Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Lõm ngực ở trẻ em có nguy hiểm không?

Ngày 17/08/2022
Kích thước chữ

Lõm ngực là bệnh lý rối loạn bẩm sinh ở ngực. Đây là một dạng bệnh bẩm sinh hay gặp nhất ở trẻ em. Vậy lõm ngực là gì? Lõm ngực có những triệu chứng như thế nào? Bài viết sau đây sẽ là những giải đáp của Nhà Thuốc Long Châu về bệnh lõm ngực ở trẻ em. Hãy cùng theo dõi nhé!

Rất nhiều căn bệnh ở trẻ em không có triệu chứng rõ ràng nên bố mẹ không lưu ý tới, dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng về sau. Lõm ngực ở trẻ em là một trong số những căn bệnh đó. Vậy lõm ngực là gì? Có thể phát hiện bệnh lõm ngực ở trẻ em qua các dấu hiệu nào? Hãy cùng Nhà Thuốc Long Châu khám phá ngay qua bài viết sau đây!

Lõm ngực ở trẻ em là gì?

Lõm ngực hay còn gọi là ngực phễu là tình trạng xương ức và một số xương sườn có những biến dạng bất thường làm bề mặt ngực có vết lõm xuống. Nguyên nhân gây bệnh có thể là do yếu tố di truyền hoặc do yếu tố dinh dưỡng, trẻ thiếu canxi, thiếu vitamin D làm tăng nguy cơ lõm ngực.

Theo nhiều thống kê, lõm xương ức là bệnh bẩm sinh phổ biến nhất của trẻ em. Tỷ lệ mắc bệnh là 1/300 trẻ. Dị tật này cũng thường gặp ở bé trai nhiều hơn, tỷ lệ nam/nữ mắc bệnh là 4/1. Thường gặp ở những người da trắng hơn những người da đen.

Lõm ngực sẽ khó được phát hiện khi trẻ mới sinh ra, thời điểm những triệu chứng rõ ràng hơn là khi trẻ 2-3 tuổi. Thậm chí, nhiều trường hợp phát hiện ra bệnh khi trẻ đã trưởng thành.

Lõm ngực ở trẻ em có nguy hiểm không? 1 Trẻ em có bề mặt ngực bị lõm xuống

Triệu chứng lõm ngực ở trẻ em

Các triệu chứng của lõm ngực thay đổi theo từng mức độ khác nhau, có thể là từ nhẹ đến nặng. Nhưng nhìn chung, các tình trạng bệnh sẽ diễn biến nặng hơn theo độ tuổi trưởng thành.

Nhiều trẻ khi sinh ra có tình trạng lõm ngực rất nhẹ, thậm chí khi trẻ lớn khoảng 2 - 3 tuổi bố mẹ vẫn không phát hiện ra dấu hiệu lõm ngực. Tuy nhiên, nhiều trẻ có tình trạng lõm ngực nặng hơn, làm cho phần ngực đè lên tim, phổi.

Phần lõm đè lên tim, phổi tuy thường không gây những ảnh hưởng nặng nề và chỉ xảy ra khi người bệnh tập thể dục với cường độ quá cao nhưng lõm ngực lại là nguyên nhân khiến nhiều trẻ (15% trẻ lõm ngực) bị vẹo cột sống.

Với những trẻ bị lõm ngực nặng, phần ngực đè lên tim, phổi có thể gây ra các triệu chứng như:

  • Mệt mỏi.
  • Tức ngực.
  • Ho, khò khè.
  • Thường xuyên mắc các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp.
  • Không thể tập luyện thể thao với cường độ mạnh.
  • Hội chứng Marfan: Là một hội chứng di truyền ảnh hưởng đến các mô liên kết. Dấu hiệu nhận biết hội chứng này bao gồm người cao, gầy bất thường, chân tay dài, xương ức lồi ra hoặc lõm vào, cột sống bị cong và cận thị nặng.
  • Hội chứng Poland: Một hội chứng khuyết tật bẩm sinh hiếm gặp, đặc trưng bởi sự thiếu hụt hoặc kém phát triển của các cơ ở một bên cơ thể. Đặc biệt, hội chứng này thường làm cho trẻ bị thiếu hẳn một bên ngực.
  • Còi xương: Sự rối loạn các chất dinh dưỡng do thiếu vitamin D, canxi và phospho làm cho trẻ bị mềm và yếu xương.
  • Vẹo cột sống.
Lõm ngực ở trẻ em có nguy hiểm không? 2 Triệu chứng lõm ngực có thể nhìn thấy bằng mắt thường

Lõm ngực ở trẻ em gây ra những biến chứng gì?

Với những trường hợp nhẹ, các trẻ có thể mắc các vấn đề tâm lý do tự ti về ngoại hình của bản thân. Nặng hơn, đối với những trường hợp trẻ lõm ngực nghiêm trọng không được can thiệp điều trị có thể gây ép tim và ép phổi sang một bên.

  • Vấn đề ngoại hình: Rất nhiều trẻ bị lõm ngực có xu hướng không muốn giao lưu với mọi người xung quanh, thậm chí các bé từ chối tất cả những hoạt động đi chơi, bơi lội…cùng với chính gia đình của mình.
  • Vấn đề tim, phổi bị ép sang một bên: Khi vết lõm ở ngực quá sâu sẽ đè lên phổi, làm cho diện tích thông khí ở phổi bị giảm, phổi sẽ không thể nở ra hoàn toàn để chứa nhiều khí khi hít vào. Ngoài ra, vết lõm ngực có thể đè lên phần tim khiến tim bị đẩy lệch nhiều hơn sang bên trái và khó có thể co bóp tự do.
Lõm ngực ở trẻ em có nguy hiểm không? 3 Lõm ngực làm trẻ tự ti về ngoại hình của mình

Khi nào gia đình nên đưa trẻ đi khám?

Trẻ em rất khó để có thể tự nói với người lớn về những bất thường của cơ thể. Vì vậy, những người thân luôn ở bên cạnh con như bố mẹ, ông bà có ý nghĩa rất lớn trong việc phát hiện bệnh cho trẻ. Sau đây sẽ là một vài lưu ý để bố mẹ có thể kịp thời đưa con tới khám tại các bệnh viện:

  • Bố mẹ quan sát ngực của con, thấy ngực có dấu hiệu lép và mỏng. Vùng giữa 2 vú, dọc theo xương ức lõm sâu xuống như hình đáy chén, diện lõm có thể rộng hơn, lệch sang trái hoặc sang phải.
  • Khi quan sát phía sau trẻ, phát hiện cột sống không thẳng, có xu hướng cong, gù…
  • Hết sức lưu ý đến các triệu chứng hô hấp và tim mạch như hơi thở bị ngắn, nông, tức ngực, đánh trống ngực, không thể hoạt động mạnh, gắng sức…
  • Ở các trẻ lớn hơn, khi các em biết mình khác với mọi người sẽ có những dấu hiệu tâm lý bất thường như tự ti, không tham gia các hoạt động chung với các bạn thì bố mẹ cũng nên xem xét đưa con đến bệnh viện để điều trị.
Lõm ngực ở trẻ em có nguy hiểm không? 4 Bố mẹ nên đưa con đi khám khi có dấu hiệu bất thường

Điều trị lõm ngực ở trẻ em

Những trẻ có dấu hiệu lõm ngực ở mức nhẹ sẽ không cần thiết phải phẫu thuật, có thể điều trị bằng các kỹ thuật vật lý trị liệu và một số bài tập cải thiện tư thế, tăng mức độ mở rộng của ngực. Ngược lại, đối với những trường hợp lõm ngực tỳ đè lên tim, phổi thì nên cho trẻ thực hiện phẫu thuật sớm.

Trước đó, các bác sĩ thường dùng phương pháp phẫu thuật đặt thanh nâng ngực. Nhưng đến nay, khi y học ngày càng phát triển, người ta phát hiện phương pháp này vẫn tồn tại nhiều biến chứng trong và sau quá trình phẫu thuật, bệnh nhân sẽ phải mang dị vật ở lồng ngực trong thời gian dài. Vì vậy, ngày nay phương pháp điều trị mới có tên là “đặt chuông nâng xương ức” đã được các bác sĩ ứng dụng nhiều trong điều trị lõm ngực ở trẻ em.

Lõm ngực ở trẻ em có nguy hiểm không? 5 Hình ảnh trước và sau khi điều trị lõm ngực ở trẻ em

Có thể thấy, dị tật lõm ngực ở trẻ em tuy rất phổ biến nhưng cũng có nhiều mức độ khác nhau. Bố mẹ không nên chủ quan trước những dấu hiệu bất thường này. Hãy đưa trẻ tới khám tại các trung tâm y tế uy tín để có thể bảo vệ sức khỏe cho con. Và cũng đừng quên theo dõi những bài viết sau của Nhà Thuốc Long Châu để có thêm nhiều kiến thức về sức khỏe.

Ánh Vũ

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Thanh Hải

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Đại học Dược Hà Nội, với hơn 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện là giảng viên giảng dạy các môn Dược lý, Dược lâm sàng,...

Xem thêm thông tin