1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ/
  4. Kiến thức y khoa

Nhận biết 4 nguyên nhân gây ngộ độc thực phẩm thường gặp để phòng ngừa hiệu quả

12/05/2025
Kích thước chữ

Ngộ độc thực phẩm là mối đe dọa nghiêm trọng đến sức khỏe, gây ra bởi nhiều nguyên nhân khác nhau. Hiểu rõ 4 nguyên nhân gây ngộ độc thực phẩm sẽ giúp bạn chủ động phòng ngừa, bảo vệ sức khỏe an toàn. Bài viết dưới đây sẽ giúp nhận biết 4 nguyên nhân gây ngộ độc thực phẩm thường gặp.

Ngộ độc thực phẩm không chỉ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe mà còn có thể đe dọa tính mạng nếu không được phát hiện và xử lý kịp thời. Từ thực phẩm nhiễm khuẩn, hóa chất độc hại đến độc tố tự nhiên và ký sinh trùng, 4 nguyên nhân gây ngộ độc thực phẩm này đều tiềm ẩn trong những thực phẩm chúng ta tiêu thụ hàng ngày. Hiểu rõ từng nguyên nhân sẽ giúp bạn chủ động áp dụng các biện pháp phòng ngừa hiệu quả. Cùng tìm hiểu chi tiết trong bài viết dưới đây.

Ngộ độc thực phẩm là gì?

Ngộ độc thực phẩm là tình trạng khi người tiêu thụ phải các thực phẩm hoặc nước uống bị nhiễm các yếu tố có hại như vi khuẩn, virus, ký sinh trùng, hóa chất độc hại hoặc các độc tố sinh ra trong quá trình bảo quản hoặc chế biến thực phẩm không đúng cách. Khi các tác nhân này xâm nhập vào cơ thể, chúng có thể gây rối loạn chức năng tiêu hóa, dẫn đến các triệu chứng như buồn nôn, nôn mửa, tiêu chảy, đau bụng, sốt và trong một số trường hợp nghiêm trọng, có thể gây ra những biến chứng nghiêm trọng. Ngộ độc thực phẩm có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, những người có hệ miễn dịch yếu, trẻ em, người già và phụ nữ mang thai thường có nguy cơ cao hơn.

Nhận biết 4 nguyên nhân gây ngộ độc thực phẩm thường gặp 3
Buồn nôn là triệu chứng phổ biến đầu tiên khi ăn phải thực phẩm nhiễm khuẩn

4 nguyên nhân gây ngộ độc thực phẩm

Ngộ độc thực phẩm không chỉ là một tình trạng cấp bách mà còn có thể để lại hậu quả nghiêm trọng nếu không được xử lý kịp thời. Việc nhận biết nguyên nhân gây ngộ độc thực phẩm là chìa khóa để ngăn ngừa vấn đề này. Có nhiều yếu tố dẫn đến ngộ độc thực phẩm, nhưng 4 nguyên nhân gây ngộ độc thực phẩm chính dưới đây chiếm tỷ lệ lớn.

Vi khuẩn

Vi khuẩn là một trong 4 nguyên nhân gây ngộ độc thực phẩm hàng đầu. Các loại vi khuẩn nguy hiểm như Salmonella, Escherichia coli (E. coli), Listeria monocytogenes và Campylobacter. Những vi khuẩn này thường phát triển trong điều kiện ấm, ẩm và trên các loại thực phẩm không được bảo quản hoặc chế biến đúng cách. Ngộ độc thực phẩm do vi khuẩn có thể gây triệu chứng từ nhẹ như tiêu chảy, đau bụng đến nặng như suy thận, nhiễm trùng huyết. Để tránh ngộ độc thực phẩm do vi khuẩn, cần nấu chín thực phẩm, rửa sạch nguyên liệu và bảo quản ở nhiệt độ thích hợp.

Nguồn nhiễm khuẩn của vi khuẩn đến từ các nguyên nhân như:

  • Thịt sống hoặc chưa nấu chín.
  • Trứng sống hoặc sữa chưa tiệt trùng.
  • Hải sản, đặc biệt là hàu hoặc cá để lâu.
  • Rau củ quả rửa không sạch, nhiễm khuẩn từ đất hoặc nước.
Nhận biết 4 nguyên nhân gây ngộ độc thực phẩm thường gặp 2
Vi khuẩn là một trong 4 nguyên nhân gây ngộ độc thực phẩm do không bảo quản đúng cách

Hóa chất

Hóa chất là một nguyên nhân quan trọng khác gây ngộ độc thực phẩm, thường xuất phát từ quá trình trồng trọt, chế biến hoặc bảo quản thực phẩm. Các hóa chất độc hại bao gồm thuốc trừ sâu, chất bảo quản, kim loại nặng (chì, thủy ngân) và chất phụ gia không đạt tiêu chuẩn. Nguồn nhiễm khuẩn đến từ rau củ nhiễm thuốc trừ sâu do quá trình canh tác không an toàn, cá và hải sản nhiễm kim loại nặng từ môi trường nước ô nhiễm, thực phẩm đóng hộp chứa chất bảo quản, phụ gia không rõ nguồn gốc, đồ ăn nhanh, thực phẩm chế biến sẵn chứa chất tạo màu, chất ổn định và hương liệu tổng hợp.

Ngộ độc thực phẩm do hóa chất, có thể để lại những tác hại như gây tổn thương gan, thận hoặc hệ thần kinh. Tích tụ lâu dài dẫn đến các bệnh mãn tính và thậm chí là ung thư, gây ngộ độc cấp tính với triệu chứng nôn mửa, chóng mặt hoặc co giật.

Độc tố tự nhiên

Độc tố tự nhiên trong thực phẩm là các chất hóa học hoặc hợp chất độc hại có sẵn trong thực phẩm mà không phải do con người tạo ra. Những độc tố này có thể xuất hiện trong thực phẩm thực vật, động vật hoặc nấm mà con người tiêu thụ hàng ngày. Độc tố tự nhiên trong thực phẩm đến từ các nguồn như:

  • Tetrodotoxin: Đây là loại độc tố cực mạnh, có thể gây tử vong nếu tiêu thụ phải. Loại độc tố này có trong cá nóc vì thế việc sơ chế và chế biến cá nóc đòi hỏi kỹ năng và kiến thức đặc biệt để loại bỏ độc tố.
  • Solanine: Có trong khoai tây mọc mầm vì khi khoai mọc mầm hoặc chuyển sang màu xanh, hàm lượng solanine tăng cao và có thể gây ngộ độc nếu ăn phải.
  • Nấm dại chứa độc tố tự nhiên: Một số loại nấm dại có hình dáng tương tự nấm ăn được nhưng lại chứa chất độc chết người. Việc nhận diện và chọn lựa nấm cần hết sức cẩn trọng.
  • Hạt đậu chưa chín kỹ: Đậu sống hoặc đậu chưa được nấu chín kỹ chứa các hợp chất gây ngộ độc như lectin và saponin.

Ký sinh trùng

Ngộ độc thực phẩm do ký sinh trùng xảy ra khi con người tiêu thụ thực phẩm hoặc nước uống bị nhiễm ký sinh trùng như Toxoplasma gondii, Giardia lamblia hoặc Trichinella. Các loại thực phẩm dễ bị nhiễm ký sinh trùng như thịt chưa nấu chín, hải sản sống, rau sống không rửa sạch và nước uống không được xử lý đúng cách. Khi xâm nhập vào cơ thể, ký sinh trùng có thể gây ra các triệu chứng như đau bụng, tiêu chảy, buồn nôn, sốt.

Nhận biết 4 nguyên nhân gây ngộ độc thực phẩm thường gặp 1
Các tác nhân gây ngộ độc thực phẩm trong thức ăn mà mắt thường không thể nhìn thấy

Cách phòng ngừa ngộ độc thực phẩm

Để tránh những hậu quả nghiêm trọng do ngộ độc thực phẩm gây ra, việc nhận biết và phòng ngừa là điều vô cùng quan trọng. Ngộ độc thực phẩm có thể gây ra các triệu chứng nguy hiểm, thậm chí đe dọa tính mạng nếu không được xử lý đúng cách. Dưới đây là các biện pháp phòng ngừa nên biết.

  • Lựa chọn thực phẩm an toàn: Việc lựa chọn thực phẩm từ các nguồn cung cấp uy tín và đảm bảo vệ sinh là bước đầu tiên để phòng ngừa ngộ độc thực phẩm.
  • Quan sát hình thức thực phẩm: Thực phẩm tươi sống như thịt, cá, rau củ cần có màu sắc tự nhiên, không có mùi hôi, không có dấu hiệu ôi thiu hoặc dập nát.
  • Bảo quản thực phẩm đúng cách: Bảo quản thực phẩm đúng cách giúp ngăn ngừa sự phát triển của vi khuẩn, nấm mốc và ký sinh trùng.
  • Phân loại thực phẩm: Thực phẩm sống và chín cần được bảo quản riêng biệt để tránh lây nhiễm chéo. Sử dụng các hộp đựng thực phẩm kín hoặc túi nhựa chuyên dụng để ngăn ngừa sự xâm nhập của vi khuẩn.
  • Chế biến thực phẩm an toàn: Chế biến thực phẩm đúng cách giúp tiêu diệt vi khuẩn, ký sinh trùng và độc tố có thể tồn tại trong thực phẩm.
  • Rửa tay sạch sẽ: Trước khi chế biến thực phẩm, cần rửa tay bằng xà phòng để loại bỏ vi khuẩn.
  • Không để thực phẩm ngoài nhiệt độ phòng quá lâu: Vi khuẩn có thể phát triển mạnh khi thực phẩm để ở nhiệt độ từ 5 - 60°C. Do đó, thực phẩm nấu chín cần được tiêu thụ ngay hoặc bảo quản lạnh trong vòng 2 giờ.
  • Xử lý thực phẩm đúng cách: Ngoài việc lựa chọn và chế biến thực phẩm, cách xử lý thực phẩm thừa cũng rất quan trọng trong việc phòng ngừa ngộ độc thực phẩm. Đối với thực phẩm thừa cần được cho vào hộp kín và bảo quản ngay trong tủ lạnh. Khi hâm nóng lại, thực phẩm phải đạt nhiệt độ 75°C để đảm bảo tiêu diệt vi khuẩn.
  • Kiểm soát nguồn nước: Nguồn nước ô nhiễm là một trong những nguyên nhân chính gây ngộ độc thực phẩm do vi khuẩn, ký sinh trùng và hóa chất độc hại. Để đảm bảo an toàn nên sử dụng nước uống đã qua xử lý, đun sôi nước hoặc sử dụng máy lọc nước để loại bỏ vi khuẩn và ký sinh trùng.
Nhận biết 4 nguyên nhân gây ngộ độc thực phẩm thường gặp 4
Phân loại thực phẩm và bảo quản riêng biệt để tránh lây nhiễm chéo

Ngộ độc thực phẩm là vấn đề sức khỏe nghiêm trọng có thể ảnh hưởng đến bất kỳ ai nếu không chú ý đến các yếu tố gây hại trong quá trình lựa chọn, chế biến và bảo quản thực phẩm. Các nguyên nhân chính dẫn đến ngộ độc thực phẩm bao gồm vi khuẩn, virus, độc tố và ký sinh trùng. Hiểu rõ 4 nguyên nhân gây ngộ độc thực phẩm sẽ giúp bạn nhận diện và phòng tránh trong việc đảm bảo an toàn thực phẩm hàng ngày.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcTrần Huỳnh Minh Nhật

Đã kiểm duyệt nội dung

Dược sĩ chuyên khoa Dược lý - Dược lâm sàng. Tốt nghiệp 2 trường đại học Mở và Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Có kinh nghiệm nghiên cứu về lĩnh vực sức khỏe, đạt được nhiều giải thưởng khoa học. Hiện là Dược sĩ chuyên môn phụ trách xây dựng nội dung và triển khai dự án đào tạo - Hội đồng chuyên môn tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin