Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Phản ứng Tuberculin trong chẩn đoán bệnh lao

Thục Hiền

15/03/2025
Kích thước chữ

Trong lĩnh vực y học, phát hiện sớm bệnh lao có vai trò quan trọng trong việc kiểm soát và điều trị hiệu quả. Một trong những phương pháp phổ biến để sàng lọc lao tiềm ẩn là phản ứng Tuberculin (hay còn gọi là xét nghiệm Mantoux). Đây là xét nghiệm đơn giản nhưng có ý nghĩa lớn trong chẩn đoán lao, đặc biệt ở những nhóm nguy cơ cao.

Vậy cơ chế phản ứng Tuberculin là gì? Kết quả xét nghiệm được đọc ra sao? Và những yếu tố nào có thể ảnh hưởng đến độ chính xác của xét nghiệm này? Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn cách thực hiện và ý nghĩa của phản ứng Tuberculin trong y khoa. Hãy cùng theo dõi bạn nhé!

Tìm hiểu về bệnh lao và cơ chế lây lan

Bệnh lao là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, có khả năng lây lan từ người sang người và thậm chí giữa con người với động vật. Tác nhân gây bệnh là vi khuẩn Mycobacterium tuberculosis (trực khuẩn lao). Khi xâm nhập vào cơ thể, vi khuẩn này có thể bị hệ miễn dịch kiểm soát hoặc phát triển thành bệnh, tùy thuộc vào sức đề kháng của vật chủ. Những người có hệ miễn dịch suy yếu có nguy cơ cao mắc bệnh lao, đặc biệt là lao phổi bởi đây là cơ quan lý tưởng cho vi khuẩn lao sinh sôi và phát triển.

Phản ứng Tuberculin trong chẩn đoán bệnh lao 1
Bệnh lao là bệnh truyền nhiễm do vi khuẩn Mycobacterium tuberculosis gây ra

Con đường lây truyền chính của vi khuẩn lao là qua không khí. Khi người bệnh ho, hắt hơi hoặc khạc nhổ, vi khuẩn theo dịch hô hấp phát tán vào môi trường, bám vào các hạt bụi nhỏ và giọt nước li ti, sau đó lơ lửng trong không khí. Người khỏe mạnh hít phải không khí chứa vi khuẩn sẽ có nguy cơ nhiễm bệnh.

Bệnh lao là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu, chỉ đứng sau HIV/AIDS. Điều đáng lo ngại là ở giai đoạn đầu, bệnh thường không có triệu chứng rõ ràng, chủ yếu biểu hiện bằng những cơn ho dễ nhầm lẫn với các bệnh lý hô hấp thông thường. Chính vì vậy, nhiều người không nhận ra mình mắc bệnh cho đến khi các triệu chứng trở nên nghiêm trọng, khiến việc điều trị trở nên khó khăn. Do đó, việc chẩn đoán sớm thông qua các xét nghiệm chuyên sâu đóng vai trò quan trọng, giúp phát hiện kịp thời và tăng hiệu quả điều trị bệnh lao.

Phản ứng Tuberculin

Cơ chế của phản ứng Tuberculin trong chẩn đoán bệnh lao

Phản ứng Tuberculin (thử nghiệm Mantoux) được sử dụng phổ biến để kiểm tra xem bệnh nhân có từng tiếp xúc với vi khuẩn lao (Mycobacterium tuberculosis) hay không. Đây là một xét nghiệm đánh giá phản ứng miễn dịch của cơ thể đối với vi khuẩn lao, dựa trên nguyên lý kiểm tra mức độ mẫn cảm của tế bào lympho với dẫn xuất protein tinh chế (PPD) từ vi khuẩn lao.

