Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Dinh dưỡng

Lúa mạch và những công dụng đáng ngạc nhiên với sức khỏe

Ngày 14/01/2023
Kích thước chữ

Một trong số những loại ngũ cốc được dùng phổ biến nhất trên thế giới là lúa mạch. Loại ngũ cốc này mang đến nhiều công dụng đáng ngạc nhiên cho sức khỏe.

Giống như bất cứ loại thực phẩm nào khác, lúa mạch cũng có giá trị dinh dưỡng nhất định. Không chỉ cung cấp năng lượng theo cách thông thường, đây còn là thực phẩm mang đến nhiều lợi ích bất ngờ cho sức khỏe. Trong bài viết này, Long Châu sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về những công dụng của lúa mạch.

Lợi ích của lúa mạch với sức khỏe

Cung cấp dinh dưỡng cho cơ thể

Thành phần dinh dưỡng của thực phẩm này chứa nhiều loại vitamin, khoáng chất cũng như những hợp chất thực vật vô cùng có lợi cho sức khỏe. Trên thị trường hiện có nhiều loại lúa mạch như loại nguyên vỏ, loại tách vỏ, loại thô hay bột lúa mạch…

Có thể kể ra hàng loạt thành phần dinh dưỡng quan trọng trong lúa mạch như:

  • 4 nhóm chất chính: Chất xơ, protein, carbohydrate, chất béo.
  • Các loại vitamin: Vitamin A, vitamin B6, vitamin E, vitamin K, vitamin B1, choline, folate, niacin, acid pantothenic, riboflavin, thiamin…
  • Các khoáng chất: Canxi, đồng, sắt, magie, mangan, photpho, kali, selen, natri, kẽm…

Đây đều là những vitamin và khoáng chất thiết yếu với cơ thể mà chúng ta cần bổ sung qua chế độ ăn uống mỗi ngày. 

lúa mạch 1
Lúa mạch trồng nhiều ở Trung Quốc, Bỉ, Mỹ, Hà Lan

“Chiến thần” hỗ trợ giảm cân

Với hàm lượng chất xơ dồi dào, loại lương thực này tạo cảm giác no lâu. Việc này giúp những người đang có ý định giảm cân kiểm soát được cơn đói giữa các bữa chính, giảm ăn vặt. Nhờ đó có thể giảm cân hiệu quả hơn. Nếu muốn giảm cân thần tốc bạn nhớ thêm thực phẩm này vào thực đơn của mình. 

Chất xơ trong lúa mạch là chất xơ hòa tan beta-glucan. Chúng cũng tạo môi trường lý tưởng cho hệ lợi khuẩn đường ruột phát triển mạnh, giúp quá trình tiêu hóa và chuyển hóa diễn ra thuận lợi hơn. Việc này giúp hạn chế tích tụ năng lượng dư thừa trong cơ thể dưới dạng mỡ. 

Giảm nguy cơ sỏi mật

Nhiều nghiên cứu đã chứng minh việc tiêu thụ lúa mạch thường xuyên giúp phòng ngừa sỏi mật. Cụ thể: 

  • Người tiêu thụ nhiều chất xơ có thể giảm đến 13% nguy cơ hình thành sỏi mật và phải phẫu thuật túi mật. 
  • Cứ tiêu thụ tăng 5g chất xơ sẽ giảm được 10% nguy cơ bị sỏi mật. 

Lúa mạch giàu chất xơ gồm cả loại hòa tan và không hòa tan nên là một lựa chọn lý tưởng cho những ai muốn phòng ngừa sỏi mật ở phụ nữ và nam giới.

lúa mạch 2
Loại thực phẩm này hỗ trợ phòng ngừa sỏi mật và biến chứng liên quan

Giúp hệ tiêu hóa khỏe mạnh

Chất xơ trong lúa mạch không chỉ giúp kiểm soát cân nặng mà còn tốt cho quá trình tiêu hóa. Chất xơ giúp nhuận tràng, tiêu hóa mượt mà, phòng ngừa táo bón. Chất xơ hòa tan trong lúa mạch giúp hệ lợi khuẩn đường ruột tạo ra một loại acid béo chuỗi ngắn. Acid này có tác dụng giảm viêm, giảm triệu chứng hội chứng ruột kích thích hay viêm loét đại tràng.

Giảm cholesterol, giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch

Lúa mạch cũng có thể làm giảm mức cholesterol của cơ thể. Beta-glucans trong lúa mạch có thể làm giảm lượng cholesterol xấu. Chúng liên kết với acid mật và giúp cơ thể đào thải acid mật qua đường đại tiện. Khi đó, gan buộc phải dùng cholesterol hơn để sản xuất ra lượng acid mật mới. Đây là cách Beta-glucans giúp cơ thể giảm cholesterol. 

Ngoài ra, các acid béo được hệ lợi khuẩn đường ruột tạo ra trong dạ dày cũng ngăn chặn sản xuất cholesterol trong cơ thể. Khi lượng cholesterol giảm, chúng ta sẽ giảm được nguy cơ mắc các bệnh tim mạch, bệnh huyết áp. 

Giảm nguy cơ mắc tiểu đường tuýp 2

Nếu chưa biết tiểu đường tuýp 2 nên ăn gì, bạn hãy tăng cường ăn lúa mạch. Thực phẩm này chứa làm lượng magie cao có tác dụng cải thiện độ nhạy insulin, cân bằng đường huyết. Ngoài ra, chất xơ trong lúa mạch cũng làm chậm quá trình hấp thụ đường vào máu. Nhờ đó sau bữa ăn có thực phẩm này, đường huyết không bị tăng đột ngột. 

lúa mạch 3
Sử dụng lúa mạch trong bữa ăn hàng ngày tốt cho sức khỏe

Phòng ngừa bệnh ung thư 

Nhiều bằng chứng khoa học đã chứng minh, tăng cường ăn chất xơ sẽ giảm nguy cơ ung thư ruột kết, ung thư đại tràng. Chất xơ trong lúa mạch giúp làm sạch và thải độc ruột. Các chất chống oxy hóa như acid phenolic, phytic và saponin trong thực phẩm này cũng có tác dụng ức chế các tế bào ung thư.

Lưu ý khi dùng lúa mạch

Phân biệt lúa mạch và yến mạch

Trên thị trường hiện nay có hai loại ngũ cốc là lúa mạch và yến mạch dễ gây nhầm lẫn với nhau. Nhiều người nghĩ rằng yến mạch và lúa mạch là một. Nhưng thực tế đây là 2 loại ngũ cốc hoàn toàn khác nhau, khi mua hàng bạn cần lưu ý. 

Lúa mạch thường dùng làm nguyên liệu để sản xuất bia, làm bánh, làm thực phẩm ăn kèm với sữa chua… Chúng thường được bán trên thị trường dưới dạng nguyên hạt, hạt tròn đều hoặc dạng bột. Còn yến mạch có thường dùng làm bánh, ăn cùng sữa chua, dùng để dưỡng da. Chúng thường được cán dẹp. 

lúa mạch 4
Phân biệt yến mạch và lúa mạch

Tác dụng phụ của lúa mạch

Giống như bất cứ thực phẩm nào khác, tiêu thụ lúa mạch cũng có nguy cơ gặp tác dụng phụ. Nếu tiêu thụ một lượng quá nhiều, bạn có thể gặp những triệu chứng như: 

  • Đầy bụng, chướng bụng, khó tiêu hay các triệu chứng rối loạn tiêu hóa khác do ăn quá nhiều.
  • Những người bị bệnh không dung nạp gluten (bệnh Celiac) nếu ăn lúa mạch sẽ gặp triệu chứng nặng hơn. 
  • Một số người có cơ địa nhạy cảm với gluten có thể bị dị ứng khi ăn lúa mạch. Một số triệu chứng dị ứng như đau bụng, buồn nôn, sưng phù môi lưỡi, phát ban trên da…

Ngoài những bệnh nhân bị mắc bệnh Celiac hay người dị ứng với gluten, phụ nữ mang thai hoặc nuôi con bằng sữa mẹ cũng được cho là không nên ăn lúa mạch. Thực phẩm này có thể làm ảnh hưởng đến quá trình tiết sữa của cơ thể người mẹ. Khi mua lúa mạch, bạn cũng cần lưu ý mua hàng ở địa chỉ uy tín, chú ý hạn sử dụng và quan sát hạt mạch. Hãy đảm bảo bạn không mua phải lúa mạch bị mốc, tiềm ẩn nguy cơ ngộ độc. 

Lúa mạch là sự thay thế tuyệt vời cho các loại ngũ cốc tinh chế. Với giá thành rẻ, có thể chế biến theo nhiều cách, lúa mạch ngày càng nhiều người sử dụng thực phẩm này trong bữa ăn hàng ngày.

Thanh Hương

Nguồn tham khảo: Vinmec

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại học Nguyễn Tuấn Trịnh

Đã kiểm duyệt nội dung

Từng làm ở Viện ISDS, nhiều năm cộng tác với CDC Thái Nguyên triển khai dự án phòng chống HIV/AIDS, 2 năm cộng tác với WHO.

Xem thêm thông tin