Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ/
  4. Kiến thức y khoa

Liệu ung thư có di truyền không​? 9 loại ung thư di truyền thường gặp

Ngày 10/01/2025
Kích thước chữ

Ung thư không chỉ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tâm lý và tinh thần của người bệnh mà còn trở thành nỗi ám ảnh lớn đối với gia đình họ. Khi trong nhà có người mắc ung thư, người thân không chỉ đối diện với nỗi đau buồn mà còn mang theo cảm giác hoang mang, lo lắng, thậm chí đặt ra câu hỏi: "Liệu ung thư có di truyền không?"

Quá trình mắc ung thư có thể do nhiều nguyên nhân, trong đó yếu tố di truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác cũng đóng vai trò quan trọng. Một số loại ung thư có tính di truyền cao như ung thư vú, tuyến tiền liệt, phổi, gan, đại tràng và buồng trứng. Để giải đáp câu hỏi “Ung thư có di truyền không?”, hãy cùng Nhà thuốc Long Châu tìm hiểu qua bài viết dưới đây.

Bệnh ung thư có di truyền không?

Bản thân ung thư không truyền trực tiếp từ cha mẹ sang con cái và các thay đổi di truyền trong tế bào khối u không thể di truyền. Tuy nhiên, những đột biến gen làm tăng nguy cơ ung thư có thể được truyền lại nếu chúng tồn tại trong tế bào trứng hoặc tinh trùng của cha mẹ. Khi một cha hoặc mẹ mang đột biến gen gây bệnh, khả năng truyền đột biến này cho con là 50%.

Ví dụ, nếu cha mẹ truyền đột biến gen BRCA1 hoặc BRCA2 cho con, đứa trẻ sẽ có nguy cơ cao mắc ung thư vú và một số loại ung thư khác. Điều này lý giải tại sao ung thư có thể xuất hiện theo di truyền trong gia đình.

Thống kê cho thấy, khoảng 10% các trường hợp ung thư là do thay đổi di truyền. Tuy nhiên, mang một đột biến gen liên quan đến ung thư không đồng nghĩa với việc chắc chắn mắc bệnh, mà chỉ làm tăng nguy cơ mắc bệnh.

Liệu ung thư có di truyền không​? 1
Liệu ung thư có di truyền không​? 

9 loại ung thư di truyền thường gặp

Hiện nay, đã có hơn 20 loại ung thư được xác định có tính chất di truyền. Tuy nhiên, các nghiên cứu hiện tại chủ yếu tập trung vào 9 loại ung thư có tính di truyền cao nhất.

Ung thư buồng trứng

Ung thư buồng trứng là một trong những loại ung thư phổ biến ở phụ nữ, đứng thứ 8 toàn cầu về tỷ lệ mắc và tử vong. Tại Việt Nam, theo GLOBOCAN 2020, có khoảng 1.404 ca mắc mới và 923 ca tử vong với xu hướng gia tăng trong các năm gần đây. Khoảng 20 - 25% ung thư buồng trứng biểu mô liên quan đến yếu tố di truyền và tiền sử gia đình mắc ung thư buồng trứng là dấu hiệu cảnh báo nguy cơ cao ở các thành viên nữ khác. Để giảm nguy cơ, phụ nữ cần duy trì lối sống lành mạnh, khám sức khỏe định kỳ, tầm soát ung thư và đặc biệt chú ý nếu có tiền sử gia đình mắc bệnh.

Ung thư nội mạc tử cung

Khoảng 5% các trường hợp ung thư nội mạc tử cung xuất phát từ yếu tố di truyền và tuổi khởi phát ở những bệnh nhân này thường trẻ hơn 10 - 20 tuổi so với tuổi trung bình của những bệnh nhân ung thư nội mạc tử cung lẻ tẻ. Ung thư nội mạc tử cung hiện nay đang gia tăng, đặc biệt là ở phụ nữ dưới 45 tuổi với triệu chứng chủ yếu là chảy máu âm đạo bất thường.

Ung thư vú

Ung thư vú là loại ung thư phổ biến nhất ở phụ nữ với tính di truyền liên quan chặt chẽ đến các gen BRCA1 và BRCA2. Đột biến ở hai gen này có thể được truyền từ mẹ sang con. Nếu trong gia đình có một người mắc ung thư vú, nguy cơ mắc bệnh của các thành viên khác tăng gấp 3 lần và nếu có hai người mắc, nguy cơ này tăng lên gấp 7 lần.

Liệu ung thư có di truyền không​? 2
Ung thư vú là một trong những bệnh lý có mức độ di truyền cao

Ung thư đại trực tràng

Mỗi năm, trên toàn thế giới có khoảng 1,2 triệu người mắc ung thư đại trực tràng và 600.000 người tử vong vì căn bệnh này. Hai hội chứng di truyền phổ biến liên quan đến ung thư đại trực tràng là bệnh đa polyp đại trực tràng gia đình và ung thư đại trực tràng di truyền không polyp, do các đột biến gen di truyền gây ra. Nếu cha hoặc mẹ có tiền sử ung thư đại trực tràng, con cái có nguy cơ di truyền bệnh lên tới 50%. Các đột biến gen này không chỉ làm tăng nguy cơ hình thành khối u ở đường tiêu hóa mà còn có thể gây u ở nhiều cơ quan khác như tuyến tụy, tuyến giáp, nội mạc tử cung, gan... Việc phát hiện sớm các thành viên mang gen bệnh sẽ giúp lập kế hoạch tầm soát định kỳ hoặc điều trị dự phòng.

Ung thư tuyến tụy

Những người có tiền sử gia đình ung thư tuyến tụy có nguy cơ mắc bệnh cao hơn so với những người không có yếu tố di truyền. Đặc biệt, đột biến di truyền của các gen BRCA1 và BRCA2 đã được phát hiện trong khoảng 13 - 19% bệnh nhân ung thư tuyến tụy có tính chất gia đình. Những đột biến này có thể dẫn đến việc làm tăng nguy cơ phát triển ung thư, không chỉ đối với tuyến tụy mà còn với một số loại ung thư khác như ung thư vú và ung thư buồng trứng. Vì vậy, những người có tiền sử gia đình mắc ung thư tuyến tụy nên chú ý đến việc tầm soát và kiểm tra sức khỏe định kỳ để phát hiện sớm và điều trị kịp thời.

Ung thư tuyến tiền liệt

Ung thư tuyến tiền liệt có một yếu tố di truyền quan trọng, đặc biệt là đối với những người có tiền sử gia đình mắc bệnh. Tỷ lệ di truyền trong ung thư tuyến tiền liệt là khoảng 5 - 10%, tức là những người có cha hoặc anh trai mắc bệnh sẽ có nguy cơ mắc cao gấp 2 đến 3 lần so với người bình thường. Các đột biến di truyền của gen như BRCA1, BRCA2 và một số gen khác cũng có thể làm tăng nguy cơ ung thư tuyến tiền liệt. Ngoài yếu tố di truyền, tuổi tác và chế độ ăn uống không lành mạnh cũng là những yếu tố nguy cơ làm gia tăng khả năng mắc bệnh.

Ung thư phổi

Ung thư phổi là một căn bệnh nghiêm trọng và theo nghiên cứu từ Hiệp hội Ung thư Phổi Quốc tế, nguy cơ mắc bệnh này có liên quan chặt chẽ với tiền sử gia đình. Cụ thể, những người có người thân bao gồm cha, mẹ, anh, chị, em và con cái đã mắc ung thư phổi sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn 1,51 lần so với những người không có tiền sử gia đình về bệnh này. Điều này cho thấy yếu tố di truyền đóng một vai trò quan trọng trong nguy cơ phát triển ung thư phổi.

Liệu ung thư có di truyền không​? 3
Ung thư phổi là mối nguy cơ đối với những người thân trong gia đình

Ung thư tuyến giáp

Ung thư tuyến giáp có yếu tố di truyền nhưng không phải bệnh di truyền đơn giản, phần lớn không liên quan trực tiếp đến di truyền. Các yếu tố nguy cơ khác như phơi nhiễm bức xạ, lối sống và môi trường cũng góp phần. Riêng ung thư tuyến giáp thể tủy có tiên lượng xấu và tính di truyền mạnh, liên quan đến đột biến gen RET gây các khối u nội tiết khác. Bệnh nhân ung thư tuyến giáp thể tủy nên xét nghiệm gen để phát hiện nguy cơ cho bản thân và gia đình.

Ung thư dạ dày

Khoảng 10% các trường hợp ung thư dạ dày có yếu tố di truyền, tức là cứ 10 người mắc bệnh thì có khoảng 1 người có nguy cơ cao do ảnh hưởng từ gia đình. Những người thân của bệnh nhân ung thư dạ dày có nguy cơ mắc bệnh này cao gấp 2 - 3 lần so với người không có tiền sử gia đình. Nghiên cứu cho thấy ung thư dạ dày có thể liên quan đến các đột biến gene như APC, BMPR1A, CDH1, BRCA1, BRCA2, EPCAM và một số gene khác như MLH1, MSH2, MSH6, PMS2, SMAD4 và STK11.

Làm thế nào để xét nghiệm ung thư di truyền giai đoạn sớm?

Bất kỳ ai, ở đâu, đều có thể đối mặt với nguy cơ ung thư vì có nhiều tác nhân gây ung thư. Nếu bạn đang lo lắng về khả năng di truyền ung thư, việc làm xét nghiệm gen sẽ giúp phát hiện sớm các đột biến gen liên quan, từ đó có hướng điều trị kịp thời, ngăn ngừa bệnh phát triển và tăng cơ hội sống nếu phát hiện sớm.

Xét nghiệm gen giúp phân tích các nhóm gen có thể làm tăng nguy cơ ung thư trong cơ thể, qua đó phát hiện các đột biến gen và xác định liệu ung thư có di truyền hay không. Đây là một phương pháp tầm soát hiệu quả để nhận diện nguy cơ mắc ung thư. Xét nghiệm này yêu cầu kỹ thuật phức tạp, vì vậy cần thực hiện tại các cơ sở xét nghiệm đáp ứng đủ tiêu chuẩn và điều kiện nghiêm ngặt.

Liệu ung thư có di truyền không​? 4
Xét nghiệm gen giúp phát hiện sớm các đột biến gen có thể di truyền

Các chuyên gia y tế khuyến cáo các gia đình có tiền sử ung thư di truyền như ung thư vú, dạ dày, buồng trứng nên chủ động tầm soát bệnh ung thư sớm. Điều này giúp phát hiện bệnh ở giai đoạn đầu và nhận diện các dấu hiệu di truyền có thể gây bệnh.

Tóm lại, ung thư là căn bệnh nguy hiểm có yếu tố di truyền và nếu được phát hiện và điều trị sớm, tỷ lệ phục hồi sẽ cao. Vì vậy, nếu bạn gặp phải các dấu hiệu sức khỏe bất thường hoặc gia đình có tiền sử ung thư, nên chủ động đi khám sàng lọc ung thư hoặc thăm khám sức khỏe tổng quát định kỳ.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Thanh Hải

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Đại học Dược Hà Nội, với hơn 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện là giảng viên giảng dạy các môn Dược lý, Dược lâm sàng,...

Xem thêm thông tin