Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Rối loạn tiêu hóa ở người lớn: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị

Ngày 26/05/2022
Kích thước chữ

Rối loạn tiêu hóa ở người lớn không đáng lo như ở trẻ em. Tìm hiểu nguyên nhân, triệu chứng, cách chữa rối loạn tiêu hóa hiệu quả nhất.

Rối loạn tiêu hóa có thể xảy ra ở cả người lớn và trẻ em. Nhưng rối loạn tiêu hóa ở người lớn thường dễ điều trị hơn và ít tái lại hơn. Biết rõ nguyên nhân, triệu chứng sẽ giúp người mắc áp dụng cách chữa rối loạn tiêu hóa ở người lớn hiệu quả và nhanh khỏi nhất. 

Rối loạn tiêu hóa là gì?

Rối loạn tiêu hóa là tình trạng các cơ vòng tiêu hóa co thắt bất thường làm thay rối loạn đại tiện (táo bón hoặc tiêu chảy), đau bụng, đầy hơi, buồn nôn... và nhiều triệu chứng khác. Rối loạn tiêu hóa tuy không phải bệnh nguy hiểm nhưng lại ảnh hưởng không nhỏ để thể chất và tinh thần của người mắc phải. 

Rối loạn tiêu hóa ở người lớn do đâu?

Muốn biết cách trị rối loạn tiêu hóa hiệu quả, trước hết ta cần tìm hiểu chính xác nguyên nhân gây rối loạn tiêu hóa. Các bác sĩ chỉ là một số nguyên nhân thường gặp nhất dẫn đến rối loạn tiêu hóa như:

Ăn uống và sinh hoạt không khoa học

Người Việt ta có câu “bệnh từ miệng vào”. Một số thói quen ăn uống và sinh hoạt không lành mạnh là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến triệu chứng rối loạn đường ruột. Cụ thể là:

  • Ăn đồ ăn cũ lâu ngày trong tủ lạnh, đồ ăn ngoài đường phố không đảm bảo vệ sinh, đồ ăn tái sống (các món gỏi, tái, sashimi…), món ăn nhiều dầu mỡ và chế biến sẵn.
  • Sử dụng nước uống có gas, đồ uống có cồn và các chất kích thích.
  • Thói quen “ăn tranh thủ”, vừa ăn vừa làm việc, ăn quá nhanh, ăn quá no hoặc bỏ bữa.
  • Công việc căng thẳng, stress trong cuộc sống cũng là nguyên nhân gián tiếp dẫn đến tình trạng rối loạn tiêu hóa ở người lớn.
rối loạn tiêu hóa ở người lớn 1 Xác định nguyên nhân để có cách chữa rối loạn tiêu hóa hiệu quả

Dùng nhiều thuốc kháng sinh, kháng viêm 

Những người mắc bệnh nền cần sử dụng thuốc kháng sinh, kháng viêm trong quá trình điều trị bệnh cũng dễ bị rối loạn tiêu hóa. Kháng sinh là “khắc tinh” của các loại vi khuẩn gây bệnh và hại khuẩn đường ruột. Nhưng chúng vô tình cũng tiêu diệt lượng đáng kể vi khuẩn có lợi trong đường ruột. Một hệ vi sinh cân bằng gốm 85% lợi khuẩn và 15% hại khuẩn sống cộng sinh. Nếu tỷ lệ này thay đổi, hệ vi sinh đường ruột mất cân bằng và hệ tiêu hóa hoạt động kém “mượt mà”.

Các bệnh lý có sẵn gây rối loạn tiêu hóa ở người lớn

Một số bệnh lý có thể là nguyên nhân của tình trạng rối loạn tiêu hóa như: Viêm đại tràng co thắt (hội chứng ruột kích thích), viêm dạ dày, viêm loét dạ dày, tá tràng. Ngoài ra, nhiều người có cơ địa không dung nạp hoặc dị ứng đường lactose (có trong nhiều loại sữa) hay gluten - một loại protein… cũng dễ bị rối loạn tiêu hóa. 

Phụ nữ mang bầu

Rối loạn tiêu hóa khi mang thai cũng khiến nhiều mẹ bầu than phiền. Nguyên nhân có thể do:

  • Nồng độ hormone Progesterone trong cơ thể mẹ tăng cao làm giảm nhu động ruột, dễ gây táo bón. 
  • Thai nhi lớn dần trong bụng tạo sức ép lên hệ tiêu hóa của mẹ.
  • Mẹ bầu sử dụng các viên uống hoặc thuốc bổ như viên sắt, vitamin... nên khó tiêu và bị táo bón. 

Triệu chứng rối loạn tiêu hóa ở người lớn

Rối loạn tiêu hóa được gây ra bởi nhiều nguyên nhân khác nhau. Nhưng rối loạn tiêu hóa ở người lớn đều có chung những triệu chứng thường gặp như: 

Tiêu chảy hoặc táo bón

Tiêu chảy hoặc táo bón đều là biểu hiện của tình trạng rối loạn đại tiện. Đây là những dấu hiệu đầu tiên để nhận biết chứng rối loạn tiêu hóa. Hai tình trạng này cũng có thể xảy ra xen kẽ. Nếu bị nặng có thể lẫn chất nhầy hoặc máu trong chất thải.

Nôn hoặc có cảm giác buồn nôn

Các vi khuẩn có hại trong đường ruột, các men hình thành trong quá trình tiêu hóa thức ăn... có thể là nguyên nhân gây cảm giác buồn nôn. Nghiêm trọng hơn cả là tình trạng “miệng nôn, trôn tháo”. Nôn ói và tiêu chảy cùng lúc khiến cơ thể mất nước, mất nhiều điện giải dẫn đến mệt mỏi. 

rối loạn tiêu hóa ở người lớn 2 Nhận biết dấu hiệu rối loạn tiêu hóa ở người lớn để sớm chấm dứt triệu chứng khó chịu

Đau bụng âm ỉ hoặc dữ dội từng cơn

Khi hệ tiêu hóa gặp vấn đề, các cơ vòng co thắt bất thường gây nên những cơn đau bụng. Cùng với nhịp co thắt của cơ vòng, bụng có thể đau theo cơn với các mức độ từ âm ỉ đến dữ dội. Đau bụng cũng thường đi kèm triệu chứng tiêu chảy.

Chướng bụng, đầy hơi, khó tiêu

Trong nhiều trường hợp, rối loạn tiêu hóa ở người lớn không gây đau bụng nhưng lại khiến “khổ chủ” chướng bụng, đầy hơi, khó tiêu. Đây là hậu quả của tình trạng rối loạn chuyển hóa tinh bột, protein do thiếu enzyme tiêu hóa, hoặc sự lên men của các vi khuẩn trong ruột kết. 

Ngoài ra, còn những triệu chứng khác như đắng miệng, chán ăn, sốt... cũng là biểu hiện của rối loạn tiêu hóa. 

Cách điều trị rối loạn tiêu hóa ở người lớn

Ngoài nguyên nhân và triệu chứng rối loạn tiêu hóa, bạn cũng nên biết cách điều trị nhanh chóng và hiệu quả để giảm cảm giác khó chịu trong sinh hoạt. Vậy khi rối loạn tiêu hóa nên làm gì?

Chữa rối loạn tiêu hóa cho bà bầu

Chữa rối loạn tiêu hóa cho bà bầu cần đặt an toàn lên hàng đầu. Một số cách mẹ bầu có thể áp dụng để giảm triệu chứng khó chịu như:

  • Uống đủ nước mỗi ngày, uống thêm nước dừa (nếu bầu ngoài 5 tháng), vừa bổ sung điện giải lại vừa tốt cho nước ối. Nếu mẹ bầu bị tiêu chảy nhiều cần uống thêm Oresol để bù điện giải. 
  • Bổ sung ít nhất nhất 28g chất xơ trong khẩu phần ăn qua các loại rau xanh, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt. Một số thực phẩm chức năng hỗ trợ tiêu hóa như bột rau xanh, viên uống thảo dược... cũng có tác dụng giảm đáng kể tình trạng táo bón. 
  • Mẹ bầu có thể chia nhỏ khẩu phần ăn để giảm áp lực lên hệ tiêu hóa. 
  • Nếu rối loạn đại tiện, mẹ bầu có thể bổ sung men vi sinh để tăng sinh lợi khuẩn đường ruột. Đây cũng là cách chữa rối loạn tiêu hóa ở người lớn rất an toàn.
rối loạn tiêu hóa ở người lớn 2 Bà bầu có thể bổ sung men vi sinh để duy trì hệ tiêu hóa luôn khỏe mạnh 

Thực đơn đặc biệt khi rối loạn tiêu hóa

Chứng rối loạn tiêu hóa hoàn toàn có thể khắc phục triệt để nếu bạn áp dụng một chế độ ăn đặc biệt. Các bác sĩ khuyến cáo:

  • Người gặp vấn đề về tiêu hóa nên sử dụng các loại thực phẩm như: Chuối, táo, dứa, khoai lang, ngũ cốc nguyên hạt, thịt trắng, sữa chua không đường...
  • Các thực phẩm không nên ăn là đồ ăn nhiều dầu mỡ, đồ ăn cay nóng, đồ ăn cũ, đồ ăn chứa thành phần khó dung nạp, sữa và các chế phẩm từ sữa có đường...
  • Tùy tình trạng rối loạn đại tiện, bạn cần chọn thực phẩm cho phù hợp. Ví dụ: Nếu bị tiêu chảy nhiều, bạn nên giảm chất xơ trong khẩu phần ăn. Nếu bị táo bón, bạn nên tăng cường ăn chất xơ…

Tạo lập thói quen ăn uống và sinh hoạt lành mạnh

Nếu không có duy trì thói quen ăn uống và sinh hoạt lành mạnh, người lớn cũng dễ bị tái lại rối loạn tiêu hóa nhiều lần. Vậy thói quen ăn uống và sinh hoạt lành mạnh gồm những gì?

  • Ăn uống đủ bữa, đúng giờ, ăn chín uống sôi.
  • Hạn chế ăn ngoài vỉa hè, thực phẩm chế biến sẵn, đồ ăn nhanh nhiều dầu mỡ và chất bảo quản.
  • Hạn chế sử dụng đồ uống đóng chai, đồ uống có cồn, thuốc lá.
  • Tránh căng thẳng, mệt mỏi.
  • Ngủ sớm, dậy sớm, luyện tập với mức độ phù hợp.
rối loạn tiêu hóa ở người lớn 4 Chế độ ăn uống rất quan trọng trong điều trị rối loạn tiêu hóa

Điều quan trọng nhất là bạn cần lắng nghe cơ thể để có cách xử lý rối loạn tiêu hóa ở người lớn phù hợp. Trong trường hợp đi ngoài nhiều kèm nôn ói, sốt cao, mất nước trầm trọng… bạn có thể cần sự trợ giúp và tư vấn của bác sĩ để được kê đơn các loại thuốc chữa rối loạn tiêu hóa.

Xem thêm:

Thanh Hương

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại học Nguyễn Tuấn Trịnh

Đã kiểm duyệt nội dung

Từng làm ở Viện ISDS, nhiều năm cộng tác với CDC Thái Nguyên triển khai dự án phòng chống HIV/AIDS, 2 năm cộng tác với WHO.

Xem thêm thông tin