Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Lao thận và biến chứng: Cách điều trị và phòng ngừa để bảo vệ sức khỏe

Ngày 17/10/2024
Kích thước chữ

Lao thận là một dạng lao ngoài phổi ảnh hưởng trực tiếp đến thận. Mặc dù ít được chú ý, căn bệnh này có thể gây ra các biến chứng nghiêm trọng và nguy cơ tử vong tương tự như lao phổi. Việc hiểu rõ những điều cơ bản về bệnh lao thận sẽ giúp chúng ta bảo vệ chính mình và những người thân yêu của mình tốt hơn.

Thận bị ảnh hưởng trong khoảng 10% các trường hợp lao ngoài phổi. Lao thận là một phần của lao niệu sinh dục bởi nó ảnh hưởng đến tiết niệu và sinh sản của con người. Cho đến nay các trường hợp mắc bệnh lao thận tương đối hiếm và thường diễn biến âm thầm, khiến việc chẩn đoán gặp nhiều khó khăn.

Biểu hiện của bệnh lao thận

Lao thận là một bệnh nhiễm trùng ở thận do Mycobacterium sp. gây ra. Bệnh có thể xảy ra trong tình trạng nhiễm trùng cấp tính, lan truyền qua đường máu của bệnh lao phổi đang hoạt động hoặc dạng tái hoạt động của thể nhiễm trùng tiềm ẩn.

Bệnh lao thận không có triệu chứng sớm và hầu hết mọi người không có dấu hiệu hoặc triệu chứng cho đến khi được phát hiện trên lâm sàng. Khi các triệu chứng xuất hiện, chúng thường dễ bị nhầm lẫn với những bệnh lý khác ở đường tiết niệu. Sau đây là một số triệu chứng phổ biến nhất, bao gồm:

  • Sốt dai dẳng;
  • Giảm cân;
  • Đổ mồ hôi vào ban đêm;
  • Tiểu máu, tiểu khó, đau khi tiểu;
  • Có mủ trong nước tiểu nhưng vô trùng;
  • Tiểu đêm;
  • Đau hông hoặc đau ở bụng.

Các triệu chứng này không đặc hiệu là bởi chúng cũng có thể liên quan đến một số bệnh khác như khối u ở bộ phận sinh dục hoặc đau vùng chậu, tiểu tiện tắc nghẽn và đau bụng. Ngoài ra, bệnh nhân có thể bị viêm thận kẽ và trực khuẩn kháng axit, những trường hợp này có thể được xác định và phân biệt thông qua các xét nghiệm.

Bệnh lao thận có thể chẩn đoán tuy nhiên thường bị bỏ sót trên lâm sàng hoặc được chẩn đoán muộn do bác sĩ lâm sàng thiếu hiểu biết, bệnh khởi phát âm thầm, các triệu chứng không đặc hiệu mãn tính và các biểu hiện lâm sàng khó phân biệt và dễ thay đổi. Bệnh phát hiện muộn dẫn đến bệnh tiến triển nặng hơn, gây ra nhiều biến chứng ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe.

Lao thận và biến chứng: cách điều trị và phòng ngừa để bảo vệ sức khỏe 1
Triệu chứng lao thận tiến triển âm thầm và dễ nhầm lẫn với các bệnh đường niệu khác

Những rủi ro và biến chứng của bệnh lao thận là gì?

Bệnh lao thận không chỉ ảnh hưởng đến chức năng thận, mà còn có thể lan rộng đến các cơ quan khác trong hệ tiết niệu và gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm. Những tổn thương này thường là không hồi phục và có thể dẫn đến suy giảm chất lượng cuộc sống của bệnh nhân.

Những rủi ro và biến chứng của bệnh lao thận bao gồm:

  • Sự lắng đọng canxi trong thận, đây là dấu hiệu cảnh báo chức năng thận đang suy giảm.
  • Tăng huyết áp.
  • Hình thành áp xe lan rộng xung quanh thận.
  • Chứng loạn sản vảy sừng hóa, sự biến đổi bất thường của các tế bào biểu mô, dẫn đến ung thư biểu mô tế bào vảy, một dạng ung thư ác tính hiếm gặp nhưng nguy hiểm.
  • Bệnh lao lan rộng đến niệu quản, có thể dẫn đến loét và hẹp ống, do đó cản trở dòng nước tiểu vào bàng quang.
  • Bệnh lao lan rộng đến bàng quang. Bàng quang có thể trở nên nhỏ và co lại, được gọi là bàng quang Thimble.
  • Ở nam giới, nhiễm trùng lao thường lan đến bàng quang từ mào tinh hoàn hoặc sau khi tiêm vắc-xin BCG (Bacillus Calmette-Guerin).
  • Thận ứ nước, xảy ra khi dòng nước tiểu bị tắc nghẽn do niệu quản hoặc bàng quang bị tổn thương, dẫn đến sưng phù thận, gây đau đớn và làm suy giảm chức năng thận.
  • Nếu không được điều trị kịp thời, tổn thương thận sẽ trở nên không thể phục hồi, dẫn đến suy thận giai đoạn cuối.
Lao thận và biến chứng: cách điều trị và phòng ngừa để bảo vệ sức khỏe 2
Biến chứng lao thận có thể ảnh hưởng đến các cơ quan khác 

Bệnh lao thận có lây nhiễm hay không?

Đường lây nhiễm khuẩn lao chính là hít phải khí dung có chứa Mycobacterium tuberculosis. Các đường lây nhiễm khác bao gồm việc nuốt phải Mycobacterium bovis trong các sản phẩm từ sữa hoặc xâm nhập trực tiếp qua việc tiêm BCG vào bàng quang trong các trường hợp ung thư bàng quang.

