Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Các phác đồ điều trị thoái hóa khớp gối

Ngày 15/04/2024
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Thoái hóa khớp gối là một vấn đề sức khỏe phổ biến, đặc biệt ở những người trưởng thành và người cao tuổi. Để giảm đau và cải thiện chất lượng cuộc sống, việc áp dụng các phác đồ điều trị là cực kỳ quan trọng. Bài viết này sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về bệnh lý và các phác đồ điều trị thoái hóa khớp gối.

Nếu bạn quan tâm đến thông tin về các phác đồ điều trị thoái hóa khớp gối thì bài viết dưới đây sẽ cung cấp các tài liệu liên quan hỗ trợ bạn.

Tổng quan về thoái hóa khớp gối

Dịch tễ của thoái hóa khớp gối

Thoái hóa khớp gối là một trong những nguyên nhân góp phần đáng kể dẫn đến tình trạng khuyết tật kéo dài nhiều năm trong các bệnh về cơ xương khớp. Do thoái hóa khớp gối phổ biến hơn ở người lớn tuổi (khoảng 70% trên 55 tuổi), tỷ lệ lưu hành toàn cầu dự kiến ​​sẽ tăng cùng với sự già đi của dân số. 

Bệnh thường khởi phát điển hình vào cuối những năm 40 đến giữa những năm 50 tuổi, mặc dù thoái hóa khớp gối cũng có thể ảnh hưởng đến những người trẻ tuổi hơn, bao gồm cả vận động viên và những người bị chấn thương khớp.

Thoái hóa khớp gối là gì?

Thoái hóa khớp gối là dạng viêm khớp phổ biến nhất, ảnh hưởng chủ yếu ở người trung niên và người lớn tuổi. Thoái hóa khớp gối gây ra sự phá hủy sụn khớp, có thể xảy ra ở bất kỳ khớp nào nhưng phần lớn ảnh hưởng đến bàn tay, đầu gối, hông hoặc cột sống.

cac-phac-do-dieu-tri-thoai-hoa-khop-goi 1
Thoái hóa khớp gối là gì?

Yếu tố nguy cơ và nguyên nhân

Những yếu tố nguy cơ của bệnh lý:

  • Chấn thương khớp.
  • Tuổi tác: Nguy cơ phát triển tăng theo tuổi tác.
  • Giới tính: Phụ nữ có nhiều khả năng mắc bệnh hơn nam giới, đặc biệt là sau 50 tuổi.
  • Béo phì: Cân nặng tăng thêm tăng gánh nặng lên các khớp, đặc biệt là các khớp chịu trọng lượng như hông và đầu gối. Sự tăng lên này làm tăng nguy cơ viêm khớp tại khớp đó. Ngoài ra, béo phì cũng có thể có tác dụng lên quá trình chuyển hóa làm tăng nguy cơ mắc bệnh.
  • Di truyền: Những người có thành viên trong gia đình mắc bệnh thoái hóa khớp có nhiều khả năng mắc bệnh hơn.
cac-phac-do-dieu-tri-thoai-hoa-khop-goi 2
Béo phì là một yếu tố nguy cơ của bệnh lý

Nguyên nhân của bệnh lý

Thoái hóa khớp gối có thể được phân loại là nguyên phát hoặc thứ phát. Thoái hóa khớp gối nguyên phát thường không rõ nguyên nhân. Thoái hóa khớp gối thứ phát là do một bệnh khác hoặc nhiễm trùng, chấn thương, hay các biến dạng khớp gây nên. 

Thoái hóa khớp gối bắt đầu bằng sự phá hủy sụn ở khớp. Khi sụn mòn đi, các đầu xương có thể dày lên và hình thành các gai xương. Gai xương cản trở chuyển động của khớp. Các mảnh xương và sụn có thể trôi nổi trong khoang khớp. Các u nang chứa đầy chất lỏng có thể hình thành trong xương và hạn chế cử động của khớp.

Dấu hiệu và triệu chứng điển hình

Triệu chứng phổ biến nhất của thoái hóa khớp gối là đau sau khi khớp hoạt động quá mức hoặc không hoạt động. Các triệu chứng thường phát triển chậm qua nhiều năm, có thể xảy ra hơi khác nhau ở mỗi người và có thể bao gồm:

  • Đau khớp;
  • Cứng khớp, đặc biệt là sau khi ngủ hoặc không hoạt động.

Vậy phác đồ điều trị thoái hóa khớp gối cụ thể như thế nào, mời các bạn tiếp tục theo dõi nội dung bài viết.

Hướng dẫn điều trị của Hội Thấp khớp học Hoa kỳ (ACR) năm 2019

Biện pháp không dùng thuốc

Các biện pháp không dùng thuốc được khuyến cáo mạnh bao gồm:

  • Giảm cân (nếu thừa cân).
  • Tập thể dục.
  • Giáo dục người bệnh (kiến thức về bệnh, hiệu quả điều trị, tham gia quyết định quá trình điều trị).
  • Sử dụng dụng cụ hỗ trợ đi lại (gậy chống).
cac-phac-do-dieu-tri-thoai-hoa-khop-goi 3
Các phác đồ điều trị thoái hóa khớp gối

Biện pháp dùng thuốc

Thuốc bôi ngoài da (NSAIDs): Khuyến cáo mạnh sử dụng trước khi dùng NSAIDS đường uống.

Thuốc uống:

  • NSAIDs: Khuyến cáo là lựa chọn thứ 2, sau NSAIDs dùng ngoài da.
  • Acetaminophen: Khuyến cáo sử dụng khi không dung nạp hoặc chống chỉ định với NSAIDS, nên dùng ngắn hạn và từng đợt. Cần theo dõi nhiễm độc gan khi dùng lâu ngày, khuyến cáo liều tối đa 3g/ngày (chia làm nhiều lần).
  • Tramadol: Khuyến cáo sử dụng khi bệnh nhân có chống chỉ định với NSAIDs.
  • Giảm đau opioid khác: Khuyến cáo không sử dụng (Có bằng chứng cho thấy có ít lợi ích khi dùng opioid dài hạn và nguy cơ độc tính, lệ thuộc cao).
  • Nhóm thuốc điều trị triệu chứng tác dụng chậm (SYSDODA): Khuyến cáo mạnh không sử dụng.

Tiêm nội khớp:

  • Corticoid: Khuyến cáo mạnhsử dụng trong giảm đau ngắn hạn.
  • Acid hyaluronic: Khuyến cáo không sử dụng.
  • Tế bào gốc và huyết tương giàu tiểu cầu: Khuyến cáo mạnh không sử dụng (công thức không chuẩn hóa, bằng chứng chất lượng thấp).

Hướng dẫn điều trị của Hiệp hội Nghiên cứu thoái hóa khớp Quốc tế (OARSI) năm 2019

Biện pháp không dùng thuốc

Các biện pháp không dùng thuốc được khuyến cáo mạnh: Giảm cân (nếu thừa cân), tập thể dục, giáo dục bệnh nhân về bệnh lý thoái hóa khớp.

cac-phac-do-dieu-tri-thoai-hoa-khop-goi 4
Giảm cân là một trong những biện pháp được khuyến cáo mạnh

Biện pháp dùng thuốc

Thuốc bôi ngoài da (NSAIDs): Khuyến cáo là lựa chọn đầu tay do ít các tác dụng phụ và tổng liều dùng ít hơn NSAIDS đường uống.

Thuốc uống:

  • NSAIDs: Là lựa chọn thứ 2 sau NSAIDs dùng ngoài da.
  • Acetaminophen: Khuyến cáo không sử dụng (bằng chứng trong phân tích tổng hợp còn ít hoặc không có hiệu quả ở những người bị viêm khớp, có khả năng nhiễm độc gan).
  • Tramadol: Khuyến cáo mạnh không sử dụng.
  • Giảm đau opioid khác: Khuyến cáo mạnh không sử dụng.
  • Nhóm thuốc điều trị triệu chứng tác dụng chậm (SYSDODA): Không đề cập.

Tiêm nội khớp:

  • Corticoid: Khuyến cáo sử dụng giảm đau trong thời gian ngắn.
  • Acid hyaluronic: Khuyến cáo sử dụng dài ngày khi bệnh nhân có chống chỉ định tiêm corticoid kéo dài.
  • Tế bào gốc và huyết tương giàu tiểu cầu: Khuyến cáo mạnh không sử dụng do công thức không chuẩn hóa, bằng chứng chất lượng thấp.
cac-phac-do-dieu-tri-thoai-hoa-khop-goi 5
Các thuốc giảm đau và kháng viêm đường uống được sử dụng để hỗ trợ điều trị triệu chứng

Hướng dẫn điều trị của Học viện Phẫu thuật Chỉnh hình Hoa Kỳ (AAOS) năm 2021

Biện pháp không dùng thuốc

Các biện pháp không dùng thuốc được khuyến cáo mạnh: 

  • Giảm cân (nếu thừa cân).
  • Tập thể dục.
  • Giáo dục bệnh nhân (hướng dẫn kiến thức về bệnh, hiệu quả điều trị, tham gia quyết định quá trình điều trị).
  • Dụng cụ hỗ trợ đi lại (gậy chống).

Biện pháp dùng thuốc

Thuốc bôi ngoài da (NSAIDs): Khuyến cáo sử dụng khi không có chống chỉ định.

Thuốc uống:

  • NSAIDs: Khuyến cáo sử dụng khi không có chống chỉ định.
  • Acetaminophen: Khuyến cáo sử dụng khi không có chống chỉ định.
  • Tramadol: Khuyến cáo không sử dụng (Các nghiên cứu lâm sàng không ghi nhận hiệu quả trong việc cải thiện cơn đau hoặc chức năng khớp gối, gia tăng đáng kể biến cố bất lợi).
  • Giảm đau opioid khác: Khuyến cáo không sử dụng (không hiệu quả trong việc cải thiện cơn đau hoặc chức năng khớp gối, gia tăng đáng kể biến cố bất lợi).
  • Nhóm thuốc điều trị triệu chứng tác dụng chậm (SYSDODA): Khuyến cáo có thế sử dụng (có tác dụng giảm đau và cải thiện chức năng khớp gối từ nhẹ đến trung bình, tuy nhiên bằng chứng không nhất quán).

Tiêm nội khớp:

  • Corticoid: Khuyến nghị mức độ trung bình.
  • Acid hyaluronic: Khuyến nghị mức độ trung bình.
  • Huyết tương giàu tiểu cầu: Khuyến nghị mức độ yếu.
  • Tế bào gốc: Không đề cập.

Hướng dẫn điều trị của Tổ chức đánh giá đặc điểm lâm sàng, tác động kinh tế của bệnh thoái hóa khớp và loãng xương Châu Âu (ESCEO) năm 2019

Biện pháp không dùng thuốc

Các biện pháp không dùng thuốc được khuyến cáo mạnh: Giảm cân (nếu thừa cân), tập thể dục, giáo dục bệnh nhân.

Biện pháp dùng thuốc

Thuốc bôi ngoài da (NSAIDs): Khuyến cáo dùng thêm cùng nhóm thuốc điều trị triệu chứng tác dụng chậm (SYSADOA) và acetaminophen trước khi dùng NSAIDS đường uống.

Thuốc uống:

  • SYSDODA: Khuyến cáo là lựa chọn đầu tiên, điều trị lâu dài.
  • NSAIDs: Khuyến cáo là lựa chọn thứ 2 sau nhóm thuốc điều trị triệu chứng tác dụng chậm (SYSADOA), điều trị trong thời gian ngắn.
  • Acetaminophen: Khuyến cáo yếu đối với liệu pháp đơn lẻ, nên được kết hợp với phương pháp điều trị đầu tay là SYSADOA.
  • Tramadol: Khuyến cáo sử dụng có điều kiện, là lựa chọn thứ 3 sau SYSADOA, NSAIDs.
  • Giảm đau opioid khác: Khuyến cáo sử dụng có điều kiện, là lựa chọn thứ 3 sau SYSADOA, NSAIDs.

Tiêm nội khớp:

  • Corticoid: Khuyến cáo yếu về giảm đau ngắn hạn, dùng khi bệnh nhân có chống chỉ định với NSAIDs hoặc không giảm đau đủ khi điều trị bằng NSAIDs.
  • Acid hyaluronic: Khuyến cáo mức độ yếu, dùng khi bệnh nhân có chống chỉ định với NSAIDs hoặc không giảm đau đủ khi điều trị bằng NSAIDs.
  • Huyết tương giàu tiểu cầu: Không đề cập.
  • Tế bào gốc: Không đề cập.

Bài viết đã cung cấp các thông tin về các phác đồ điều trị thoái hóa khớp gối. Qua bài viết, việc chăm sóc và điều trị thoái hóa khớp gối là một quá trình không hề dễ dàng, nhưng việc áp dụng các phác đồ điều trị phù hợp có thể mang lại nhiều lợi ích đáng kể. Bằng cách hiểu rõ về các phương pháp điều trị, tuân thủ đúng cách có thể giảm đau, cải thiện khả năng di chuyển và tăng cường chất lượng cuộc sống. Đừng ngần ngại tham khảo ý kiến của bác sĩ hoặc chuyên gia y tế để lựa chọn phương pháp phù hợp nhất cho tình trạng của bạn.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm