Làm gì khi bị zona ở mắt? Bệnh zona ở mắt có lây không?
Ngày 03/08/2024
Kích thước chữ
Mặc định
Lớn hơn
Zona thần kinh mắt có thể dẫn đến nhiều biến chứng nghiêm trọng như sẹo, giảm thị lực và các vấn đề sức khỏe khác. Tuy nhiên, người bệnh có thể phòng ngừa bệnh zona mắt và các biến chứng liên quan bằng cách tiêm vắc-xin, đặc biệt nếu trên 50 tuổi. Vậy cần làm gì khi bị zona ở mắt?
Nhiều người thắc mắc rằng làm gì khi bị zona ở mắt? Zona thần kinh mắt có thể gây ra các tổn thương nghiêm trọng như tổn thương hạch thần kinh thị giác, viêm loét giác mạc, suy giảm thị lực và thậm chí dẫn đến mù lòa. Do đó, việc chăm sóc và điều trị kịp thời là rất quan trọng để ngăn ngừa biến chứng và hỗ trợ quá trình phục hồi.
Zona thần kinh ở mắt là gì?
Zona thần kinh ở mắt là bệnh nhiễm trùng da do virus Varicella Zoster (VZV) gây ra. Bệnh đặc trưng bởi các nốt ban đỏ, mụn nước và bóng nước chứa dịch mọc theo chùm, đám hoặc mảng dọc theo dây thần kinh ngoại biên vùng mặt, tập trung tại các vùng da quanh mắt như hốc mắt, khóe mắt, mi mắt và thậm chí bên trong giác mạc. Zona thần kinh ở mắt gây ra cảm giác đau rát, nhức nhối và ngứa ngáy, đặc biệt khó chịu với người trên 50 tuổi hoặc người có bệnh lý mạn tính. Vậy cần làm gì khi bị zona ở mắt?
Bệnh zona ở mắt có triệu chứng gì?
Khi bị zona ở mắt, bạn sẽ thấy các nốt phát ban phồng rộp xuất hiện trên mí mắt, trán và một bên mũi. Phát ban có thể xảy ra đồng thời với phát ban da hoặc xuất hiện vài tuần sau khi mụn nước trên da biến mất. Bên cạnh phát ban, người bệnh còn có thể gặp các triệu chứng sau:
Đau nhói hoặc đau rát trong mắt;
Vùng da quanh mắt bị đỏ;
Mắt bị chảy nước và kích ứng;
Tầm nhìn mờ, nhạy cảm với ánh sáng;
Một số bộ phận của mắt như mí mắt, võng mạc và giác mạc có thể bị sưng.
Nếu gặp một hoặc nhiều triệu chứng kể trên, hãy nhanh chóng đến gặp bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị. Điều trị kịp thời sẽ giúp giảm nguy cơ biến chứng lâu dài.
Biến chứng của bệnh zona thần kinh mắt
Trước khi giải đáp làm gì khi bị zona ở mắt, chúng ta cùng tìm hiểu những biến chứng của bệnh. Phát ban zona sẽ mờ dần sau vài tuần nhưng cơn đau có thể kéo dài nhiều tuần hoặc thậm chí nhiều tháng sau đó. Đây là biến chứng do tổn thương thần kinh, được gọi là đau dây thần kinh postherpetic (đau sau zona) và thường xảy ra nhiều hơn ở người lớn tuổi. Đối với hầu hết mọi người, cơn đau thần kinh sẽ giảm dần theo thời gian.
Trong trường hợp zona ở mắt, sưng giác mạc nghiêm trọng có thể để lại sẹo vĩnh viễn. Zona cũng có thể gây sưng võng mạc và tăng áp lực mắt, dẫn đến bệnh tăng nhãn áp. Đây là một tình trạng gây tổn thương thần kinh thị giác và giác mạc. Việc điều trị zona ở mắt sớm có thể giúp bạn tránh được các vấn đề lâu dài, đặc biệt là ngăn ngừa mất thị lực vĩnh viễn.
Bệnh zona thần kinh mắt có lây không?
Bệnh zona thần kinh nói chung và zona thần kinh ở mắt nói riêng không thể lây trực tiếp từ người bệnh hoặc người lành mang trùng sang người khỏe mạnh. Tuy nhiên, đối với những người chưa có miễn dịch với bệnh thủy đậu (do chưa từng mắc bệnh hoặc chưa tiêm đủ hai liều vắc xin phòng bệnh) khi tiếp xúc với dịch từ các phát ban, mụn nước hoặc phỏng rộp của người bị zona thần kinh thì có thể bị lây nhiễm VZV và mắc bệnh thủy đậu. Nhiều năm sau, khi gặp điều kiện thuận lợi, VZV có thể tái hoạt động trong cơ thể và gây ra bệnh zona thần kinh.
Làm gì khi bị zona ở mắt?
Nguyên tắc điều trị bệnh zona thần kinh là bắt đầu sử dụng thuốc kháng virus càng sớm càng tốt, lý tưởng nhất là trong vòng 48 giờ kể từ khi xuất hiện triệu chứng để đạt hiệu quả điều trị tối ưu và giảm thiểu nguy cơ biến chứng. Đối với zona thần kinh mắt, hiện nay chưa có phương pháp điều trị đặc hiệu. Các phương pháp hiện tại chủ yếu tập trung vào việc điều trị tổn thương niêm mạc mắt và vùng da xung quanh, đồng thời hỗ trợ giảm đau và hạn chế nguy cơ biến chứng.
Một trong những phương pháp điều trị bệnh zona ở mắt là sử dụng thuốc kháng virus như acyclovir, famciclovir và valacyclovir. Những loại thuốc này có tác dụng ngăn chặn sự lây lan của virus, thúc đẩy quá trình lành vết thương và giảm đau. Việc điều trị bằng thuốc trong vòng ba ngày sau khi phát ban xuất hiện có thể giúp ngăn ngừa các biến chứng lâu dài của bệnh zona.
Để giảm sưng tại vùng mắt, bác sĩ có thể chỉ định thuốc steroid dưới dạng viên uống hoặc thuốc nhỏ mắt. Nếu bạn gặp phải cơn đau thần kinh postherpetic, bác sĩ có thể kê các loại thuốc giảm đau và thuốc chống trầm cảm để giúp làm giảm cơn đau này.
Những lưu ý khi bị zona ở mắt
Một số lưu ý quan trọng khi mắc bệnh zona ở mắt, bao gồm:
Tránh ánh nắng mặt trời: Ánh sáng có thể làm tình trạng tổn thương nặng hơn và gây khó chịu do giác mạc rất nhạy cảm. Nên hạn chế ra ngoài nắng và sử dụng kính bảo vệ nếu cần thiết.
Tái khám: Thăm khám thường xuyên để kiểm tra tình trạng tổn thương da. Việc này giúp phát hiện sớm những thay đổi và kịp thời điều chỉnh phương pháp điều trị cho hiệu quả tốt nhất.
Ngưng trang điểm và chăm sóc da mặt: Trong thời gian điều trị, nên dừng việc trang điểm và sử dụng mỹ phẩm. Thay vào đó, bạn cần tuân thủ chỉ định của bác sĩ về việc sử dụng thuốc.
Ngưng sử dụng kính áp tròng: Ngưng đeo kính áp tròng và hạn chế sử dụng kính cận, kính lão,... vì chúng có thể làm tăng cảm giác mỏi và khó chịu cho mắt. Kính có thể cọ xát mụn nước và làm tổn thương nặng hơn.
Chườm mát: Để giảm đau, bạn có thể chườm mát nhẹ nhàng lên khu vực tổn thương.
Giữ khoảng cách: Cách ly người bệnh để tránh lây nhiễm. Nếu cần chăm sóc, hãy đeo găng tay và đồ bảo hộ để tránh tiếp xúc với dịch từ mụn nước.
Tránh dùng chung đồ vật: Không sử dụng chung các vật dụng cá nhân như khăn mặt, bàn chải đánh răng và đồ dùng sinh hoạt để tránh lây nhiễm.
Dưỡng ẩm khi vết thương lành: Khi vết thương đã đóng vảy, có thể thoa vaseline mỏng lên khu vực tổn thương và nhỏ nước mắt để giữ ẩm cho giác mạc và ngăn nứt nẻ.
Bài viết trên đây đã giải đáp thắc mắc làm gì khi bị zona ở mắt? Zona thường không nguy hiểm nhưng các biến chứng của nó có thể gây ra nhiều phiền toái, đặc biệt là zona thần kinh ở mắt có thể gây loét giác mạc hoặc mù lòa. Khi bị zona thần kinh, bạn không nên quá lo lắng mà cần kiên trì điều trị để phục hồi nhanh chóng. Để phòng ngừa hiệu quả, tiêm vắc-xin phòng bệnh thủy đậu là cách tốt nhất để bảo vệ trẻ em khỏi bệnh và giảm nguy cơ mắc zona sau này.
Có thể bạn quan tâm
Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm
Dược sĩ chuyên khoa Dược lý - Dược lâm sàng. Tốt nghiệp 2 trường đại học Mở và Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Có kinh nghiệm nghiên cứu về lĩnh vực sức khỏe, đạt được nhiều giải thưởng khoa học. Hiện là Dược sĩ chuyên môn phụ trách xây dựng nội dung và triển khai dự án đào tạo - Hội đồng chuyên môn tại Nhà thuốc Long Châu.