Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Nghẹt mũi khi mang thai: Nguyên nhân và cách trị

Ngày 28/05/2022
Kích thước chữ

Nghẹt mũi khi mang thai là bệnh không hiếm gặp. Nó gây cảm giác vô cùng khó chịu cho mẹ bầu. Hãy cùng tìm hiểu nguyên nhân và những mẹo chữa trị vô cùng đơn giản nhé!

Theo thống kê, có đến 30% phụ nữ mang thai phải đối mặt với cảm giác nghẹt mũi vô cùng khó chịu. Có rất nhiều nguyên do gây nên tình trạng này. Nhưng các mẹ bầu hãy yên tâm vì đã có bí kíp mẹo chữa trị dứt điểm nghẹt mũi nha!

Nguyên nhân nghẹt mũi khi mang thai

Có nhiều yếu tố gây nghẹt mũi cho mẹ bầu. Trong đó có 4 nguyên nhân tiêu biểu gồm:

Viêm mũi thai kỳ

Viêm mũi thai kỳ là tình trạng mẹ bầu bị viêm mũi kéo dài không kèm theo các triệu chứng của dị ứng hay nhiễm trùng đường hô hấp. Viêm mũi khởi phát ở tuần thứ 2 và có xu hướng ngày càng trở nặng đến tận những tuần cuối của thai kỳ. Tuy nhiên, bệnh sẽ dần cải thiện và khỏi hoàn toàn trong hai tuần đầu sau sinh.

Nghẹt mũi ở phụ nữ mang thai thường có thêm các triệu chứng như nghẹt mũi vào ban đêm phải thở bằng miệng dẫn đến ảnh hưởng chất lượng giấc ngủ, tiết dịch mũi lỏng hoặc hơi nhầy nhớt,... 

Nghẹt mũi khi mang thai: Nguyên nhân và cách trị 1 Nghẹt mũi khi mang thai khiến các mẹ vô cùng khó chịu. 

Nguyên nhân chủ yếu của viêm mũi trong giai đoạn thai kỳ là do yếu tố nội tiết tố. Hàm lượng hormone estrogen tăng lên làm niêm mạc ở mũi sưng, phù nề và tạo nhiều chất nhầy hơn thông thường. Đồng thời, các mạch máu nhỏ sưng lên vì lượng máu tăng cao làm mũi bị nghẹt.

Không phải mẹ bầu nào cũng bị viêm mũi thai kỳ, chỉ khoảng 20-30% trong số đó. Có một số nguyên do làm tăng khả năng mắc chứng bệnh như: 

  • Thường xuyên tiếp xúc với môi trường khói bụi ô nhiễm.
  • Có tiền sử bị các bệnh viêm mũi dị ứng, viêm mũi vận mạch,...
  • Hút thuốc lá hay hít phải khói thuốc lá thường xuyên cũng làm tăng tỉ lệ mắc bệnh.

Viêm xoang

Viêm xoang là một căn bệnh mãn tính khá phổ biến ở nước ta do điều kiện thời tiết và môi trường thích hợp. 

Những biểu hiện của viêm xoang tương tự với nhiều chứng bệnh viêm mũi khác nên khiến chúng ta dễ dàng nhầm lẫn. Tuy nhiên vẫn có triệu chứng điển hình như sốt, đau đầu, khứu giác giảm, chất nhầy có màu vàng hoặc xanh hay hàm đau,...

Nếu phát hiện cơ thể đang ở trạng thái như trên, các mẹ bầu nên đi kiểm tra để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Cảm cúm

Phụ nữ mang thai có thể mắc cảm cúm ở bất kỳ thời điểm nào trong năm, đặc biệt vào mùa đông. Các triệu chứng cảm cúm xảy ra nhanh, dần có xu hướng nghiêm trọng và kéo dài trong 1-2 tuần:

  • Bị viêm họng kèm theo ho khan.
  • Cơ thể ớn lạnh, mệt mỏi nghiêm trọng kéo dài.
  • Nghẹt mũi, chảy nước mũi cùng những cơn sốt từ trung bình đến cao dẫn tới đau đầu.

Mẹ bầu nên chú ý các dấu hiệu và đến gặp bác sĩ sớm, tốt nhất trong vòng 48 giờ đầu sau khi nghi ngờ mắc cảm cúm.

Dị ứng

Theo thống kê, có đến 15-20% mẹ bầu nghẹt mũi do dị ứng. Khi cơ thể phản ứng với các yếu tố dị nguyên như phấn hoa, lông chó mèo hay bụi nhà,... sẽ dẫn đến viêm mũi dị ứng. Thai phụ hay bị ngứa mũi họng, hắt hơi, nước mũi giàn giụa, nghẹt mũi, ngủ ngáy và phải thở bằng miệng kèm theo mắt đỏ hay thậm chí sốt nhẹ nếu bị nhiễm trùng. 

Viêm mũi dị ứng làm sức khỏe mẹ bầu suy giảm và gây ra tình trạng căng thẳng, viêm mũi mãn tính nếu không được điều trị kịp thời.

Mẹ bầu bị nghẹt mũi có ảnh hưởng đến thai nhi không?

Theo các nghiên cứu, trẻ có nguy cơ bị dị tật bẩm sinh cao nếu sức khỏe của mẹ bầu không được đảm bảo, đặc biệt ở những tháng đầu của thai kỳ.

Nghẹt mũi khi mang thai khiến việc hô hấp trở nên khó khăn. Thai phụ phải chuyển từ thở bằng mũi sang thở bằng miệng, dẫn đến việc không cung cấp đủ oxy trong máu. Tuy nhiên, lượng oxy mà thai nhi nhận được phần lớn đến từ cơ thể mẹ. Khi em bé trong bụng và cả mẹ bầu bị thiếu oxy sẽ gây ra các hệ quả như:

  • Thai phụ bị tăng huyết áp trong thai kỳ, có nguy cơ tiềm ẩn tiền sản giật.
  • Thai nhi bị suy dinh dưỡng, nhẹ cân, chậm phát triển hoặc thậm chí có thể bị sinh non.

Trường hợp mẹ bầu cần cực kỳ cẩn trọng chính là nghẹt mũi do bệnh lý. Lúc này hệ miễn dịch của mẹ đang bị suy yếu và dễ dàng bị xâm nhập bởi các vi khuẩn, virus. Đó là những tác nhân có khả năng lọt qua nhau thai và tác động đến hệ miễn dịch còn non nớt của trẻ. Ngoài ra, các triệu chứng đi kèm nghẹt mũi khi mắc các bệnh lý khác như ho, sốt cũng rất có hại đến thai nhi. 

Nghẹt mũi khi mang thai: Nguyên nhân và cách trị 2 Thai phụ cần cẩn trọng với nghẹt mũi do bệnh lý. 

Do đó, mẹ cần quan tâm chăm sóc sức khỏe của bản thân dù bị tình trạng nghẹt mũi sinh lý hay bệnh lý. Tham khảo ý kiến của bác sĩ ngay khi có những biểu hiện lạ để tránh ảnh hưởng không đáng có đến thai nhi. 

Cách trị nghẹt mũi cho mẹ bầu vô cùng đơn giản

Phụ nữ đừng quá lo lắng về chứng nghẹt mũi khi mang thai vì bạn hoàn toàn có thể áp dụng những mẹo nhỏ dưới đây để cải thiện tình trạng khó chịu của mình. Không chỉ đơn giản mà còn cực kì hiệu quả đấy nhé!

Súc miệng bằng nước muối ấm

Muối có tác dụng kháng khuẩn tốt. Do đó, thường xuyên súc miệng bằng nước muối ấm làm giảm chất nhầy tích tụ trong cổ họng, giúp khoang mũi được làm loãng và chữa nghẹt mũi. Không chỉ vậy, nước muối ấm còn ngăn ngừa và loại bỏ vi khuẩn gây viêm mũi tấn công xuống vùng họng. 

Xông hơi

Xông hơi có thể làm giảm chảy nước mũi và thông thoáng đường hô hấp. Mẹo này giúp các mẹ bầu cảm thấy dễ chịu, giảm căng thẳng nhưng chỉ mang tính chất tạm thời. Hoàn toàn có thể xông mũi mỗi ngày 1 lần, thời gian trung bình từ 5-10 phút, ở nhiệt độ khoảng 60-70 độ C. Tuy nhiên, không nên quá lạm dụng biện pháp này hoặc xông hơi quá nóng gây tổn thương niêm mạc.

Bổ sung vitamin C

Vitamin C được các bác sĩ khuyến khích phụ nữ mang thai thường xuyên bổ sung trong thời kỳ đầu thai nghén. Nó tăng cường sức đề kháng, giúp cơ thể các mẹ khỏe mạnh và ngăn chặn sự tấn công của các yếu tố xấu. Đó là lí do mẹ bầu nên bổ sung các thực phẩm giàu vitamin C khi bị nghẹt mũi.

Nghẹt mũi khi mang thai: Nguyên nhân và cách trị 3 Thực phẩm giàu vitamin C tốt cho việc điều trị nghẹt mũi ở thai sản.

Uống nhiều nước

Dịch đặc ở mũi sẽ được làm lỏng và cải thiện tình trạng nghẹt mũi khi thai phụ uống nhiều nước. Các mẹ bầu nên thay phiên uống nước ấm pha với mật ong, chanh hay gừng sẽ hỗ trợ điều trị nghẹt mũi tốt hơn. 

Kê gối cao khi ngủ

Mách mẹ bầu mẹo nhỏ giảm nghẹt mũi khi đi ngủ chính là kê cao gối lên. Hành động này sẽ đảm bảo mũi của bạn cao hơn tim và nhờ trọng lực giúp mũi trút hết chất dịch và giúp mũi trở nên thông thoáng.

Tránh đồ cay nóng

Đồ ăn có nhiều gia vị cay hay nóng nên được loại bỏ hay hạn chế khỏi thực đơn của các thai sản khi bị nghẹt mũi. Vì nó sẽ khiến nước mũi tiết ra nhiều hơn và làm tình trạng nghẹt trở nên trầm trọng. Đồng thời những thực phẩm này cũng không hề tốt cho sức khỏe của các mẹ nên hãy hạn chế nhé!

Nghẹt mũi khi mang thai gây ra cảm giác rất khó chịu cho thai phụ. Tùy trường hợp có thể có những ảnh hưởng không tốt với thai nhi. Các mẹ nhớ luôn phải theo dõi tình trạng sức khỏe một cách cẩn trọng và đưa ra hướng giải quyết kịp thời.

Khánh Vy

Nguồn: Tổng hợp

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Thị Thảo Nguyên

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Khoa Dược trường Đại học Nam Cần Thơ. Có nhiều năm kinh nghiệm công tác trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện đang giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin