Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Khỏe đẹp

Người bị bệnh thoái hóa khớp gối có nên đi xe đạp không?

Ngày 01/03/2022
Kích thước chữ

Thoái hóa khớp gối là một trong những bệnh viêm khớp phổ biến nhất, nó gây không ít cản trở cho sinh hoạt và cuộc sống của người bệnh. Người bị lão hóa khớp gối thường gặp khó khăn khi tham gia hoạt động thể dục thể thao nên khá nhiều bệnh nhân tỏ ra né tránh, e ngại việc vận động, chẳng hạn như đi xe đạp.

Người mắc thoái hóa khớp gối có nên đạp xe hay không? Hoạt động này sẽ cải thiện tình trạng xương khớp hay làm bệnh nặng thêm? Để tìm được lời giải đáp cho câu hỏi này, mời bạn đón đọc bài viết dưới đây nhé!

Người thoái hóa khớp gối có nên đạp xe không?

Thoái hóa khớp gối là tình trạng bệnh lý khá phổ biến, trước đây bệnh thường xảy ra ở người cao tuổi nhưng theo nhịp sống bận rộn hiện nay mà bệnh đang ngày càng có xu hướng trẻ hóa. Nguyên nhân chủ yếu là do luyện tập, vận động quá sức, chấn thương, thừa cân béo phì hoặc lão hóa khớp gối do tuổi già. Thoái hóa khớp gối đi kèm các triệu chứng như đau nhức, sưng tấy, viêm nhiễm nên làm người bệnh cảm thấy khó chịu, cản trở họ tham gia các hoạt động thể dục thể thao như đạp xe hay đi bộ.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia trong lĩnh vực xương khớp, đạp xe đạp đúng khoa học sẽ đem lại nhiều công dụng cho người bệnh, hỗ trợ điều trị, giúp phục hồi các tổn thương. Một số lợi ích người mắc thoái hóa khớp gối có thể nhận được từ việc đạp xe có thể kể đến như:

  • Kích thích sự hoạt động bôi trơn của các khớp, làm tăng sự đàn hồi, dẻo dai trong ổ khớp.
  • Tăng cường sự hấp thu chất dinh dưỡng từ dịch khớp của lớp sụn khớp. 
  • Rèn luyện cơ bắp khỏe mạnh, giảm áp lực tác động lên hệ thống xương.
  • Đốt cháy năng lượng, giảm Cholesterol xấu, giúp hạn chế tình trạng thừa cân, béo phì và giảm gánh nặng cho xương khớp.
  • Giúp bệnh nhân giải tỏa căng thẳng, tinh thần thoải mái hơn.

Người bị bệnh thoái hóa khớp gối có nên đi xe đạp không? 1

Thoái hóa khớp gối đi kèm các triệu chứng như đau nhức, sưng tấy, viêm nhiễm

Đạp xe đúng cách cho người thoái hóa khớp gối

Ngoài những công dụng tuyệt vời mà đạp xe đem lại cho người mắc bệnh thoái hóa khớp gối, các bạn cũng nên biết được cách đạp xe an toàn, khoa học và hiệu quả cho người bệnh. Người đau khớp gối không thể vận động với cường độ cao như người bình thường, sau đây là những bí quyết đạp xe giúp cải thiện tình trạng thoái hóa khớp gối.

Chuẩn bị cẩn thận trước khi đạp xe 

Ở bệnh nhân thoái hóa khớp gối, các sụn khớp bị mài mòn, xương cứng và đôi khi hình thành gai xương khiến cho việc vận động của họ trở nên rất khó khăn. Vì thế, việc chuẩn bị cẩn thận, kỹ lưỡng trước khi đạp xe là vô cùng cần thiết, giúp cho việc luyện tập diễn ra an toàn và đạt hiệu quả tốt nhất.

Bạn nên lưu ý một số vấn đề sau trong giai đoạn chuẩn bị:

  • Chọn lựa xe đạp thích hợp với thể chất của người đạp, không dùng xe quá thấp hay quá cao vì sẽ khiến bệnh nhân gắng sức, mỏi chân hơn khi đạp.
  • Sử dụng giày thể thao có kích thước vừa bàn chân, có độ đàn hồi, ma sát tốt và tốt hơn nên làm bằng nhựa dẻo.
  • Mặc quần áo rộng rãi, thoáng mát, có khả năng thấm hút mồ hôi.
  • Trang bị những dụng cụ hỗ trợ cho việc đạp xe như nước uống, thiết bị bảo hộ hoặc các loại xịt giảm đau, thuốc thoa vết thương ngoài,...
  • Lựa chọn lộ trình vừa phải, địa hình đạp xe bằng phẳng, có bóng mát vào ban ngày hoặc đèn điện vào ban đêm, không nên đạp xe ở những đoạn đường quá vắng người.

Người bị bệnh thoái hóa khớp gối có nên đi xe đạp không? 2

Mặc quần áo rộng rãi, thoáng mát, có khả năng thấm hút mồ hôi khi đạp xe

Đạp xe đúng cách cho người thoái hóa khớp gối

Bên cạnh việc chuẩn bị kỹ lưỡng trước khi đạp xe cho bệnh nhân thoái hóa khớp gối, điều quan trọng hơn cả là cách thức đạp xe sao cho đúng chuẩn khoa học, vừa an toàn vừa đem lại hiệu quả cao. Những chia sẻ về thời gian và tần suất luyện tập từ các chuyên gia xương khớp dưới đây sẽ rất cần thiết cho người đau khớp khi đạp xe.

  • Khi mới bắt đầu đạp, bạn nên khởi động nhẹ nhàng bằng cách đạp chậm rãi trong 5-7 phút cho các khớp gối quen dần với hoạt động này.
  • Sau khi đã quen với việc đạp xe, bạn có thể tăng cường độ đạp, tuy nhiên cũng cần hạn chế đạp xe quá lao lực vì có thể làm bệnh viêm khớp nặng thêm.
  • Trong thời gian đầu, bạn chỉ nên đạp xe trong khoảng 10-15 phút với tần suất 5 lần mỗi tuần. Các tuần tiếp theo, bạn có thể tăng thời lượng đạp xe lên nhưng không được quá 30 phút/ lần.

Người bị bệnh thoái hóa khớp gối có nên đi xe đạp không? 3

Khởi động nhẹ nhàng bằng cách đạp chậm rãi trong 5-7 phút cho các khớp gối quen dần

Những lưu ý khi đạp xe cho người thoái hóa khớp gối

Sau khi đã giải đáp được thoái hóa khớp gối có nên đạp xe không? Bạn nên tìm hiểu các lưu ý khi đạp xe cho người thoái hóa khớp gối. Đạp xe là bài luyện tập mang lại nhiều lợi ích cho người bị thoái hóa khớp gối. Thế nhưng nếu vô tình xảy ra sơ suất hoặc thực hiện sai cách trong quá trình đạp xe sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy nghiêm trọng cho người bệnh. 

Một số lưu ý bạn cần biết khi quyết định đạp xe:

  • Thực hiện đúng theo yêu cầu nên làm gì và không nên làm gì của bác sĩ vì một số trường hợp đạp xe sẽ làm bệnh trầm trọng thêm.
  • Khi đạp xe, nếu nhận thấy các dấu hiệu như ổ khớp trở nên sưng tấy, đau nặng hơn bình thường thì cần dừng luyện tập và đến bệnh viện để kiểm tra.
  • Thời điểm đạp xe thích hợp nhất là sáng sớm hoặc sau bữa ăn 2-3 giờ.
  • Nên phối hợp việc đạp xe với các phương pháp điều trị thoái hóa khớp theo chỉ dẫn của bác sĩ. 
  • Xây dựng lối sống lành mạnh, giữ tinh thần luôn thư giãn, thoải mái và có chế độ ăn uống phù hợp với người mắc bệnh xương khớp.

Người bị bệnh thoái hóa khớp gối có nên đi xe đạp không? 4

Nếu có dấu hiệu ổ khớp trở nên sưng tấy, đau nặng hơn bình thường thì cần dừng luyện tập

Nhiều người mắc bệnh thoái hóa khớp gối thường e ngại việc vận động, tập luyện thể dục thể thao vì cảm giác đau nhức và suy nghĩ bệnh có thể nặng thêm. Tuy nhiên, nếu hoạt động vừa phải và đúng cách thì bạn sẽ cải thiện đáng kể tình trạng lão hóa của xương khớp. Hy vọng bài viết này sẽ giúp bạn giải đáp được thắc mắc “Thoái hóa khớp gối có nên đạp xe không?” và nhanh chóng lấy lại được sự khỏe mạnh cho khớp gối của mình nhé!

Xem thêm: 

Người bị thoái hóa khớp gối có nên đi bộ không?

Các biến chứng thoái hóa khớp mà bạn không nên chủ quan

Hoàng Trang

Nguồn tổng hợp

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại học Nguyễn Tuấn Trịnh

Đã kiểm duyệt nội dung

Từng làm ở Viện ISDS, nhiều năm cộng tác với CDC Thái Nguyên triển khai dự án phòng chống HIV/AIDS, 2 năm cộng tác với WHO.

Xem thêm thông tin