Dược sĩ Đại học có nhiều năm kinh nghiệm trong việc tư vấn Dược phẩm và hỗ trợ giải đáp thắc mắc về Bệnh học. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.
Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu
Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm
Mặc định
Lớn hơn
Một nghiên cứu mới tiết lộ rằng các loại thực phẩm được bán trên thị trường với công bố về protein thường gây hiểu lầm cho người tiêu dùng. Bởi hầu hết các thực phẩm này đều có chứa hàm lượng natri, chất béo và chất ngọt cao, gây ra những rủi ro tiềm ẩn cho sức khỏe.
Các nhà khoa học tại Đại học Miguel Hernández ở Tây Ban Nha đã tiến hành một nghiên cứu để mô tả hàm lượng chất dinh dưỡng và đánh giá tính lành mạnh của thực phẩm có công bố protein. Hãy cùng đi vào tìm hiểu chi tiết về những nghiên cứu này trong bài viết dưới đây nhé!
Thực phẩm giàu protein và các chất bổ sung chứa protein cùng axit amin đang ngày càng phổ biến trên toàn cầu, bởi chúng được coi là những thực phẩm lành mạnh tốt cho sức khỏe.
Theo khảo sát gần đây, số lượng thực phẩm và đồ uống mới tại châu Âu với tuyên bố liên quan đến protein đã tăng trưởng kép hàng năm ở mức 26% trong giai đoạn 2017 - 2022. Tại Úc, mức tăng trưởng này là 12%.
Nghiên cứu toàn cầu năm 2022 cho thấy khoảng 17% người tiêu dùng sẵn sàng chọn mua thực phẩm giàu protein, mặc dù giá thành của những sản phẩm này khá cao. Nhiều người tin rằng, thực phẩm chứa protein không chỉ có giá trị dinh dưỡng cao mà còn giúp tăng cường cơ bắp, cải thiện sức khỏe và kéo dài tuổi thọ.
Tuy nhiên, các nhà khoa học cảnh báo rằng nhận thức này có thể dẫn đến những hiểu lầm. Một số nghiên cứu chỉ ra rằng thực phẩm giàu protein cũng có thể chứa các thành phần không tốt cho sức khỏe như đường, muối, chất béo bão hòa và thậm chí có hàm lượng calo cao.
Trong một nghiên cứu tại Tây Ban Nha, các nhà khoa học đã phân tích dữ liệu từ cơ sở dữ liệu thực phẩm BADALI để đánh giá mức độ phổ biến và chất lượng dinh dưỡng của các sản phẩm giàu protein hiện có trên thị trường.
Nghiên cứu đã tiến hành phân tích 4.325 loại thực phẩm chế biến sẵn thuộc 12 nhóm khác nhau, trong đó khoảng 13% các sản phẩm được ghi nhận có công bố liên quan đến protein.
Mức độ phổ biến của thực phẩm có công bố protein thay đổi tùy theo từng nhóm. Tỷ lệ cao nhất được ghi nhận ở các sản phẩm thay thế thịt từ thực vật (68.2%), tiếp theo là thanh dinh dưỡng (35.3%) và sữa chua hoặc các sản phẩm tráng miệng thay thế từ sữa (21.3%). Đáng chú ý, không có công bố nào liên quan đến protein xuất hiện ở bánh quy và đồ uống trái cây.
Khoảng 60.4% thực phẩm được phân tích có thành phần protein tăng cường. Trong đó, các thanh dinh dưỡng và sản phẩm thay thế thịt từ thực vật có tỷ lệ tăng cường protein cao nhất, đạt gần 90%. Ngược lại, các sản phẩm thay thế sữa và sữa chua hoặc món tráng miệng thay thế từ sữa chỉ có tỷ lệ tăng cường thấp, lần lượt là 7.9% và 3.3%.
Protein có nguồn gốc thực vật được bổ sung thường xuyên hơn (41.7%) so với protein từ động vật (25.9%). Trong đó, gluten là loại protein thực vật được sử dụng phổ biến nhất, tiếp theo là protein từ sữa và đậu nành.
Thực phẩm có công bố protein, đặc biệt là các sản phẩm tăng cường, thường có hàm lượng protein cao hơn đáng kể. Cụ thể, các sản phẩm thay thế sữa và thanh dinh dưỡng có công bố protein chứa lượng protein cao hơn gấp 4 lần so với các sản phẩm không có công bố tương ứng. Đối với các sản phẩm tương tự thịt từ thực vật, hàm lượng protein trong nhóm có công bố cao hơn gấp 2 lần so với nhóm không có công bố.
Ngoài protein, thành phần dinh dưỡng như carbohydrate, đường, chất béo tổng số và chất béo bão hòa cũng có sự khác biệt rõ rệt giữa các sản phẩm có và không có công bố protein.
Các thanh dinh dưỡng có công bố protein chứa lượng carbohydrate và đường thấp hơn lần lượt 82% so với những thanh không có công bố, nhưng lại có hàm lượng chất béo bão hòa cao hơn 48%. Trong khi đó, sữa và đồ uống từ sữa trong nhóm có công bố protein chứa ít chất béo tổng số và chất béo bão hòa hơn, còn sữa chua và sữa lên men có mức carbohydrate và đường thấp hơn.
Các sản phẩm thay thế sữa có công bố protein chứa ít đường và carbohydrate hơn nhưng lại có hàm lượng chất béo tổng số cao hơn so với những sản phẩm không có công bố. Tương tự, các sản phẩm tương tự thịt từ thực vật có công bố protein có mức carbohydrate thấp hơn đáng kể so với các sản phẩm không có công bố.
Nghiên cứu đã áp dụng mô hình hồ sơ dinh dưỡng do Tổ chức Y tế Liên Mỹ và Tổ chức Y tế Thế giới phát triển để đánh giá chất lượng dinh dưỡng của thực phẩm có công bố về protein.
Kết quả chỉ ra rằng 90.8% thực phẩm có công bố protein bị xếp vào nhóm “kém lành mạnh”, với hơn 50% chứa hàm lượng chất béo và natri cao. Điều này rất đáng lo ngại vì tiêu thụ quá nhiều natri là nguyên nhân hàng đầu gây ra bệnh tim mạch.
Đáng chú ý, 1 trong 4 sản phẩm chứa nhiều đường tự do và chất béo bão hòa, trong khi 1 trong 5 sản phẩm có sử dụng chất tạo ngọt. So với thực phẩm không có công bố protein, nhóm thực phẩm có công bố protein có tỷ lệ “kém lành mạnh” cao hơn 17%. Dù vậy, thực phẩm có công bố protein lại ít chứa đường tự do và chất béo bão hòa hơn so với nhóm không có công bố.
Phân tích cho thấy khoảng 1/7 thực phẩm trên thị trường Tây Ban Nha có công bố protein, với 60% các sản phẩm này được tăng cường protein chủ yếu từ nguồn thực vật. Tuy nhiên, chất lượng dinh dưỡng của nhóm thực phẩm này lại kém hơn đáng kể so với thực phẩm không có công bố protein.
Điều này nhấn mạnh tầm quan trọng của việc người tiêu dùng cần kiểm tra kỹ nhãn dinh dưỡng thay vì dựa vào các công bố về protein, bởi điều này có thể khiến nhiều người dùng hiểu sai về sức khỏe. Thực phẩm có công bố protein mặc dù được xem là lành mạnh nhưng thường chứa lượng lớn natri, chất béo và chất ngọt dẫn đến làm giảm giá trị dinh dưỡng. Tiêu thụ thường xuyên các sản phẩm này có nguy cơ dẫn đến các vấn đề sức khỏe như béo phì và bệnh tim mạch.
Các nhà nghiên cứu nhấn mạnh rằng người tiêu dùng thường không nhận thức được những rủi ro này, thay vào đó lại tin tưởng vào các tuyên bố về protein trên bao bì. Vì vậy, họ khuyến nghị người tiêu dùng cần cân nhắc cẩn thận khi đọc nhãn dinh dưỡng và danh sách thành phần để đưa ra lựa chọn thực sự có lợi cho sức khỏe.
Dược sĩ Đại họcNguyễn Mỹ Huyền
Dược sĩ Đại học có nhiều năm kinh nghiệm trong việc tư vấn Dược phẩm và hỗ trợ giải đáp thắc mắc về Bệnh học. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.