Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng & chữa bệnh/
  4. Sức khỏe gia đình

Hiện tượng chảy máu âm đạo: Nguyên nhân, triệu chứng bệnh và biện pháp chẩn đoán

Ngày 22/06/2024
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Tình trạng chảy máu âm đạo ngoài giai đoạn kinh nguyệt có thể khiến nhiều chị em lo lắng. Hãy cùng Nhà thuốc Long Châu tìm hiểu về những nguyên nhân thường gặp gây hiện tượng này nhé!

Một trong những biểu hiện thường gặp ở nữ giới đó là chảy máu âm đạo. Đây có thể là hiện tượng sinh lý bình thường trong thời gian hành kinh hoặc là dấu hiệu bất thường phản ánh bệnh lý vùng sinh dục cần được chẩn đoán, điều trị.

Tình trạng chảy máu âm đạo

Chảy máu âm đạo là hiện tượng máu đỏ tươi hoặc đỏ sẫm chảy ra từ âm đạo. Đây là một vấn đề sức khỏe phụ nữ phổ biến có thể xuất hiện trong nhiều tình huống khác nhau, từ những biến đổi sinh lý đến các dấu hiệu của các bệnh lý nghiêm trọng.

Tình trạng chảy máu âm đạo thường xảy ra trong chu kỳ kinh nguyệt hoặc ngoài thời gian hành kinh. Nếu tình trạng chảy máu diễn ra trong chu kỳ kinh nguyệt, đây thường là hiện tượng sinh lý bình thường mà phụ nữ gặp phải. Máu chảy ra trong thời gian này là để đẩy phần niêm mạc tử cung đi ra ngoài. Đây không phải là hiện tượng bất thường, không yêu cầu sự can thiệp y tế đặc biệt.

Ngược lại, nếu chảy máu âm đạo xảy ra ngoài kỳ kinh, đặc biệt khi biểu hiện kéo dài hoặc xuất hiện thường xuyên có thể là biểu hiện của các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng hơn. Máu có thể đến từ các vị trí như bên trong tử cung, cổ tử cung hoặc thành âm đạo. Đây có thể là dấu hiệu của các bệnh lý như polyp tử cung, viêm âm đạo, nang buồng trứng hay thậm chí là ung thư tử cung.

Hiện tượng chảy máu từ âm đạo có thể gây ra những tác động về mặt sức khỏe thể chất cũng như tâm lý đối với phụ nữ, đặc biệt khi tình trạng chảy máu quá nhiều, liên tục trong nhiều ngày hoặc có màu sắc không bình thường như màu nâu đậm, màu vàng, màu xanh.

Hiện tượng chảy máu âm đạo: Nguyên nhân, triệu chứng bệnh và biện pháp chẩn đoán 1
Bệnh lý từ tử cung có thể gây chảy máu ra âm đạo

Nguyên nhân gây chảy máu âm đạo

Nguyên nhân gây chảy máu âm đạo có thể đến từ các tổn thương cơ quan sinh dục, bao gồm:

  • U xơ tử cung: Các khối u xơ trong tử cung, đặc biệt là ở vị trí gần niêm mạc, có thể gây ra chảy máu bất thường do ảnh hưởng đến quá trình hình thành, bong lớp niêm mạc theo chu kỳ kinh nguyệt.
  • Polyp cổ tử cung: Những polyp này có thể gây ra chảy máu khi chúng va chạm trong quá trình sinh hoạt.
  • Lạc nội mạc tử cung: Sự lệch vị của các tế bào nội mạc tử cung có thể gây đau bụng kèm chảy máu âm đạo không bình thường.
  • Bệnh lý ác tính: Các bệnh ung thư như ung thư cổ tử cung, nội mạc tử cung, buồng trứng hoặc ống dẫn trứng.
  • Tăng sản sinh nội mạc tử cung: Do sự mất cân bằng nội tiết tố estrogen và progesterone.
  • Chấn thương âm đạo: Thường xảy ra sau va đập hoặc sau quan hệ tình dục mạnh.
  • Viêm nhiễm phụ khoa: Các tổn thương viêm loét có thể làm tăng nguy cơ chảy máu.
  • Dụng cụ tử cung: Các thiết bị như dụng cụ tránh thai có thể gây kích ứng và chảy máu âm đạo.
  • Sau các thủ thuật y tế: Như sinh thiết cổ tử cung, phương pháp áp lạnh hay đốt điện để điều trị viêm lộ tuyến cổ tử cung.
Hiện tượng chảy máu âm đạo: Nguyên nhân, triệu chứng bệnh và biện pháp chẩn đoán
Hãy đến ngay bác sĩ khi có những dấu hiệu bất thường

Bên cạnh đó, hiện tượng chảy máu bất thường từ âm đạo có thể gây ra do các rối loạn về chức năng nội tiết, bệnh lý cơ quan hoặc quá trình đông máu, cụ thể:

  • Thay đổi nội tiết tố: Thường gặp ở các giai đoạn dậy thì, tiền mãn kinh hoặc do sự thay đổi nội tiết tố do sử dụng thuốc tránh thai.
  • Thời kỳ mang thai: Hiện tượng chảy máu âm đạo có thể là dấu hiệu cảnh báo về các biến chứng như chửa ngoài tử cung, dọa sảy thai hoặc rối loạn về niêm mạc tử cung không ổn định.
  • Bệnh xơ gan: Gây ra xuất huyết dưới da hoặc niêm mạc, có thể dẫn đến chảy máu âm đạo.
  • Bệnh máu khó đông (Hemophilia): Bệnh di truyền gây ảnh hưởng đến khả năng đông máu của cơ thể.
  • Sốt xuất huyết: Có thể dẫn đến chảy máu âm đạo sau khi hạ sốt.

Việc chảy máu âm đạo có thể gây ra nhiều tác động nghiêm trọng đối với sức khỏe cùng chất lượng cuộc sống của phụ nữ. Việc nhận biết và điều trị kịp thời sẽ giúp ngăn ngừa các biến chứng nghiêm trọng như mất máu quá nhiều, suy giảm khả năng sinh dục hay giúp người bệnh phát hiện sớm các bệnh lý ác tính.

Hiện tượng chảy máu âm đạo: Nguyên nhân, triệu chứng bệnh và biện pháp chẩn đoán 2
Hiện tượng chảy máu từ âm đạo có thể gặp trong thời kỳ mang thai

Biểu hiện nặng cần đi khám bác sĩ

Chảy máu âm đạo là một triệu chứng phổ biến có thể xuất hiện trong nhiều tình huống khác nhau. Tuy nhiên, khi có những biểu hiện nặng sau đây đi kèm, người bệnh nên sớm đến gặp bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Điều này giúp ngăn ngừa các biến chứng nghiêm trọng đe dọa sức khỏe. Các biểu hiện báo hiệu bệnh lý cần xử trí bao gồm:

  • Rối loạn kinh nguyệt: Những biến đổi bất thường về chu kỳ kinh nguyệt như kinh nguyệt quá ngắn (dưới 2 ngày) hoặc quá dài (trên 7 ngày), lượng máu ra nhiều quá mức bình thường.
  • Chảy máu khi mang thai: Chảy máu âm đạo khi mang thai có thể là dấu hiệu của các biến chứng nguy hiểm như chửa ngoài tử cung, dọa sảy thai hoặc các vấn đề về sức khỏe thai nhi.
  • Đau bụng dưới dữ dội: Đau bụng âm đạo cùng với chảy máu có thể là dấu hiệu của viêm nhiễm, vị trí tử cung sai lệch hoặc các bệnh lý khác.
  • Chảy máu âm đạo sau tai nạn hoặc quan hệ tình dục: Các tổn thương do tai nạn hoặc quan hệ tình dục mạnh có thể gây ra tình trạng này.
  • Sốt nhẹ từ 37.5 - 38 độ C: Sốt nhẹ đi kèm với chảy máu vùng sinh dục có thể là dấu hiệu của tình trạng nhiễm trùng cần được theo dõi, điều trị bởi chuyên gia y tế.
  • Chảy máu âm đạo giữa chu kỳ kinh: Nếu có chảy máu ở âm đạo bất thường xảy ra giữa các chu kỳ kinh thường, đây có thể là dấu hiệu của các bệnh lý như polyp tử cung, u xơ tử cung hoặc các bệnh lý khác về niêm mạc tử cung.
  • Chảy máu âm đạo sau mãn kinh: Chảy máu âm đạo sau khi đã mãn kinh có thể là dấu hiệu của các vấn đề nghiêm trọng như ung thư tử cung hoặc các bệnh lý khác, cần được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Hiện tượng chảy máu âm đạo: Nguyên nhân, triệu chứng bệnh và biện pháp chẩn đoán 3
Chảy máu âm đạo kèm đau bụng là dấu hiệu người bệnh cần đi khám bác sĩ

Biện pháp chẩn đoán bệnh lý căn nguyên

Chảy máu âm đạo là một triệu chứng phổ biến có thể xuất hiện do nhiều nguyên nhân khác nhau. Để chẩn đoán chính xác nguyên nhân gây chảy máu để đề xuất phương pháp điều trị hiệu quả, các biện pháp chẩn đoán sau đây thường được sử dụng trong thực hành lâm sàng.

Đầu tiên, bác sĩ sẽ thăm khám bệnh nhân để thu thập thông tin về các triệu chứng, thời gian xuất hiện và tiền sử bệnh lý cũng như các can thiệp y tế trước đó. Đồng thời, bác sĩ sẽ thực hiện khám phụ khoa, đây là bước khám cơ bản nhằm tìm kiếm các tổn thương thực thể tại cơ quan sinh dục như tử cung, cổ tử cung, ống dẫn trứng hoặc buồng trứng.

Sau đó, chuyên gia sẽ đề xuất một số xét nghiệm sau:

  • Công thức máu: Xác định số lượng máu mất, nồng độ hemoglobin (Hb), các thông số khác như tiểu cầu bị thiếu hụt giúp đánh giá mức độ mất máu.
  • Định lượng nồng độ HCG: Loại trừ các nguyên nhân chảy máu âm đạo từ thai kỳ.
  • Chức năng gan: Kiểm tra chức năng gan để phát hiện suy giảm tổng hợp các yếu tố đông cầm máu.
  • Đông máu cơ bản: Đánh giá mức độ thiếu hụt cùng chất lượng của các yếu tố đông cầm máu.
  • Soi tươi dịch âm đạo: Giúp phát hiện các vi khuẩn, ký sinh trùng hoặc nấm gây viêm nhiễm phụ khoa.
  • Xét nghiệm PAP và xét nghiệm HPV: Đây là các xét nghiệm phổ biến để phát hiện sớm ung thư cổ tử cung cùng các biến đổi tiền ung thư.
  • Siêu âm tử cung phần phụ: Sử dụng siêu âm để chẩn đoán các tổn thương thực thể tại cơ quan sinh dục như polyp cổ tử cung, u xơ tử cung hay các dấu hiệu bất thường khác.
  • Nội soi âm đạo: Phương pháp này có thể được sử dụng để thăm khám trực tiếp niêm mạc vùng âm đạo - cổ tử cung.
  • Sinh thiết nội mạc tử cung: Bác sĩ sử dụng dụng cụ chuyên dụng để lấy mẫu tế bào nội mạc tử cung thông qua lỗ cổ tử cung. Phương pháp này giúp xác định chính xác nguyên nhân gây chảy máu âm đạo, đặc biệt là trong trường hợp nghi ngờ ung thư hoặc các biến đổi ác tính khác.
Hiện tượng chảy máu âm đạo: Nguyên nhân, triệu chứng bệnh và biện pháp chẩn đoán 4
Người bệnh có thể được chỉ định xét nghiệm đông máu cơ bản

Tổng hợp, các biện pháp chẩn đoán bệnh lý căn nguyên gây chảy máu âm đạo rất đa dạng, cần được chỉ định hợp lý để đưa ra chẩn đoán chính xác và điều trị phù hợp.

Thông qua bài viết trên, Nhà thuốc Long Châu xin gửi tới quý độc giả thông tin về tình trạng chảy máu âm đạo. Mong bạn đọc đã có được kiến thức hữu ích về hiện tượng này bao gồm nguyên nhân, biểu hiện bệnh tiến triển cũng như những phương pháp hiện đại giúp chẩn đoán nguyên nhân. Chẩn đoán, điều trị bệnh sớm không chỉ giúp giảm thiểu rủi ro biến chứng mà còn đảm bảo được chất lượng cuộc sống và sức khỏe toàn diện cho phụ nữ.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại học Nguyễn Thanh Hải

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Đại học Dược Hà Nội, với hơn 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện là giảng viên giảng dạy các môn Dược lý, Dược lâm sàng,...

Xem thêm thông tin