Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Mẹ & bé

Sưng mắt cá chân khi mang thai: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị và phòng ngừa

Ngày 03/02/2024
Kích thước chữ

Trong thời kỳ mang thai, thai phụ thường gặp nhiều vấn đề liên quan đến sức khỏe. Trong đó, sưng mắt cá chân khi mang thai là một hiện tượng xảy ra khá phổ biến. Nguyên nhân của hiện tượng này là khi mang thai, cơ thể thường tích tụ một lượng lớn chất lỏng và máu nhằm mục đích thích ứng với sự phát triển của bào thai.

Sưng mắt cá chân khi mang thai là một trong những thay đổi thường gặp ở phụ nữ mang thai. Ngoài vị trí sưng ở mắt cá chân, mẹ bầu cũng có thể bị sưng phù ở mặt, chân, bàn chân hoặc bàn tay. Tình trạng sưng phù diễn ra không theo một quy luật nhất định, nó có thể thay đổi trong ngày hoặc bị ảnh hưởng do nhiệt độ. Vậy làm gì khi bị sưng mắt cá chân khi mang thai? Bạn đọc hãy tìm hiểu thông tin trong bài viết dưới đây của Nhà thuốc Long Châu nhé!

Nguyên nhân gây ra sưng mắt cá chân khi mang thai

Sự phát triển của thai nhi trong tử cung gây ra nhiều ảnh hưởng và thay đổi đến cơ thể mẹ. Những hóa học trong máu có sự thay đổi tác động đến việc phân phối chất lỏng ở các mô của cơ thể mẹ. Ở tam cá nguyệt thứ ba, thai nhi trong bụng có trọng lượng lớn gây ra áp lực lớn lên vùng chậu và tĩnh mạch chủ bụng (đây là một mạch máu lớn, có vai trò vận chuyển máu tuần hoàn từ nửa dưới của cơ thể trở về tim). Sự chèn ép của thai nhi làm máu tích tụ ở vùng dưới đầu gối và làm cho mắt cá chân của mẹ bầu sưng lên trong thời gian này.

Trong thời kỳ mang thai, trọng lượng của cơ thể mẹ cũng tăng lên, đồng thời làm cho kích thước bàn chân thay đổi và lớn hơn bình thường, đặc biệt nếu cân nặng càng tăng nhanh và nhiều thì kích thước chân càng lớn. Mẹ bầu mang thai là đa thai hoặc có khối lượng nước ối quá nhiều thì tỷ lệ bị sưng mắt cá chân trầm trọng là rất lớn.

Ngoài ra, một số yếu tố từ bên ngoài tác động cũng làm gia tăng tình trạng sưng mắt cá chân như: Đứng nhiều và trong thời gian dài làm áp lực chân bị tăng lên, lượng kali trong cơ thể mẹ bầu quá thấp, hoạt động nhiều và quá mức hàng ngày, dùng nhiều muối hoặc uống quá nhiều cà phê.

Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị và phòng ngừa sưng mắt cá chân khi mang thai 1
Sưng mắt cá chân khi mang thai là hiện tượng thường gặp do sự tăng áp lực ở chân

Cách làm giảm tình trạng sưng mắt cá chân khi mang thai

Để làm giảm thiểu tình trạng sưng mắt cá chân khi mang thai, mẹ bầu có thể thực hiện theo hướng dẫn dưới đây:

  • Hạn chế tình trạng đè ép trọng lực lên chân: Tránh đứng hoặc ngồi quá lâu trong thời gian dài.
  • Không nằm thẳng người, nên nằm nghiêng về bên trái, điều này có thể giúp làm giảm áp lực lên tĩnh mạch chủ bụng.
  • Khi nằm nên kê cao chân lên cao hơn so với đầu một chút.
  • Giúp máu thoát khỏi vùng mắt cá chân dễ dàng bằng cách sử dụng tất nén cho chân.
  • Hoạt động nhẹ nhàng, tập thể dục như đi bộ, yoga hoặc bơi lội giúp cho máu dễ dàng lưu thông.
  • Khi bị sưng có thể chườm lạnh để làm giảm tình trạng này.
  • Giúp máu lưu thông tốt hơn bằng cách massage chân, đồng thời giúp chân thư giãn.
  • Mặc quần áo rộng rãi: Những bộ quần áo chật có thể tác động làm giới hạn sự lưu thông của dòng máu. Do đó, trong thời kỳ mang thai, không nên dùng các loại quần hoặc tất chật và áp chặt lên vùng mắt cá chân hay cơ sinh đôi ở cẳng chân.
  • Trị liệu ngoài da bằng tinh dầu thơm: Một số loại tinh dầu có tác dụng làm giảm tình trạng sưng mắt cá chân khi mang thai như hoa cúc, dầu cây bách, hoa oải hương. Thêm một ít tinh dầu và nước ấm sau đó ngâm chân, có thể kết hợp với massage nhẹ nhàng ở mắt cá chân.
  • Đi bộ hoặc đứng dưới nước, trong hồ bơi: Hiện nay, có ít những nghiên cứu chỉ ra tác dụng của áp lực nước trong trường hợp điều trị tình trạng sưng phù ở mắt cá chân và bàn chân. Tuy nhiên, việc đi bộ hoặc đứng tại chỗ ở dưới nước lại cho ra tác dụng tạo áp lực lên các mô ở chân, đồng thời làm hạn chế tình trạng phù nề trong thời gian mang thai.
Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị và phòng ngừa sưng mắt cá chân khi mang thai 2
Massage chân giúp máu lưu thông và hạn chế tính trạng sưng mắt cá chân

Sưng mắt cá chân khi mang thai có nguy hiểm không?

Phần lớn những phụ nữ mang thai đều gặp tình trạng sưng mắt cá chân ở tam cá nguyệt thứ ba. Tuy nhiên, trong số đó cũng có đến gần ¼ số phụ nữ không bị sưng chân trong suốt quá trình mang thai. Sưng mắt cá chân khi mang thai là một tình trạng phổ biến và thường không gây nguy hiểm, tuy nhiên nếu mẹ bầu gặp phải những dấu hiệu sau thì nên đến gặp bác sĩ để được khám và điều trị kịp thời:

  • Tình trạng sưng phù từ mắt cá chân có chuyển biến xấu và có xu hướng di chuyển lên cao, vị trí cẳng chân và để lại dấu lõm trên da khi ấn vào.
  • Ở bàn tay hoặc bàn chân bị sưng phù diễn ra nghiêm trọng và đột ngột, đặt biệt là ở tam cá nguyệt thứ ba. Ngoài ra, nếu thai phụ bị tăng huyết áp thì đây có thể là một dấu hiệu cảnh báo thai phụ có thể bị tiền sản giật.
  • Chỉ bị sưng phù ở một bên chân, đồng thời da cẳng chân có màu đỏ, căng và sưng, đây có thể là tình trạng bị huyết khối tĩnh mạch sâu.
Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị và phòng ngừa sưng mắt cá chân khi mang thai 3
Gặp bác sĩ khi tình trạng sưng mắt cá chân diễn ra đột ngột và nghiêm trọng

Cách phòng ngừa tình trạng sưng mắt cá chân khi mang thai

Trong thời kỳ mang thai, cơ thể phải trải qua những sự thay đổi lớn, nhất là về hình thể. Mặc dù, những sự thay đổi trong giai đoạn này là điều không thể tránh khỏi, tuy nhiên để giảm thiểu và hạn chế tình trạng sưng mắt cá chân khi mang thai, mẹ bầu có thể thực hiện một số biện pháp sau:

  • Hạn chế tiêu thụ cafein: Cafein có tác dụng lợi tiểu, tuy nhiên nó lại gây kích thích cơ thể giữ nước để tránh mất nước, dẫn đến bị phù nề.
  • Giảm lượng muối sử dụng trong khẩu phần ăn hàng ngày: Cơ thể bị giữ nước khi sử dụng quá nhiều muối. Do đó, nên tiêu thụ một lượng muối vừa đủ để duy trì hoạt động tối ưu hàng ngày của cơ thể, khuyến cáo được đưa ra cho mẹ bầu là không quá 1 muỗng cà phê trong 1 ngày.
  • Đi dép rộng rãi, thoải mái trong thai kỳ, điều này có tác dụng giảm sự đè nén và giảm đau ở chân.
Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị và phòng ngừa sưng mắt cá chân khi mang thai 4
Mẹ bầu nên hạn chế sử dụng cafein để giảm tình trạng phù nề

Sưng mắt cá chân khi mang thai là hiện tượng thường gặp trong thai kỳ ở nhiều người và đa số trường hợp nó không gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe. Tuy nhiên, cần theo dõi mức độ sưng phù của mắt cá chân và những dấu hiệu bất thường xảy ra trên cơ thể trong thời kỳ mang thai để hạn chế và phòng ngừa nguy cơ gây biến chứng cho sức khỏe của mẹ và bé. Khám thai thường xuyên, theo định kỳ và gặp bác sĩ ngay khi có những dấu hiệu bất thường. 

Trên đây là những thông tin về chủ đề “Sưng mắt cá chân khi mang thai” mà Nhà thuốc Long Châu chia sẻ cho bạn. Nếu bạn đọc có thắc mắc, hãy gửi câu hỏi đến trang web của Nhà thuốc Long Châu để được giải đáp. 

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcPhạm Nguyễn Hoàng Kim

Đã kiểm duyệt nội dung

Dược sĩ chuyên ngành Dược lâm sàng, với nhiều năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực dược phẩm. Là Dược sĩ Long Châu đạt được chứng chỉ bệnh học cấp quốc tế. Hiện đang là giảng viên tại Trung tâm Đào tạo FPT Long Châu.

Xem thêm thông tin