Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Mẹo chữa bong gân mắt cá chân an toàn và hiệu quả

Ngày 09/03/2022
Kích thước chữ

Bong gân mắt cá chân là bệnh lý dễ gặp phải trong đời sống sinh hoạt hàng ngày. Nhưng không phải ai cũng biết mẹo chữa bong gân mắt cá chân để giảm đau, giảm sưng. Cùng theo dõi bài viết sau đây để khám phá những mẹo đó là gì nhé.

Bong gân mắt cá chân là một trong những chấn thương xương khớp phổ biến nhất. Nguyên nhân gây bong gân là do căng hoặc rách dây chằng hỗ trợ mắt cá chân. Tình trạng này gây đau nhức, khó chịu cũng như hạn chế khả năng đi lại của người bệnh. Để cải thiện tình trạng chấn thương, người bệnh có thể áp dụng một số mẹo chữa bong gân mắt cá chân dưới đây.

Bong gân mắt cá chân gây đau nhức, khó chịu cũng như hạn chế khả năng đi lại của người bệnh

Bong gân mắt cá chân gây đau nhức, khó chịu cũng như hạn chế khả năng đi lại của người bệnh

Xác định mức độ nghiêm trọng của bong gân mắt cá chân

Bong gân mắt cá chân có 3 mức độ. Đó là:

  • Mức độ 1: Các dây chằng chỉ bị tổn thương nhẹ, gây đau và sưng nhẹ.
  • Mức độ 2: Một phần dây chằng đã bị rách hay bị đứt, tình trạng đau và sưng vừa phải.
  • Mức độ 3: Dây chằng bị đứt hoàn toàn, cơn đau và sưng xuất hiện nhiều xung quanh mắt cá chân.

Bong gân mắt cá chân mức độ 1 thường không đòi hỏi điều trị y tế. Tuy nhiên, hầu như tất cả các trường hợp bong gân mức độ 2, 3 đều phải đến gặp bác sĩ để đảm bảo không bị tổn thương hơn thêm ở mắt cá chân.

Phương pháp điều trị tại nhà cho cả 3 mức độ bong gân là tương tự nhau, nhưng mức độ càng nặng thì thời gian hồi phục chấn thương càng lâu.

Mẹo chữa bong gân mắt cá chân ngay sau chấn thương

Tạo điều kiện cho mắt cá chân nghỉ ngơi

Nghỉ ngơi là mẹo chữa bong gân mắt cá chân đơn giản nhất nhưng cũng không kém phần quan trọng. Người bệnh cần tránh tối đa việc đi lại cho đến khi bớt sưng và không cảm thấy đau khi đặt trọng lực lên mắt cá chân bị bong gân nữa. Ngoài ra, bạn cũng nên cố gắng tránh việc đặt trọng lực lên mắt cá. Để đảm bảo điều kiện cho mắt cá chân nghỉ ngơi, bạn cũng có thể dùng nạng để phân phối trọng lực và giữ thăng bằng khi đi lại.

Bên cạnh đó, bạn có thể cân nhắc dùng băng chun quấn mắt cá chân bị tổn thương. Băng chun có tác dụng giữ cố định và giúp giảm sưng trong thời gian dây chằng lành lại. Tùy vào mức độ nghiêm trọng của chấn thương, người bệnh có thể cần băng chun khoảng 2-6 tuần.

Chườm lạnh lên mắt cá chân

Chườm lạnh có tác dụng giảm đau và hạn chế sưng. Bạn có thể chườm lạnh bằng cách cho đá viên vào túi chườm chuyên dụng hoặc bọc trong khăn vải mỏng. Đặt túi chườm lên mắt cá chân bị thương và giữ nguyên khoảng 15-20 phút. Khi mắt cá chân vẫn còn sưng thì bạn nên chườm 2-3 tiếng một lần.

Chườm lạnh có tác dụng giảm đau và hạn chế sưng, viêm

Chườm lạnh có tác dụng giảm đau và hạn chế sưng, viêm

Đá lạnh sẽ giúp hạn chế tình trạng viêm, đặc biệt hiệu quả trong vòng 24 giờ đầu sau khi bị thương. Với các trường hợp bong gân, chườm đá cũng giúp giảm bầm tím và sưng tấy.

Ngoài ra, bạn có thể chườm lạnh bằng cách ngâm bàn chân bị bong gân mắt cá vào xô nước đá. Nhưng lưu ý mỗi lần ngâm hay chườm đều chỉ nên diễn ra trong vòng 20 phút. Bởi vì sự tiếp xúc với đá quá lâu có thể dẫn đến tình trạng bỏng lạnh.

Nếu người bệnh mắc bệnh tiểu đường hoặc gặp vấn đề về tuần hoàn máu, thì cần hỏi ý kiến bác sĩ trước khi chườm lạnh.

Quấn mắt cá chân bằng băng chun

Dùng băng ép, băng chun hoặc băng quấn đàn hồi nhằm giảm sưng cho mắt cá chân bị bong gân. Quấn băng xung quanh mắt cá chân bị tổn thương và cố định bằng kẹp kim loại hay băng y tế. Bạn cũng cần chú ý giữa cho băng khô ráo bằng cách tháo băng ra khi thực hiện chườm lạnh và quấn băng lại sau khi chườm.

Người bệnh nên quấn băng chun từ ngón chân đến nửa bắp chân với lực ép đều. Và tiếp tục băng cho đến khi mắt cá chân giảm sưng. Bạn không được quấn quá chặt, cũng không nên quấn quá lỏng.

Hãy theo dõi tình trạng các ngón chân khi quấn. Nếu các ngón chân tím tái, có cảm giác lạnh hay bắt đầu bị tê thì bạn cần nới lỏng băng quấn ra. Bên cạnh đó, bạn cũng có thể dùng kiểu băng quấn trượt ra được. Vì kiểu băng này tạo áp lực đều và không cắt đứt hay cản trở sự lưu thông máu đến bàn chân.

Quấn băng chun giúp cố định và  giảm sưng cho mắt cá chân bị bong gân Quấn băng chun giúp cố định và  giảm sưng cho mắt cá chân bị bong gân

Nâng cao mắt cá chân bị chấn thương

Một mẹo chữa bong gân mắt cá chân bạn nên biết nữa đó là nâng mắt cá chân cao hơn tim. Người bệnh hãy ngồi hoặc nằm xuống và kê chân bị chấn thương lên chồng gối hoặc ghế đệm để nâng cao mắt cá chân. Bạn cần giữ tư thế kê cao này khoảng 2-3 giờ mỗi ngày và duy trì cho đến khi hết sưng.

Tác dụng của mẹo này chính là giảm sưng và giảm bầm tím hiệu quả. Điều này còn giúp quá trình phục hồi của dây chằng bị tổn thương diễn ra nhanh và hiệu quả hơn.

Bên cạnh những mẹo nhỏ trên, người bệnh cũng có thể dùng thêm các loại thuốc giảm đau không kê đơn để cải thiện tình trạng đau nhức. Tuy nhiên, chỉ nên uống đúng theo liều lượng chỉ định trên bao bì và không nên uống liên tục. Vì các loại thuốc này có tác dụng phụ tiêu cực đến gan, dạ dày cũng như thận.

Đây là chấn thương rất thường gặp nên việc nắm trong tay các mẹo chữa bong gân mắt cá chân sẽ giúp bạn mau hồi phục và không để chấn thương ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống. Tuy nhiên, sau 48 giờ áp dụng các mẹo trên mà các triệu chứng không thuyên giảm thậm chí còn nghiêm trọng hơn thì bạn nên đến ngay cơ sở y tế để điều trị kịp thời. 

Ngọc Hiếu

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Thanh Hải

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Đại học Dược Hà Nội, với hơn 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện là giảng viên giảng dạy các môn Dược lý, Dược lâm sàng,...

Xem thêm thông tin