Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Các phương pháp vật lý trị liệu gai cột sống và những điều cần biết

Ngày 10/08/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Gai cột sống là bệnh lý mạn tính tiến triển từ từ tăng dần, gây đau biến dạng và hạn chế tầm vận động của cột sống nên việc điều trị bệnh được nhiều người quan tâm. Cùng Nhà thuốc Long Châu tìm hiểu các phương pháp vật lý trị liệu gai cột sống bạn nhé.

Trong các phương pháp điều trị gai cột sống thì vật lý trị liệu là một trong những hướng điều trị giúp phục hồi và duy trì chức năng cột sống, hạn chế được các biến chứng của bệnh. Bài viết sau sẽ cung cấp thêm thông tin cho bạn về vật lý trị liệu gai cột sống.

Gai cột sống là gì?

Gai cột sống là sự xuất hiện của các gai xương ở phía ngoài và hai bên cột sống.

Gai xương là sự phát triển thêm ra từ thân cột sống, đĩa sụn, dây chằng quanh khớp. Bệnh xảy ra ở nam nhiều hơn nữ, tuổi càng cao khả năng mắc bệnh càng tăng. Trong đó gai cột sống thường hay bị ở phần cột sống thắt lưng và cột sống cổ. Vị trí thường mọc gai cột sống là mặt trước và mặt bên của cột sống, ít khi mọc ở mặt sau. Gai cột sống khiến người bệnh rất khó chịu do gai tiếp xúc với dây thần kinh, các xương đốt sống khi cử động gây đau cột sống đặc biệt là ở vùng thắt lưng, vai hoặc cổ, đau có thể lan xuống cánh tay, làm hạn chế vận động.

Các phương pháp vật lý trị liệu gai cột sống và những điều cần biết 1
Gai cột sống là bệnh lý mạn tính diễn tiến từ từ

Nguyên nhân dẫn đến gai cột sống

Có 3 nguyên nhân chính dẫn đến gai cột sống:

  • Viêm khớp cột sống mãn tính: Quá trình viêm ảnh hưởng đến phần sụn đốt sống, lâu ngày phần sụn này bị bào mòn dần, khiến bề mặt sụn đốt sống trở nên thô ráp, xù xì, mất đi sự trơn láng của nó. Cơ thể tự điều chỉnh lại bằng cách hình thành gai xương do đó đây là một đáp ứng tự nhiên của cơ thể đối với phản ứng viêm.
  • Do lắng đọng canxi ở các dây chằng, gân tiếp xúc với đốt sống: Thường gặp trong thoái hóa cột sống ở người lớn tuổi, canxi lắng đọng dưới dạng calcipyrophosphat. Thoái hóa cột sống là một rối loạn có thể làm mất cấu trúc và chức năng bình thường của cột sống. Canxi có thể lắng đọng ở xương đốt sống, đĩa sụn, các dây chằng bám quanh khớp. Quá trình thoái hóa sụn khớp dễ bị canxi hóa do mất nước (chiếm 80% trong sụn) và biến đổi một số chất.
  • Chấn thương: Khi bị chấn thương xương hoặc khớp ở cột sống, khi đó cơ thể sẽ hình thành các phản ứng sửa chữa tại vị trí tổn thương và dẫn đến sự hình thành gai cột sống. Trong trường hợp này, do phản ứng viêm canxi lắng đọng tại dây chằng cũng có thể hình thành gai xương.

Triệu chứng của gai cột sống

Phần lớn triệu chứng của gai cột sống thường mơ hồ. Tuy nhiên khi vận động các gai xương cọ xát với xương khác hoặc các phần mềm ở xung quanh như dây chằng, rễ dây thần kinh làm bệnh nhân cảm thấy đau, đặc biệt là đau vai, đau vùng thắt lưng, tê bì tay.

Một số triệu chứng thường gặp trong gai cột sống:

  • Khi bệnh nhân đứng hoặc đi thường đau ở cổ, thắt lưng, đau cũng có thể khi đang nghỉ ngơi. Tùy theo vị trí tổn thương cột sống mà sẽ có vị trí đau tương ứng.
  • Cảm giác bất thường hoặc mất cảm giác ở phần cột sống bị tổn thương.
  • Trong trường hợp nặng có chèn ép thần kinh, người bệnh có thể có cảm giác đau, tê bì lan từ vai xuống hai tay, và đùi xuống hai chân.
  • Đau tăng lên khi đi lại hay vận động, giảm khi nghỉ ngơi. Từ đó làm hạn chế vận động của bệnh nhân.
  • Yếu cơ, đặc biệt là ở tay và chân.
  • Mất cân bằng.
  • Đại, tiểu tiện không tự chủ trong trường hợp nặng.
  • Rối loạn thần kinh thực vật (rối loạn phản xạ tự động, tăng tiết mồ hôi,…).
Các phương pháp vật lý trị liệu gai cột sống và những điều cần biết 3
Hầu hết trường hợp các triệu chứng của gai cột sống khá mơ hồ 

Tác dụng của vật lý trị liệu trong điều trị gai cột sống

Trong điều trị gai cột sống, dùng thuốc kết hợp với phương pháp châm cứu, vật lý trị liệu, tập thể dục thường xuyên là phương pháp chính. Tập phục hồi chức năng, thực hiện vật lý trị liệu bằng hồng ngoại, sóng ngắn, điện xung là các biện pháp hay dùng nhất. Người bệnh bị gai cột sống thường được điều trị bảo tồn bằng các thuốc kháng viêm không steroid, thuốc giãn cơ, corticoid, vitamin, và có thể sử dụng các dụng cụ nâng đỡ như nẹp cổ… giúp giảm bớt gánh nặng lên các đốt sống bị tổn thương. Phẫu thuật được chỉ định trong trường hợp có sự chèn ép tủy hay có sự chèn ép hệ thần kinh và gây các triệu chứng tê chân, tay, rối loạn tiểu tiện.

Vật lý trị liệu gai cột sống được đánh giá là là phương pháp tối ưu nhất, hiệu quả, an toàn mà không cần phẫu thuật và có thể hạn chế dùng thuốc, giảm thiểu tối đa các tác dụng phụ lên người bệnh. Phần lớn những người bệnh gai cột sống khi áp dụng phương pháp này kiên trì và phù hợp đều thu được hiệu quả chữa trị tới 70 - 80%. Chi phí điều trị bằng vật lý trị liệu thấp hơn so với việc phẫu thuật hay sử dụng thuốc trong thời gian dài. Bằng các kỹ thuật vật lý có thể tăng cường sức khỏe cho các dây chằng và cơ, đẩy nhanh kết quả quá trình điều trị và hồi phục.

Nguyên tắc điều trị gai cột sống trong phục hồi chức năng:

  • Giảm đau, giảm co rút co cứng cơ;
  • Chống thoái hóa;
  • Phục hồi tầm vận động cột sống;
  • Phục hồi các hoạt động chức năng hàng ngày;
  • Nên xem xét chỉ định phẫu thuật trong trường hợp điều trị nội khoa và phục hồi chức năng không đem lại kết quả mong muốn.

Các phương pháp vật lý trị liệu gai cột sống

Vật lý trị liệu được thực hiện bởi các kỹ thuật viên trị liệu dưới sự hỗ trợ từ các máy móc hiện đại. Các phương pháp vật lý trị liệu gai cột sống như:

  • Điều trị bằng nhiệt: Có thể chọn một trong các phương pháp nhiệt sau: Hồng ngoại, đắp paraphin hoặc bùn khoáng, từ trường nhiệt. Phương pháp này có công dụng giảm đau, chống viêm và phòng ngừa phù nề.
  • Điện phân dẫn thuốc chống viêm giảm đau như Natrisalicylat 3% đặt tại vùng cột sống. Có thể giảm đau cấp tốc.
  • Siêu âm hoặc siêu âm dẫn thuốc chống viêm giảm đau dòng xung liều dọc vùng cơ hai bên cạnh cột sống: Hiệu quả của phương pháp này được kiểm chứng là rất cao. Sóng siêu âm làm tăng hoạt động màng tế bào từ đó giúp tăng tuần hoàn máu, giảm đau, chống viêm, làm mềm mô sẹo và giảm kết dính ở các mô sụn.
  • Kéo giãn cột sống ngắt quãng hoặc liên tục: Phương pháp giúp giải phóng sự chèn ép rễ từ đó làm giảm triệu chứng đau, dự phòng viêm, tăng tuần hoàn máu hiệu quả.
  • Tập luyện các bài tập theo tầm vận động cột sống: Các bài tập tác động lên vùng lưng, bụng, cổ… giúp giảm đau, hồi phục chức năng dây chằng và cơ, làm giãn cột sống, sự lưu thông máu tốt hơn. Bên cạnh đó cần điều chỉnh và duy trì tư thế đúng khi học tập và làm việc.
Các phương pháp vật lý trị liệu gai cột sống và những điều cần biết 4
Vật lý trị liệu là một phương pháp mang lại nhiều kết quả khả quan trong điều trị gai cột sống

Lưu ý khi điều trị gai cột sống bằng vật lý trị liệu

Những lưu ý khi dùng các phương pháp vật lý trị liệu để đạt hiệu quả tốt nhất:

  • Hiệu quả của vật lý trị liệu cần có thời gian nên bệnh nhân cần kiên trì và tuân thủ đều đặn, không bỏ giữa chừng.
  • Không nên sử dụng phương pháp vật lý trị liệu quá sức, quá nặng so với sức khỏe của bệnh nhân.
  • Tuân thủ đúng chỉ định của bác sĩ trong việc kết hợp các phương pháp.
  • Cần có chế độ ăn uống, nghỉ ngơi, sinh hoạt khoa học và hợp lý.

Tùy theo vào thể trạng và mức độ nặng, nhẹ của bệnh, bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp vật lý trị liệu gai cột sống phù hợp. Trong các biện pháp điều trị gai cột sống hiện nay thì vật lý trị liệu đang là xu hướng được nhiều người ưa chuộng. Đây là phương pháp đã mang lại kết quả điều trị khả quan cho nhiều người bệnh mà bạn không nên bỏ qua.

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm