp cắt bỏ dễ dàng hoặc xạ trị cũng có thể sử dụng sau phẫu thuật nhằm tiêu diệt các tế bào ung thư còn sót lại.

Điều trị bằng hóa trị

  • Phương pháp này thường được chỉ định khi bệnh đã di căn và không thể phẫu thuật được.
  • Phương pháp này được tiến hành bằng cách dùng thuốc hóa chất truyền vào cơ thể qua đường tĩnh mạch nhằm tiêu diệt hoàn toàn các tế bào ung thư. 

Ung thư da là bệnh khá phổ biến và bất cứ ai cũng có thể mắc phải căn bệnh này. Vì vậy, hiểu biết về nguyên nhân và những biện pháp chữa trị khi mắc bệnh ung thư da là một điều cần thiết trong việc bảo vệ sức khỏe bản thân và gia đình. Hy vọng sau khi đọc xong bài viết trên, bạn đã có được câu trả lời cho câu hỏi: “Làm gì khi bị ung thư da”. 

Phương Linh

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm