Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Nghiện rượu: "Thủ phạm" gây bệnh tim mạch hàng đầu

Ngày 03/03/2022
Kích thước chữ

Từ lâu, rượu bia là một món đồ uống không thể thiếu trong mỗi dịp liên hoan, cưới hỏi, hội họp, đoàn tụ gia đình, đồ uống này trở thành nét văn hóa của người Việt. Tuy nhiên, lạm dụng rượu sẽ làm tăng nguy cơ mắc nhiều chứng bệnh nói chung. Nhiều người mắc bệnh tim mạch, huyết áp là do nguyên nhân uống nhiều rượu.

Nhiều nghiên cứu chỉ ra rượu bia có mối liên quan chặt chẽ tới bệnh tim. Vậy rượu tác động như thế nào đến tim? Mời bạn tham khảo bài viết dưới đây.

Rượu gây ảnh hưởng gì đến tim mạch?

Cơ chế sinh học của tim và mạch máu được tạo thành một vòng tuần hoàn hoạt động nhịp nhàng và hoàn chỉnh. Lượng máu được bơm từ tim đi khắp cơ thể theo dòng chảy của những động mạch đến từng tế bào bằng mao mạch và lại quay trở lại tim bằng tĩnh mạch. 

Nghiện rượu: "Thủ phạm" gây bệnh tim mạch hàng đầu 1 Rượu bia có ảnh hưởng xấu đến sức khỏe tim mạch.

Máu có vai trò cung cấp oxy và các chất dinh dưỡng cho những cơ quan trong cơ thể. Nếu rượu được nạp vào cơ thể, sẽ được hấp thụ trực tiếp vào dòng máu thông qua dạ dày và ruột non. Tác hại của rượu ảnh hưởng trực tiếp vào hệ thống tim mạch. 

Khi rượu đi vào cơ thể sẽ làm cho huyết áp và nhịp tim tăng tạm thời. Nếu uống rượu bia nhiều và liên tục sẽ gây ra tình trạng huyết áp cao, nhịp tim cũng sẽ không đều khiến tim dần suy yếu. Thậm chí nếu cứ tiếp tục lạm dụng rượu thì sẽ hình thành những cơn đau tim và tiến triển tới đột quỵ.

Tăng nhịp tim

Nhịp tim không giống nhau ở mỗi độ tuổi và mỗi người cũng khác nhau ở thể trạng và giới tính. Đối với những người từ 18 tuổi trở lên, nhịp tim lúc nghỉ ngơi bình thường khoảng từ 60-100 nhịp mỗi phút. Người càng khỏe mạnh thì nhịp tim càng thấp. Đối với những vận động viên chuyên nghiệp khi ở trạng thái nghỉ ngơi nhịp tim của họ chỉ khoảng 40 nhịp/phút.

Một số nghiên cứu phát  hiện ra người lạm dụng rượu bia hoặc nghiện rượu có thể gây ra tình trạng nhịp tim nhanh. Các biến chứng do tăng nhịp tim gây ra sẽ thay đổi tùy theo tần suất, thời gian và mức độ của từng loại loạn nhịp. Nếu tình trạng nhịp tim nhanh thường xuyên trong thời gian dài dẫn tới tim sẽ không được nghỉ ngơi. Hậu quả của nhịp tim nhanh sẽ mau chóng làm cho cơ tim bị suy yếu, hình thành cục máu đông khi máu ứ trong tim vào lúc nhịp nhanh dẫn tới nhồi máu cơ tim, đột quỵ.

Tăng huyết áp

Tăng huyết áp là khi máu được bơm với một lực mạnh hơn của dòng máu vào các động mạch. Nếu tình trạng này kéo dài sẽ dẫn tới dày thành và gây cứng động mạch. Đây là nguyên nhân gây nên những cơn đau thắt ngực và có thể là nhồi máu não. Nếu như chỉ uống rượu một lần thì huyết áp có thể tăng tạm thời rồi trở về trạng thái bình thường. Nếu sử dụng rượu thường xuyên hoặc lạm dụng rượu, thậm chí nghiện rượu thì lại làm huyết áp tăng. Để điều trị huyết áp hiệu quả thì việc đầu tiên là phải giảm lượng rượu hoặc bỏ hẳn rượu.

Lạm dụng rượu tăng nguy cơ suy tim

Chức năng của tim là vận chuyển oxy và chất dinh dưỡng đi nuôi các cơ quan trong cơ thể. Tim phải làm việc liên tục, co bóp để tạo áp lực, giúp máu lưu thông và đảm bảo chỉ chảy theo một hướng đến khắp cơ thể. Tùy vào nhu cầu của cơ thể mà tần số và lực của những lần co bóp cơ tim được điều chỉnh để thắng được sức cản của thành động mạch bên ngoài. Nếu như làm tổn thương cấu trúc và thay đổi chức năng của cơ tim thì nguy cơ sẽ dẫn đến bệnh suy tim. 

Nghiện rượu: "Thủ phạm" gây bệnh tim mạch hàng đầu 2 Lạm dụng rượu thường xuyên có thể dẫn đến suy tim.

Lạm dụng rượu là một nguyên nhân quan trọng gây nên tình trạng suy tim. Tác hại của rượu dẫn tới bệnh cơ tim giãn nở, làm cho cơ tim bị yếu đi và làm bốn buồng tim mở rộng. Vì lý do đó, mỗi lần co bóp của tim trở nên yếu hơn. Lực co bóp yếu, không tạo đủ áp lực đẩy máu lưu thông khắp cơ thể. Cơ tim suy yếu có thể dẫn tới suy tim sung huyết, là khi tim không bơm đủ máu để nuôi cơ thể, khiến người bệnh rơi vào trạng thái suy hô hấp trụy tuần hoàn và có thể tử vong.

Rượu làm nhịp tim không đều

Sự thay đổi trong nhịp tim khiến cho tim đập nhanh hay chậm hoặc lúc nhanh lúc chậm thì được gọi chung là rối loạn nhịp tim. Bệnh lý này xảy ra là do có sự thay đổi, tác động của hệ thống sinh lý điện học của tim. Nguyên nhân có thể do đường dẫn bất thường, hoặc tế bào tim bị kích thích quá mức, hay do tín hiệu dẫn truyền bị tắc nghẽn. Chứng rối loạn nhịp tim trong một số trường hợp có thể xảy ra những vấn đề nghiêm trọng như ngừng tim và đột quỵ. 

Nguyên nhân của chứng rối loạn nhịp tim cấp tính, trong đó phổ biến nhất là rung nhĩ đã được một số nghiên cứu chỉ ra là do rượu. Trong nghiên cứu cũng chỉ ra thường vào những dịp lễ hay cuối tuần, thời điểm thường có những buổi tiệc tùng bia rượu, khi những cơn rung nhĩ xuất hiện nhiều làm cho máu bị dồn ứ ở tâm nhĩ, dẫn tới việc hình thành cục máu đông.

Nguy cơ nhồi máu cơ tim

Cơ tim muốn co bóp liên tục thì đòi hỏi cần được cung cấp chất dinh dưỡng và oxy để tạo ra năng lượng. Khi một động mạch nuôi dưỡng cơ tim bị suy giảm hoặc tắc nghẽn hoàn toàn dẫn tới bệnh nhồi máu cơ tim. Nhồi máu cơ tim là hệ quả của một vùng tim bị thiếu máu cục bộ. Nguyên nhân của sự tắc nghẽn trong lòng mạch thường là do sự tích tụ lâu ngày của những mảng bám xơ vữa với thành phần chủ yếu là cholesterol và chất béo.

Lạm dụng rượu bia, nghiện rượu là nguyên nhân làm tăng nồng độ lipid trong máu. Bệnh rối loạn lipid máu thường có mức cholesterol xấu cao, trong khi cholesterol tốt lại thấp. Vì vậy, cholesterol xấu sẽ làm tắc nghẽn động mạch vành. Nếu như mảng bám ở thành mạch máu vỡ ra, tạo thành một huyết khối dẫn tới nguy cơ nhồi máu cơ tim.

Đột quỵ thiếu máu cục bộ

Đột quỵ thiếu máu cục bộ cũng giống như nhồi máu cơ tim, xảy ra khi một động mạch cung cấp máu cho nhu mô não bị chặn lại. Cục máu đông hình thành trong động mạch hoặc do mảng xơ vữa bị bong tróc gây ra sự tắc nghẽn. Rượu bia cũng là một nguyên nhân làm tăng nguy cơ đột quỵ do thiếu máu cục bộ. Rượu tác động làm thúc đẩy hình thành cục máu đông trong tim do nhịp tim không đều hoặc do cơ tim suy yếu.

Gây nên đột quỵ xuất huyết

Đột quỵ xuất huyết xảy ra khi một động mạch cung cấp cho một vùng nhu mô não bị vỡ và máu trong lòng mạch bị lan tràn ra ngoài.

Rượu làm tăng nguy cơ đột quỵ do xuất huyết. Rượu là một yếu tố có khả năng làm huyết áp tăng cao. Huyết áp cao có thể tạo ra các điểm yếu trên thành động mạch, kể cả những điểm trong não dẫn tới mạch máu dễ vỡ khi áp lực tăng cao đột ngột.

Nghiện rượu: "Thủ phạm" gây bệnh tim mạch hàng đầu 3 Uống nhiều rượu bia có thể làm tăng nguy cơ đột quỵ xuất huyết.

Rượu vang có tốt cho sức khỏe tim mạch không?

Rượu bia, như đã phân tích ở trên, có thể gây ra hại nhiều hơn lợi. Vì vậy, nếu bạn chưa từng dùng các loại đồ uống có cồn thì cũng không nên sử dụng để bảo vệ sức khỏe. Vang đỏ cũng là một loại đồ uống có cồn tương tự những loại rượu bia khác. 

Mặc dù đã có một số nghiên cứu cho thấy việc sử dụng một lượng rượu bia vừa phải sẽ có lợi cho sức khỏe. Thậm chí, các nghiên cứu còn đưa ra những thông tin có lợi cho tim mạch làm giảm tỷ lệ tử vong. Tuy nhiên, vấn đề này vẫn cần được nghiên cứu thêm để khẳng định. 

Flavonoid và các chất chống oxy hóa khác trong rượu vang đỏ có khả năng làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim. Tuy nhiên, flavonoid còn có ở nhiều thực phẩm khác như nho, nước nho đỏ hoặc quả việt quất. Để đảm bảo sức khỏe, bạn nên xây dựng cho mình một lối sống lành mạnh hơn như thường xuyên hoạt động thể chất và ăn uống bổ sung nhiều rau quả trái cây. Ngủ đủ giấc, tập thiền định và luôn giữ thái độ tích cực, cân bằng cuộc sống yêu đời đó là những yếu tố tích cực giúp bạn duy trì sức khỏe.

Như vậy chúng ta đã hiểu được rõ tác hại của rượu đối với tim mạch nói riêng và bệnh tật nói chung. Nếu có thể, bạn nên tránh lạm dụng rượu hoặc uống nhiều rượu để đảm bảo sức khỏe.

Tuệ Nhi

Nguồn tham khảo: Vinmec

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại học Nguyễn Tuấn Trịnh

Đã kiểm duyệt nội dung

Từng làm ở Viện ISDS, nhiều năm cộng tác với CDC Thái Nguyên triển khai dự án phòng chống HIV/AIDS, 2 năm cộng tác với WHO.

Xem thêm thông tin