Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Lười vận động: Cảnh báo nguy cơ bệnh trĩ

Ngày 03/03/2022
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Những người làm các công việc yêu cầu phải ngồi nhiều sẽ có thói quen lười vận động. Đây là một trong những nguyên nhân chủ yếu gây nên bệnh trĩ. Chỉ cần tăng cường tập thể dục và vận động mỗi ngày, bạn sẽ phòng ngừa được bệnh trĩ.

Để tìm hiểu tác hại của lười vận động làm tăng nguy cơ bệnh trĩ, mức độ nguy hiểm của bệnh và cách khắc phục, hãy cùng tham khảo bài viết sau nhé.

Vì sao lười vận động gây bệnh trĩ?

Lười vận động: Cảnh báo nguy cơ bệnh trĩ 1 Lười vận động có nguy cơ bị bệnh trĩ

Trĩ là gì?

Bệnh trĩ không chỉ đơn thuần là bệnh của tĩnh mạch mà là bệnh của một hệ thống mạch máu từ tiểu động mạch, tĩnh mạch, thông nối động tĩnh mạch đến cơ trơn và mô liên kết được lót bởi lớp biểu mô bình thường của ống hậu môn.

Máu lưu thông từ tim theo động mạch đi đến nuôi các mô vùng hậu môn, rồi tiếp tục theo tĩnh mạch lại trở về tim. Khi máu ở vùng hậu môn theo tĩnh mạch về không hết, cộng thêm máu ở động mạch vẫn được đưa đến, sẽ bị dồn ứ, làm tĩnh mạch căng phồng lên và mỏng đi, lâu dần sa xuống tạo thành búi trĩ. Tình trạng này sẽ nghiêm trọng hơn khi kết hợp với việc rặn gắng sức. 

Càng lớn tuổi, các cấu trúc mô liên kết nâng đỡ ngày càng bị suy yếu, các búi trĩ tụt dần ra khỏi lỗ hậu môn dẫn đến trĩ nội sa.

Trĩ có mấy loại?

Trĩ chủ yếu có hai loại

Trĩ ngoại: Búi trĩ xuất phát phía dưới đường lược hay còn gọi là đường hậu môn - trực tràng, được phủ bởi lớp biểu mô vảy và nằm bên dưới lớp da bao quanh hậu môn.

Trĩ nội: Búi trĩ xuất phát phía trên đường lược và được bao phủ bởi niêm mạc và lớp biểu mô chuyển tiếp.

Phân độ bệnh trĩ

Bệnh trĩ được phân cấp độ dựa vào sự tiến triển của búi trĩ còn nằm bên trong hay đã sa búi trĩ.

  • Trĩ độ 1: Búi trĩ nằm hoàn toàn trong ống hậu môn.
  • Trĩ độ 2: Khi rặn đi cầu, búi trĩ lòi ít ra ngoài và tự thụt vào trong lúc bạn đứng dậy sau khi đi cầu xong.
  • Trĩ độ 3: Búi trĩ sa ra ngoài mỗi lần đi cầu hoặc đi lại nhiều, ngồi xổm, làm việc nặng. Cần nằm nghỉ một lúc, búi trĩ mới tụt vào hoặc có thể dùng tay đẩy nhẹ vào.
  • Trĩ độ 4: Búi trĩ nằm ngoài ống hậu môn.
Lười vận động: Cảnh báo nguy cơ bệnh trĩ 2 Bệnh trĩ gây đau, nguyên nhân cũng do lười vận động

Triệu chứng của trĩ

Các dấu hiệu, triệu chứng phổ biến

Chảy máu không đau trong quá trình đi tiêu là triệu chứng sớm nhất và thường gặp nhất. Mới bị trĩ, bạn có thể thấy một chút máu đỏ tươi trên giấy vệ sinh hoặc trong bồn cầu. Về sau khi rặn nhiều thì máu chảy thành giọt hay thành tia, nặng hơn là khi ngồi xổm cũng chảy máu.

Cảm thấy ngứa hoặc kích thích ở vùng hậu môn do dịch nhầy từ sự bài tiết của niêm mạc ống hậu môn.

Có triệu chứng đau hoặc khó chịu, từ đau ít đến rất đau do nứt hậu môn, tắc hoặc nghẹt.

Sưng vùng quanh hậu môn

Một khối có thể là huyết khối tại búi trĩ, nhô lên gần hậu môn, gây rát hoặc đau.

Triệu chứng trĩ tùy vào vị trí

Trĩ ngoại gây khó chịu nhất do vùng da trên búi trĩ bị kích thích và bị loét. Nếu cục máu đông hình thành bên trong búi trĩ ngoại sẽ gây đau đột ngột và nghiêm trọng. Lúc này sẽ có một khối nhô lên quanh hậu môn. Cục máu đông có thể bị hấp thu khiến vùng da nhăn nheo gây ngứa và rát.

Trĩ nội không gây đau, ngay cả khi chúng xuất huyết. Máu đỏ tươi có thể thấm ít trên giấy vệ sinh hoặc nhỏ giọt vào bồn cầu nhà vệ sinh. Người bệnh không thể nhìn thấy hoặc cảm nhận được búi trĩ và hiếm khi gây khó chịu. Trong lúc rặn đi cầu, phân đi ngang hậu môn có thể làm trầy xước bề mặt búi trĩ và làm chảy máu. Trĩ nội cũng có thể bị sa ra ngoài hậu môn tạo trĩ nội sa. Khi trĩ bị sa, có thể hấp thu một lượng nhỏ chất nhầy và phân gây kích thích làm ngứa, đau và rát. Nếu lau liên tục để cố gắng giảm ngứa có thể làm trầm trọng thêm vấn đề.

Lười vận động làm tăng nguy cơ bị trĩ

Theo nghiên cứu, tỷ lệ những người bị trĩ có thói quen lười vận động lên đến hơn 70% và nguy cơ bị trĩ ở những người này cao gần gấp hai lần.

Các đối tượng thường có nguy cơ bị bệnh trĩ gồm nhân viên văn phòng, lái xe, thợ may mặc… vì thường xuyên phải ngồi một chỗ khá lâu. Thói quen ngồi nhiều, lười vận động sẽ làm gia tăng áp lực lên khu vực hậu môn, trực tràng, khiến các tĩnh mạch bị giãn nở dần ra và hình thành các búi trĩ.

Cũng có một bộ phận những người ngồi nhiều không phải do đặc tính nghề nghiệp mà chỉ vì do thói quen cũng đang tạo điều kiện để bệnh trĩ xuất hiện. 

Tăng cường vận động, phòng ngừa trĩ

Lười vận động: Cảnh báo nguy cơ bệnh trĩ 3 Yoga phù hợp cho những người bệnh trĩ

Việc tập thể dục thể thao mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe, đặc biệt là bệnh trĩ.

Ở bệnh trĩ cấp độ nhẹ, vận động nhẹ nhàng giúp lưu thông máu ở vùng hậu môn, làm giảm sự lắng đọng và tích tụ máu ở vùng búi trĩ, ngăn mất máu và là biện pháp chữa trị tại nhà hiệu quả.

Sau khi phẫu thuật cắt búi trĩ khoảng 10 ngày, vận động giúp lưu thông máu ở các vùng bị thương tổn, phục hồi vết thương nhanh hơn, giúp giảm đau, mệt mỏi và tinh thần thoải mái hơn.

Để phòng ngừa bệnh trĩ cho dân văn phòng, điều quan trọng là cần thay đổi thói quen lười vận động, ngồi nhiều.

Trung bình cứ ngồi khoảng 50 phút, bạn nên đứng dậy vận động 5-10 phút, giúp cho dòng máu lưu thông tốt hơn, đồng thời giảm áp lực cho vùng hậu môn, hạn chế sự hình thành búi trĩ. Cách tốt nhất để khắc phục tình trạng này là hãy tạo cho mình một thói quen lâu lâu đứng dậy đi lại kết hợp với khởi động chân tay, vừa có tác dụng thư giãn lại là vừa phòng ngừa bệnh trĩ hiệu quả.

Mỗi người nên xây dựng một thời khóa biểu cho hoạt động thể lực để phòng bệnh trĩ. Sau mỗi bữa ăn, nên vận động để cho thức ăn tiêu hóa, tránh táo bón. Trung bình mỗi ngày bạn có thể đi bộ ít nhất 30 phút hoặc tham gia vào các hoạt động khác như cầu lông, bóng đá, bóng chuyền, bơi lội… Mục đích của vận động là giúp cho dòng máu lưu thông tốt, tránh dồn áp lực lên vùng hậu môn.

Tuy nhiên, bệnh trĩ là căn bệnh liên quan đến trực tràng nên không phải môn thể thao nào cũng phù hợp với người mắc bệnh trĩ. 

Với bệnh trĩ, khi chơi thể thao thì cần tránh các môn vận động mạnh, các bài tập quá sức, yêu cầu cường độ hay nín thở, dồn trọng lực về vùng bụng như đá bóng, chơi tạ, chạy nước rút… Vì như vậy cơ thể sẽ dồn trọng lực làm đẩy búi trĩ lòi ra và bệnh càng nặng hơn, có thể lên cấp độ 3 – 4.

Thay vào đó, bạn có thể tập các môn thể thao như cầu lông, bóng bàn, tennis với cường độ vừa sức hoặc có thể vận động nhẹ nhàng như đi bộ, chạy chậm, tập yoga…

Bài tập vận động hậu môn

Các động tác có tác dụng vận động hậu môn rất tốt cho những người phải ngồi làm việc lâu, ít vận động và bệnh trĩ nhẹ độ 1-2.

Thay vì phải rặn trong lúc đi cầu, bạn có thể bấm huyệt ở giữa mũi và môi giúp dễ đi, giảm ảnh hưởng đến búi trĩ.

Khi đi tiểu cũng có thể luyện tập bài tập co thắt hậu môn bằng cách đi tiểu theo từng ít một, mỗi lần dừng là một lần co thắt hậu môn, cho đến khi hết nước tiểu.

Trước khi đi ngủ, tập hít thở thả lỏng cơ thể, hai chân duỗi ra, tay xoa bụng theo chiều kim đồng hồ, tập hít vào bụng phình ra, thở ra bụng thu vào, khoảng 10 – 20 lần mỗi ngày.

Quỳnh Trang

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm