Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Ngộ độc thực phẩm bị tiêu chảy xử trí thế nào?

Ngày 08/06/2022
Kích thước chữ

Ngộ độc thực phẩm bị tiêu chảy là một trong những tình trạng có thể gặp khi ăn phải thức ăn không hợp vệ sinh. Người bị ngộ độc thực phẩm có thể gặp nguy hiểm nếu không được sơ cứu kịp thời. Hãy cùng Nhà Thuốc Long Châu tìm hiểu về tình trạng này cũng như cách xử trí chính xác nhé!

Ngộ độc thực phẩm bị tiêu chảy không phải tình trạng hiếm gặp khi hiện nay có thể bắt gặp hàng loạt thực phẩm giả hay thực phẩm kém chất lượng tràn lan trên thị trường. Người bệnh có thể gặp các triệu chứng như đau bụng tiêu chảy, đau đầu, chóng mặt và thậm chí là nguy hiểm đến tính mạng nếu không được tiếp cận các biện pháp cấp cứu can thiệp kịp thời.

Nguyên nhân dẫn đến ngộ độc thực phẩm bị tiêu chảy

Dưới đây là một số nguyên nhân phổ biến gây ngộ độc thực phẩm bị tiêu chảy:

Vi sinh vật và độc tố có trong thực phẩm

Có 7 loại vi sinh vật phổ biến gây ngộ độc: Salmonella, Campylobacter, Listeria, Bacillus cereus, E.coli, Staphylococcus, Shigella, Clostridium.

  • Salmonella: Hay còn gọi là vi khuẩn thương hàn, tồn tại trong dạ dày và ruột. Người bị nhiễm vi khuẩn Salmonella có triệu chứng tương tự như viêm dạ dày.
  • Campylobacter: Vi khuẩn Campylobacter thường sinh sống trong ruột gia súc và gia cầm. Nếu ăn thịt chưa nấu chín có thể dẫn đến hiện tượng nhiễm khuẩn, gây ra tiêu chảy, sốt, đau quặn bụng và một loạt các biến chứng kèm theo.
  • Listeria: Là nhóm vi khuẩn xuất hiện rộng rãi trong môi trường, gây nhiễm độc thức ăn rất nguy hiểm.
  • Bacillus cereus: Hiện diện nhiều trong đất, là loại vi khuẩn gây bệnh phổ biến và có điều kiện. Hầu hết các trường hợp ngộ độc do nhiễm vi khuẩn B. cereus thường nhẹ và tự khỏi.
  • E.coli: Vi khuẩn E.coli sinh sôi, phát triển mạnh mẽ ở ruột người và một số loài động vật. Đa số dạng vi khuẩn E.coli là lợi khuẩn giúp cho hệ tiêu hóa hoạt động hiệu quả hơn. Tuy nhiên, một số dạng E.coli là nguyên nhân gây các bệnh về đường tiêu hóa như: tiêu chảy, nhiễm khuẩn huyết, viêm màng não...
  • Staphylococcus (vi khuẩn tụ cầu): Khi tồn tại ở bề mặt cơ thể người, hầu hết các vi khuẩn tự cầu không gây bệnh hoặc chỉ gây nhiễm trùng da nhẹ. Tuy nhiên, khi chúng xâm nhập sâu hơn vào trong cơ thể thì có thể dẫn đến tình trạng nhiễm trùng nghiêm trọng, gây nguy hiểm cho tính mạng người bệnh.
  • Shigella: Vi khuẩn Shigella tồn tại nhiều trong nước ngọt, rau sống. Chúng gây bệnh viêm dạ dày ruột và bệnh lỵ trực khuẩn.
  • Clostridium: Vi khuẩn Clostridium tồn tại trong các loại thịt hộp, thực phẩm hút chân không. Khi nhiễm Clostridium, người bệnh thường xuất hiện các triệu chứng nôn, đau bụng, chướng bụng...nặng hơn có thể suy hô hấp.
Ngộ độc thực phẩm bị tiêu chảy xử trí thế nào? 1 Vi khuẩn E.coli có thể gây ngộ độc thực phẩm

Sử dụng thực phẩm ôi thiu, có nấm mốc

Thức ăn không được bảo quản đúng cách sẽ dẫn đến hiện tượng ôi thiu, hư hỏng, tạo điều kiện cho vi sinh vật gây hại xâm nhập, phát triển và sinh ra độc tố. Do đó, sử dụng thực phẩm ôi thiu sẽ làm cho cơ thể bị nhiễm độc. Thời gian ủ bệnh chỉ khoảng từ 30 phút đến 3 tiếng sau khi ăn, người bệnh sẽ xuất hiện các triệu chứng đặc trưng như tiêu chảy, đau bụng, buồn nôn, choáng váng...

Ngộ độc thực phẩm bị tiêu chảy xử trí thế nào? 2 Sử dụng thức ăn ôi thiu dẫn đến ngộ độc thực phẩm bị tiêu chảy

Thực phẩm nhiễm hóa chất có hại cho sức khỏe

Một số chất độc thực phẩm phổ biến ở Việt Nam:

  • Chì: Tồn tại ở dạng hợp chất như acetat, tactrat, citrat, acseniat gây độc nguy hiểm.
  • Chất tạo nạc (Clenbuterol): Được sử dụng chủ yếu cho lợn nhằm tăng tỉ lệ thịt nạc, gây nguy hiểm đối với bệnh nhân tim mạch và cao huyết áp.
  • Diêm tiêu: Chất phụ gia thực phẩm gây ung thư đường tiêu hóa.
  • Hàn the: Khi tích lũy trong cơ thể, hàn the gây nôn mửa, tiêu chảy, kích thích thần kinh.
  • Ure: Là phân bón hóa học, lượng dư thừa ure tích trữ trong thực phẩm gây độc hại cho sức khỏe.

Độc tố có sẵn trong thực phẩm không được làm sạch

  • Tetrodotoxin trong cá nóc.
  • Bufotoxin ở cóc.
  • Xyanua có trong măng.
  • Solanine có trong khoai tây mọc mầm.
  • Độc tố trong các loại nấm, rau dại…

Triệu chứng ngộ độc thực phẩm thường gặp

  • Đi ngoài phân lỏng nhiều lần (nhiều hơn 4 lần trong ngày).
  • Phân có mùi khó chịu, phân nát hoặc lỏng, có thể lẫn chất nhầy hoặc máu.
  • Buồn nôn.
  • Đau bụng, xuất hiện cơn đau quặn vùng bụng hoặc đau co thắt lưng.
  • Người bệnh có thể bị sốt nhẹ, đau đầu, choáng váng.
  • Sau khi nôn và đi ngoài nhiều lần, người bệnh thường có biểu hiện nhợt nhạt, toát mồ hôi lạnh, thở nhanh.
Ngộ độc thực phẩm bị tiêu chảy xử trí thế nào? 3 Buồn nôn - triệu chứng điển hình của bệnh nhân ngộ độc thực phẩm

Cách sơ cứu khi ngộ độc thực phẩm bị tiêu chảy

Gây nôn (nếu bệnh nhân còn tỉnh táo và không có biểu hiện nôn)

Để hạn chế độc tố xâm nhập vào cơ thể, cần kích thích cho bệnh nhân nôn hết lượng thức ăn trong dạ dày. Biện pháp đơn giản nhất là vệ sinh tay sạch sẽ rồi đặt tay chặn xuống lưỡi bệnh nhân. Khi kích thích nôn cần đặt bệnh nhân nằm nghiêng, kê cao đầu để tránh chất nôn tràn ngược vào phổi. Để bệnh nhân nôn càng nhiều càng tốt. Tuy nhiên, khi bệnh nhân đã rơi vào trạng thái hôn mê thì không nên kích thích gây nôn vì sẽ dễ gây sặc, ngạt thở.

Bổ sung nước và điện giải cho người ngộ độc thực phẩm bị tiêu chảy

Bệnh nhân nôn và đi ngoài nhiều lần dẫn đến cơ thể bị mất nước, do đó rất cần bổ sung nước và chất điện giải, vừa giúp bù nước, vừa hạn chế tác hại của độc tố. Có thể cho bệnh nhân uống nước lọc, dung dịch oresol hoặc nước gạo rang.

Khi pha dung dịch oresol, cần chú ý đọc kỹ hướng dẫn để pha đúng nồng độ. Chỉ sử dụng dung dịch đã pha trong vòng 24 giờ, bảo quản dung dịch không bị nhiễm bẩn để tránh gây nguy hiểm cho người bệnh.

Ngộ độc thực phẩm bị tiêu chảy xử trí thế nào? 4 Bù nước và chất điện giải

Nhanh chóng đưa bệnh nhân ngộ độc đến cơ sở y tế gần nhất

Mặc dù đã được sơ cứu nhưng bệnh nhân vẫn có thể gặp nguy hiểm và biến chứng bất kỳ lúc nào. Do đó, cần đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế để được chăm sóc và theo dõi.

Lưu ý: Không sử dụng thuốc chống tiêu chảy và bất kì loại thuốc nào mà không có sự chỉ định của bác sĩ. Việc sử dụng thuốc chống tiêu chảy khi chưa có chỉ định của bác sĩ có thể làm chậm quá trình đào thải vi khuẩn ra khỏi cơ thể.

Cách phòng ngừa ngộ độc thực phẩm bị tiêu chảy

  • Chọn thực phẩm tươi sống, không bị ôi thiu, còn hạn sử dụng, có xuất xứ nguồn gốc rõ ràng.
  • Bảo quản thức ăn trong điều kiện thích hợp.
  • Chế biến thực phẩm đúng cách, tốt nhất nên tuân thủ nguyên tắc ăn chín uống sôi.
  • Thường xuyên vệ sinh tay, đặc biệt là trước bữa ăn.
  • Lưu ý đến các chất độc phát sinh trong quá trình bảo quản, chế biến như aldehyd có hại cho sức khỏe sinh ra khi chiên dầu ăn ở nhiệt độ cao hoặc sử dụng dầu ăn nhiều lần.

Trên đây là những thông tin cơ bản về ngộ độc thực phẩm bị tiêu chảy, bao gồm nguyên nhân, dấu hiệu, cách xử lý và phương pháp phòng ngừa. Hy vọng bài viết trên đây có thể đáp ứng được nhu cầu thông tin mà bạn đọc đang tìm kiếm. Chúc bạn đọc thật nhiều sức khỏe!

Ánh Vũ

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Thanh Hải

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Đại học Dược Hà Nội, với hơn 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện là giảng viên giảng dạy các môn Dược lý, Dược lâm sàng,...

Xem thêm thông tin