Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Màu nước tiểu có thể tiết lộ gì về sức khỏe của bạn?

Ngày 05/02/2023
Kích thước chữ

Màu nước tiểu không thể giúp các bác sĩ chẩn đoán hay xác định bệnh. Nhưng đây là một dấu hiệu của nhiều bệnh lý mà nếu biết điều này bạn có thể chủ động hơn trong việc chăm sóc và theo dõi sức khỏe.

Nước tiểu do thận tiết ra vào được đào thải ra ngoài cơ thể qua đường niệu đạo. Lượng nước tiểu, màu nước tiểu có thể phản ánh phần nào tình trạng sức khỏe của bạn. Đặc biệt, màu sắc nước tiểu là một trong những dấu hiệu điển hình của nhiều bệnh lý. Bạn có biết, màu sắc của nước tiểu tiết lộ gì về sức khỏe của chính mình không?

Màu nước tiểu bình thường là như thế nào?

Cầu thận người có nhiệm vụ lọc máu tạo thành nước tiểu đầu. Trong nước tiểu đầu vẫn có những chất có lợi cho cơ thể nên sẽ được tái hấp thu lại từ ống thận vào máu. Nếu như ban đầu, cấu thận lọc 1440 lít máu để tạo thành 170 lít nước tiểu đầu thì sau quá trình tái hấp thu, lượng nước tiểu chính thức chỉ còn khoảng 1,5 lít.

Thông thường, nước tiểu sẽ có màu vàng nhạt đến màu vàng hổ phách do sắc tố tự nhiên có tên là urochrome (sắc tố được sản sinh khi protein vận chuyển oxy trong tế bào hồng cầu) bị phân hủy. Màu sắc nước tiểu được quy định bởi độ loãng của sắc tố này. Khi chúng ta uống nước nhiều, sắc tố này bị loãng ra và nước tiểu có màu nhạt hơn và ngược lại.

https://nhathuoclongchau.com.vn/auth/post/edit/69675 1
Màu nước tiểu khi tình trạng sức khỏe bình thường sẽ có màu vàng nhạt

Màu nước tiểu phản ánh các vấn đề sức khỏe

Mỗi màu sắc của nước tiểu lại phản ánh các vấn đề sức khỏe khác nhau. Cụ thể là: 

Nước tiểu vàng đậm

Nếu nước tiểu vàng đậm có nghĩa là cơ thể bạn đang bị thiếu nước. Màu vàng càng đậm thì tình trạng thiếu nước càng nghiêm trọng. Màu sắc nước tiểu sẽ trở lại vàng nhạt như bình thường nếu bạn uống đủ nước. Tình trạng thiếu nước kéo dài có thể dẫn đến tim đập nhanh, huyết áp thấp, rối loạn chuyển hóa các chất, táo bón…

Nước tiểu trong suốt

Nước tiểu trong suốt có thể do bạn uống quá nhiều nước. Thông thường, cơ thể con người cần 1,5 đến 2,5 lít nước. Uống quá nhiều nước khiến cơ thể mất chất điện giải, nước tiểu loãng hơn và có màu rất nhạt hoặc trong suốt. Nếu nước tiểu trong suốt kéo dài, đó có thể là biểu hiện của bệnh đái tháo nhạt.

Nước tiểu hồng hoặc đỏ

Trong một số trường hợp, nước tiểu hồng hoặc đỏ không phải vấn đề đáng lo lắng như khi bạn ăn nhiều cà rốt, củ cải đường, thanh long đỏ, quả mâm xôi… Màu sắc này của nước tiểu cũng có thể gây ra bởi một số loại thuốc kháng sinh hoặc thuốc chữa nhiễm trùng đường tiết niệu. Tuy nhiên, đây cũng là dấu hiệu của:

  • Nhiễm trùng tiểu.
  • Lẫn máu trong nước tiểu.
  • Có vấn đề về tuyến tiền liệt như phì đại tuyến tiền liệt.
  • Chấn thương cơ nghiêm trọng làm myoglobin tăng, khiến nước tiểu có màu hồng hoặc đỏ.
  • Tắc nghẽn hệ tiết niệu.
  • Mắc bệnh thận.
  • Biểu hiện của bệnh ung thư.
  • Thiếu máu tán huyết.
  • Rối loạn di truyền hồng cầu.
https://nhathuoclongchau.com.vn/auth/post/edit/69675 2
Màu sắc nước tiểu có thể là dấu hiệu cảnh báo nhiều bệnh nguy hiểm

Nước tiểu màu cam

Màu nước tiểu da cam có thể do bạn sử dụng thuốc chống nhiễm trùng đường niệu phenazopyridine, vitamin B2 liều cao, thuốc giảm đau, thuốc điều trị viêm khớp, nhuận tràng, hội chứng ruột kích thích, kháng sinh isoniazid hoặc thuốc điều trị bệnh ung thư. Ngoài ra, đây cũng là biểu hiện của tình trạng thiếu nước trầm trọng, bệnh lý về gan, bệnh lý về ống mật. 

Nước tiểu xanh lam hoặc xanh lá 

Nước tiểu màu xanh lam hay xanh lá có thể do bạn thực hiện các xét nghiệm ở thận hay bàng quang cần đánh dấu bằng thuốc nhuộm thực phẩm. Ngoài ra, màu sắc này của nước tiểu cũng là biểu hiện của nhiễm khuẩn Pseudomonas Aeruginosa, rối loạn di truyền hiếm, tăng Canxi máu.

Nước tiểu trắng đục

Nước tiểu trắng đục có thể cảnh cáo tình trạng nhiễm trùng đường tiết niệu hoặc các bệnh thận, bệnh mãn tính nguy hiểm khác. Nếu nước tiểu màu trắng đục và có bọt hoặc bong bóng bên trong có thể cảnh báo bệnh Crohn hay viêm túi thừa.

Nước tiểu nâu sẫm

Một số người đi tiểu màu nâu sẫm có thể do ăn nhiều lô hội, đại hoàng, đại tằm. Nếu không do chế độ ăn uống có thể do mắc bệnh bệnh nhiễm trùng đường tiết niệu, bệnh gan, bệnh thận. Có trường hợp thận bị tổn thương do vận động hoặc tập luyện quá sức cũng có thể khiến nước tiểu có màu nâu sẫm. 

màu nước tiểu 3
Nước tiểu có màu sắc, trạng thái khác lạ bạn cần đi khám sớm

Ngoài màu sắc nước tiểu, chúng ta cũng có thể quan sát thấy các tình trạng khác như: 

Nước tiểu có bọt

Nước tiểu có bọt nhưng không có triệu chứng kèm theo có thể là bình thường. Nhưng kèm theo đó là triệu chứng phù tay, chân, mặt, bụng, cơ thể mệt mỏi, cảm giác buồn nôn, người bệnh mất ngủ và màu nước tiểu thay đổi thì bạn cần cảnh giác. Đây là thể là biểu hiện của các bệnh lý về thận, tăng huyết áp hoặc bệnh tiểu đường tuýp 2.

Nước tiểu có váng

Nước tiểu có váng có thể do cơ thể mất nước, viêm âm đạo, nhiễm trùng đường tiết niệu, bệnh thận và tiểu đường, bệnh về tuyến tiền liệt... Một số trường hợp là do bạn ăn những thực phẩm giàu Canxi photphat.

Màu nước tiểu bất thường có cần gặp bác sĩ?

Nếu biết chắc nguyên nhân dẫn đến màu sắc bất thường của nước tiểu là do chế độ ăn uống, do uống thuốc, bạn có thể hoàn toàn yên tâm.

Nếu màu nước tiểu đậm do thiếu nước bạn nên uống bổ sung nước. Nếu màu nước tiểu quá nhạt hoặc trong suốt do uống nhiều nước bạn nên giảm lượng nước uống hàng ngày. Nếu màu nước tiểu thay đổi do đang dùng thuốc điều trị, bạn hãy yên tâm tiếp tục dùng thuốc cho đến hết liệu trình. Khi không dùng thuốc nữa nước tiểu sẽ trở về trạng thái bình thường. 

Tuy nhiên, khi nguyên nhân không phải các vấn đề trên, bạn cần đến gặp bác sĩ để được thăm khám và tư vấn kịp thời. Bác sĩ có thể sẽ chỉ định làm các xét nghiệm chuyên sâu hay siêu âm để tìm ra chính xác nguyên nhân, từ đó đưa ra phác đồ điều trị phù hợp. 

Màu nước tiểu là một dấu hiệu đánh giá sức khỏe quan trọng hơn chúng ta thường nghĩ. Nếu nhận thấy màu sắc nước tiểu bất thường, bạn hãy đến gặp bác sĩ sớm để được khám và điều trị kịp thời nhé!

Thanh Hương

Nguồn tham khảo: Vinmec

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Thị Hồng Nhung

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp đại học Khoa Dược. Có kinh nghiệm hơn 10 năm trong lĩnh vực Dược phẩm, tư vấn thuốc và thực phẩm chức năng. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin