Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Máy đo chức năng hô hấp có vai trò gì?

Ngày 08/05/2024
Kích thước chữ

Để đánh giá chính xác tình trạng bệnh lý của phổi hoặc theo dõi sự phản ứng của bệnh nhân với liệu pháp điều trị, các bác sĩ thường sử dụng máy đo chức năng hô hấp. Hãy cùng Nhà thuốc Long Châu tìm hiểu chức năng của loại thiết bị này nhé!

Đo chức năng hô hấp, còn được gọi là đo chức năng thông khí, là một phương pháp thăm dò chức năng nhằm tìm kiếm, chẩn đoán và theo dõi các căn bệnh có liên quan đến hệ thống hô hấp. 

Quá trình đo chức năng hô hấp

Đo chức năng hô hấp là quá trình sử dụng máy đo lưu lượng khí khi hít vào và thở ra để tính toán nhiều chỉ số quan trọng về chức năng phổi. Ngoài ra, phương pháp này thường được áp dụng trong quá trình chẩn đoán và theo dõi sự nặng nhẹ của các bệnh lý hô hấp. Bằng cách ghi lại các thông số hô hấp liên quan đến hoạt động của phổi, đo chức năng hô hấp hỗ trợ trong việc đánh giá hai loại rối loạn thông khí phổ biến: Tắc nghẽn và hạn chế.

Các chỉ số đo chức năng thông khí cung cấp thông tin chi tiết về lưu lượng không khí trong phế quản và phổi, đồng thời đánh giá mức độ tắc nghẽn và giãn phế nang. Kết quả được trình bày dưới dạng con số cụ thể và phần trăm so với giá trị của người khỏe mạnh, thường được biểu diễn qua đường cong lưu lượng thể tích, trong đó một trục biểu thị lưu lượng khí và trục còn lại biểu thị thể tích khí trong phổi.

Máy đo chức năng hô hấp có vai trò gì? 1
Đo chức năng hô hấp giúp đánh giá mức độ rối loạn thông khí phổ biến

Phương pháp sử dụng máy đo chức năng hô hấp là quy trình đơn giản không gây đau cho bệnh nhân và ít gây khó chịu hay tác dụng phụ.

Vai trò của máy đo chức năng hô hấp

Máy đo chức năng hô hấp đã được sử dụng trong gần 300 năm và liên tục được cải tiến, đóng vai trò quan trọng trong nhiều lĩnh vực y học khác nhau.

Trong nội khoa

Máy đo chức năng hô hấp đóng vai trò quan trọng trong nội khoa:

  • Xác định bệnh: Bệnh hen suyễn, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD),…
  • Phân loại mức độ nặng của bệnh: Dựa vào trị số của FEV1, PEF để xác định mức độ nặng nhẹ của bệnh hen, bệnh COPD.
  • Tiên lượng bệnh: Trị số FEV1 đóng vai trò quan trọng trong việc đánh giá thời gian sống còn của bệnh nhân COPD.
  • Chỉ định điều trị: Dựa vào các trị số đo chức năng hô hấp, bác sĩ quyết định thời điểm bắt đầu điều trị, cần thay đổi thuốc hoặc tăng liều lượng.
  • Theo dõi diễn tiến bệnh và đánh giá kết quả điều trị: Trong quá trình điều trị, hô hấp ký là công cụ khách quan và chính xác để theo dõi thay đổi của chức năng hô hấp.
  • Chẩn đoán phân biệt: Phân biệt giữa bệnh lý do tim và do phổi, cũng như giữa các loại bệnh phổi.
  • Giúp chẩn đoán bệnh sớm: Máy đo chức năng hô hấp giúp phát hiện bệnh sớm trước khi xuất hiện triệu chứng lâm sàng và các biểu hiện trên XQ phổi như các bệnh do ô nhiễm, hóa chất như thuốc lá, bụi amiăng, bụi bông,…
Máy đo chức năng hô hấp có vai trò gì? 2
Máy đo chức năng hô hấp giúp phát hiện sớm các bệnh về phổi

Trong phẫu thuật

Máy đo chức năng hô hấp không chỉ giúp phát hiện đối tượng có nguy cơ cao bị các biến chứng hậu phẫu thuật như suy hô hấp, xẹp phổi hoặc biến chứng tim mạch, mà còn đánh giá được kết quả của liệu pháp sau khi phẫu thuật.

Đo chức năng hô hấp là một phần không thể thiếu đối với bệnh nhân chuẩn bị tiến hành phẫu thuật cắt bỏ phổi. Ngoài ra, những bệnh nhân có một trong những vấn đề sau cũng cần được đo chức năng hô hấp trước khi phẫu thuật:

  • Bệnh nhân trên 60 tuổi.
  • Người hút thuốc nhiều, có các triệu chứng như ho và khạc đàm.
  • Có các triệu chứng hô hấp không điển hình như khó thở.
  • Béo phì.

Trong giám định y khoa

Đo lượng giá chức năng hô hấp kết hợp với phương pháp đánh giá khả năng khuếch tán của phổi giúp phân loại mức độ chức năng hô hấp, từ đó đưa ra đánh giá về ảnh hưởng đối với khả năng làm việc của bệnh nhân.

Trong y học lao động

Máy đo chức năng hô hấp được sử dụng trong các chương trình kiểm tra sức khỏe định kỳ để phát hiện kịp thời các vấn đề liên quan đến hệ hô hấp. Nó cũng được áp dụng trong quá trình tuyển dụng để lựa chọn nhân viên phù hợp làm việc trong môi trường có ô nhiễm không khí.

Một số ứng dụng khác

  • Trong dịch tễ học: Máy đo chức năng hô hấp được sử dụng để xác định tần suất của các bệnh, như tần suất bệnh COPD ở những người hút thuốc lá.
  • Trong lĩnh vực tai mũi họng: Máy đo chức năng hô hấp có vai trò quan trọng trong việc xác định có nghẽn tắc đường hô hấp trên hay không.
  • Các chuyên khoa khác như ung thư, thần kinh, và da liễu: Sử dụng máy để đánh giá chức năng hô hấp do các bệnh gây ra tác động trực tiếp hoặc gián tiếp lên phổi.

Đối tượng bị chống chỉ định với đo chức năng hô hấp

Các trường hợp không được khuyến nghị đo chức năng hô hấp bao gồm:

  • Bệnh nhân bị nhiễm trùng đường hô hấp cấp.
  • Người ho ra máu mà nguyên nhân không rõ.
  • Người có phình động mạch chủ ngực hoặc chủ bụng.
  • Người vừa trải qua cơn cấp tính của bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) hoặc hen suyễn trong vòng 6 tuần.
  • Người có tim mạch không ổn định, bị nhồi máu cơ tim hoặc người đã phẫu thuật mắt, bụng, ngực trong khoảng thời gian từ 3 đến 6 tháng.
  • Người có triệu chứng đau ngực mà không có chẩn đoán chính xác.
  • Người bị đau thắt ngực không ổn định trong vòng 24 giờ.
  • Người bị tiến triển của bệnh lao phổi.
  • Người có các triệu chứng bệnh cấp tính như nôn mửa hoặc tiêu chảy.
  • Người có rối loạn thần kinh hoặc tâm thần không hợp tác.
Máy đo chức năng hô hấp có vai trò gì? 3
Trường hợp người bệnh có vấn đề về tim mạch được khuyến nghị đo chức năng hô hấp

Nhận biết các trường hợp nào không phù hợp cho việc đo chức năng hô hấp để đảm bảo an toàn và hiệu quả cho quá trình chẩn đoán và điều trị.

Trên đây là những thông tin Long Châu đã chia sẻ về vai trò của máy đo chức năng hô hấp cũng như những đối tượng chống chỉ định với việc đo chức năng hô hấp. Hy vọng thông qua bài viết này bạn có thêm kiến thức để chăm sóc sức khỏe của bản thân cũng như gia đình mình một cách toàn diện và thông minh.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Thị Hồng Nhung

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp đại học Khoa Dược. Có kinh nghiệm hơn 10 năm trong lĩnh vực Dược phẩm, tư vấn thuốc và thực phẩm chức năng. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin