Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Mối nguy vô hình từ bụi mịn PM 2.5 và PM 10

Ngày 11/10/2019
Kích thước chữ

Nồng độ bụi mịn PM 2.5 và PM 10 trung bình trong không khí ngày càng tăng cao và vượt quá mức tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới WHO. Điều này gây nguy hại đến môi trường và sức khỏe của chúng ta.

Bụi là hợp chất chứa các hạt vô cơ và hữu cơ ở dạng lỏng hoặc dạng rắn bay lơ lửng trong không khí; chúng bao gồm sulfate, nitrat, amoniac, natri clorua, cacbon đen, bụi khoáng và nước.

Vậy bụi mịn PM 2.5 và PM 10 là gì?

Nguồn gốc tên gọi bụi PM là lấy tên viết tắt của Particulate Matter. Số hiệu sau PM nhằm để phân biệt kích thước của các hạt bụi. Hiện nay, 2 loại bụi được báo đài nhắc đến nhiều nhất là bụi mịn PM 2.5 và PM 10.

  • Bụi mịn PM 10 là các hạt có kích thước đường kính từ 2.5 đến 10 micromet. 
  • Bụi mịn PM 2.5 là các hạt có kích thước đường kính nhỏ hơn hoặc bằng 2.5 micromet. 

Ngoài bụi mịn PM2.5 và PM10 nước ta còn xuất hiện cả bụi siêu mịn PM 1.0 với kích thước nhỏ hơn đến 1 micromet. Loại bụi siêu mịn này có thể gây nguy hiểm vô cùng nếu xâm nhập vào cơ thể.

Mối nguy vô hình từ bụi mịn PM 2.5 và PM 10 1Bụi mịn PM 2.5 và PM 10 gia tăng mức báo động ở các thành phố lớn

Bụi nói chung, đặc biệt là bụi mịn PM2.5 và PM10 thường được sinh ra trong các vụ cháy rừng, từ bụi sa mạc, các cơn bão cát, lốc xoáy, hoặc từ chất thải sinh vật như phấn hoa, bào tử nấm, nước thải côn trùng. Nhưng bụi mịn mà chúng ta đang hít phải chủ yếu là từ các hoạt động của con người qua việc đốt than củi, đốt rác thải, bụi từ những công trình xây dựng, đường phố, khói máy công nghiệp và khói thuốc lá.

Tác hại từ bụi mịn PM 2.5 và PM 10

Theo nghiên cứu của Tổ chức Y tế thế giới WHO và Cơ quan nghiên cứu ung thư quốc tế IARC đã cho thấy mối liên hệ giữa tỷ lệ thuận giữa mức độ ô nhiễm bụi không khí với tỷ lệ người mắc ung thư. Nếu mật độ bụi mịn PM10 trong không khí tăng lên 10 µg/m3 thì tỷ lệ ung thư tăng 22%, và mật độ PM 2.5 tăng thêm 10 µg/m3 thì tỷ lệ ung thư phổi tăng đến 36%.

Con đường khiến bụi mịn làm tổn hại cơ thể là thông qua đường hô hấp. Và đây cũng chính là cơ quan đầu tiên chịu những ảnh hưởng xấu từ bụi. Khi chúng ta hít thở, bụi mịn PM 2.5 và PM 10 sẽ xâm nhập vào cơ thể. Tùy vào kích thước hạt bụi mà mức độ ảnh hưởng của nó cũng sẽ khác nhau. 

  • Bụi mịn PM 10 đi vào cơ thể qua đường dẫn khí và tích tụ lại ở phổi, làm giảm chức năng của phổi, viêm phế quản mãn tính, gây nên bệnh hen suyễn và ung thư phổi.
  • Bụi mịn PM 2.5 có thể luồn lách vào các túi phổi, tĩnh mạch phổi và sâu hơn là vào hệ tuần hoàn máu, làm suy nhược hệ thần kinh điều khiển hoạt động của cơ tim gây ra các bệnh tim mạch. Nguy hiểm hơn, bụi mịn PM 2.5 do chứa nhiều kim loại nặng có khả năng gây ung thư, hoặc tác động đến DNA gây đột biến gen.

Ước tính có đến 4,3 triệu người chết mỗi năm do tác hại từ ô nhiễm bụi mịn PM2.5  và PM10. 

Mối nguy vô hình từ bụi mịn PM 2.5 và PM 10 2Bụi mịn PM 2.5 và PM 10 có thể đi vào cơ thể gây các bệnh nguy hiểm

Nhóm có nguy cơ nhiễm bụi mịn PM 2.5 và PM 10

Bất kỳ ai cũng có thể trở thành nạn nhân của ‘dịch bụi mịn PM 2.5 và PM 10’. Trong đó nhóm đối tượng chịu ảnh hưởng nhiều nhất là trẻ em, người già, phụ nữ có thai, những người có bệnh tim hoặc các vấn đề về hô hấp. Ngoài khả năng gây bệnh, bụi mịn còn làm trầm trọng thêm các bệnh đang mắc phải và làm tăng nguy cơ tử vong. 

Đối với phụ nữ mang thai, việc hít phải bụi mịn không chỉ làm ảnh hưởng sức khỏe người mẹ mà còn gây nguy hiểm đến bào thai. Bụi mịn PM 2.5 và PM 10 là nguyên nhân gây nhiễm độc máu nhau thai, khiến thai nhi chậm phát triển. Trẻ sinh ra bị nhẹ cân, nhiều khả năng bị suy nhược thần kinh và tự kỷ.

Đối với trẻ em với sức đề kháng còn non yếu, sống trong vùng bị ô nhiễm không khí nặng khó phát triển chiều cao toàn diện và có nguy cơ mắc bệnh hô hấp cao hơn từ 19 - 25% so với bình thường. Gây ảnh hưởng đến cả một tương lai sau này.

Bảo vệ sức khỏe trước ô nhiễm không khí

Để giảm tình trạng ô nhiễm không khí nghiêm trọng như hiện nay, ý thức trách nhiệm về bảo vệ môi trường sống xanh của mỗi người là vô cùng quan trọng. Bắt nguồn từ những hành động nhỏ nhất, chúng ta nên giảm tối đa các nguồn phát sinh bụi mịn trong không khí từ bếp than, bếp củi hay các thiết bị sản sinh khói bụi. Ưu tiên sử dụng phương tiện giao thông công cộng và các nhiên liệu thân thiện với môi trường.

Mối nguy vô hình từ bụi mịn PM 2.5 và PM 10 3Dùng phương tiện công cộng giảm thiểu khí thải ra môi trường

Phủ xanh môi trường sống cũng là một trong những cách hiệu quả giúp không khí trong lành hơn. Bạn cũng nên tránh xa các nguồn không khí ô nhiễm và mang khẩu trang lọc bụi chuyên dụng khi ra đường.

Nâng cao hệ miễn dịch bằng chế độ dinh dưỡng rau xanh, trái cây giàu vitamin A, vitamin C và beta-caroten, giúp hình thành và duy trì lớp niêm mạc ở đường hô hấp và đường tiêu hóa, chống lại tổn thương tế bào, tăng cung cấp oxy cho tế bào. Đồng thời giữ vệ sinh mũi xoang sạch sẽ để mũi luôn duy trì khả năng lọc bụi tốt nhất.

Trang

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Thị Hồng Nhung

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp đại học Khoa Dược. Có kinh nghiệm hơn 10 năm trong lĩnh vực Dược phẩm, tư vấn thuốc và thực phẩm chức năng. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin