Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Lựa chọn phương pháp điều trị u mô đệm đường tiêu hóa sao cho phù hợp?

Ngày 31/05/2022
Kích thước chữ

Việc lựa chọn phương pháp điều trị u mô đệm đường tiêu hóa phụ thuộc nhiều yếu tố như giai đoạn bệnh, các tác dụng phụ có thể xảy ra, nguyện vọng và sức khỏe tổng thể của bệnh nhân.

Việc lựa chọn phương pháp điều trị u mô đệm đường tiêu hóa phụ thuộc nhiều yếu tố. Cùng tìm hiểu rõ vấn đề này hơn qua bài viết dưới đây.

Những giai đoạn của bệnh u mô đệm đường tiêu hóa

Phân loại các giai đoạn của khối u là cách để mô tả mức độ phát triển và sự lan rộng của khối u chính xác nhất. Bác sĩ sẽ sử dụng các xét nghiệm chẩn đoán để tìm ra giai đoạn của u. Các xét nghiệm để chẩn đoán giai đoạn bao gồm chụp CT, MRI, hoặc PET-CT. Các loại ung thư khác nhau có các phân độ giai đoạn khác nhau. Xác đinh được giai đoạn của khối u giúp bác sĩ quyết định phương pháp điều trị nào là tốt nhất và giúp tiên lượng bệnh. 

Với một số loại khối u đường tiêu hóa khác, công cụ phân chia giai đoạn phổ biến nhất được sử dụng là hệ thống TNM. TNM là chữ viết tắt của khối u (Tumor), hạch (Node), di căn (Metastatic). Tuy nhiên, hệ thống TNM không được áp dụng với GIST. Thay vào đó, các bác sĩ dựa vào các yếu tố khác nhau để xác định tiên lượng của bệnh nhân và mức độ ác tính của khối u. GIST đã lan đến các phần xa của cơ thể được gọi là di căn và tương đương giai đoạn IV. Đặc biệt, các bác sĩ muốn tìm ra mức độ phát triển GIST và nguy cơ tái phát sau phẫu thuật.

Thông thường, với các khối u đã được phẫu thuật mà chưa di căn, bác sĩ sẽ sử dụng các yếu tố được liệt kê dưới đây để xác định nguy cơ tái phát:

  • Kích thước khối u;
  • Hệ số phân bào (mô tả số lượng tế bào phân chia);
  • Vị trí khởi phát của khối u;
  • Khối u đã bị vỡ ra và tràn vào ổ bụng hay chưa.
Lựa chọn phương pháp điều trị U mô đệm đường tiêu hóa
Phân loại các giai đoạn của khối u là cách để mô tả mức độ phát triển và sự lan rộng của khối u chính xác nhất

Các phương pháp điều trị phổ biến nhất cho GIST

Việc lựa chọn phương pháp điều trị U mô đệm đường tiêu hóa phụ thuộc nhiều yếu tố như giai đoạn bệnh, các tác dụng phụ có thể xảy ra, nguyện vọng và sức khỏe tổng thể của bệnh nhân. Các yếu tố giúp xác định cách điều trị tốt nhất bao gồm:

  • Kích thước khối u;
  • Số lượng tế bào phân chia;
  • Sự sắp xếp gen;
  • Vị trí u nguyên phát;
  • U đã di căn hay chưa;
  • Khối u đã bị vỡ chưa nếu đã vỡ thì là do nó tự vỡ hay do phẫu thuật.

Phẫu thuật

Phẫu thuật là cắt bỏ khối u và các mô lành lân cận. Đối với bệnh nhân bị GIST tại chỗ, phẫu thuật là cách điều trị chuẩn và nên được thực hiện ngay khi có thể. Trường hợp các khối u GIST đã lan ra vị trí khác thì phẫu thuật không thể lấy hết, do đó bệnh không được chữa khỏi hẳn. Trước khi phẫu thuật, bệnh nhân nên hỏi bác sĩ để biết về các tác dụng phụ có thể gặp do phẫu thuật.

Liệu pháp sử dụng thuốc

Liệu pháp toàn thân là sử dụng thuốc để phá huỷ tế bào u. Trong phương pháp này thuốc được đưa vào qua máu và đi vào tế bào u.Thuốc sẽ được chỉ định bởi các bác sĩ chuyên điều trị ung thư bằng thuốc. Thông thường thì thuốc sẽ được đưa vào cơ thể là qua tiêm truyền hoặc đường uống.

Đối với liệu pháp sử dụng thuốc, bệnh nhân có thể được điều trị bằng một liệu pháp hoặc kết hợp nhiều liệu pháp cùng lúc, có thể bao gồm luôn liệu pháp nhắm trúng đích. Đồng thời phương pháp này cũng là một phần của kế hoạch điều trị bao gồm phẫu thuật và/hoặc xạ trị.

Bệnh nhân nên trao đổi nhiều hơn với bác sĩ điều trị để hiểu về loại thuốc được sử dụng điều trị, tác dụng chính, tác dụng phụ có thể có hoặc tương tác giữa các loại thuốc với nhau. Ngoài ra nếu bạn đang sử dụng bất cứ loại thuốc, thực phẩm chức năng, vitamin nào thì cũng nên nói với bác sĩ để coi có ảnh hưởng tới quá trình trị liệu hay không.

Lựa chọn phương pháp điều trị U mô đệm đường tiêu hóa-1Việc lựa chọn phương pháp điều trị u mô đệm đường tiêu hóa phụ thuộc nhiều yếu tố

Liệu pháp nhắm trúng đích

Liệu pháp nhắm trúng đích là điều trị nhắm vào gen, protein đặc trưng của ung thư hoặc môi trường giúp ung thư tồn tại và phát triển. Mục đích của liệu pháp này là ngăn chặn sự phát triển và lan rộng của các tế bào ung thư, hạn chế việc tổn thương đến các tế bào lành.

Mỗi khối u sẽ có các đích điều trị khác nhau, vậy nên bác sĩ phải thực hiện các xét nghiệm để tìm ra gen, protein hay yếu tố nào tác động đến khối u, để đưa ra phương pháp điều trị hiệu quả nhất. Thêm vào đó, các nghiên cứu đang tiếp tục tìm ra nhiều hơn nữa những biến đổi đặc trưng ở mức độ phân tử và những phương pháp điều trị tác động trực tiếp đến chúng.

Thuốc ức chế men tyrosine kinase (TKIs) là các loại thuốc nhắm vào các protein đặc hiệu được gọi là kinase, protein này góp phần vào sự tồn tại và phát triển của khối u. TKIs thường dùng để điều trị GIST. Các loại thuốc được mô tả trong phần này được liệt kê theo thứ tự được phê duyệt bởi FDA. 

Đây là thuốc điều trị đích đầu tiên được cơ quan quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) phê duyệt để điều trị GIST. Loại thuốc ra đời đã giúp tiên lượng của bệnh nhân GIST được cải thiện rất nhiều.

Các nghiên cứu đang được thực hiện để tìm ra thời điểm thích hợp sau phẫu thuật sử dụng Imatinib để giúp trì hoãn hay ngăn chặn u tái phát và Imatinib là thuốc duy nhất được dùng với mục đích này. Nếu GIST đã di căn, để giúp kiểm soát khối u bệnh nhân nên sử dụng imatinib trong suốt thời gian sống còn lại.

Liều thông thường của imatinib là 400 mg/ngày. Đối với một số bệnh nhân liều có thể được nâng lên 800 mg/ngày, đặc biệt là đối với những người có đột biến exon 9 trong gen KIT.

Imatinib có một số tác dụng phụ phổ biến mà chúng ta có thể kiểm soát được bằng cách điều chỉnh liều cho phù hợp hoặc phối hợp thêm với các thuốc khác. Các tác dụng phụ thường gặp nhất là tụ dịch, phát ban, buồn nôn, tiêu chảy, mệt mỏi và đau cơ nhẹ. Tác dụng phụ nghiêm trọng nhưng hiếm gặp bao gồm chảy máu và viêm gan. Ngoài ra, một số tác dụng phụ sẽ giảm dần theo thời gian. Những người có tác dụng phụ nghiêm trọng có thể giảm tới liều tối thiểu mà vẫn có tác dụng.

Sunitinib là một TKI hoạt động theo nhiều cách khác nhau để làm chậm sự tăng trưởng của khối u. Sunitinib cũng làm bất hoạt cả gen KIT và quá trình tân sinh mạch. Sunitinib để điều trị u GIST trong cả trường hợp điều trị bằng imatinib thất bại. Hoặc sử dụng thay thế khi điều trị bằng imatinib có tác dụng phụ quá nghiêm trọng kể cả khi ở liều thấp. Tác dụng phụ của sunitinib bao gồm mệt mỏi, tiêu chảy, buồn nôn, nôn, ợ nóng, thay đổi vị giác, cao huyết áp, giảm các tế bào máu và thay đổi màu da.

Regorafenib (Stivarga) là một TKI tác dụng theo nhiều cách khác nhau để làm chậm sự phát triển của khối u, bao gồm ức chế phân tử KIT và ức chế quá trình tân sinh mạch tại các khối u. Thuốc được phê duyệt vào năm 2013 cho những người bị GIST giai đoạn muộn mà không thể phẫu thuật cắt bỏ và khi dùng imatinib và sunitinib đều không có tác dụng hoặc gây ra các tác dụng phụ nghiêm trọng. Tác dụng phụ của regorafenib bao gồm mệt mỏi, buồn nôn, hội chứng tay chân, huyết áp cao, tiêu chảy và viêm gan.

Dưới 1% ung thư mô mềm có đột biến gen tyrosine kinase trong thụ thể thần kinh (NTRK). Larotrectinib (Vitrakvi) là một thuốc ức chế thụ thể NTRK được phê duyệt cho bất kỳ ung thư nào có đột biến đặc trưng trong gen NTRK. Những đột biến NTRK, KIT, PDGFR, SDH, RAF không thấy trong các loại GIST phổ biến. Các tác dụng phụ phổ biến của thuốc ức chế thụ thể NTRK gồm: mệt mỏi, buồn nôn, chóng mặt, nôn, tăng men gan, ho, táo bón và ỉa chảy.

  • Avapritinib (Ayvakit)

Avapritinib là một TKI nhắm trúng đích ở các khối u có đột biến đặc hiệu trong gen của thụ thể alpha yếu tố tăng trưởng tiểu cầu (PDFGRA) exon 18. Thuốc được FDA phê duyệt để điều trị GIST di căn có đột biến PDFGRA exon 18 nhưng không thể điều trị bằng phẫu thuật. Tác dụng phụ phổ biến của Avapritinib gồm: Sưng nề, buồn nôn, mệt mỏi,  giảm sự tập trung, trí nhớ, suy nghĩ khó khăn, nôn, mất vị giác, ỉa chảy, thay đổi màu tóc, tăng tiết nước máy, đau bụng, táo bón, phát ban, và choáng ngất.

  • Ripretinib (Qinlock)

Ripretinib là TKI được chấp nhận để điều trị GIST tiến triển nếu trước đó bệnh nhân đã được điều trị với ít nhất là 3 TKI bao gồm Imatinib mà khối u không dừng phát triển và lan rộng.

Tác dụng phụ phổ biến: rụng tóc, mệt mỏi, buồn nôn, đau bụng, táo bón, đau cơ, ỉa chảy, mất vị giác, hội chứng tay chân, nôn. Cũng có thể gặp tác dụng phụ nghiêm trọng như: Ung thư da, tăng huyết áp, các bệnh tim mạch.

Lựa chọn phương pháp điều trị U mô đệm đường tiêu hóa-2

Liệu pháp nhắm trúng đích là điều trị nhắm vào gen, protein

Hóa trị

Là phương pháp sử dụng thuốc để phá hủy các tế bào ung thư bằng cách ức chế khả năng phát triển và phân chia của chúng. Tuy nhiên, phương pháp hóa trị không có tác dụng với GIST nên không được dùng để điều trị.

Xạ trị

Xạ trị là việc sử dụng tia X năng lượng cao hoặc các hạt phân tử khác để tiêu diệt các tế bào ung thư, trong đó xạ ngoài là phương pháp xạ trị phổ biến nhất. Xạ trị thường không được sử dụng để điều trị cho những người bị GIST. Tuy nhiên, có thể được sử dụng để điều trị triệu chứng như giảm đau xương, hoặc làm ngừng chảy máu. Các tác dụng phụ của xạ trị bao gồm mệt mỏi, phản ứng da nhẹ, đau dạ dày, và tiêu chảy. Hầu hết các tác dụng phụ sẽ sớm mất đi sau khi kết thúc điều trị.

Trên đây là những phương pháp điều trị u mô đệm đường tiêu hóa mà bạn cần biết. Hy vọng bài viết đã giúp ích cho bạn và người thân trong việc điều trị GIST để mang đến kết quả tốt nhất.

Thu Thủy

Nguồn tham khảo: yhoccongdong.com

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcTrần Huỳnh Minh Nhật

Đã kiểm duyệt nội dung

Dược sĩ chuyên khoa Dược lý - Dược lâm sàng. Tốt nghiệp 2 trường đại học Mở và Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Có kinh nghiệm nghiên cứu về lĩnh vực sức khỏe, đạt được nhiều giải thưởng khoa học. Hiện là Dược sĩ chuyên môn phụ trách xây dựng nội dung và triển khai dự án đào tạo - Hội đồng chuyên môn tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin