Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Ngộ độc rượu trái cây: Biểu hiện thế nào? Xử trí ra sao?

Ngày 30/05/2022
Kích thước chữ

Rượu trái cây được yêu thích bởi hương thơm, vị ngọt dịu, dễ uống và tốt cho sức khỏe. Nhưng vẫn có những trường hợp ngộ độc rượu trái cây dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng với sức khỏe.

Rượu trái cây là loại đồ uống có cồn được làm từ trái cây lên men. Nhiều năm gần đây, trào lưu tự ngâm rượu trái cây tại nhà nở rộ. Không thể phủ nhận loại rượu này có hương vị thơm ngon, dễ uống lại dễ làm. Nhưng nếu quy trình ngâm ủ rượu không đảm bảo và sử dụng không đúng cách, thì tình trạng ngộ độc rượu trái cây vẫn có thể xảy ra.

Rượu trái cây có tốt không?

Rượu trái cây được làm từ các loại trái cây tự nhiên theo mùa. Các thành phần thêm vào như đường, muối, mật ong cùng các chất acid, tanin… có sẵn trong hoa quả sẽ giúp nấm men phát triển và tạo thành rượu. Rượu trái cây thường dễ uống hơn, vị dịu và hương thơm hơn các loại rượu khác. Việc tự làm rượu vừa giúp tiết kiệm chi phí, lại vừa là thú vui của những người “khéo tay hay làm”.

Các loại trái cây thường được dùng để ngâm rượu như mận, đào, mơ, nho, dâu tằm, cam… Nếu sử dụng nguyên liệu ngâm tươi ngon, an toàn vệ sinh thực phẩm và sử dụng đúng liều lượng, rượu trái cây rất tốt cho sức khỏe. Có thể kể đến những lợi ích của rượu trái cây với sức khỏe như: 

  • Kích thích tiêu hóa, giúp ăn ngon, tăng cân.
  • Ngăn ngừa quá trình lão hóa, duy trì sự tươi tắn, rạng rỡ.
  • Kích thích lưu thông, tăng tuần hoàn máu.
  • Giảm căng thẳng, giúp ngủ ngon và sâu giấc.
ngộ độc rượu trái cây 1 Tự ngâm rượu trái cây tại nhà

Nguyên nhân gây ngộ độc rượu trái cây

Không thể phủ nhận rượu trái cây tốt cho sức khỏe, nhưng cũng phải thừa nhận ngộ độc rượu trái cây có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Vậy nguyên nhân gây ngộ độc là gì? Hầu hết chúng ta đều nghĩ rượu trái cây tự ngâm an toàn tuyệt đối. Nhưng thực tế, vẫn có nhiều nguyên nhân gây ngộ độc ít ai ngờ tới như: 

Dùng quá liều: Rượu trái cây cũng giống như bất kỳ loại rượu nào khác, đều chứa cồn. Sử dụng lượng quá lớn rượu hoa quả trong thời gian ngắn sẽ nạp một lượng cồn đáng kể vào cơ thể. Đây là nguyên nhân dẫn đến ngộ độc rượu cấp

Uống rượu trái cây đã ngâm quá lâu: Thời gian phù hợp để sử dụng rượu là trong vòng 1 năm. Nếu để quá lâu, axit oxalic có trong nhiều loại trái cây sẽ kết tủa và hòa tan trong rượu. Khi đi vào cơ thể, chúng sẽ lắng cặn dạng tinh thể ở thận, có thể làm tắc nghẽn ống thận và gây ngộ độc. 

Dị ứng trái cây hoặc cồn: Một số trường hợp đặc biệt, ngộ độc khi uống rượu trái cây có thể do cơ địa dị ứng với thành phần nào đó trong trái cây. Điển hình như dị ứng với fructose - một loại đường tự nhiên, propylene - một loại protein thực vật…. có trong các loại trái cây. Một số người bị dị ứng cồn mà không hề hay biết cũng dễ bị ngộ độc rượu trái cây.

Kết hợp các loại trái cây gây độc tố: Một số loại trái cây kỵ nhau, khi vô tình kết hợp để ngâm rượu sẽ tạo thành độc tố. Ví dụ như ổi kỵ chuối, lựu lỵ mơ, chuối kỵ dưa hấu… Bên cạnh đó, có một số loại trái cây lạ trong hạt có thể chứa độc chất anisatin. Nếu dùng chúng để ngâm rượu có thể dẫn đến ngộ độc. 

Sử dụng rượu không rõ nguồn gốc: Nếu sử dụng loại rượu không đảm bảo chất lượng để ngâm (rượu giả, rượu pha methanol), nguy cơ ngộ độc rượu methanol cũng rất dễ xảy ra. 

ngộ độc rượu trái cây 2 Lựa chọn nguyên liệu sạch, quy trình ngâm rượu đảm bảo vệ sinh để hạn chế nguy cơ ngộ độc

Biểu hiện ngộ độc rượu trái cây

Ngộ độc rượu có thể tác độc đến mọi hệ cơ quan trên cơ thể. Có thể nhận biết người bị ngộ độc rượu qua các biểu hiện như: 

  • Rối loạn thị giác: Giảm thị lực, hoa mắt, rối loạn màu sắc. Nếu bị nặng có thể có biểu hiện giãn đồng tử.
  • Rối loạn chức năng vận động: Chân tay tê yếu, không thể tự đi, đứng hay ngồi được. Một số người còn có biểu hiện tê bì một hoặc cả 2 bên chi.
  • Rối loạn tiêu hóa: Người bị ngộ độc rượu trái cây xuất hiện các triệu chứng như nôn nhiều, tiêu chảy, đau bụng. 
  • Rối loạn nhận thức: Gọi nhầm tên người, nói nhiều, mê sảng.
  • Rối loạn hành vi: Có biểu hiện hung hăng, thích khiêu khích, có thể gây ra bạo lực.
  • Rối loạn hô hấp: Rối loạn hơi thở, rối loạn nhịp tim, huyết áp tăng, giảm bất thường. 
  • Rối loạn bài tiết: Nhiều người không tự chủ được đại tiện, tiểu tiện nhưng đi kèm tình trạng bí tiểu; lượng nước tiểu ít. 

Ngộ độc nặng có thể kéo theo các biến chứng nguy hiểm như nghẹt thở, khó thở, suy hô hấp, động kinh… Nguy hiểm nhất, nếu không được cấp cứu kịp thời, nạn nhân ngộ độc nặng có thể sẽ tử vong. 

ngộ độc rượu trái cây 3 Ngộ độc rượu trái cây cũng có biểu hiện giống như ngộ độc rượu cấp

Cách xử trí ngộ độc rượu trái cây

Khi nhận thấy nạn nhân có dấu hiệu ngộ độc, người nhà có thể sơ cứu tạm thời bằng cách:

  • Hỗ trợ gây nôn bằng biện pháp an toàn. Phù hợp nhất là móc họng nếu nạn nhân còn tỉnh táo. Không sử dụng các chất gây nôn, các thuốc giảm đau trong trường hợp ngộ độc.
  • Cho người ngộ độc rượu uống nhiều nước ấm hoặc các loại nước có công dụng giải rượu như: Nước sắn dây, nước dừa, trà đặc, sữa nóng…
  • Giữ ấm cơ thể nạn nhân nếu thân nhiệt hạ và thời tiết lạnh.
  • Để nạn nhân nằm nghỉ ở nơi thoáng khí. Tư thế nằm thích hợp là nằm nghiêng hoặc nằm sấp đầu nghiêng bên trái. 
  • Không cho người ngộ độc rượu ngủ quá lâu. Vài tiếng nên đánh thức họ dậy để ăn cháo loãng tránh tụt đường huyết. 
  • Khi thấy nạn nhân có những triệu chứng nặng như nôn quá nhiều kèm bụng chướng, tiêu chảy khó cầm, hô hấp khó khăn, thần kinh rối loạn… nên đưa họ đến ngay các cơ sở y tế. 
  • Trường hợp ngộ độc rượu trái cây nghiêm trọng, các bác sĩ sẽ tiến hành rửa dạ dày, truyền dịch bù nước bù điện giải, điều trị biến chứng…
ngộ độc rượu trái cây 5 Ngộ độc rượu nặng không được cấp cứu kịp thời sẽ nguy hiểm đến tính mạng

Cách phòng tránh ngộ độc rượu trái cây

Rượu trái cây có nhiều lợi ích với sức khỏe. Nhưng muốn loại đồ uống có cồn này phát huy hết tác dụng của nó, mỗi người nên biết cách tự phòng tránh ngộ độc. Cụ thể là: 

  • Khi ngâm rượu, bạn nên lựa chọn nguyên liệu cẩn thận. Các loại trái cây có ít axit oxalic sẽ phù hợp nhất để ngâm ủ. Tuyệt đối không sử dụng rượu methanol hay rượu có nồng độ methanol cao để ngâm rượu hoa quả. 
  • Nên sử dụng rượu trái cây chỉ trong vòng 1 năm kể từ ngày ngâm để đảm bảo hương vị cũng như độ an toàn. 
  • Rượu trái cây không độc hại nhưng sẽ phản tác dụng nếu sử dụng quá liều lượng. Liều dùng phù hợp với nữ giới bằng 1/2 nam giới. Mỗi lần chỉ dùng từ 1 - 2 ly là tốt nhất cho sức khỏe. 

Chỉ cần nắm vững những nguyên tắc ngâm ủ và phòng tránh ở trên, sẽ giúp bạn tránh được tình trạng ngộ độc rượu trái cây làm ảnh hướng đến sức khỏe. Hãy ngâm ủ đúng cách, sử dụng đúng liều lượng để có những ly rượu ngon thiết đãi người thân và bạn bè nhé!

Thanh Hương

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNgô Kim Thúy

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp loại giỏi trường Đại học Y Dược Huế. Từng tham gia nghiên cứu khoa học đề tài về Dược liệu. Nhiều năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.