Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Mách bạn 6 cách giảm ngứa khi bị thủy đậu đơn giản tại nhà

Ngày 29/04/2023
Kích thước chữ

Thủy đậu là bệnh truyền nhiễm nhưng lành tính và có thể tự khỏi sau 7-10 ngày. Tuy nhiên, khi mắc bệnh, những nốt mụn nước có thể khiến người bệnh cảm thấy ngứa ngáy, khó chịu, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Bài viết dưới đây sẽ mách bạn cách giảm ngứa khi bị thủy đậu đơn giản tại nhà. Cùng tìm hiểu ngay nhé!

Thủy đậu là bệnh phổ biến, xuất hiện ở cả người lớn và trẻ em. Tuy hiếm gặp các biến chứng nguy hiểm nhưng trong giai đoạn bệnh, người bị thủy đậu sẽ cảm thấy ngứa ngáy, khó chịu. Vậy cách giảm ngứa khi bị thủy đậu là gì? Cùng tìm hiểu ngay nhé!

Tại sao các nốt thủy đậu gây ngứa?

Bệnh thủy đậu đặc trưng nhất là triệu chứng nổi những nốt mụn nước khắp cơ thể. Chúng trải qua 3 giai đoạn là nốt ban đỏ, mụn nước và bong vảy. 

Mụn nước được tạo thành bởi lớp màng mỏng. Bên trong chứa chất dịch trong suốt. Nó tiết ra chất trung gian hóa học gây kích dây thần kinh, tạo cảm giác ngứa ngáy, khó chịu. Thông thường, cảm giác này sẽ được cải thiện sau 3-4 ngày. Các nốt mụn nước sẽ hình thành vảy và cảm giác ngứa cũng dần mất đi. Khi có các dấu hiệu khỏi bệnh thủy đậu thì bệnh sẽ khỏi trong 7 - 10 ngày.

Trong giai đoạn mụn nước gây ngứa, người bệnh cần hạn chế tối đa việc gãi hoặc chà xát lên các nốt mụn này. Vì khi gãi có thể làm các nốt mụn nước vỡ ra, gây lây lan sang các vùng da khác hoặc có thể gây nhiễm trùng và để lại sẹo thủy đậu, gây mất thẩm mỹ về sau. 

Mách bạn 6 cách giảm ngứa khi bị thủy đậu đơn giản tại nhà 1
Các nốt thủy đậu gây cho người bệnh cảm giác ngứa ngáy, khó chịu

6 cách giảm ngứa khi bị thủy đậu

Cảm giác ngứa tại các vị trí mụn nước thủy đậu làm người bệnh cảm thấy không thoải mái, bứt rứt, khó chịu. Dưới đây là một vài cách giảm ngứa khi bị thủy đậu bạn có thể tham khảo:

Tắm với bột yến mạch 

Nhiều người thắc mắc khi bị bệnh thủy đậu có được tắm không? Tuy nhiên, vệ sinh cá nhân sạch sẽ trong giai đoạn bệnh thủy đậu giúp ngăn ngừa lây lan các mụn nước từ vùng da này sang vùng da khác. Tắm bột yến mạch có tác dụng làm dịu và giảm cảm giác ngứa cho bệnh nhân thủy đậu. Bạn có thể tự pha dung dịch tắm với bột yến mạch mà không cần mua sữa tắm yến mạch tại các nhà thuốc. Cách pha như sau:

  • Lấy khoảng nửa cốc bột yến mạch rồi tán nhỏ đến khi mịn.
  • Dùng tấm vải sạch bọc bột yến mạch bên trong, sau đó cột chặt lại để bột không rơi ra ngoài.
  • Cho nước vào đầy bồn tắm hoặc chậu tắm với nhiệt độ thích hợp, không quá lạnh cũng không quá nóng.
  • Đặt túi chứa bột yến mạch vào bồn tắm hoặc chậu tắm và ngâm trong vài phút. Bột yến mạch trong túi sẽ hòa tan với nước thành dung dịch có màu như sữa giúp làm dịu cảm giác ngứa cho da.
  • Tắm ngay khi bột yến mạch đã tan. Trong khi tắm, bạn có thể dùng túi bột này massage nhẹ nhàng lên các nốt mụn ngứa.
  • Sau khi tắm với yến mạch, dùng khăn bông mềm thấm khô. Lưu ý không được chà xát lên da, tránh làm vỡ các nốt mụn nước.
Mách bạn 6 cách giảm ngứa khi bị thủy đậu đơn giản tại nhà 2
Tắm với bột yến mạch là cách giảm ngứa khi bị thủy đậu hiệu quả

Tắm với trà hoa cúc

Trà hoa cúc có công dụng làm dịu ngứa cho làn da bị thủy đậu. Hoa cúc có tác dụng chống viêm và sát trùng. Cách sử dụng rất đơn giản, bạn chỉ cần đặt 2-3 túi trà hoa cúc vào bồn nước ấm, chờ vài phút cho trà hòa tan ra với nước. Tắm và massage nhẹ nhàng, dùng khăn bông mềm thấm khô sau khi tắm.

Chườm mát tại các vị trí có nốt thủy đậu 

Phương pháp chườm lạnh này sẽ giúp bệnh nhân thủy đậu giảm cảm giác ngứa tại các khu vực có mụn nước. Bạn có thể tham khảo hai cách chườm lạnh sau:

  • Chườm với nước: Lấy một tấm vải mềm, sạch và có khả năng thấm nước tốt. Làm ướt tấm vải bằng nước lạnh và chườm trực tiếp lên da.
  • Chườm lạnh với bột yến mạch: Trộn một ít bột yến mạch với nước ấm để tạo thành dạng bột nhão. Đặt miếng bột yến mạch này lên một tấm khăn sạch và áp lên vùng da bị ngứa, giữ khoảng 10-15 phút, sau đó rửa sạch với nước.

Hạn chế gãi 

Khi bị thủy đậu, các mụn nước sẽ gây cảm giác ngứa ngáy, khó chịu. Việc hạn chế gãi là điều khá khó khăn đối với người bệnh thủy đậu. Thế nhưng, nếu gãi, bạn sẽ khiến các mụn nước càng thêm ngứa và có thể gây vỡ mụn nước và nhiễm trùng. Gãi cũng có thể là nguyên nhân để lại các vết sẹo lõm thủy đậusẹo thâm thủy đậu ảnh hưởng đến thẩm mỹ.

Hầu như những cơn đau rát nhẹ khi bị thủy đậu nguyên nhân là do gãi. Việc gãi chỉ có thể giúp bạn giảm ngứa trong vài giây và tình trạng ngứa này sẽ kéo dài do khi gãi não sẽ tiết ra chất dẫn truyền thần kinh serotonin. 

Chất này truyền tín hiệu giữa các tế bào trong não và tủy sống làm cho cảm giác nó trở nên dữ dội hơn. Việc này sẽ càng khiến bạn muốn gãi hơn nữa và kết quả là càng gãi lại càng ngứa. Vì thế, bạn hãy dùng các phương pháp khác để giảm ngứa thay vì gãi nhé!

Chọn trang phục thoáng mát

Bạn nên chọn trang phục rộng rãi, thoáng mát bằng vải cotton hoặc lụa để tránh sự cọ xát từ quần áo lên các nốt mụn nước làm tăng thêm cảm giác ngứa. Tránh mặc các quần áo có vải thô cứng như vải len hoặc vải gabardien.

Ngoài ra, bạn cũng nên nằm chăn gối mềm trong quá trình bị thủy đậu để tránh cọ xát lên các nốt mụn nước gây cảm giác khó chịu.

Thoa kem dưỡng calamine 

Sử dụng thuốc bôi thủy đậu như kem dưỡng calamine là cách giảm ngứa khi bị thủy đậu rất hiệu quả. Kem có chứa các đặc tính làm dịu da, giảm ngứa, bao gồm cả kẽm oxit.

Dùng ngón tay đã được rửa sạch hoặc tăm bông sạch thoa kem dưỡng calamine nên vùng da bị ngứa. Lưu ý không sử dụng kem này lên vùng da quanh mắt.

Khi nào bạn cần gặp bác sĩ ?

Nếu nghi ngờ bạn hoặc con bạn bị thủy đậu, hãy đến gặp bác sĩ để được chẩn đoán và kê thuốc phù hợp với triệu chứng. Ngoài ra, bạn phải đến bác sĩ ngay trong các trường hợp sau:

  • Các nốt mụn nước lan rộng đến một hoặc cả hai mắt.
  • Phát ban kèm theo những cơn chóng mặt, mất phương hướng, khó thở, run rẩy, tim đập nhanh, nôn mửa, hoặc sốt cao trên 39 độ C.
  • Nốt mụn rất đỏ, có cảm giác nóng hoặc nhạy cảm. Đây là những dấu hiệu của việc da bị nhiễm trùng, cần gặp bác sĩ để xử lý kịp thời.
  • Bệnh thủy đậu ở trẻ em dưới 6 tháng tuổi hoặc có sức đề kháng yếu nên gặp bác sĩ để có lời khuyên phù hợp và điều trị đúng cách ngăn ngừa các biến chứng thủy đậu xảy ra.
Mách bạn 6 cách giảm ngứa khi bị thủy đậu đơn giản tại nhà 3
Đến gặp bác sĩ ngay khi nốt mụn thủy đậu lan rộng đến một hoặc cả hai mắt

Bài viết trên đã mách bạn một số cách giảm ngứa khi bị thủy đậu đơn giản, hãy chọn ra phương pháp phù hợp với bản thân và áp dụng nhé. Hi vọng những thông tin vừa cung cấp hữu ích cho bạn trong quá trình chăm sóc bệnh thủy đậu tại nhà. 

Hiền Trang

Nguồn tham khảo: hellobacsi.com

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcPhạm Nguyễn Hoàng Kim

Đã kiểm duyệt nội dung

Dược sĩ chuyên ngành Dược lâm sàng, với nhiều năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực dược phẩm. Là Dược sĩ Long Châu đạt được chứng chỉ bệnh học cấp quốc tế. Hiện đang là giảng viên tại Trung tâm Đào tạo FPT Long Châu.

Xem thêm thông tin