Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Khỏe đẹp

Lời chào Namaste là gì? Mang ý nghĩa như thế nào trong Yoga?

Ngày 09/04/2024
Kích thước chữ

Nếu bạn đã tiếp xúc và thực hành Yoga, chắc hẳn bạn đã quen với các lời chào như Namaste hoặc Namaskar được dùng trước và sau mỗi buổi tập. Đây là một trong những khái niệm quan trọng, nhất là khi bạn quyết định theo đuổi bộ môn này. Thông tin dưới đây của nhà thuốc Long Châu sẽ giúp bạn hiểu thêm về thuật ngữ Namaste, cũng như ý nghĩa của nó trong Yoga.

Trong Yoga, Namaste không chỉ đơn thuần là một lời chào, mà còn là một biểu hiện của sự tôn trọng và biết ơn đối với giáo viên và các học viên khác.

Namaste là gì?

Thuật ngữ Namaste xuất phát từ kinh Vệ đà và đã tồn tại trong văn hóa và tín ngưỡng của người dân Ấn Độ từ rất lâu. Nó phổ biến trên tiểu lục địa Ấn Độ, Đông Nam Á và trong cộng đồng người Ấn Độ trên toàn thế giới. Namaste là một thuật ngữ quen thuộc trong bộ môn Yoga, nhưng nó mang đến một ý nghĩa sâu sắc hơn, không chỉ đơn giản là một lời chào hỏi. "Nama" trong Namaste có nghĩa là "cúi đầu", "as" có nghĩa là "tôi", và "te" có nghĩa là "bạn". Do đó, Namaste có ý nghĩa là "Tôi cúi đầu chào bạn".

Lời chào Namaste là gì? Mang ý nghĩa như thế nào trong Yoga?
Namaste là lời chào thường được thực hiện ở cuối buổi học Yoga

Một cách hiểu đơn giản, Namaste là một câu chào giao lưu và thăm hỏi khi gặp nhau, tương tự như: "Chào bạn" trong tiếng Việt, nhưng mang đậm nét trang trọng và lịch sự. Hành động Namaste là biểu hiện của sự tôn trọng và kính trọng sâu sắc đối với người đối diện. Thường thì Namaste được thực hiện ở cuối buổi học Yoga cơ bản hay nâng cao, khi môi trường tập luyện tĩnh lặng. Việc này không chỉ giúp tạo ra một không gian yên tĩnh để kết thúc buổi tập một cách lịch sự, mà còn là cách thể hiện sự biết ơn và kính trọng giữa giáo viên và học viên.

Ý nghĩa của Namaste là gì?

Mặc dù chỉ là một câu chào đơn giản, mang tính xã giao của người Ấn Độ từ xưa đến nay, nhưng ý nghĩa của Namaste lại vô cùng sâu sắc. Câu chào này không chỉ là sự khởi đầu cho các cuộc trò chuyện mà còn là câu chuyện về văn hoá và cuộc sống hàng ngày. Có 2 lớp ý nghĩa về triết học và tinh thần của lời chào Namaste.

Ý nghĩa triết học

Tính triết học của câu chào Namaste chứa đựng ý nghĩa về nhân sinh. Đây là một triết lý xuất phát từ kinh Vệ Đà, cho rằng thần linh sinh sống trong mỗi con người. Namaste không chỉ đơn thuần là hành động cúi chào người khác mà còn là sự tôn trọng và tôn vinh thần linh bên trong bạn.

Lời chào Namaste là gì? Mang ý nghĩa như thế nào trong Yoga? 1
Namaste chứa đựng ý nghĩa tôn trọng và tôn vinh thần linh bên trong bạn

Khi vị thần linh trong mỗi người và linh hồn được coi trọng và tôn trọng, người ta sẽ cảm thấy yêu bản thân, trân trọng những người xung quanh và sống theo hướng tích cực hơn, bởi vì họ luôn cảm thấy có tín hiệu hướng dẫn từ thần linh bên trong.

Ý nghĩa tinh thần

Việc bắt đầu mọi thứ, như là bắt đầu một buổi tập yoga hoặc một ngày làm việc, bằng việc chào hỏi nhau là vô cùng quan trọng. Namaste biểu thị sự tôn trọng và lòng tốt đẹp giữa những người cùng thuộc một cộng đồng, như cộng đồng lớp học hoặc nhóm nhân viên.

Chắc chắn rằng khi bạn được chào hỏi một cách trân trọng, bạn sẽ cảm thấy vui mừng và cảm thấy mình được tôn trọng. Điều này giúp tạo ra một môi trường thoải mái, tạo điều kiện cho sự hòa hợp và sẵn lòng chia sẻ giữa các bên.

Hướng dẫn thực hiện chào Namaste trong Yoga đúng cách

Namaste là cách chào và tạm biệt phổ biến ở nhiều quốc gia châu Á như: Ấn Độ, Nepal, Bangladesh và một số quốc gia khác. Hơn nữa, nó cũng thường được sử dụng như một biểu hiện của lòng biết ơn đối với sự giúp đỡ của người khác. Đề thực hiện chào Namaste trong Yoga đúng cách bạn có thể thực hiện theo hướng dẫn sau:

Cách 1

  • Đan hai bàn tay vào nhau với các ngón tay chạm nhau, đặt trước ngực.
  • Nhắm mắt, cười nhẹ và nghiêng đầu về phía trước.
  • Bằng cách đặt tay trước ngực, bạn tượng trưng cho sự chân thành và sự kính trọng. Cử chỉ cúi đầu thể hiện sự tôn trọng và lòng biết ơn.
  • Nhắm mắt giúp tinh thần bạn trở nên thoải mái và nhẹ nhàng hơn.
Lời chào Namaste là gì? Mang ý nghĩa như thế nào trong Yoga? 2
Cách thực hiện chào Namaste trong Yoga

Cách 2

  • Ở Ấn Độ, người ta thường chắp hai tay lại và đặt chúng ở giữa trán, sau đó cúi đầu và hạ tay xuống trước ngực.
  • Chỉ cần thực hiện động tác này, và đôi khi bạn không cần nói ra, người đối diện cũng hiểu rằng đó là một lời chào Namaste vô cùng trân trọng mà bạn dành cho họ.

Ở 2 cách trên, đan hai tay chắp trước trái tim biểu thị sự chân thành. Cúi đầu là cách thể hiện sự kính trọng. Việc nhắm mắt giúp tâm trí thảnh thơi, đồng thời giúp giảm căng thẳng. Đây là hành động mang ý nghĩa thể hiện sự tôn trọng sâu sắc đến người đối diện.

Vai trò của Namaste trong Yoga

Vai trò quan trọng của Namaste trong bộ môn Yoga là thể hiện sự tôn trọng giữa giáo viên và học viên. Không chỉ là học viên mới thực hiện nghi thức này với giáo viên, mà cả giáo viên cũng cúi chào tương tự với toàn bộ học viên.

Ví dụ, giáo viên sẽ truyền đạt các bài tập cho học viên, trong khi học viên giúp giáo viên cảm thấy đam mê và tình yêu với nghề hơn. Đó là sự kết nối, việc vượt qua cái tôi cá nhân và quên đi khái niệm về thời gian. Nếu thực hiện lời chào Namaste với sự chân thành thực sự, các giảng viên và học viên tập yoga sẽ tìm thấy được sự đồng cảm và tôn trọng lẫn nhau một cách trọn vẹn.

Lời chào Namaste là gì? Mang ý nghĩa như thế nào trong Yoga? 3
Lời chào Namaste trong lớp học Yoga giúp mọi người kết nối với nhau hơn

Hành động này thể hiện sự bình đẳng, tôn trọng và biết ơn lẫn nhau, không có sự phân biệt và cả hai bên sẵn lòng chia sẻ, hỗ trợ và tạo ra những trải nghiệm tích cực cho nhau, loại bỏ cảm xúc tiêu cực.

Nên thực hiện Namaste khi nào?

Trong lớp học Yoga, thực hiện lời chào Namaste lý tưởng nhất đó là khi bắt đầu và kết thúc buổi tập. Cả giáo viên và học viên đều thực hiện hành động này để diễn đạt lòng biết ơn và sự tôn trọng lẫn nhau. Đồng thời, đây cũng là cơ hội để nhấn mạnh việc kết nối với nhau, thể hiện sự đoàn kết và tinh thần đồng lòng trong yoga thậm chí cả trong đời sống hằng ngày.

Nếu đã quen với việc Namaste trong phòng tập Yoga, bạn cũng có thể áp dụng nó trong cuộc sống hàng ngày nếu phù hợp. Trong cuộc sống hằng ngày, việc chào hỏi khi gặp nhau là điều bình thường. Tùy thuộc vào mối quan hệ và hoàn cảnh, chúng ta có thể chào hỏi một cách khác nhau.

Với tinh thần của Namaste, chú trọng luôn đánh giá cao người đối diện, và lời chào Namaste thể hiện tất cả tình yêu và lòng tôn trọng của người thực hiện. Việc trao Namaste cho người thân, bạn bè hoặc người mới quen sẽ tạo ra một ấn tượng đặc biệt, vì chúng ta đã mang trong mình tinh thần Namaste.

Lời chào Namaste là gì? Mang ý nghĩa như thế nào trong Yoga? 4
Chú ý thời điểm nên thực hiện Namaste

Khi nào không nên sử dụng Namaste?

Mặc dù Namaste là một "việc làm" phổ biến trong cộng đồng tập Yoga, nhưng không phải ai cũng cảm thấy thoải mái khi sử dụng nó. Nếu việc này gây ra sự không thoải mái cho bạn, bạn hoàn toàn có thể bỏ qua nó. Giống như khi cơ thể không sẵn sàng cho các tư thế yoga khó, phức tạp, tâm trí của bạn có thể cũng chưa sẵn sàng để nói lời chào Namaste.

Thay vì sử dụng Namaste, bạn có thể sử dụng các cách khác nhau để diễn đạt lòng tôn trọng, như: "Xin cám ơn", "Tôi tôn trọng bạn", "Tôi đánh giá cao bạn"... Tất cả những câu này đều mang ý nghĩa truyền đạt tương tự như Namaste.

Chỉ có bạn mới có thể quyết định liệu nên sử dụng Namaste trong giao tiếp hàng ngày hay không. Nếu không cảm thấy phù hợp, bạn vẫn có thể thể hiện sự tôn trọng của mình bằng nhiều cách khác mà không cần phải sử dụng từ này. Tôn trọng và lắng nghe bản thân, khi bạn sẵn sàng, tâm trí của bạn sẽ cho bạn biết điều đó.

Tóm lại, Namaste mang một ý nghĩa quan trọng trong Yoga, giáo viên thực hiện hành động Namaste để bày tỏ lòng biết ơn và trân trọng đối với học viên, và các học viên thực hiện để chào tạm biệt giáo viên cũng như kết nối với những người tập Yoga khác. Thông qua việc này, một thông điệp đẹp có ý nghĩa được truyền đạt trong Yoga: Chúng ta có thể giống nhau và hòa nhập khi chúng ta sống bằng cả trái tim.

Xem thêm: Những lợi ích tuyệt vời khi tập yoga võng bạn cần biết

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Thị Hồng Nhung

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp đại học Khoa Dược. Có kinh nghiệm hơn 10 năm trong lĩnh vực Dược phẩm, tư vấn thuốc và thực phẩm chức năng. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin