Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Bụi mịn: “Sát thủ thầm lặng” gây nhiều bệnh hô hấp nguy hiểm

Ngày 18/08/2024
Kích thước chữ

Bụi mịn nếu tiếp xúc thường xuyên sẽ gây ra nhiều bệnh về hô hấp, làm suy giảm miễn dịch, nhiễm độc cơ thể,... Nguy hiểm hơn khi chỉ số quan trắc chất lượng không khí hiện nay đều ở mức báo động, không an toàn cho sức khỏe con người.

Tác hại của bụi mịn khi xâm nhập vào phổi gây khó thở, đặc biệt nguy hiểm đối với sức khỏe nhiều bệnh nhân mắc bệnh nhiễm trùng đường hô hấp, bệnh phổi,... Vấn đề càng đáng lo ngại hơn khi hai thành phố lớn TP.HCM và Hà Nội lại có chỉ số không khí ô nhiễm rơi vào top cao nhất thế giới gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người. Để hiểu hơn về tác động của bụi mịn, bài viết sau đây của Nhà thuốc Long Châu sẽ cùng bạn tìm hiểu bụi mịn là gì? Các mức độ nguy hiểm của bụi mịn trong không khí, mời mọi người cùng theo dõi nhé.

Bụi mịn là gì? Đặc điểm của 3 dạng bụi mịn

Bụi là một dạng hỗn hợp phức tạp chứa nhiều hạt vô cơ ở dạng rắn bay lơ lửng hoặc lỏng trong không khí, được gọi chung là Particulate Matter (ký hiệu PM).

Thêm nữa theo định nghĩa “bụi mịn” từ Cục Bảo vệ Môi trường Hoa Kỳ, thuật ngữ này xuất phát từ bụi, đất,... nhưng chủ yếu đến từ khói thông qua việc đốt cháy các nhiên liệu hữu cơ trong công nghiệp hay phương tiện giao thông.

Bụi mịn có kích thước đa dạng, có thể nhìn bằng mắt thường đến các phân tử vô hình không thể nhìn được bằng mắt. Trong đó bụi mịn PM10 và PM2.5 là các hạt bụi mịn được biết đến nhiều nhất với kích thước siêu vi được đo bằng µm (micromet, 1micromet = 1/1.000.000m), cụ thể:

Bụi mịn: “Sát thủ thầm lặng” gây nhiều bệnh hô hấp nguy hiểm 1
Bụi mịn là tập hợp nhiều hạt vô cơ ở dạng rắn bay lơ lửng hoặc lỏng trong không khí

Bụi mịn PM10

Bụi mịn PM10 là hạt bụi có kích thước chỉ bằng khoảng ⅕ chiều rộng của tóc, đường kính từ 2.5 - 10µm. Chúng xuất hiện nhiều trong các hiện tượng tự nhiên như lốc xoáy, khói núi lửa, khói rừng cháy và bão cát, hoặc các chất thải từ phấn hoa, nước thải côn trùng và các bào tử nấm.

Đánh giá: Bụi mịn PM10 chỉ tích tụ trên phổi nên mức độ nguy hiểm không cao bằng PM2.5.

Bụi mịn PM2.5

Hạt bụi mịn PM2.5 có kích thước từ 2.5µm trở xuống (nhỏ hơn sợi tóc con người khoảng 30 lần), có nguồn gốc từ các chất carbon, nitơ và các hợp chất kim loại khác.

Đánh giá: Được cảnh báo là có độ nguy hiểm cao nhất vì một số phân tử bụi có mức độc tính cao có khả năng xâm nhập vào đường máu thông qua hô hấp, làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch, đột quỵ,.. Các triệu chứng dễ nhận biết nhất như sổ mũi, khó thở, khô mắt,... Đặc biệt nếu kéo dài sẽ làm giảm chức năng phổi gây viêm phế quản mạn tính, tăng tỷ lệ tử vong do bệnh tim và bệnh ung thư phổi.

Bụi mịn: “Sát thủ thầm lặng” gây nhiều bệnh hô hấp nguy hiểm 2
Mức độc tính của hạt bụi mịn PM2.5 có khả năng xâm nhập sâu vào máu thông qua đường hô hấp

Bụi siêu mịn PM1.0

Đúng như tên gọi, bụi siêu mịn PM1.0 có kích thước nhỏ hơn 1.0 μm tồn tại nhiều hơn tại Việt Nam trong vài năm gần đây, đặc biệt vào những ngày không khí khô hoặc nhiệt độ thấp.

Đánh giá: Nhờ lợi thế kích thước nhỏ, chúng có khả năng tấn công phế nang dễ dàng khi đi xuyên qua vách ngăn khí – máu của người bệnh để đi vào hệ tuần hoàn. Nguy hiểm hơn chúng còn tấn công trực tiếp hệ thần kinh, gây ảnh hưởng cấu trúc ADN cơ thể và làm người bệnh suy giảm trí nhớ và dễ mắc các bệnh về tâm lý.

Bụi mịn: “Sát thủ thầm lặng” gây nhiều bệnh hô hấp nguy hiểm 3
Bụi siêu mịn PM1.0 với đường kính siêu nhỏ có khả năng tác động trực tiếp đến cấu trúc ADN cơ thể

5 tác hại nghiêm trọng của bụi mịn đối với sức khỏe

Theo kết quả quan trắc hàng ngày của Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM vào cuối tháng 12/2023 cho thấy bụi mịn vượt chuẩn, trong đó bụi lơ lửng có đến 19,4% số liệu vượt quy chuẩn Việt Nam, cùng với 4,5% số liệu của bụi mịn PM10 và PM2.5 không đạt chuẩn.

Tình trạng ô nhiễm không khí có sự xuất hiện của bụi mịn PM2.5 trong thời gian qua tại nhiều nơi ở Việt Nam, làm xuất hiện lớp sương mù dày đặc quánh ẩn khiến nhiều tòa nhà cao tầng, khu dân cư ẩn trong lớp màn trắng đục, đồng thời cũng cảnh báo việc tăng cao các bệnh về hô hấp và nhiều bệnh lý khác bao gồm:

Bệnh về hô hấp

Bụi mịn khi xâm nhập sâu vào phế nang phổi sẽ làm viêm nhiễm hô hấp gây ra các bệnh viêm đường hô hấp dưới, viêm đường hô hấp trên, bệnh suyễn hoặc bệnh COPD.

Bệnh tim mạch và huyết áp

Ngoài việc tăng các yếu tố dẫn đến bệnh tim mạch, bụi mịn còn làm viêm nhiễm hệ hô hấp dẫn đến khả năng cao bị đột quỵ.

Cơ thể nhiễm độc

Nhiều hợp chất hữu cơ và kim loại nặng có nhiều trong bụi mịn xuất phát từ khói xe, khói công nghiệp hoặc nền đất nếu tích tụ quá lâu trong cơ thể, sẽ âm thầm phá hoại nhiều cơ quan nội tạng.

Suy giảm miễn dịch

Bụi mịn khi xâm nhập vào cơ thể còn làm ảnh hưởng và gây ra các bệnh liên quan đến miễn dịch và nhiễm trùng.

Tăng nguy cơ bị ung thư

Việc tiếp xúc lâu dài với bụi mịn sẽ làm tăng nguy cơ mắc nhiều loại ung thư, vì trong bụi có chứa các thành phần kim loại như Cr, As, Ni, Cd và chất aldehyde có thể gây cản trở cơ chế hoạt động của ADN gây nên bệnh ung thư phổi.

Bụi mịn: “Sát thủ thầm lặng” gây nhiều bệnh hô hấp nguy hiểm 4
Việc tiếp xúc lâu dài với bụi mịn sẽ làm tăng nguy cơ mắc các bệnh lý nguy hiểm

Cách bảo vệ sức khỏe trước ảnh hưởng của bụi mịn

Trước những tác hại bụi mịn gây ra cho sức khỏe, để hạn chế nguy cơ tiếp xúc với bụi mịn, Thạc sĩ - bác sĩ chuyên khoa 2 Lê Nhật Vinh (Bệnh viện đa khoa quốc tế Nam Sài Gòn) cho biết việc đầu tiên và quan trọng nhất đó là mỗi người cần có ý thức bảo vệ môi trường, dọn vệ sinh sạch sẽ khu vực sinh sống, khuyến khích trồng thêm nhiều cây xanh,... Trong đó đối với cá nhân, một số lời khuyên sau sẽ giúp bảo vệ sức khỏe cộng đồng trước ảnh hưởng của bụi mịn:

Luôn đeo khẩu trang khi ra đường: Ưu tiên các loại khẩu trang chống bụi mịn như N95 hoặc các loại tương tự, nếu được nên trang bị thêm khẩu trang vải bên ngoài để đảm bảo hiệu quả ngăn ngừa bụi mịn vào cơ thể qua đường hô hấp.

Hạn chế ra đường trong thời điểm ô nhiễm không khí nặng: Khung giờ có chất lượng không khí từ 7h-8h và 18h-19h vì đây là khung giờ cao điểm, lượng khói bụi từ phương tiện thải ra nhiều nhất.

Thay đổi thời gian và lịch trình sinh hoạt ngoài trời: Lưu ý thời gian tổ chức các hoạt động ngoài trời trong khung giờ không khí ô nhiễm cao, có thể tham khảo chỉ số ô nhiễm không khí ngay tại thời điểm đó.

Khuyến khích sử dụng máy lọc không khí: Giúp gia đình giảm thiểu đáng kể lượng bụi mịn và các chất gây ô nhiễm trong nhà. Bên cạnh đó cần vệ sinh nhà cửa thường xuyên để giảm bụi bẩn và vi khuẩn tích tụ.

Kiểm tra sức khỏe định kỳ: Nếu nhận thấy bản thân hoặc người thân có bất kỳ dấu hiệu nào về hô hấp như đau ngực, khó thở hoặc các vấn đề khác liên quan đến tác động của ô nhiễm không khí, cần thực hiện kiểm tra sức khỏe càng sớm càng tốt.

Hy vọng qua các thông tin chia sẻ trong bài viết, bạn đọc sẽ hiểu rõ hơn về những tác hại của bụi mịn đối với cơ thể, qua đó có thể chủ động bảo vệ sức khỏe bản thân và những người thân yêu bằng những biện pháp phòng ngừa khoa học, hiệu quả nhất.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Mỹ Huyền

Đã kiểm duyệt nội dung

Dược sĩ Đại học có nhiều năm kinh nghiệm trong việc tư vấn Dược phẩm và hỗ trợ giải đáp thắc mắc về Bệnh học. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin