Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Mẹ & bé

Nấm miệng ở trẻ em có nguy hiểm không? Cách phòng ngừa nấm miệng ở trẻ

Ngày 14/06/2022
Kích thước chữ

Tình trạng nấm miệng ở trẻ em thường xảy ra phổ biến ở những trẻ dưới 10 tuổi. Khi trẻ mắc phải căn bệnh này, rất nhiều bậc phụ huynh thường lo lắng rằng liệu nấm miệng ở trẻ em có nguy hiểm không và cách phòng ngừa ra sao?

Để được giải đáp vấn đề “nấm miệng ở trẻ em có nguy hiểm không?”, các bạn hãy theo dõi phần nội dung ở bài viết sau.

Nguyên nhân gây nấm miệng ở trẻ em

Theo đó, nguyên nhân chính dẫn đến nấm miệng ở trẻ em chủ yếu là do loại nấm men candida. Đây vốn là một loại nấm cơ hội thường hiện diện ở trong cơ thể người, nhất là trẻ nhỏ. Nấm candida thường tồn tại ở những vùng tương đối ẩm ướt như ruột, âm đạo, niêm mạc miệng, bẹn, các nếp gấp ở da… Nếu như bạn vệ sinh cá nhân hằng ngày không sạch sẽ hay có sức đề kháng kém thì chúng sẽ phát triển mạnh mẽ và gây ra bệnh. Loại nấm này có thể lây từ mẹ sang con trong lúc sinh hoặc bị nhiễm thứ phát sau khi sinh.

Nấm miệng ở trẻ em có nguy hiểm không? Cách phòng ngừa nấm miệng ở trẻ1 Nấm miệng ở trẻ em có nguy hiểm không?

Một số yếu tố khiến cho trẻ rất dễ mắc phải căn bệnh nấm miệng phải kể đến như:

  • Trẻ đang sử dụng kháng sinh và gây ra sự rối loạn hệ khuẩn chí.
  • Trẻ bị hăm bẹn dễ gây ra nấm bẹn và lan sang các vùng khác do vệ sinh kém.
  • Mẹ bị nhiễm nấm tại vùng đầu vú hoặc phần phụ ngoài.
  • Mẹ đang sử dụng thuốc kháng acid, steroid, thuốc kháng sinh.

Nấm miệng ở trẻ em có nguy hiểm không?

Nấm miệng ở trẻ em tuy không nguy hiểm nhưng nếu như không được điều trị một cách kịp thời và dứt điểm thì bệnh rất dễ bị tái đi tái lại nhiều lần và dẫn đến một số biến chứng như:

  • Trẻ chậm phát triển, suy dinh dưỡng: Nấm miệng khi lan từ miệng xuống vùng thực quản sẽ khiến cho trẻ khó nuốt và bị nôn trớ mỗi khi ăn. Nếu trẻ biếng ăn lâu ngày sẽ dẫn đến tình trạng bị thiếu chất, giảm sự hấp thụ dinh dưỡng và chậm lớn hơn so với các bạn cùng trang lứa.
  • Viêm phế quản, viêm họng: Khi nấm lây lan từ miệng xuống tới họng và tới cơ quan hô hấp sẽ gây viêm.
  • Làm giảm khả năng nói, khàn giọng: Nấm khi lan từ miệng xuống thanh quản sẽ gây khó khăn cho việc phát âm và tập nói của trẻ. 

Nên làm gì khi trẻ bị nấm miệng?

Tình trạng nấm khoang miệng ở trẻ em thường xảy ra khá phổ biến và không quá nguy hiểm nếu như nhận biết đúng và xử lý tốt. Việc đầu tiên mà bạn nên làm đó là vệ sinh răng miệng cho trẻ và có thể dùng thuốc kháng nấm được bác sĩ kê đơn để điều trị. Ngoài ra, khi đánh tưa miệng cho trẻ thì nên lưu ý đến các vấn đề sau:

  • Nên đánh tưa miệng cho trẻ vào trước thời điểm ăn và khi trẻ đang đói bởi quá trình thực hiện có thể gây ra sự kích thích nôn trớ ở trẻ.
  • Mẹ nên vệ sinh tay thật sạch sẽ rồi lấy miếng gạc để quấn quanh ngón tay. Sau đó, mẹ nhúng miếng gạc vào nước sôi để nguội để làm cho miếng gạc được mềm ra nhằm tránh cọ xát cho trẻ. Tiếp theo, bạn hãy dùng gạc để thấm thuốc chống nấm và đánh tưa theo thứ tự từ hai bên má, vùng khác ở trong vòm miệng và cuối cùng là lưỡi. Bạn nên đánh từ ngoài vào trong để giảm thiểu nguy cơ nôn trớ ở trẻ.
  • Mẹ nên tiếp tục rà miệng cho trẻ thêm 2 ngày nữa với thuốc kháng nấm sau khi đã hết nấm để tránh trường hợp bị tái nấm trở lại.
  • Mẹ nên rơ miệng cho trẻ tối đa là 3 đến 4 lần/ ngày và nhiều nhất là 7 ngày.
  • Nếu như sau 7 ngày các dấu hiệu bệnh không đỡ thì bạn nên tham khảo ý kiến của các bác sĩ để sử dụng các loại thuốc kháng nấm khác, điển hình như thuốc uống Nystatin ở dạng viên. Bên cạnh đó, để tránh mầm bệnh lây lan, bạn nên vệ sinh thật sạch sẽ các vật dụng hằng ngày.
Nấm miệng ở trẻ em có nguy hiểm không? Cách phòng ngừa nấm miệng ở trẻ2 Trẻ bị nấm miệng nên có hướng điều trị kịp thời

Phòng ngừa nấm miệng ở trẻ như thế nào?

Để phòng ngừa tình trạng nấm miệng ở trẻ sơ sinh, bạn có thể thực hiện theo những cách sau:

  • Cần vệ sinh lưỡi và khoang miệng cho trẻ đúng cách sau khi ăn: Nên cho trẻ uống nước lọc để làm sạch khoang miệng và lưỡi sau mỗi bữa ăn hoặc có thể dùng dung dịch nước muối sinh lý 0,9% để cho trẻ súc miệng.
  • Dùng nước muối sinh lý để lau lưỡi cho trẻ hằng ngày vào buổi sáng sau khi thức dậy và trước khi đi ngủ.
  • Nên đưa trẻ đến trung tâm y tế có chuyên khoa nhi để có hướng điều trị thích hợp nhất nếu như trẻ đã vệ sinh đúng cách mà nấm miệng không thuyên giảm.
  • Không dùng tùy tiện các loại thuốc uống hay kháng sinh, thuốc rắc lên lưỡi của trẻ để tránh hiện tượng viêm loét lưỡi.
  • Khi dùng mật ong để rà lưỡi cho trẻ thì bạn nên cho trẻ uống nước lọc và tráng miệng để tránh lưu lại chất đường ở trong miệng. Bên cạnh đó, bạn chỉ nên dùng một lượng mật ong rất nhỏ để tránh gây bỏng rát lưỡi cho trẻ.
Nấm miệng ở trẻ em có nguy hiểm không? Cách phòng ngừa nấm miệng ở trẻ3 Có thể dùng mật ong chữa nấm miệng cho trẻ

Nấm miệng ở trẻ em có nguy hiểm không? Nội dung này đã được chúng tôi giải đáp cụ thể qua phần trên bài viết. Mặc dù không quá nguy hiểm nhưng khi phát hiện ra các triệu chứng bệnh lý, bạn nên đưa trẻ đi khám và có những phương pháp chăm sóc hợp lý để tình trạng bệnh được thuyên giảm nhé.

Lê Hồng

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcPhạm Nguyễn Hoàng Kim

Đã kiểm duyệt nội dung

Dược sĩ chuyên ngành Dược lâm sàng, với nhiều năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực dược phẩm. Là Dược sĩ Long Châu đạt được chứng chỉ bệnh học cấp quốc tế. Hiện đang là giảng viên tại Trung tâm Đào tạo FPT Long Châu.

Xem thêm thông tin