Một lượng nhỏ Tuberculin (kháng nguyên vi khuẩn lao) được tiêm vào da cánh tay. Nếu bệnh nhân đã từng tiếp xúc với vi khuẩn lao, hệ miễn dịch sẽ phản ứng với kháng nguyên này, gây ra một vết sưng đỏ tại vị trí tiêm trong vòng 48 giờ. Kích thước và đặc điểm của vết sưng đỏ sẽ được đánh giá để xác định kết quả xét nghiệm.

Phản ứng Tuberculin trong chẩn đoán bệnh lao 2
Phản ứng Tuberculin dựa trên phản ứng miễn dịch của cơ thể đối với vi khuẩn lao

Quy trình thực hiện phản ứng Tuberculin

Trước khi thực hiện phản ứng Tuberculin, bệnh nhân cần cung cấp một số thông tin quan trọng cho bác sĩ như nếu đã từng có kết quả Mantoux dương tính, bệnh nhân thường không cần làm lại xét nghiệm, trừ một số trường hợp đặc biệt. Ngoài ra, người bệnh cũng nên thông báo về tình trạng sức khỏe hiện tại, các loại thuốc đang sử dụng và lịch sử tiêm phòng lao, đặc biệt là thời điểm tiêm vắc-xin BCG vì những yếu tố này có thể ảnh hưởng đến kết quả xét nghiệm.

Trong quá trình thực hiện, bệnh nhân được yêu cầu ngồi đúng tư thế. Vùng da tiêm sẽ được làm sạch và để khô tự nhiên trước khi bác sĩ tiêm một lượng nhỏ Tuberculin tinh chế (PPD) vào lớp trong da (intradermal). Sau khi tiêm, một vết sưng nhỏ có thể xuất hiện tại vị trí tiêm, và bác sĩ có thể đánh dấu vùng này để tiện theo dõi. Để đảm bảo kết quả chính xác, vùng tiêm không được băng kín mà phải để hở nhằm quan sát phản ứng trong vòng 48 - 72 giờ.

Sau khi thực hiện phản ứng Tuberculin, bệnh nhân cần tuân thủ một số lưu ý quan trọng như không nên che phủ vị trí tiêm bằng băng dán hoặc gạc, đồng thời tránh gãi hay cào vào khu vực này để không gây viêm nhiễm hoặc làm sai lệch kết quả. Nếu cảm thấy ngứa, bệnh nhân có thể chườm lạnh để giảm khó chịu. Việc rửa nhẹ nhàng vùng tiêm là được phép, nhưng cần tránh chà xát mạnh. Quan trọng nhất, bệnh nhân phải quay lại gặp bác sĩ sau 2 - 3 ngày để kiểm tra và đọc kết quả xét nghiệm, từ đó có hướng xử lý phù hợp nếu cần thiết.

Đọc kết quả phản ứng Tuberculin

Kết quả xét nghiệm phản ứng Tuberculin được xác định dựa trên kích thước của vết sưng tại vị trí tiêm sau 2 - 3 ngày. Bác sĩ sẽ quan sát vùng da thử nghiệm và đánh giá nguy cơ nhiễm lao của bệnh nhân dựa trên đặc điểm phản ứng miễn dịch.

Phản ứng Tuberculin trong chẩn đoán bệnh lao 3
Bác sĩ sẽ quan sát vùng da thử nghiệm và đánh giá nguy cơ nhiễm lao của bệnh nhân

Nếu chỉ xuất hiện mẩn đỏ mà không có vết sưng cứng, bệnh nhân có thể không bị nhiễm vi khuẩn lao. Ngược lại, nếu vùng da tiêm xuất hiện vết sưng cứng, điều đó cho thấy cơ thể đã từng tiếp xúc với vi khuẩn lao trước đó hoặc đã được tiêm phòng BCG. Tuy nhiên, kết quả xét nghiệm không chỉ phụ thuộc vào kích thước vết sưng mà còn liên quan đến mức độ nguy cơ của từng đối tượng. Đối với những người thuộc nhóm nguy cơ cao, ngay cả một vết sưng nhỏ cũng có thể là dấu hiệu nhiễm lao. Trong khi đó, với những người có nguy cơ thấp, chỉ khi vết sưng đạt một kích thước nhất định, bác sĩ mới chẩn đoán bệnh nhân mắc lao.

Những điều cần lưu ý khi thực hiện phản ứng Tuberculin

Phản ứng Tuberculin áp dụng cho đối tượng nào?

Xét nghiệm da Tuberculin được sử dụng để xác định những người có nguy cơ mắc bệnh lao, đặc biệt là các đối tượng có nguy cơ cao. Nhóm này bao gồm những người đã tiếp xúc gần gũi với bệnh nhân lao, nhân viên y tế có nguy cơ phơi nhiễm, những người có triệu chứng nghi ngờ như ho kéo dài, đổ mồ hôi đêm và sụt cân không rõ nguyên nhân. Ngoài ra, xét nghiệm cũng được chỉ định cho những người có hình ảnh X-quang phổi bất thường, người đã trải qua cấy ghép nội tạng gần đây hoặc có hệ miễn dịch suy yếu.

Tuy nhiên, không phải ai cũng phù hợp để thực hiện xét nghiệm này. Những người đã được chẩn đoán mắc lao trước đó, từng có phản ứng nghiêm trọng với kháng nguyên lao hoặc bị phát ban da nghiêm trọng đến mức ảnh hưởng đến khả năng đọc kết quả xét nghiệm thì không nên thực hiện xét nghiệm Tuberculin.

Yếu tố ảnh hưởng đến kết quả phản ứng Tuberculin

Một số yếu tố có thể làm sai lệch kết quả phản ứng Tuberculin như tiêm vắc-xin BCG có thể gây dương tính giả, trong khi thuốc ức chế miễn dịch, bệnh HIV, ung thư hoặc suy dinh dưỡng có thể làm phản ứng miễn dịch suy yếu dẫn đến âm tính giả.

Phản ứng Tuberculin trong chẩn đoán bệnh lao 4
Đối tượng đã tiêm vắc-xin phòng lao (BCG) có thể ảnh hưởng đến kết quả phản ứng Tuberculin

Ngoài ra, tiêm vắc-xin như sởi, quai bị, rubella, bại liệt hoặc thủy đậu trong vòng 6 tuần trước xét nghiệm, hoặc nhiễm các vi khuẩn tương tự Mycobacterium tuberculosis, cũng có thể ảnh hưởng đến kết quả. Người mới nhiễm lao cần từ 2 đến 10 tuần để có phản ứng miễn dịch, còn trẻ dưới 3 tháng tuổi có thể không đáp ứng đầy đủ.

Đối với người xét nghiệm thường xuyên như nhân viên y tế, phản ứng yếu ban đầu nhưng có thể trở nên mạnh hơn ở lần kiểm tra sau, không nhất thiết do nhiễm lao mà do hệ miễn dịch được kích thích bởi xét nghiệm trước đó hoặc tiếp xúc với vi khuẩn liên quan.

Phản ứng Tuberculin là một xét nghiệm quan trọng giúp phát hiện tình trạng nhiễm vi khuẩn lao trong cơ thể. Dù không thể xác định chính xác bệnh lao hoạt động, nhưng nó đóng vai trò quan trọng trong sàng lọc, đặc biệt ở những nhóm có nguy cơ cao. Việc đọc kết quả cần được thực hiện cẩn thận, kết hợp với các phương pháp chẩn đoán khác để đưa ra kết luận chính xác. Hiểu rõ về phản ứng Tuberculin giúp nâng cao hiệu quả phát hiện và kiểm soát bệnh lao, góp phần bảo vệ sức khỏe cộng đồng.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Thị Hồng Nhung

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp đại học Khoa Dược. Có kinh nghiệm hơn 10 năm trong lĩnh vực Dược phẩm, tư vấn thuốc và thực phẩm chức năng. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin