Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Dinh dưỡng

Lợi ích sức khỏe của bột hạt lúa mạch và cách dùng hiệu quả

Thanh Hương

25/12/2024
Kích thước chữ

Bột hạt lúa mạch ngày càng được ưa chuộng trong chế độ ăn uống hiện đại. Nó được dùng thay thế một phần bột mì trong công thức nấu ăn, giúp tăng hàm lượng chất xơ và dinh dưỡng. Bài viết này sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về thành phần dinh dưỡng và lợi ích sức khỏe của bột lúa mạch.

Từ xa xưa, lúa mạch đã được biết đến như một loại ngũ cốc giàu dinh dưỡng. Ngày nay, bột hạt lúa mạch được chế biến từ hạt lúa mạch với ứng dụng đa dạng hơn, cách sử dụng tiện lợi hơn lại càng phổ biến. Vậy bột hạt lúa mạch mang đến lợi ích sức khỏe gì và dùng nó thế nào để tối ưu lợi ích? Trong bài viết này, Long Châu sẽ cùng bạn làm rõ.

Thành phần dinh dưỡng trong bột hạt lúa mạch

Bột hạt lúa mạch được làm từ chính hạt của cây lúa mạch. Sau khi thu hoạch, hạt lúa mạch sẽ được làm sạch, sấy khô và nghiền thành bột mịn. Tùy vào nguyên liệu được sử dụng và cách chế biến sẽ có những loại bột lúa mạch khác nhau.

Các loại bột hạt lúa mạch phổ biến

Dưới đây là những loại bột lúa mạch thông dụng nhất:

Bột lúa mạch nguyên cám: Bột lúa mạch nguyên cám được xay từ toàn bộ hạt lúa mạch, giữ trọn vẹn cám, mầm và nội nhũ. Nhờ đó, bột giàu chất xơ, vitamin và khoáng chất. Loại bột này có màu nâu nhạt, kết cấu thô, thường được dùng làm bánh mì nguyên cám, bánh quy hoặc trộn cùng bột mì để tăng dinh dưỡng. Bánh làm từ bột này thường đặc và nặng hơn.

Bột lúa mạch tinh chế: Bột lúa mạch tinh chế chỉ sử dụng phần nội nhũ của hạt lúa mạch, đã loại bỏ cám và mầm. Bột có màu trắng, kết cấu mịn, tạo ra những chiếc bánh mềm mại. Tuy nhiên, hàm lượng chất xơ và dinh dưỡng của bột tinh chế thấp hơn so với bột nguyên cám. Bột thường được dùng làm bánh mì trắng, bánh ngọt và các món ăn yêu cầu kết cấu mịn.

Bột mầm lúa mạch: Bột mầm lúa mạch được chế biến từ hạt lúa mạch đã nảy mầm và sấy khô. Quá trình này kích hoạt enzyme, chuyển hóa tinh bột thành đường maltose, tạo vị ngọt nhẹ đặc trưng. Bột mang lại hương vị đặc biệt, màu vàng đẹp mắt và kết cấu mềm cho bánh. Do hàm lượng gluten thấp hơn bột mì, bột mầm lúa mạch thường được dùng làm bánh mì mạch nha, bánh quy hoặc pha chế đồ uống.

Lợi ích sức khỏe của bột hạt lúa mạch và cách dùng hiệu quả 1
Mỗi loại bột hạt lúa mạch khác nhau sẽ có thành phần dinh dưỡng khác nhau

Thành phần dinh dưỡng trong bột hạt lúa mạch

Những loại bột lúa mạch khác nhau sẽ có thành phần dinh dưỡng khác nhau. Ước tính trong 100 gram bột lúa mạch tinh chế có khoảng:

  • Lượng calo: 354;
  • Tổng chất béo: 2,3 g (Khoảng 3% giá trị hàng ngày);
  • Chất béo bão hòa: 0,5 g (Khoảng 2% giá trị hàng ngày);
  • Kali: 452 mg (Khoảng 12% giá trị hàng ngày);
  • Tổng carbohydrate: 73 g (Khoảng 24% giá trị hàng ngày);
  • Chất xơ ăn kiêng: 17 g (Khoảng 68% giá trị hàng ngày);
  • Đường: 0,8 g;
  • Protein: 12 g (Khoảng 24% giá trị hàng ngày);
  • Canxi: Khoảng 3% giá trị hàng ngày;
  • Sắt: Khoảng 19% giá trị hàng ngày;
  • Vitamin B6: Khoảng 15% giá trị hàng ngày;
  • Magie: Khoảng 13% giá trị hàng ngày;
  • Các hợp chất chống oxy hóa: Flavonoid, polyphenol.

Lợi ích của bột hạt lúa mạch đối với sức khỏe

Bột hạt lúa mạch ngày càng được ưa chuộng trong chế độ ăn uống hiện đại vì nó có thể mang đến nhiều lợi ích tuyệt vời cho sức khỏe.

Bột hạt lúa mạch giúp hệ tiêu hóa khỏe mạnh

Chất xơ trong bột lúa mạch, đặc biệt là beta glucan, đóng vai trò như "chổi quét" làm sạch đường ruột. Nó giúp cải thiện tiêu hóa, giảm táo bón và ngăn ngừa các bệnh về đường ruột như viêm đại tràng. Bên cạnh đó, chất xơ còn cung cấp thức ăn cho lợi khuẩn đường ruột. Nó giúp cân bằng hệ vi sinh vật đường ruột, từ đó tăng cường sức đề kháng và bảo vệ cơ thể khỏi các tác nhân gây bệnh.

Lợi ích sức khỏe của bột hạt lúa mạch và cách dùng hiệu quả 2
Bột hạt lúa mạch được sử dụng rộng rãi vì lợi ích sức khỏe nó mang lại

Lợi ích của bột lúa mạch với hệ tim mạch

Chất xơ hòa tan trong bột lúa mạch giúp giảm cholesterol xấu LDL, tăng cholesterol tốt HDL, từ đó làm giảm nguy cơ xơ vữa động mạch. Bột lúa mạch chứa lignans, một nhóm chất chống oxy hóa có thể giúp giảm nguy cơ mắc bệnh tim và một số loại ung thư. Ngoài ra, magie, kali, vitamin B trong loại bột này cũng góp phần nâng cao sức khỏe tim mạch của người dùng.

Bột lúa mạch giúp kiểm soát đường huyết

Chỉ số GI của bột lúa mạch tương đối thấp (khoảng 25 - 30 với bột lúa mạch nguyên cám và 40 - 45 với bột lúa mạch tinh chế). Do đó, khi ăn bột lúa mạch đường huyết sẽ tăng dần đều và ổn định. Điều này rất có lợi cho người bệnh tiểu đường. Bên cạnh đó, chất xơ trong bột lúa mạch còn làm chậm quá trình hấp thu đường vào máu, giúp duy trì mức đường huyết ổn định.

Bột hạt lúa mạch tốt cho sức khỏe tổng thể

Bột hạt lúa mạch không chỉ tốt cho hệ tiêu hóa và tim mạch mà còn mang đến nhiều lợi ích cho sức khỏe tổng thể. Bột lúa mạch cũng cung cấp một nguồn năng lượng bền vững cho mọi hoạt động của cơ thể. Các vitamin và khoáng chất trong bột lúa mạch giúp tăng cường hệ miễn dịch, bảo vệ cơ thể khỏi các bệnh nhiễm trùng. Đồng thời, các chất chống oxy hóa trong bột lúa mạch giúp trung hòa gốc tự do, ngăn ngừa lão hóa sớm và bảo vệ tế bào khỏi tổn thương. Nhiều phụ nữ còn dùng bột lúa mạch để làm sạch da, loại bỏ tế bào chết và thu nhỏ lỗ chân lông.

Lợi ích sức khỏe của bột hạt lúa mạch và cách dùng hiệu quả 3
Bột hạt lúa mạch mang đến lợi ích sức khỏe toàn diện

Cách sử dụng bột hạt lúa mạch tốt nhất cho sức khỏe

Để phát huy tối đa lợi ích mà bột lúa mạch mang lại, bạn nên lưu ý những vấn đề sau:

Lựa chọn và sử dụng bột hạt lúa mạch

Tùy mục đích sử dụng, bạn có thể mua loại bột lúa mạch phù hợp. Tuy nhiên, nếu quan tâm đến giá trị dinh dưỡng cao, bạn nên mua bột lúa mạch nguyên cám. Bạn có thể dùng bột lúa mạch để pha chế thức uống, làm bánh, nấu món ăn dặm,… Tuy nhiên, bạn nên sử dụng với liều lượng hợp lý. Sử dụng quá nhiều bột lúa mạch có thể gây đầy hơi, chướng bụng, tiêu chảy.

Ai không nên dùng bột hạt lúa mạch?

Mặc dù bột hạt lúa mạch rất tốt cho sức khỏe, nhưng không phải ai cũng nên sử dụng. Người bị dị ứng gluten hay còn gọi là bệnh celiac là trường hợp cần đặc biệt chú ý. Đây là một bệnh tự miễn mà hệ thống miễn dịch của cơ thể tấn công nhầm vào niêm mạc ruột non. Gluten được tìm thấy trong một số loại ngũ cốc, bao gồm lúa mì, lúa mạch và lúa mạch đen. Nếu cố tình sử dụng bột hạt lúa mạch, người bệnh có thể gặp phải phản ứng dị ứng như nổi mẩn, ngứa, khó thở, thậm chí sốc phản vệ. Một số người có thể không bị bệnh celiac nhưng nhạy cảm với gluten có thể vẫn gặp các triệu chứng tiêu hóa khó chịu sau khi ăn bột hạt lúa mạch.

Lợi ích sức khỏe của bột hạt lúa mạch và cách dùng hiệu quả 4
Cần đảm bảo an toàn khi sử dụng bột hạt lúa mạch hàng ngày

Bột hạt lúa mạch mang đến nhiều lợi ích cho sức khỏe. Việc bổ sung bột lúa mạch vào chế độ ăn uống hàng ngày giúp cải thiện hệ tiêu hóa, tăng cường sức khỏe tim mạch, hỗ trợ giảm cân, ổn định đường huyết. Bạn hãy sử dụng thực phẩm này đủ lượng, đúng cách để tận dụng tối đa giá trị dinh dưỡng mà nó mang lại.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Vũ Kiều Ngân

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Có nhiều năm trong lĩnh vực dược phẩm. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin