Tốt nghiệp Đại học Dược Hà Nội, với hơn 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện là giảng viên giảng dạy các môn Dược lý, Dược lâm sàng,...
Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu
Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm
Mặc định
Lớn hơn
Nghiện rượu hoặc lạm dụng rượu có thể dẫn tới rối loạn tâm thần nghiêm trọng. Bệnh rối loạn tâm thần không chỉ ảnh hưởng tới đời sống cá nhân mà còn ảnh hưởng tới gia đình và gây ra những vấn nạn xã hội.
Để hiểu rõ về nghiện rượu và rối loạn tâm thần do rượu mời bạn tham khảo bài viết dưới đây.
Rối loạn tâm thần đề cập đến một trạng thái tâm trí liên quan đến sự nhầm lẫn giữa điều gì là thực và điều gì không có thực. Rối loạn tâm thần làm ảnh hưởng đến tất cả những giác quan, hành vi và cảm xúc của họ. Trong một giai đoạn rối loạn tâm thần, tâm trí mất một số liên lạc với thực tế. Một người có thể có những trải nghiệm khó hiểu và đáng sợ không chỉ đối với bản thân mà còn đối với những người xung quanh.
Triệu chứng của bệnh rối loạn tâm thần rất đa dạng nhưng hai triệu chứng phổ biến nhất đó là hoang tưởng và ảo giác. Nếu người nào đó bị ảo giác, họ sẽ cảm thấy, nhìn thấy, nghe thấy hoặc ngửi thấy một thứ gì đó nhưng lại không thực sự xảy ra trong thực tế. Ảo giác dù không có cơ sở trong thực tế, nhưng lại có thật đối với cá nhân mắc phải chúng. Điều này rất đáng sợ và ảnh hưởng đến cuộc sống của họ. Ảo tưởng là khi một người duy trì một niềm tin mạnh mẽ vào một điều gì đó mà xã hội thường không công nhận có thật hoặc không dựa trên thực tế. Niềm tin này có thể gây khó hiểu hoặc sợ hãi, và làm gián đoạn cuộc sống hằng ngày đối với cá nhân, những người xung quanh.
Bệnh rối loạn tâm thần thường xảy ra do sự kết hợp của di truyền và kinh nghiệm sống của một người. Sự căng thẳng, sử dụng chất kích thích, hoặc thậm chí tình trạng sức khỏe thể chất do sa sút trí tuệ, bệnh Parkinson,... có thể gây ra chứng rối loạn tâm thần cho một số người. Có thể do những trải nghiệm cực đoan gây ra một giai đoạn rối loạn tâm thần ngắn chỉ kéo dài vài ngày, sau đó không bao giờ trải qua nữa. Đối với những người khác, rối loạn tâm thần có thể là một đặc điểm của tình trạng sức khỏe tâm thần như tâm thần phân liệt, rối loạn phân liệt, rối loạn lưỡng cực (trước đây gọi là hưng trầm cảm), và trầm cảm nặng.
Loạn thần được xếp vào nhóm rối loạn thần kinh nghiêm trọng. Rối loạn loạn thần do rượu hay do ngộ độc rượu mãn tính gây ra. Khi bị chứng rối loạn loạn thần gồm những ảo giác kéo dài, chủ yếu là ảo thanh, ảo thị, không có mê sảng, thường xuất hiện trong vòng 2 ngày khi những người lệ thuộc rượu ngừng uống rượu. Bệnh loạn thần rượu có thể kéo dài mãn tính. Bệnh cảnh lâm sàng của bệnh loạn thần gần giống tâm thần phân liệt. Tỷ lệ mắc của nam/nữ là 4/1 và thường gặp ở những người có tiền sử uống rượu trên 10 năm.
Phương pháp điều trị loạn thần rượu là trị liệu theo giai đoạn, giảm triệu chứng, kết hợp điều trị rối loạn tâm thần, điều trị ngộ độc rượu hoặc cai nghiện rượu.
Ở giai đoạn cấp, điều trị hội chứng cai rượu, điều trị rối loạn tâm thần bằng phương pháp điều trị giải độc rượu là liệu pháp vitamin nhóm B liều cao, bù nước điện giải theo đường truyền tĩnh mạch và đường uống. Làm giảm lo âu, chống rối loạn thần kinh thực vật và điều trị các bệnh nội khoa. Tùy vào thể trạng bệnh nhân, việc điều trị rối loạn tâm thần phụ thuộc vào bệnh cảnh lâm sàng cụ thể. Bệnh nhân hoang tưởng, ảo giác, kích động, trầm cảm, hưng cảm, lo âu, sẽ được chỉ định sử dụng các loại thuốc khác nhau với liều lượng phù hợp cho từng đối tượng.
Ở giai đoạn bán cấp và ổn định cần tiếp tục điều trị thuốc chống loạn thần, thuốc chống trầm cảm, thuốc giải lo âu và thuốc chỉnh khí sắc,...
Ở giai đoạn sau, loạn thần phục hồi chức năng tâm lý xã hội để chống tái nghiện. Giai đoạn này tạo điều kiện giúp bệnh nhân tái hòa nhập với gia đình và cộng đồng xã hội.
Hội chứng cai nghiện rượu thường xuất hiện khi thiếu hoặc ngưng rượu. Khi đó, người bệnh sẽ có nhiều triệu chứng như bứt rứt trong người, buồn bã, lo âu, bồn chồn, khó chịu, sợ hãi, mất ngủ hoặc gặp ác mộng, rối loạn nhịp tim. Tuy nhiên, khi uống một lượng rượu nhỏ, các triệu chứng trên sẽ dịu hẳn đi hoặc biến mất.
Đối với bệnh nhân rối loạn tâm thần do rượu thể nhẹ, có thể điều trị chăm sóc tại nhà. Trong thời gian này rất cần sự chăm sóc tận tình của người thân. Cần có người thân theo dõi tình trạng của bệnh nhân, nếu có tình huống xấu cần đưa bệnh nhân tới bệnh viện kịp thời.
Bệnh nhân cần nhập viện để bác sĩ theo dõi tình trạng bệnh để ngăn chặn nguy cơ biến chứng khi hội chứng cai rượu tiến triển nặng hơn. Bác sĩ sẽ đưa phác đồ điều trị để làm giảm triệu chứng. Đối với những trường hợp bị hội chứng cai rượu thường được điều trị bằng thuốc an thần benzodiazepine. Bệnh nhân được bổ sung vitamin để bù đắp những vitamin thiết yếu đã bị mất đi trong quá trình sử dụng rượu. Mục đích nhằm giúp ngăn chặn các biến chứng và tình trạng thiếu hụt dinh dưỡng do nghiện rượu mãn tính gây ra.
Tình trạng mê sảng do cai rượu thường xuất hiện sau khi ngừng hoặc giảm uống rượu ở những bệnh nhân có tiền sử lệ thuộc rượu, tuy nhiên ít gặp hơn so với hội chứng cai rượu và không có biến chứng. Tình trạng mê sảng, không nhận thức được môi trường xung quanh, người bệnh có cảm giác như thấy những cảnh tượng ghê rợn như bị thú dữ tấn công, hoặc nghe thấy những tiếng nói không có thực. Người bị bệnh sảng rượu có thể có những hành vi rất nguy hiểm có thể có hành động tấn công người vô cớ, đốt nhà, giết người,...
Người bị bệnh này có thể bị run toàn thân thậm chí run cả lưỡi cùng với đó là những triệu chứng đi đứng loạng choạng, đổ mồ hôi đầm đìa. Các triệu chứng này thường trở nặng vào ban đêm.
Người uống nhiều rượu trong thời gian dài thường bị rối loạn trí nhớ. Bệnh rối loạn tâm thần do rượu còn được gọi là bệnh não Wernicke và hội chứng Korxakoff. Đối với bệnh não Wernicke là tình trạng cấp tính do thiếu thiamin do nghiện rượu mãn tính. Các triệu chứng như lú lẫn toàn bộ, bịa chuyện, ngủ gà, mất khả năng phân biệt, lay giật nhãn cầu, liệt vận nhãn mất ngủ do lo âu, sợ bóng đêm,... Trong quá trình điều trị, bệnh não Wernicke có thể biến mất sau vài ngày hoặc lâu hơn và cũng có thể tiến triển thành hội chứng Korsakoff. Đây là hội chứng thường liên quan đến nghiện rượu mãn tính do thiếu thiamin. Bệnh nhân thường có biểu hiện quên thuận chiều và ngược chiều, rối loạn định hướng,…
Rối loạn tâm thần do nghiện rượu hoặc lạm dụng rượu có thể gây ra những hậu quả rất nghiêm trọng đối với bản thân, gia đình và cả xã hội. Tuy nhiên đối với bệnh rối loạn tâm thần do uống quá nhiều rượu có thể hạn chế được. Nếu như chúng ta sử dụng rượu bia có trách nhiệm không lạm dụng và sử dụng bừa bãi thì giảm được rất nhiều tác hại của rượu bia nói chung và bệnh rối loạn tâm thần nói riêng. Đặc biệt khi có dấu hiệu của bệnh rối loạn tâm thần do rượu, bệnh nhân và người nhà cần phối hợp với bác sĩ để có phương pháp điều trị hiệu quả và kịp thời.
Tuệ Nhi
Nguồn tham khảo: Vinmec
Dược sĩ Đại họcNguyễn Thanh Hải
Tốt nghiệp Đại học Dược Hà Nội, với hơn 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện là giảng viên giảng dạy các môn Dược lý, Dược lâm sàng,...