Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Lao màng bụng: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

Ngày 31/03/2022
Kích thước chữ

Lao màng bụng là một loại lao ngoài phổi được xếp thứ sáu sau các loại lao bạch huyết, sinh dục, xương khớp, lao kê, lao màng não. Hãy cùng nhà thuốc Long Châu tìm hiểu về lao màng bụng qua bài viết dưới đây nhé!

Trong các thể lao, lao màng bụng chiếm tỷ lệ 6,5% và thường xuất hiện ở trẻ em. Vậy lao màng bụng là gì và nguyên nhân triệu chứng của bệnh sẽ biểu hiện ra sao?

Bệnh lao màng bụng là gì? Nguyên nhân gây bệnh

Tương tự như các thể lao khác, bệnh lao màng bụng cũng có nguyên nhân bắt nguồn từ vi khuẩn lao Mycobacterium tuberculosis. Đây là bệnh thứ phát từ một ổ lao trước đó.

Bên cạnh đó, cũng có trường hợp người mắc lao màng bụng là do nhiễm vi khuẩn lao từ động vật như lao bò.

Vào giai đoạn đầu, rất khó phát hiện lao màng bụng bởi chúng có rất ít triệu chứng hoặc không có triệu chứng gì đặc trưng. Bước sang các giai đoạn sau, bệnh lây lan và khiến những bộ phận khác của cơ thể bị tổn thương nên bộc lộ các triệu chứng rõ ràng hơn. 

Lao màng bụng: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị 1 Bệnh lao màng bụng cũng bắt nguồn từ vi khuẩn lao Mycobacterium tuberculosis

Triệu chứng bệnh lao màng bụng

Đối với mỗi thể lao màng bụng khác nhau sẽ có các triệu chứng lâm sàng khác nhau như sau:

Lao màng bụng thể cổ trướng tự do

Lao màng bụng cổ trướng tự do khiến bụng có hình dạng bè ngang, lúc nằm thấy rõ rốn bị lồi ra, da bụng nhẵn bóng, căng tức hơn bình thường, gan lách không bị to, không có tuần hoàn bàng hệ, gõ vùng đục thấp và vùng đục thay đổi nếu bệnh nhân thay đổi tư thế. Ngoài ra kèm theo một số triệu chứng:

  • Bệnh nhân có biểu hiện sốt nhẹ (từ 37 - 38 độ C), thường sốt vào chiều tối hoặc ban đêm, thân thể mệt mỏi, gầy sút, chán ăn.
  • Thường đau bụng âm ỉ hoặc đau theo từng cơn, không rõ vị trí đau, bụng trướng kèm các triệu chứng rối loạn tiêu hoá.

Khi xuất hiện triệu chứng cổ trướng tự do như trên, bệnh nhân nên đi khám để được chẩn đoán và điều trị bệnh kịp thời. Đồng thời khám xét các cơ quan khác có bị nhiễm khuẩn lao hay không.

Lao màng bụng thể loét bã đậu

Lao màng bụng thể loét bã đậu là giai đoạn sau của lao màng bụng thể cổ trướng tự do. Lúc này, các triệu chứng đã thể hiện rõ ràng hơn. Đó là:

  • Bệnh nhân bị sốt kéo dài liên tục, thậm chí có đợt sốt cao lên tới 39 - 40 độ C.
  • Cơ thể bị mệt mỏi, mạch đập nhanh, nhỏ và hạ huyết áp.
  • Đau bụng theo từng cơn, có lúc bị đau dữ dội.
  • Đại tiện ra phân có lẫn máu. 
  • Bệnh nhân cảm thấy buồn nôn, nôn ói, rối loạn tiêu hoá kéo dài.
  • Bụng tiếp tục bị trướng to.
  • Ở phụ nữ có thể bị rối loạn kinh nguyệt.
Lao màng bụng: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị 2 Phụ nữ mắc lao màng bụng thường sẽ bị rối loạn kinh nguyệt

Lao màng bụng thể xơ dính

Đây là giai đoạn kế tiếp của lao màng bụng cổ trướng tự do hoặc lao loét bã đậu. Các triệu chứng lâm sàng bao gồm:

  • Táo bón, đau bụng, có những thay đổi gây biến chứng cơ học ở các cơ quan hệ tiêu hoá như xoắn ruột, tắc ruột toàn phần hoặc bán tắc.
  • Toàn thân xuất hiện hội chứng nhiễm trùng, mệt mỏi, sốt, nhiễm độc mạn tính,...
  • Bụng không còn trướng, bắt đầu nhỏ lại.
  • Khám lâm sàng sẽ thấy bụng cứng và lõm.

Đối tượng nguy cơ mắc bệnh lao màng bụng

Một số đối tượng dễ bị lao màng bụng như sau:

  • Thường gặp nhất là những người ở độ tuổi dưới 40, nhiều nhất là từ 20 - 30 tuổi.
  • Phụ nữ thường dễ mắc lao màng bụng hơn nam giới.
  • Những người bị hội chứng suy giảm miễn dịch.
  • Đối tượng bị nghiện rượu nặng hoặc thường lạm dụng những chất kích thích.
  • Người thường xuyên lao động quá sức. Làm việc, sinh hoạt hằng ngày ở nơi thiếu vệ sinh.
  • Những người bị suy dinh dưỡng, ăn kiêng quá độ, không khoa học dẫn tới thiếu đạm và vitamin cần thiết.
Lao màng bụng: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị 3 Những người thường hay làm việc quá sức dễ bị mắc lao màng bụng

Phương pháp điều trị bệnh lao màng bụng

Các phương pháp điều trị lao màng bụng cũng tương tự như trị các thể lao nói chung.

Sử dụng liệu pháp kháng lao thông thường điều trị trong vòng ít nhất 6 tháng. Hai tháng ban đầu sử dụng HREZ, 4 tháng HR được khuyến khích với các bệnh nhân bị bệnh lao bụng. Trước đây, thời gian điều trị tối đa từ 8 đến 12 tháng, nhưng với phác đồ gần đây điều trị thuốc 6 tháng cho thấy có hiệu quả như đợt điều trị chuẩn 12 tháng.

Tuy vậy, bác sĩ chuyên khoa vẫn sẽ kéo dài thời gian điều trị từ 12 đến 18 tháng. Corticosteroid được sử dụng giảm xơ trong quá trình lành bệnh, tránh tắc nghẽn nhưng hiện nay không được ưa dùng vì chúng có thể làm chậm quá trình lành vết thương, thậm chí làm thủng hoặc tắc nghẽn nghiêm trọng hơn.

Điều trị phẫu thuật được thực hiện để quản lý các biến chứng như tắc nghẽn, thủng và xuất huyết ồ ạt không phù hợp với phương pháp điều trị cổ điển. Thắt hẹp ruột được quản lý bởi phẫu thuật cắt chỗ hẹp hoặc cắt bỏ một phần đoạn ruột. Nếu bị thủng ruột sẽ áp dụng cắt bỏ và khâu nối chứ không vá đơn giản nhằm tránh hình thành lỗ rò. Nếu ruột bị tắc nghẽn thì phương pháp phẫu thuật bắc cầu như nối ruột, mở thông ruột hồi không được khuyến khích vì chúng có thể hình thành các vòng mù dẫn đến tình trạng tắc nghẽn, rò rỉ, kém hấp thu nặng hơn.

Trên đây là một số thông tin về bệnh lao màng bụng cũng như nguyên nhân và triệu chứng của bệnh. Hi vọng với những thông tin hữu ích trên, quý đọc giả có thể có thêm kiến thức về căn bệnh này cũng như nhận biết sớm bệnh lao màng bụng để có thể điều trị kịp thời, nhanh chóng.

Như Nguyễn

Nguồn: Tổng hợp
 

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNgô Kim Thúy

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp loại giỏi trường Đại học Y Dược Huế. Từng tham gia nghiên cứu khoa học đề tài về Dược liệu. Nhiều năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Chủ đề:bệnh lao