Đối với lao thận, khuẩn lao không lây nhiễm trực tiếp từ người bệnh sang người khác, vì vi khuẩn trong thận không phát tán ra môi trường bên ngoài như qua đường hô hấp.

Tuy nhiên, trong trường hợp lao thận là biến chứng từ lao phổi, người đó vẫn có thể lây lan vi khuẩn qua đường hô hấp nếu phổi đang nhiễm lao hoạt động. Ở trẻ em bị lao thận, nhiều trường hợp vi khuẩn lao được tìm thấy trong nước tiểu. Vì vậy, đây cũng có thể là một nguồn lây nhiễm cao.

Các lựa chọn điều trị bệnh lao thận

Bệnh nhân lao thận được điều trị bằng thuốc chống lao, bao gồm thuốc kháng sinh và các loại thuốc khác. Thuốc được dùng kết hợp chứ không dùng riêng lẻ vì vi khuẩn lao có thể phát triển khả năng kháng thuốc. Nếu được phát hiện sớm và điều trị kịp thời, bệnh có thể trị khỏi được.

Điều trị bằng thuốc kháng lao

Phác đồ điều trị bao gồm kết hợp nhiều loại kháng sinh để tiêu diệt vi khuẩn lao và ngăn ngừa kháng thuốc. Các thuốc kháng lao thường dùng:

  • Isoniazid (INH);
  • Rifampicin (RIF);
  • Ethambutol (EMB);
  • Pyrazinamide (PZA);

Thuốc điều trị bệnh lao đôi khi có thể gây ra các biến chứng, bao gồm tổn thương gan. Hãy cho bác sĩ biết về các triệu chứng mới hoặc đáng báo động trong quá trình điều trị của mình, chẳng hạn như: vàng da (hoặc vàng mắt), buồn nôn hoặc nôn, đau bụng, sốt, mệt mỏi…

Phẫu thuật (Khi cần thiết)

Phẫu thuật không phải là phương pháp điều trị chính cho lao thận nhưng được áp dụng khi cần xử lý các biến chứng hoặc khi thuốc không hiệu quả. Các loại phẫu thuật trong điều trị lao thận:

  • Dẫn lưu ổ áp xe hoặc nang lao nếu các tổn thương lớn gây chèn ép hoặc nhiễm trùng.
  • Cắt bỏ một phần hoặc toàn bộ thận nếu thận bị tổn thương nghiêm trọng, không còn chức năng hoặc có nguy cơ lan rộng.
  • Phẫu thuật điều trị hẹp đường tiết niệu: Khi lao gây biến dạng hoặc hẹp niệu quản.
Lao thận và biến chứng: cách điều trị và phòng ngừa để bảo vệ sức khỏe 3
Bệnh lao thận có thể trị khỏi được

Những biện pháp phòng ngừa bệnh lao thận

Ngăn ngừa và giáo dục bệnh nhân đóng vai trò quan trọng trong việc quản lý và phòng ngừa lao tiết niệu sinh dục. Bệnh nhân cần hiểu rõ tầm quan trọng của việc điều trị sớm và kéo dài để ngăn chặn tái phát, phòng tránh các biến chứng như hẹp niệu quản và tổn thương đến cơ quan khác.

Đồng thời, việc không tuân thủ phác đồ có thể dẫn đến kháng thuốc và làm nặng thêm tình trạng bệnh. Bệnh nhân cần được hướng dẫn cách nhận biết các triệu chứng quan trọng và chủ động đến khám sớm nếu xuất hiện dấu hiệu bất thường.

Ngoài ra, cần nhận thức rõ các yếu tố nguy cơ và kiểm tra sức khỏe định kỳ để phát hiện sớm bệnh lao hoặc các bệnh đồng mắc, từ đó đảm bảo điều trị kịp thời và nâng cao chất lượng cuộc sống.

Thông qua việc kiểm soát các yếu tố nguy cơ, kết hợp với giáo dục cộng đồng về triệu chứng và tầm quan trọng của tuân thủ điều trị, là chìa khóa để ngăn ngừa bệnh lao hiệu quả. Các biện pháp phòng ngừa bao gồm:

  • Tiêm vắc xin phòng lao Bacillus Calmette Guerin (BCG);
  • Đảm bảo duy trì vệ sinh đường hô hấp tốt;
  • Luôn cố gắng sống trong không gian sống và làm việc thông thoáng;
  • Tránh tiếp xúc gần bệnh nhân bị lao;
  • Thực hiện xét nghiệm và sàng lọc thường xuyên để phát hiện bệnh nhiễm trùng ở giai đoạn đầu;
  • Duy trì hệ thống miễn dịch khỏe mạnh;
  • Bỏ thuốc lá và rượu bia;
  • Luôn đảm bảo thực hiện các biện pháp kiểm soát nhiễm trùng để ngăn ngừa lây truyền bệnh lao.
Lao thận và biến chứng: cách điều trị và phòng ngừa để bảo vệ sức khỏe 4
Biện pháp phòng ngừa lao thận hiệu quả

Trên đây là những thông tin về bệnh lao thận mà bạn có thể cần biết. Hãy thường xuyên tham khảo ý kiến bác sĩ và thực hiện các biện pháp phòng ngừa để bảo vệ sức khỏe của mình. Nếu bạn còn bất kỳ câu hỏi hay thắc mắc nào về bệnh lao thận, đừng ngần ngại liên hệ với Nhà thuốc Long Châu chúng tôi để được giải đáp chi tiết nhé! 

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại học Nguyễn Tuấn Trịnh

Đã kiểm duyệt nội dung

Từng làm ở Viện ISDS, nhiều năm cộng tác với CDC Thái Nguyên triển khai dự án phòng chống HIV/AIDS, 2 năm cộng tác với WHO.

Xem thêm thông tin